- Về chất lượng đại biểu HĐND
2.1.3.4. Trong thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến của nhân dân
Đây là một nguyên tắc được áp dụng một cách phổ biến trong các hoạt động của HĐND ở đây chúng tôi chỉ chọn "kỳ họp" (phương thức hoạt động chủ yếu của HĐND) để làm dẫn chứng.
Nếu các quy định về kỳ họp HĐND thể hiện tính dân chủ trong hoạt động là tương đối ổn định, không có thay đổi lớn thì thực tiễn thực hiện các quy định này có nhiều cách thức đa dạng, phong phú thể hiện và thực hiện tinh thần dân chủ hoạt động tại kỳ họp HĐND các cấp. Đặc biệt là theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2004.
- Thời gian tiến hành kỳ họp ngày càng dài hơn, càng có điều kiện thực hiện dân chủ, công khai trong kỳ họp. Có thể thấy, HĐND càng thực sự thực hiện quyền quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương thì quỹ thời gian cần thiết tổ chức kỳ họp HĐND phải lớn hơn. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Trước kia, ngay từ sắc lệnh đầu tiên về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố ngày 21/12/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành thì "Hội đồng nhân dân thành phố họp 2 tháng một kỳ, mỗi kỳ dài nhất là 6 ngày; kỳ họp bàn về ngân sách có thể dài đến 15 ngày". Quy định này thể hiện yêu cầu rất lớn của HĐND, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra tại mỗi kỳ họp và vì vậy xu thế tăng kỳ họp chuyên đề, kéo dài thời gian kỳ họp là xu thế phản ánh và thực hiện quyền dân chủ trong hoạt động của HĐND, thể hiện hoạt động thực chất của cơ quan dân cử trong từng quyết định của mình, khắc phục tính hình thức trong hoạt động của HĐND các cấp. Trong nhiệm kỳ 1999 - 2004,"thời gian tiến hành các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 3 - 4 ngày, cấp huyện từ 2 - 3 ngày và cấp xã từ 1 - 2 ngày" [27, tr. 7]. HĐND các cấp đều tổ chức các kỳ họp chuyên đề, kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhìn chung, thời gian tiến hành kỳ họp từng bước tăng dần nhưng chưa đáp ứng yêu cầu xem xét quyết định thực chất các vấn đề đặt ra.
- Truyền hình trực tiếp phiên họp khai mạc, bế mạc và chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là hình thức công khai rộng rãi hoạt động của HĐND tại kỳ họp được thực hiện trong nhiệm kỳ 1999 - 2004. Việc truyền hình trực tiếp chủ yếu được thực hiện ở HĐND cấp tỉnh. Việc truyền hình trực tiếp kỳ họp chủ yếu tập trung vào phiên khai mạc, bế mạc
và chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là những nội dung hết sức quan trọng của kỳ họp, trước hết nhằm giới thiệu trực tiếp nội dung chương trình kỳ họp, các quyết định tại kỳ họp được HĐND thông qua. Đặc biệt là việc chất vấn Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành của tỉnh, thành phố và việc trả lời chất vấn. ở kỳ họp HĐND cấp huyện, xã không có điều kiện truyền hình trực tiếp thì các địa phương đã vận dụng hình thức truyền thanh trực tiếp. Truyền hình, truyền thanh trực tiếp việc chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ thể hiện tính dân chủ, công khai trong hoạt động của HĐND mà còn có nhiều tác dụng tốt tới hiệu quả kỳ họp.
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trước những vấn đề cử tri
quan tâm, phản ánh liên quan tới những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người trả lời chất vấn, thể hiện thái độ cầu thị, nêu rõ các nguyên nhân tồn tại và giải pháp khắc phục.
Thứ ba, được cử tri hết sức hoan nghênh và quan tâm. Qua theo dõi truyền hình
trực tiếp phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri nắm bắt rõ hơn những vấn đề quản lý nhà nước, những tồn tại và giải pháp khắc phục. Từ đó có thể tham gia giám sát tốt hơn hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát và đánh giá đầy đủ hơn, đúng hơn hiệu quả hoạt động của HĐND và các đại biểu HĐND.
