Đối với người hậu thế, hình tượng tướng quân Phạm Ngũ Lão trong chính sử sẽ không đầy đủ nếu không có mảng truyền thuyết dân gian bổ sung. Đó là những chuyện mà Phạm Đình Hổ (1796-1839) cho là “những dật sử của ông không thấy chép trong chính sử”. Nhờ những “dật sử” ấy hình tượng Phạm Ngũ Lão hiện lên thật đẹp đẽ, giản dị mà anh hùng; kiên trì, bền bỉ mà dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, mà hiếu thảo, thủy chung, nhân nghĩa, yêu thương.
Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Phượng Hồng (nay là làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông
sinh năm Ất Mão (1255), niên hiệu Nguyên Phong thứ 5, đời vua Thái Tôn nhà Trần.
Truyền thuyết ở Phù Ủng miêu tả cụ thể về tuổi thơ của Phạm Ngũ Lão. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha mẹ khi mới lên 5 tuổi. Nhờ có một người đàn bà góa nghèo nhận làm con nuôi. Được bà mẹ nuôi nuôi nấng, dạy dỗ và cho học thầy Huyền Du (ở Bình Giang - Hải Dương). Phạm Ngũ Lão mặt mũi khôi ngô, thông minh, ham học.
Năm hai mươi tuổi đã có tính khảng khái. Làng có một người tên là Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ ăn mừng, cả làng kéo đến mừng rỡ, riêng Ngũ Lão không đến. Bà mẹ giục thì ông nói rằng: “Thưa mẹ, con chưa làm gì để mẹ mừng lòng, mà con đi mừng người ta thời con nhục lắm”. Bùi Công Tiến gọi đến trách rằng: “Sao ngươi còn bé mà khinh bạc thế?”. Phạm Ngũ Lão thưa lại: “Chữ rằng: Lão ô bách tuế, bất như phượng hoàng mới sinh” [37; 160]. Chàng trai Phù Ủng tuổi còn nhỏ nhưng đã mang trong mình một hoài bão lớn - “Phải
có danh gì với núi sông”. Hoài bão và con đường lập nghiệp của ông không
phải ở chốn trường ốc mà con đường “cầm ngang ngọn giáo” bảo vệ giang sơn. Ông về nói với mẹ: “Thưa mẹ! Mẹ ở nhà, để con đi tìm kế lập công danh”. Sang Ai Lao chăn voi, nghe tin giặc Mông Thát vào cướp nước ta, ông trở về tìm cách được gặp Hưng Đạo Vương xin tòng quân đánh giặc.
Tương truyền, nhà Phạm Ngũ Lão ở gần đường cái, thường ngày ông vẫn ngồi cạnh đường chẻ tre vót nan đan sọt, suy ngẫm về việc nước, ước ao được một ngày được đem sức giúp nước, phỉ chí làm trai. Một hôm, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên đường kinh lý từ Vạn Kiếp về Thăng Long. Tiền quân của Trần Quốc Tuấn do con trai Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng chỉ huy dẹp đường, thấy Phạm Ngũ Lão, quát đuổi. Ông vẫn ngồi im, hiển nhiên đan vót như không nghe thấy gì. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi, ông vẫn không nhúc nhích. Hưng Đạo Vương thấy vậy liền hỏi: “Đùi nhà ngươi bị đâm như thế, sao không biết đau, mà lại cứ ngồi vậy?”. Phạm Ngũ Lão thưa rằng: “Tôi đương mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không nghe thấy gì cả”.
Qua chi tiết này, tác giả dân gian đã làm nổi bật tinh thần yêu nước của thời Đại Việt nói chung và chí khí của chàng trai làng Phù Ủng nói riêng. Cái riêng ở đây được Thạc sỹ Vũ Tiến Ký gọi là “cái loại biệt là lòng yêu nước đến quên mình, tô đậm khí phách con đường can trường của chàng trai tất cả vì nước vì dân, sẵn sàng đón đợi những gian khổ, hi sinh” [37; 76].
Cuộc gặp gỡ giữa Hưng Đạo Vương và Phạm Ngũ Lão được miêu tả như một câu chuyện ngẫu nhiên, tình cờ, nhưng với Phạm Công là một sự chuẩn bị có ý thức để thỏa chí làm trai - được đi đánh giặc để bảo vệ đất nước.
Cuộc chuẩn bị để tham gia bảo vệ Tổ quốc của Phạm Ngũ Lão như thế nào chính sử không chép, nhưng truyện cổ dân gian lại kể khá chi tiết, cụ thể về sự rèn luyện kiên trì, bền bỉ, sáng tạo và rất bài bản của ông. Đó là chi tiết ông ngồi đan sọt mà mình vẫn nghĩ về “mấy câu trong binh thư”, nghĩa là nghĩ về cách dùng binh, về chiến lược, chiến thuật, về đạo của người làm tướng. Đó là chuyện đi chăn voi bên Ai Lao, ông nghĩ ra cách dùng áo và cờ đỏ làm hiệu để làm voi đứng lên, nằm xuống. Sau này, khi giặc Ai Lao đem tượng binh tràn sang nước ta cướp phá, Ngũ Lão dùng kế ấy bắt voi địch nằm phục cắm ngà xuống đất, quân ta tràn lên bắt sống chúa giặc. Đó là chuyện Trần Hưng Đạo tiến cử ông với Trần Thánh Tôn. Vua thấy ông là người có sức khỏe, có học thức cho làm quản các vệ sĩ. Các vệ sĩ trong đội cấm vệ không phục, xin vua được thi đấu với ông. Ngũ Lão xin về quê thăm mẹ và rèn luyện thêm võ nghệ. Về nhà, ông luyện tập không kể đêm ngày, từ môn cưỡi ngựa, bắn cung, đánh côn, quyền, roi, kiếm pháp… đều thành thạo, điêu luyện. Chỉ còn môn cắp giáo nhảy qua tường hào luyện mãi vẫn chưa vừa ý. Theo gợi ý của mọi người, Phạm Ngũ Lão đắp gò lớn ở ngoài đồng, cho đất vào ống quần dài buộc túm lại rồi nhảy lên, nhảy xuống đến nỗi rạt cả một gá gò. Cuối cùng, trong trận thử tài, sáu người cùng xông vào, Phạm Ngũ Lão tay đấm chân đá, nhẹ nhàng như bay, các võ sĩ phải bó tay chịu thua.
Như vậy, cuộc chuẩn bị đi đánh giặc của Phạm Ngũ Lão đúng là một cuộc luyện tập toàn diện, liên tục bền bỉ bằng một nghị lực phi thường, bằng
bầu nhiệt huyết hừng hực và một tình cảm lớn - lòng yêu nước thiết tha. Sự rèn luyện công phu, cộng với lòng yêu nước nồng nàn lại được bộc lộ rõ nét hơn mỗi khi ông cầm quân xuất trận. Ông luôn luôn tìm cho mình một cách đánh chủ động tiến công, mưu trí, sáng tạo để dành chiến thắng.
Một lần “Ai Lao đem một vạn voi sang cướp đất Thanh Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực dài khoảng một trượng, chồng chất vào các vệ đường. Khi Ngũ Lão kéo quân vào đánh giặc, giặc thúc voi sấn lên. Ngũ Lão chỉ chân tay không sấn vào gặp đống tre nào thì vớ cọc ở đống tre ấy đập vào chân voi. Voi bị đau gầm rống lên chạy về, dày xéo cả quân Ai Lao. Ngũ Lão mới thúc quân đánh tràn sang. Quân Ai Lao tan vỡ, phải trốn về đêm” [37; 158].
Sau khi được Hưng Đạo Vương nạp vào bộ tướng, cùng xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công, ông được người con gái yêu của Hưng Đạo Vương là quận chúa Anh Nguyên ngưỡng mộ thầm yêu trộm nhớ. Biết tình cảm của con gái nhưng theo quy định của nhà Trần chỉ được gả con trong dòng tộc. Hưng Đạo Vương đã chủ động, linh hoạt “đổi” quận chúa Anh Nguyên từ con đẻ thành con nuôi để tác hợp mối nhân duyên đó. Cho nên, trong dân gian mới lưu truyền “Con đẻ, con nuôi” là vì thế.
Năm 1990, nhà thơ Anh Nga (Hải Dương) đã sáng tác bài diễn ca có tựa đề: “Non nước ấy nghìn thu” để ca ngợi mối tình lý tưởng, cao đẹp này:
“…Núi sông giữ trọn lời thề Chàng trai Phù Ủng trở về Thăng Long
Đại Vương đẹp ý đẹp lòng Tài kiêm văn võ, đáng dòng nam nhi
Sau khi hỏi ý Vương Phi
Có Nguyên quận chúa đẹp thì xuân xanh Đã cho đẹp mối duyên lành
“Đám cưới đôi trai tài gái sắc được tổ chức ngay sau cuộc đại thắng của dân tộc. Tất cả tướng sĩ và nhân dân trong Vạn Kiếp, cả vùng chung quanh nghỉ ngơi mở hội ba ngày liền. Đây là đám cưới to nhất, đông vui nhất ở vùng Vạn Kiếp từ xưa tới nay” [29, 20].
Phạm Ngũ Lão tiếp tục lập nhiều công lao, được thăng đến chức Điện Tiền Thượng Tướng quân. Đến khi mất (11/1320), vua cho nghỉ chầu 3 ngày, đó là ân điển đặc biệt và ghi vào quốc lễ.
Phạm Ngũ Lão qua đời nhưng ông vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân các xã trong vùng. Với dân gian ông là con người bất tử như: cậu bé Gióng, Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... Họ đường hoàng bước vào thần điện Việt Nam và sống mãi trong lòng người dân Việt.
Sau khi mất, Phạm Ngũ Lão được thăng là Thượng đẳng phúc thần. Dân làng Phù Ủng lập đền thờ ngay chỗ nhà cũ. Trong tâm thức dân làng Phù Ủng, Phạm Ngũ Lão là Đức Thánh Phạm. Với người ăn ở hiền lành, lương thiện, bất kể giàu nghèo sang hèn, khi gặp hoạn nạn ông đều hiển linh sẵn sàng giúp đỡ. Với những kẻ ỉ thần cậy thế, hống hách, coi thường đạo lí, áp bức dân lành thì ông trừng trị.
Truyền thuyết Phạm Ngũ Lão kể rằng: “Có nhà giàu ở Cẩm Giàng chỉ có một con trai bị bệnh lên đậu, gần chết chợt thấy một bậc cao niên vào nhà nói rằng: “Ta sẽ chữa cho”. Liền sai lấy một nong đựng đầy bùn ao, đặt đứa trẻ nằm sấp lên trên, một lát sau giở ra xem thì thấy nốt đậu thoát ra hết, đứa trẻ khỏi bệnh. Phú ông mừng hỏi tên, quê quán, cụ chỉ nói: Tôi là người Phù Ủng, ngôi nhà ngói năm gian nhìn ra hướng Bắc là nhà tôi, rồi đi. Sau đó, phú ông hỏi thăm đến để tạ lễ. Khi đến bản từ thì bất giác kinh hoàng mới biết đó là nơi Đại vương Thần hóa” [18; 491]
Trừng trị kẻ báng bổ chốn linh thiêng của thần ngự là đền: “Có viên học chính Hải Dương họ Cát tên Văn Tụy. Một ngày nóng bức qua bản từ đòi trải chiếu ngồi nhiều lần. Lý trưởng nói rằng: Chỉ còn chiếc chiếu trải thờ ngài. Cát quân giận, đánh lý tưởng vài chục roi rồi lên đường về Bình Giang, im lìm
như người ngây. Phủ thủ hỏi biết rõ lí do, thân đến bản từ cầu đổi thay. Nhưng cuối cùng Cát quân cũng bệnh mà chết” [18; 491].
Đặc biệt, ngài còn đánh vong hồn giặc Phạm Nhan, giúp nhân dân sống yên ổn: “Sau khi linh chết, hóa thành hồn Phạm Nhan. Mỗi khi sản phụ bị hoạn nạn, cầu đảo ở đền, vương liền bắt hắn hàng phục và đuổi đi” [18; 491].
Như vậy, dưới góc nhìn dân gian, tướng quân Phạm Ngũ Lão ngày xưa đánh giặc cứu nước cứu dân thì nay vẫn là người hiển linh thế độ giúp đỡ nhân dân theo giáo lý khuyến thiện trừ ác của nhà Phật. Mọi người đều tin rằng: Ở đền ngài, cầu gì được nấy, đền ngài nổi tiếng linh thiêng. Niềm tin đó xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ, ngợi ca và truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhí nguồn” của nhân dân đối với tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Và một thực tế, Đức Thánh Phạm vẫn sống mãi trong lòng dân gian dù trải qua bao sự biến thiên của lịch sử.