Quá trình chuẩn bị.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lễ hội làng phù ủng (làng phù ủng, xã phù ủng, huyrnj ân thi, tỉnh hưng yên) (Trang 60 - 84)

Trước đây, để chuẩn bị cho việc tế lễ và mở hội, từ ngày mồng Một tháng Chạp hàng năm, chức dịch, sắc mục và quan viên của giáp họp mặt nhau lại để bàn bạc và chuẩn bị cho lễ hội.

Việc đầu tiên là chọn ra một ban tế với số lượng vừa đủ 12 người gồm các cụ cao tuổi, khỏe mạnh, đức độ, không tang chế, có nhiều kinh nghiệm và là những người đã từng tham gia hoặc chứng kiến nhiều lần nghi thức tế lễ của hội làng. Sau đó, làng bầu ra một vị cụ ông làm chủ tế quan. Việc bầu chọn chủ tế quan được dân làng rất coi trọng và có những qui định khắt khe: cao tuổi, khỏe mạnh, có phẩm hàm, uy tín, đức độ, gia đình hòa thuận, vợ chồng song toàn, có con trai con gái đủ cả, kinh tế khá giả, không vướng bận việc tang chế của cha mẹ hay anh chị em trong nhà.

Vị chủ tế quan chính là người đại diện cho cả làng trong dịp lễ hội bày tỏ sự tôn kính, biết ơn và đề đạt những nguyện vọng ước mơ lên đức Thánh Phạm. Đồng thời chính chủ tế quan lại là người truyền lại những lời phán bảo của Đức Thánh đến với dân làng. Lễ hội có thành công hay không đều tùy thuộc vào vị chủ tế. Do vậy việc bầu chọn chủ tế quan càng cẩn thận bao nhiêu, thể hiện lòng thành kính bao nhiêu thì dân làng càng được hưởng nhiều quý lộc bấy nhiêu.

Như vậy các thành viên được bầu chọn bao gồm: Chủ tế quan; Điển

văn; Bồi tế (2 người) đứng sau chủ tế, giúp việc chủ tế; Đông xướng, Tây xướng là 02 người phụ trách phần nghi thức trong lúc tế lễ và đứng bên chủ tế

và đứng đối nhau bên cạnh hương án; Chấp sự (06 người) đứng bên chủ tế, có trách nhiệm dẫn chủ tế khi ra vào và trợ xướng, đồng thời là những người phụ trách việc dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc văn.

Mỗi năm làng có nhiều kì lễ trọng, vì thế ngoài chủ tế quan ra dân làng còn bầu chức Điển văn để viết văn tế, đọc văn tế và ghi chép, xem xét sổ sách trọng yếu trong làng.

Sau khi chọn được ban tế và chủ tế quan, Lý trưởng thông báo mỗi xóm cử 2-3 người tập trung ở đền để mang một cơi trầu 21 miếng (do Lý trưởng chuẩn bị) đến mừng quan tế chủ cho được trang trọng (vào ngày mồng 2 tháng Giêng). Điều đó càng chứng tỏ vị trí vai trò quan trọng của chủ tế quan trong lễ hội.

Toàn bộ chủ tế và các thành viên trong ban tế trước và trong thời gian lễ hội phải sống chay tịnh trong sạch.

Ngày nay, việc bầu chọn ban tế trong lễ hội Phù Ủng không có gì thay đổi, có chăng chỉ là thêm số lượng của chấp sự mà thôi (06 - 08 người).

Dân làng Phù Ủng còn bầu chọn ra chân cờ, chân kiệu, đều là những nam thanh, nữ tú vừa đẹp người vừa đẹp nết, khỏe mạnh. Mỗi giáp được chọn lấy một người (viên thông trưởng) để giúp cho việc làng vào đám.

Về lễ vật: Phù Ủng trước đây có 9 giáp: Đông kiến, Thọ Đa, Cựu Đức, Đông Bố, Tây Bố, Quang Tiến, Ngọ Dương, Phục Hội, Phù Hậu. Các giáp được giao ruộng canh tác thu hoa lợi phục vụ lễ hội.

Theo Thần tích - thần sắc làng Phù Ủng viết rằng: “Nguyên làng chúng tôi có ruộng thần từ, ai cấy ruộng tiết nào thì lấy hoa lợi của tiết ấy, chứ không phải bổ tiền cho ai cả” [31; 95].