- Tiến hành chấm điểm hoạt động của đại biểu HĐND. Đây là một hình thức nhằm đánh giá công khai hiệu quả hoạt động của đại biểu và khích lệ việc thi đua trong hoạt động của HĐND. Việc chấm điểm và thông báo cho từng đại biểu biết thể hiện dân chủ, công khai hiệu quả hoạt động của đại biểu. Mặt khác, việc chấm điểm còn dựa trên cơ sở các báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri về đại biểu và về hoạt động của HĐND, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa đại biểu HĐND với cử tri, với nhân dân nhằm phản ánh kịp thời, chính xác ý chí, nguyện vọng của cử tri tới chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, với hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo nhóm vấn đề, lĩnh vực, giới, cử tri nơi cư trú và đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức đối thoại với cử tri. Chính những hoạt động của đại biểu vừa là những cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu, vừa thể hiện yêu cầu mở rộng dân chủ để cử tri giám sát hoạt
động của đại biểu HĐND, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước nhân dân.
- Một vấn đề nữa hết sức quan trọng, thể hiện quyền lực thực sự của HĐND, thể hiện tính dân chủ, công khai các hoạt động của HĐND là vấn đề quyết định ngân sách địa phương và vấn đề quyết định nhân sự chủ chốt của các cấp chính quyền cũng như việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu.
Về quyết định ngân sách địa phương. Trước đây, ngay từ Sắc lệnh 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức HĐND và UBHC do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã quy định: "Kỳ họp bàn về ngân sách có thể dài 15 ngày". Như vậy, vấn đề quyết định ngân sách của HĐND một cách thực chất đã được trù liệu trước ngay từ khi có sắc lệnh về tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh kéo dài nên các quy định này chưa được thực hiện trong thực tiễn. Cho đến gần đây, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sửa đổi Luật Ngân sách đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò quyết định ngân sách của Quốc hội và HĐND các cấp thì vấn đề này đã được thực thi trong hoạt động của Quốc hội và HĐND. Mặc dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, việc thực hiện ở HĐND các cấp không khỏi lúng túng, hình thức, chủ yếu dựa vào dự toán của UBND và thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách để HĐND biểu quyết. Còn vai trò của HĐND, của các ban của HĐND và của đại biểu HĐND trong việc quyết định ngân sách còn mờ nhạt.
Việc HĐND quyết định ngân sách của địa phương đã phản ánh vai trò thực chất của HĐND, từng bước công khai cụ thể các khoản thu, chi ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân, mục đích, mục tiêu và hiệu quả sử dụng ngân sách, việc hỗ trợ ngân sách của Trung ương và động viên huy động các nguồn vốn tại địa phương cho sự nghiệp phát triển của địa phương. Tuy nhiên, với đội ngũ chuyên gia, chuyên viên của HĐND, các Ban của HĐND còn mỏng, nghiệp vụ chuyên sâu còn nhiều hạn chế. Mục tiêu và thời gian xem xét, quyết định ngân sách ở địa phương là có giới hạn nên việc xem xét, quyết định ngân sách địa phương ở HĐND vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là làm rõ hiệu quả sử dụng ngân sách ở địa phương, các khoản chi, tiêu, huy động vốn để nhân dân biết và giám sát.
Về vấn đề quyết định nhân sự chủ chốt của chính quyền các cấp thường tiến hành vào kỳ họp đầu nhiệm kỳ của HĐND, một số trường hợp có thay đổi sẽ quyết định vào trong các kỳ họp thường kỳ của HĐND các cấp. Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng với Thường trực HĐND trong vấn đề bầu, phê chuẩn các nhân sự chủ chốt của chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của HĐND, đại biểu HĐND trong việc quyết định nhân sự, nhất là khi chúng ta có một Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Vì vậy, trên thực tế thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập không rõ vai trò thực sự của HĐND. Nhiều nơi, vai trò của HĐND còn mờ nhạt, bị động, hình thức, các đại biểu HĐND không được cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời khi xem xét, quyết định vấn đề nhân sự nên việc xem xét, quyết định nhân sự tại kỳ họp HĐND còn mang tính hình thức. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu khắc phục.