Trước hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Ân Thi, xã Phù Ủng cần phải thấm nhuần quan điểm của Đảng (theo kết luận Hội Nghị Trung Ương
lần thứ 10 khoá IX) đề ra: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội để phát triển xã hội một cách bền vững. Từ đó ý thức sâu sắc việc phát triển văn hoá nói chung và bảo tồn phát huy có hiệu quả các di tích và khu di tích nói riêng. Trong đó phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả của khu di tích đền Phù Ủng - nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Để tổ chức lễ hội trước hết cần khôi phục lại hiện trạng các di tích, làm cơ sở để bảo tồn và phát triển lễ hội. Huyện Ân Thi phải coi việc xây dựng và hoàn thành quy hoạch mở rộng khu di tích Phù Ủng và tổ chức thực hiện quy hoạch tu bổ các di tích là một nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó huy động kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân để tiến hành triển khai việc trùng tu, tu bổ các di tích và công trình phụ trợ, tạo môi trường cảnh quan cho di tích.
Hiện nay, ngoài các công trình được quy hoạch là đền thờ Phạm Ngũ Lão, lăng Phạm Tiên Công, đền Nhũ Mẫu, phủ Chúa, chùa Cảm Ân, Văn Chỉ, lăng Vũ Hồng Lượng… cũng cần quan tâm giữ gìn, khôi phục các gò đống: mô Quả Thừng, mô Thần Động, Ngòi Bút, nhà Sắc, mô Thần Nông. Trên cơ sở điều kiện thực tế và những nơi không thể khôi phục như xưa, thì cũng cần nghiên cứu, ghi chép lại đưa vào sơ đồ hướng dẫn tổng thể khu di tích.
Trong quy hoạch bảo tồn phải tính toán cả đến cảnh quan về nhà ở, kiến trúc làng xóm một cách hợp lý để tạo cho khu di tích Phù Ủng nằm trong không gian văn hoá truyền thống, một không gian huyền thoại và linh thiêng.
Bản thân các hoạt động trong lễ hội vốn là đời sống tâm linh từ lâu đời của cư dân địa phương, nên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng cư dân tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị lễ hội. Việc các cấp chính quyền tham gia nhằm nâng tầm quản lý, tạo điều kiện khai thác và phát huy hiệu quả lễ hội tốt hơn, chứ không có nghĩa là vai trò quản lý, tổ chức cộng đồng đã được cơ quan nhà nước làm thay. Sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân được quảng bá, khai thác, đồng thời là cơ hội làm giàu cho
địa phương về khai thác phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho con em noi theo.
Cần quan tâm tới các hoạt động văn hoá trong lễ hội: Kiên quyết dẹp bỏ các tệ nạn, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình. Tổ chức các hoạt động và cần quan tâm về quy mô và chuẩn hoá về nội dung để thực sự có ý nghĩa và ở một khía cạnh khác, đó là sự hấp dẫn du khách tới dự hội. Cần sắp xếp một cách hợp lý từ nghi lễ rước đến tổ chức các trò chơi dân gian; quản lý sắp xếp các dịch vụ kinh doanh phải đúng khu vực, đảm bảo vệ sinh an toàn.
Các trò chơi dân gian cần khôi phục với sự đầu tư tổ chức chuẩn hoá và nâng cao về quy mô, khôi phục lại trò chơi “vật cù” trong lễ hội. Đó chính là một hoạt động có nhiều giá trị văn hoá có sức hấp dẫn đặc biệt. Khôi phục việc tổ chức rút thẻ thuốc gắn với việc mời các thầy thuốc có uy tín để bắt bệnh bốc thuốc, trên cơ sở đó phát triển nghề trồng thuốc Nam và sử dụng thuốc Nam trong chữa bệnh. Đó vừa là hình thức nhắc nhở người dân ghi nhớ về công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão xưa kia dạy dân làng trồng cây thuốc Nam và bắt bệnh bốc thuốc cho dân.
Gắn với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích với các hoạt động lễ hội và khai thác du lịch. Để có thể đưa di tích và lễ hội Phù Ủng vào mạng du lịch ở Tả ngạn sông Hồng, theo chúng tôi cần phải quan tâm, chú ý đến các vấn đề sau:
- Hệ thống giao thông đến khu di tích cần được quan tâm, sao cho an toàn và thuận tiện, nhất là vào ngày hội, có vậy khách mới đến được di tích.