Ngày nay, sớm nhận rõ tính chất và tầm quan trọng của lễ hội, do vậy UBND tỉnh đã chọn lễ hội đền Phù Ủng là lễ hội mở màn cho mùa lễ hội toàn tỉnh, Ban tôn giáo tỉnh trực tiếp chỉ đạo Huyện Ân Thi thành lập Ban chỉ đạo

Ông trưởng phòng VHTT huyện Ân Thi cho biết: “Trước khi diễn ra lễ hội 3 tháng (tức tháng 10 âm lịch) hàng năm, huyện Ân Thi đều lập danh sách các thành viên trong Ban chỉ đạo lễ hội, Trưởng phòng VHTT làm Phó ban thường trực, trưởng hoặc phó các ban ngành của huyện làm thành viên”.

Trong khi thành lập, Ban chỉ đạo đã lên lịch cụ thể phân công từng thành viên, trung bình 2-3 người thường trực tại lễ hội trong ngày, đây là những người trực tiếp chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn các tiểu ban giúp việc dể kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn giúp Ban tổ chức. Ngoài ra 3 ngành chính như:

- Ngành Văn hóa thông tin: tiến hành lập kế hoạch cho ngày đầu diễn ra lễ hội như: cung cấp cờ lễ, cắt dán băng rôn, áp phích, chuẩn bị về âm thanh, ánh sáng, thuyết trình, tuyên truyền về thân thế và sự nghiệp của tướng quân Phạm Ngũ Lão, tiếp đón đại biểu.

- Ngành tài chính: lên kế hoạch cho việc cấp kinh phí cho hoạt động tổ chức lễ hội.

- Ngành công an: lên kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh cho những ngày diễn ra lễ hội an toàn.

Ban tổ chức do UBND xã Phù Ủng thành lập do ông chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các ban ngành đoàn thể của xã làm thành viên: Mặt trận, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, tài chính, công an, văn hóa và lãnh đạo của các thôn trong xã; thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội như: khánh tiết, tế lễ, rước, hậu cần… Mỗi tiểu ban có từ 5-15 người.

2.4.2. Phần lễ.

Về nghi trình của lễ hội đền Phù Ủng cổ truyền gồm có các lễ: - Lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan (ngày 25 tháng Chạp) - Lễ chúc thánh (tối 30 Tết)

- Lễ mở cửa đền, rước Kim Sách (sáng mồng Một Tết)

- Lễ rước tượng công chúa Tĩnh Huệ, Đại lễ (ngày 11 tháng Giêng). - Lễ tạ Thánh.

Ngày nay trên tinh thần đơn giản hoá một số nghi thức của lễ hội, nên nghi trình của việc tế lễ tại đền diễn ra với những nghi thức sau:

- Lễ mộc dục, tế gia quan (ngày 25 tháng Chạp) - Lễ chúc Thánh (tối 30 Tết)

- Lễ mở cửa đền (sáng mồng Một Tết)

- Lễ rước công chúa Tĩnh Huệ, Đại lễ (11 thánh Giêng).

Có thể thấy rằng, phần lễ trong lễ hội đền Phù Ủng trước đến nay cũng đã có sự thay đổi và có giản lược đi một số nội dung. Trước đây, thứ tự phần lễ của lễ hội bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng. Như vậy là phần lễ kéo dài trong một tháng. Ngày nay, phần lễ chính hội chủ yếu diễn ra vào các ngày 11, 12 và 13 tháng Giêng.

Tuy nhiên, để nghiên cứu lễ hội đền Phù Ủng một cách đầy đủ nhất, chúng tôi vẫn giới thiệu trình tự các bước tiến hành của lễ hội đền Phù Ủng

truyền thống, những nghi lễ đến nay đã được giản lược sẽ được chúng tôi chú thích rõ ở từng nội dung. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hoạt động lễ trong lễ hội đền Phù Ủng gồm các lễ vào các ngày sau:

2.4.2.1. Ngày 25 tháng Chạp.

Lễ rước nước:

Theo lời kể của các cụ già trong làng: Xưa kia, nước được rước từ giếng làng về để thực hiện nghi lễ mộc dục (tắm tượng). Việc rước nước được tiến hành rất cẩn thận. Làng cắt cử ra người để đi lấy nước, gồm: một cụ già trong ban phụng sự (có uy tín, đức độ) và bốn chàng trai khỏe mạnh (được trai giới) khiêng kiệu. Các dụng cụ để lấy nước cũng phải được cọ rửa sạch sẽ.

Việc lấy nước được tiến hành như sau: Người ta đặt lên kiệu thần một cái chum sành, đám rước được tiến hành từ đền chính thờ Phạm Ngũ Lão đến giếng làng, sau đó những chàng trai khiêng chum xuống đặt gần bờ giếng, cụ già đã được làng cắt cử tiến hành nghi thức lấy nước: Dùng gáo đồng múc nước, đổ lóng qua miếng vải điều bịt kín ở miệng chum, khi chum gần đầy, người ta khiêng chum đặt lên kiệu thần rước về đền.

