phương theo ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân
Quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương là một trong những chức năng hoạt động chủ yếu của HĐND nhằm thể hiện và thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của HĐND với tư cách là đại diện cho ý chí, nguyện vọng quyền làm chủ của nhân dân địa phương và do nhân dân địa phương bầu ra.
Ngay từ những văn bản pháp luật đầu tiên về HĐND đã xác định: "Hội đồng nhân dân cấp xã, tỉnh, thành phố có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc trong
phạm vi địa phương của mình. Những quyết nghị đó không được trái với chỉ thị của các cấp trên" [65, tr. 220].
Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, chức năng quyết định của HĐND vẫn luôn được duy trì và phát triển. Tại Điều 1 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định:
Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đới sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước [57, tr. 500].
Để có cơ sở pháp lý cho HĐND thực hiện tốt chức năng này, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 cũng đã xác định cụ thể nội dung những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND bao gồm:
- Trong lĩnh vực kinh tế, HĐND quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ lao động và dân cư; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; chính sách tiết kiệm trong hoạt động quản lý sản xuất- kinh doanh và tiêu dùng, chống tham nhũng, chống buôn lậu.
- Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và đời sống, HĐND quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phát thanh, truyền hình; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc; bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách ưu đãi, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước.
- Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, HĐND quyết định các chủ trương, biện pháp khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ; cải thiện môi trường; biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu thông hàng giả, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
- Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, HĐND quyết định biện pháp thực hiện xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân ở địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm trên địa bàn lãnh thổ.
- Trong lĩnh vực thi hành chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, HĐND quyết định các biện pháp cải thiện đời sống vật chất tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn tăng cường mối quan hệ đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc; bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
- Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, HĐND quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương; biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước và của các tổ chức ở địa phương; bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.
- Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh theo luật định của HĐND, các Ban của HĐND và UBND cùng cấp, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Hội thẩm nhân dân của TAND cùng cấp; bãi bỏ những quyết định sai trái của UBND cùng cấp, những nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới trực tiếp, giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp nếu HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.
Như vậy, nội dung chức năng quyết định của HĐND là rất rộng, toàn diện bao gồm tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học, quốc phòng, an ninh… Điều này một lần nữa xác định rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HĐND trong chính quyền địa phương với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Mặt khác, đây cũng là căn cứ pháp lý tạo ra môi trường thuận lợi để chính quyền địa phương khai thác hết mọi tiềm năng, nội lực sẵn có ở địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân và cấp trên giao phó.
ở đây cần nhấn mạnh rằng, mặc dù HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân do nhân dân địa
phương bầu ra nhưng HĐND phải làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (Điều 120, Hiến pháp năm 1992), phát huy được tiềm năng của địa phương và làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước.
Quy định như vậy vừa khẳng định vai trò, chức năng của HĐND, vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất quyền lực.