Nếu Lễ là phần đạo thì Hội là phần đời rất thực, là khát vọng của mỗi thành viên trong mỗi cộng đồng nhằm vươn tới những điều tốt đẹp. Những khát vọng của con người được khái quát hóa, nhân cách hóa hoặc lý tưởng hóa và những hoạt động rất cụ thể, rất đương thời. Bởi vậy, phần Hội bao giờ cũng kéo dài hơn phần Lễ, nó diễn ra rất sôi động cho nên con người muốn tham gia vào Hội để quên đi những nhọc nhằn vất vả, những tai ương, những bất công trong cuộc sống nhằm hướng tới một tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có thể nói rằng, thật khó tách rời được Lễ và Hội bởi vì Lễ, Hội thường xuyên gắn kết với nhau. Mối quan hệ giữa Lễ và Hội là sự kết hợp hài hòa giữa phần đạo và phần đời. Đó là mối quan hệ không thể tách rời cũng không thể tách bạch được ranh giới giữa các yếu tố tạo nên Lễ và Hội.
Lễ nằm trong Hội và Hội thì phải có Lễ. Với tinh thần ấy cả phần Lễ và phần Hội, cả phần đạo và phần đời đều là một cuộc vui lớn của cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, tín ngưỡng, thi thố tài năng, biểu dương sức mạnh hoặc tái hiện lại cuộc sống trong các thời kì lịch sử.
Như vậy, lễ hội là một loại hình sáng tạo tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố văn hóa dân gian tương tác lẫn nhau.
Người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra các lễ hội như cuộc sống thứ hai của mình cho nên có thể gọi lễ hội là một bảo tàng Dân tộc học tự nhiên. Cũng vậy, lễ hội truyền thống là một sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt: tinh thần và vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường. Tham dự lễ hội, thực ra con người đang muốn tái sinh thời gian, trong một không gian phi trần tục. Trong khoảnh khắc nhất định nhờ có những thể thức lễ nghi quy định cùng với những điệu nhạc, lời ca, con người bước vào một thế giới khác, bồng bềnh với trạng thái nhập thần không phải là mê mà thực sự lúc ấy, họ đang tự vượt mình, tự giải phóng khỏi cái trật tự hiện hành để hoàn toàn ở trong trạng thái tự do, phóng khoáng. Sự tự do này là chính đáng. Nhận ra được sự chính đáng ấy là tâm trạng con người và hiểu đúng bản chất xã hội.
Lễ hội Phù Ủng, nó đã vượt qua khỏi nhu cầu của một cộng đồng làng xã nhỏ hẹp trở thành nhu cầu của cả vùng châu thổ sông Hồng. Nó là minh chứng cho sự trường tồn của đạo lí truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.