Do đặc điểm địa lý tự nhiên phân bố thành ba vùng với điều kiện tự nhiên khác nhau nên dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng cũng khác nhau.
Về hành chính: Nghệ An có 19 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó có 6 huyện
vùng cao, 4 huyện vùng núi thấp, 7 huyện đồng bằng, 1 thành phố loại 2 và 1 thị xã ven biển. Có 469 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: có 115 xã thuộc vùng cao; 127 xã vùng núi thấp và 227 xã thuộc vùng đồng bằng, ven biển.
Số lượng đơn vị hành chính xã lớn, quy mô từng đơn vị hành chính không đồng đều. Các xã vùng miền núi, vùng cao thường có diện tích rất lớn nhưng dân số ít. Các xã đồng bằng thì ngược lại có diện tích nhỏ nhưng dân số lại đông. Một số xã, phường có quy mô lớn như: số xã có số dân từ 10.000 người trở lên là 49 (chiếm 10,45%), đặc biệt các xã Diễn Yên (Diễn Châu) 14.278 người; xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) 14.183 người, Hưng Bình (thành phố Vinh) 20.905 người. Số xã có diện tích tự nhiên từ 10.000 ha trở lên là 43 (chiếm 9,17%), đặc biệt là các xã Châu Khê (Con Cuông) 43.888,13 ha; Thông Thụ (Quế Phong) 42.130,97 ha. Điều này dẫn tới khối lượng, độ phức tạp trong quản lý điều hành của từng đơn vị xã không giống nhau. Do vậy, yêu cầu số lượng cán bộ và tổ chức bộ máy của từng loại xã cũng cần có những quy định khác nhau nhất định.
Dân số, lao động: Dân số ở Nghệ An gần 3 triệu người, nhìn chung dân số trẻ,
40% có độ tuổi dưới 14 với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Phân bố không đều giữa các vùng: có 85% dân số (chủ yếu là người Kinh) sống tập trung ở đồng bằng và đô thị, 15% dân số chủ yếu là các dân tộc còn lại (Thái, H'mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ đu, Đan Lai) sống rải rác ở khu vực miền núi, vùng cao.
Nguồn lao động khá dồi dào (trên 1,6 triệu người), hàng năm được bổ sung trên 3 vạn lao động trẻ, trong đó 15% được đào tạo nghề. Số người được đào tạo chủ yếu thuộc
vùng đồng bằng đô thị còn ở miền núi vùng cao không đáng kể (theo điều tra số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 1,3%, số người có trình độ đại học các loại trở lên có tỷ lệ là 0,78%).
Qua đó cho thấy: Nghệ An có tiềm năng lớn về lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn rất thấp. Sự phân bố dân cư và trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, miền. Trình độ cán bộ cơ sở còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng cao trình độ còn rất thấp.
Về phát triển kinh tế: Với đặc điểm tự nhiên, đất đai, dân số và truyền thống văn hóa, cách mạng của mình, Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và vững chắc. Trong thời gian gần đây, kinh tế - xã hội Nghệ An đã có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, Nghệ An đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức, đó là:
- Trên 2/3 diện tích tự nhiên, bao gồm 242 xã, 1,4 triệu dân với 7 dân tộc ít người cùng sinh sống thuộc khu vực miền núi, vùng cao; địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi đèo và sông suối; cơ sở vật chất kỹ thuật (điện, giao thông, trạm xá, trường học...) còn rất nghèo nàn; đồng bào du canh du cư còn nhiều, dân trí thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
- Tài nguyên thiên nhiên phong phú về chủng loại nhưng trữ lượng nhỏ bé, lại nằm vùng sâu, khó khai thác công nghiệp.
- Thường xuyên bị thiên tai đe dọa, tàn phá: nắng hạn, mưa lụt liên miên.
Do vậy, cho đến nay, so với tình hình chung cả nước thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế vẫn còn thiên về nông nghiệp là chủ yếu (chiếm tỷ trọng 44,27% - năm 2000), thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 65-70% mức bình quân chung của cả nước, nội lực trong dân còn rất mỏng, thu ngân sách mới chỉ đáp ứng 50% yêu cầu chi. Hiện nay, Nghệ An còn 176/469 xã, phường, thị trấn thuộc diện nghèo (chiếm 37,5%) với tỷ lệ hộ nghèo trên 25%; trong đó có 115 xã (chiếm 24,7%), đặc biệt khó
khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 42%, được hưởng chế độ ưu đãi theo Chương trình 135 của Chính phủ.