Cũng theo lời các cụ: Xưa kia vì kinh tế còn thiếu thốn, chưa thể đảm bảo mỗi hộ gia đình có một cái giếng khoan nên dân làng thường dùng nước giếng làng để sinh hoạt. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của làng quê Việt Nam nói chung, và giếng làng đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa làng. Trước khi vào hội, nhà đền thường cấm dân làng dùng nước giếng làng trong các ngày diễn ra lễ hội ở đền.

Ngày nay, trong lễ hội đền Ủng, lễ rước nước đã không còn được tổ chức nữa. Nhà đền lấy nước ở giếng Ngọc trong đền nên đã bỏ qua nghi thức rước nước.

Lễ mộc dục.

Ngay sau lễ rước nước là lễ mộc dục tức là lễ tắm rửa tượng thần để tế khí long ngai.

Công việc này thường giao cho ba người có uy tín và đức độ đảm đương (do làng chọn), gồm: cụ từ giữ đền, một vị sư trong chùa và một người trong ban quản lí di tích tuổi từ 60 trở lên. Họ thắp hương, dâng lễ rồi tiến hành công việc một cách thận trọng.

Theo lời các cụ kể lại: Tượng thần được tắm qua hai lần nước: lần thứ nhất bằng nước thanh khiết ở giếng làng (sau này là nước ở giếng đền); lần thứ hai là nước ngũ vị hương từ lá bưởi, lá tre, lá hương nhu, lá sả… được đun sôi bằng rơm nếp (rơm nếp cũng đã được phơi khô và tuốt sạch sẽ, gác trên gác bếp từ vụ trước). Các cụ lấy một tấm vải đỏ nhúng vào hai chậu nước đó rồi lau chùi nhẹ nhàng, thận trọng. Trong khi tiến hành công việc lau tượng các cụ phải dùng một tấm vải điều để che miệng lại, với ý nghĩa hơi trần tục không phả vào tượng thần.

Sau khi tượng đã được tắm, chậu nước ngũ vị vẫn được giữ lại để mọi người dân dùng khăn sạch nhúng vào hoặc xoa mặt lên tượng để “hưởng ơn Thánh”, đem về cho người già, trẻ nhỏ rửa mặt để khỏe mạnh, khỏi đau ốm…

Theo kết quả điền dã của tác giả (vào ngày 25 tháng Chạp năm 2009) cho thấy: Tượng thần được lau khô bằng nước hoa. Trong khi tiến hành nghi lễ tắm tượng thì dân làng chuẩn bị cho mình những chiếc khăn sạch và một lọ nước hoa rồi nhờ các cụ đang đảm nhiệm công việc lau tượng dùng khăn sạch lau tượng để mong được “hưởng ơn Thánh”. Đây là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo của dân làng Phù Ủng, càng làm tăng thêm sự linh thiêng và trang trọng của buổi lễ cũng như của vị Thánh được cử hành nghi lễ.

Dù nghi lễ mộc dục đã thay đổi theo chiều hướng đơn giản hóa, nhưng ý nghĩa linh thiêng của nó vẫn mãi được bảo tồn. Theo các cụ cho biết: “Nghi lễ mộc dục nhằm đảm bảo cho tượng sạch sẽ, tăng thêm sự linh thiêng. Điều này còn chứng tỏ sự quan tâm chăm lo của sư sãi và nhân dân đối với những người đã có công dựng nước và giữ nước”.

Lễ gia quan cũng diễn ra ngay sau lễ mộc dục (chiều 25 tháng Chạp). Dân làng đặt làm quần áo mới (theo sắc phong), thờ ở nơi đức Phạm Ngũ Lão ngự. Họ thắp hương, cung kính làm lễ rồi cụ từ trông coi đền dùng khăn thơm lau khô tượng, khoác áo, mũ cho tượng thần, bài vị. Khi hành sự, cụ từ phải che miệng bằng một mảnh vải điều để giữ được sự thanh khiết nơi cung thánh chí tôn. Xong xuôi đưa tượng về lại vị trí cũ, làm lễ an vị tượng.

Quần áo của ngài đã thay ra được cắt nhỏ, chia cho người già, trẻ nhỏ để lấy khước, cầu may, mạnh khỏe, tránh được ma quỷ bệnh tật. Đó là niềm mong mỏi của người dân Phù Ủng để hưởng chút “lộc” của Đức Thánh.

2.4.2.2. Đêm 30 tháng chạp (Đêm Giao thừa)

Đêm Giao thừa 30 Tết có lễ Chúc Thánh. