“Trong xu thế phát triển hiện nay của các quốc gia, kinh tế du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân, trong đó di sản văn hoá là tiềm năng, là tài sản, có vai trò quan trọng để phát triển du lịch. Nếu như xem di tích lịch sử văn hoá là tiềm năng của văn hoá vật thể thì sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội là tiềm năng văn hoá phi vật thể “động”. Bởi lễ chính những sinh hoạt hội hè mang tính cộng đồng sẽ làm sống động những danh thắng và di tích. Sự kết hợp các yếu tố “động” và “tĩnh” của tiềm năng di sản văn hoá sẽ tạo nên môi trường văn hoá hấp dẫn để khai thác phát triển du lịch” [37; 126- 127].
Ngày nay, lễ hội đền Phù Ủng là một trong những lễ hội trọng điểm của vùng tả ngạn sông Hồng, có sức thu hút khách hành hương của vùng đồng bằng châu thổ. Mỗi kỳ lễ hội thu hút tới 4 -5 nghìn khách đến dự hội. Du khách về dự hội, ngoài mục đích để thoả mãn nhu cầu tâm linh còn có thể hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên nơi đây và chiêm ngưỡng, tìm hiểu các công trình nghệ thuật đặc sắc của ông cha ta để lại.
Quần thể di tích đền Phù Ủng còn nhiều di tích gốc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, gồm: kiến trúc cổ, cổ vật, văn bản Hán Nôm và cảnh quan. Đây chính là linh hồn của di tích. Khu di tích có 7 hạng mục công trình, mỗi công trình có một giá trị riêng, tạo nên sự phong phú đa dạng. Những di tích này bổ trợ cho nhau, tạo nên sức hấp dẫn cho một quần thể di tích.
Đền thờ đền Triều điện suý: Đền được xây dựng trên cố trạch của tướng quân từ khi người qua đời (năm 1320). Đây là công trình trọng điểm của khu di tích, là một trong những ngôi đền nổi tiếng ở vùng Tả ngạn sông Hồng. Trong kháng chiến chống Pháp, đền bị tàn phá nhưng nó vẫn có giá trị lịch sử. Trong đền còn có lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá.
Đền Mẫu: là công trình kiến trúc còn lại từ thời Nguyễn, về nguyên tắc là một cổ vật. Nó thể hiện tình mẫu tử, một tình cảm thiêng liêng của dân tộc ta.
Lăng Phạm Tiên Công (Lăng thân phụ): Lăng có 6 trụ cột bằng đá, thềm lăng bó bằng đá quý.
Cảm Ân Tự (chùa Cảm Ân) được xây dựng từ thời Trần là một ngôi chùa điển hình, nhất là tam quan - không chỉ đẹp về cảnh quan, kiểu dáng mà còn ở câu đối, đại tự, điển hình là câu đối Nôm:
“Phương tiện dễ đâu bằng, đất chúa chùa làng phong cảnh Phật
Luân hồi như hẳn có, của đời người thế nước non Tiên ”
Đền thờ cung phi Trần (Công chúa Tĩnh Huệ) là một công trình kiến trúc thời Nguyễn khá trọn vẹn, có giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Lăng Vũ Hồng Lượng được: xây dựng vào năm Canh Tý, Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), cách ngày này gần 330 năm. Công trình tuy không lớn nhưng là một điển hình về điêu khắc đá ở giữa thế kỷ XVII, không chỉ ở địa phương mà là của cả nước.
Văn Từ: được xây dựng đầu thế kỷ XX. Qua đây du khách có thể hiểu được truyền thống văn hiến của con người nơi đây.
Cổ thụ: Phù Ủng còn hệ thống cổ thụ rất quý, như cây si ở đền Mẫu, cây suối ở Văn Chỉ, rừng cây ở lăng Phạm Tiên Công... Công trình kiến trúc trở nên hấp dẫn nhờ những tán cây cổ thụ xanh bao phủ. Du khách về đây dự hội cũng cảm nhận được một không khí trong lành, thư thái.
Di sản Hán Nôm: các công trình cổ của làng Phù Ủng đều có minh văn bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đây là di sản bởi nó là những trang sử chân thực, những lời chân thành và xúc động của người xưa ca ngợi di tích và nhân danh ở đây.
Đền Phù Ủng là một di tích trọng điểm của tỉnh Hưng Yên ở tả ngạn sông Hồng, người được thờ có vị thế lớn trong lịch sử dân tộc, cảnh quan đẹp, di tích gốc còn nhiều. Đến với khu di tích và lễ hội Phù Ủng, du khách sẽ thuận tiện giao thông, cùng với hệ thống di tích trên tuyến đường 5 như: Làng cổ Xuân Cầu, đền Ỷ Lan, chùa Thái Lạc, Văn miếu Mao Điền, di tích Tự lực văn đoàn, chùa Giám, đền Tuệ Tĩnh, làng nghề vàng bạc Châu Khê... tạo thành một tuyến du lịch hấp dẫn.