- Ẩm thực: Là nhu cầu không thể thiếu của khách du lịch và hành hương về di tích. Cần phải giới thiệu một số đặc sản và các món ăn trong ẩm thực truyền thống của người dân Hưng Yên nói chung và Ân Thi nói riêng để phục vụ cho phát triển du lịch. Chẳng hạn như: nhãn lồng Hưng Yên, rượu Trương Xá, tương Bần…
- Đồ lưu niệm: Là một nhu cầu của khách du lịch, khách ở xa cần có thứ gọn nhẹ mà có ý nghĩa văn hoá. Ân Thi, Kim Động và Bình Giang liền kề
có nhiều làng nghề cổ truyền, có thể chọn một vài sản phẩm tiêu biểu để làm hàng lưu niệm như quất Đào xá, đồ trang sức vàng bạc Châu Khê, đồ đồi mồi Hà Xá, lược Vạc...
- Tuyên truyền: Di tích Phù Ủng cần phải được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sách, báo và tạp chí... để du khách thập phương biết đến về dự. Có như vậy, văn hóa của lễ hội mới lan tỏa ra những không gian rộng lớn hơn.
- Hướng dẫn du lịch: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch đào tạo để có những nhân viên hướng dẫn du lịch, thăm quan, nghiên cứu di tích đạt yêu cầu. Người hướng dẫn di tích Phù Ủng phải có tri thức lịch sử và có trình độ ngoại ngữ nhất định để có thể phục vụ khách du lịch nước ngoài.
- Hệ thống dịch vụ phục vụ lễ hội và du lịch phải đồng bộ. Vào dịp lễ hội, người đến tham quan di tích khá đông mà yêu cầu về dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ không đáp ứng được làm cho khách tới di tích gặp nhiều khó khăn.
- Tổ chức các tuyến du lịch khép kín di tích trên địa bàn huyện, tỉnh. Ân Thi có 140 đình, chùa, miếu mạo, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá. Hình thức thăm quan du lịch theo tuyến khép kín vừa tiết kiệm được kinh phí, thời gian, cùng một lúc lại lĩnh hội được nhiều giá trị văn hoá. Qua đó nhân dân trong tỉnh và ngoại tỉnh có thể hiểu thêm được về mảnh đất giàu truyền thống văn hoá Phố Hiến - Hưng Yên.
3.4. Tiểu kết.
Đặc điểm lễ hội, khác với những lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ người anh hùng lịch sử có công đánh giặc giữ nước ở đồng bằng Bắc Bộ là: Nghi lễ rước không phải rước đối tượng thờ chính (Phạm Ngũ Lão) mà rước công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão) từ Phủ Chúa về trình cha. Diễn trình của đám rước đã gắn kết các nhân vật thờ phụng trong khi di tích đền Phù Ủng thành một chu trình khép kín. Lễ vật trong lễ hội, dù là cỗ chay hay cỗ mặn bao giờ cũng có trầu cau, đĩa muối, củ gừng. Tất cả đều thể hiện đạo lý sâu sắc của dân làng Phù Ủng “trọng tình trọng nghĩa, thuỷ chung son sắt”.
Lễ hội Phù Ủng là một lễ hội lịch sử được tổ chức để tôn vinh, tưởng nhớ công ơn anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân làng Phù Ủng. Qua đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho con em làng Phù Ủng. Lễ hội đền Phù Ủng là đỉnh cao của sinh hoạt văn hoá của cư dân Phù Ủng. Nó có giá trị cố kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Lễ hội đền Phù Ủng trở thành món ăn tinh thần của người dân nơi đây. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh mà còn là địa chỉ du lịch văn hoá hấp dẫn đối với dân làng và khách thập phương trên mọi miền đất nước.
Lễ hội Phù Ủng cho đến nay về cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống. Song lễ hội đền Phù Ủng cũng như phần lớn các lễ hội truyền thống khác ở đồng bằng Bắc Bộ đang đứng trước vấn đề bị thương mại hoá lễ hội, đơn điệu hoá lễ hội, quan phương hoá lễ hội. Bởi vậy, việc kế thừa, phát huy những tích cực cổ xưa là cần thiết và cần có những biện pháp khắc phục kịp thời những tiêu cực trong lễ hội hiện nay để phát huy các giá trị vốn có của lễ hội cổ truyền.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi rút ra một số kết luận sau đây: