Hội đồng nhân dân bãi miễn những người không xứng đáng trong bộ máy nhà nước

Một phần của tài liệu Tư tưởng hồ chí minh về bản chất dân chủ của nhà nước xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng trong đổi mới tổ chức (Trang 39 - 41)

máy nhà nước

Với mô hình chính quyền địa phương là một cơ quan đại diện quyền lực nhà nước của nhân dân trên địa bàn lãnh thổ do nhân dân bầu ra, HĐND đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức quyền lực nhà nước (quản lý nhà nước) trên địa bàn lãnh thổ. Theo sự cần thiết, một cơ quan chấp hành được cơ quan này lập ra để thực hiện các chức năng thường vụ, thường trực và tổ chức thực hiện các nghị quyết của cơ quan quyền lực và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung đó chính là UBHC.

Tại Sắc lệnh số 63/SL đã quy định: "ủy ban Hành chính do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt dân vừa đại diện cho Chính phủ" [65, tr. 216].

Dựa trên nguyên tắc về xây dựng Nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong đó nhân dân không những có quyền bầu ra các cơ quan nhà nước mà còn có quyền thay đổi, bãi miễn những người không còn xứng đáng. Nguyên tắc này đã được áp dụng đối với HĐND ngay từ những sắc lệnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc "Phúc quyết" UBHC xã và UBHC tỉnh. Bởi vì, UBHC do HĐND cùng cấp bầu ra và khi không còn tín nhiệm thì HĐND sẽ thay mặt nhân dân để giải quyết. Tại Điều 18 và 48 Sắc lệnh 63 quy định: Nếu một phần ba (1/3) số hội viên HĐND yêu cầu phúc quyết UBHC thì UBHC phải triệu tập ngay HĐND để bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu tín nhiệm thì những người có chân trong UBHC cũng bỏ phiếu như những hội viên khác trong HĐND. Nếu quá nửa tổng số hội viên HĐND bỏ phiếu không tín nhiệm UBHC thì UBHC bắt buộc phải từ chức [65, tr. 220; 225].

Khi chính quyền của chúng ta đang còn non trẻ, phải đối đầu với những khó khăn của một quốc gia mới giành được độc lập thì thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta, cả

nước bước vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 254/SL ngày 19/11/1948 về tổ chức lại chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến. ở sắc lệnh này, do tính đặc thù của thời chiến, tại Điều 9 có quy định: Quyền bãi miễn của HĐND xã và tỉnh đối với UBHC nói trong Điều 18 và 48 của Sắc lệnh số 63 không áp dụng đối với ủy ban kháng chiến hành chính [65, tr. 310].

Tuy nhiên, quy định này chỉ một năm sau đã được sửa lại để phù hợp với ý nguyện của dân và đảm bảo bản chất dân chủ của Nhà nước. Tại tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chủ tịch nước ngày 22 tháng 11 năm 1949, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đã viết:

Qua báo cáo của các địa phương cũng như trong hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc vừa qua Bộ tôi nhận thấy cần giữ nguyên quyền bãi miễn ấy.

Vậy Bộ tôi trân trọng đề nghị sửa đổi lại Điều 9 Sắc lệnh số254/SL ngày 11/11/1968 để Hội đồng nhân dân tỉnh và xã được sử dụng quyền bãi miễn như đã ấn định trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945, như vậy vừa hợp với dân nguyện, vừa đúng với tinh thần dân chủ [65, tr. 336-337].

Trên tinh thần đó, Điều 1 Sắc lệnh số 136/SL ngày 29/11/1949 đã quy định lại như sau:

Điều 9 Sắc lệnh số 255/SL ngày 11/11/1948 nay bãi bỏ và thay bằng Điều 9 mới sau đây:

Điều 9 (mới). Quyền bãi miễn của Hội đồng nhân dân xã và tỉnh nói trong điều 18 và 48 Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 sẽ áp dụng đối với những ủy viên do Hội đồng nhân dân xã và tỉnh bầu ra.

Đối với các ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính xã và tỉnh do cấp trên chỉ định, Hội đồng nhân dân không có quyền bãi miễn; nhưng Hội đồng nhân dân có thể đề nghị lên cấp trên có quyền chỉ định để giải quyết [65, tr. 343].

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào một giai đoạn lịch sử mới, đó là xây dựng XHCN và cùng với miền Nam đấu tranh giải phóng nước nhà. Ngày 20/7/1957 với Sắc lệnh số 04/SL HĐND đã được thành lập ở tất cả các cấp hành chính (theo Hiến pháp năm 1946 ở cấp kỳ và cấp huyện chỉ có UBHC chứ không có HĐND). Ngày 31/5/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban bố Luật số 110 (do Quốc hội khóa I kỳ họp thứ 8 thông qua) về tổ chức chính quyền địa phương. Tại luật này quyền bãi miễn đã được quy định cụ thể hơn, trong đó bao gồm cả quyền cử tri bãi miễn đại biểu: "Hội đồng nhân dân các cấp có quyền bãi miễn ủy viên ủy ban hành chính do mình bầu ra" ; "... cử tri có quyền bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân do mình bầu ra" [65, tr. 382; 384].

Từ đó cho đến nay quy định này luôn được ghi nhận và hoàn thiện trong Hiến pháp và Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Tại Điều 17, 25 và 34 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định: HĐND có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch, và các thành viên khác của UBND, Trưởng ban và các thành viên khác của các Ban của HĐND, Hội thẩm nhân dân của TAND cùng cấp (trừ cấp xã); bãi nhiệm đại biểu HĐND và chấp nhận đại biểu HĐND xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Luật HĐND và UBND năm 2003 còn có quy định về quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là một bổ sung quan trọng vừa thể hiện vai trò chủ động quyền lực của HĐND về công tác nhân sự, vừa thể hiện tinh thần dân chủ, công khai trong việc thực hiện giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

1.2.2.4. Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước ở địa phương

Một phần của tài liệu Tư tưởng hồ chí minh về bản chất dân chủ của nhà nước xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng trong đổi mới tổ chức (Trang 39 - 41)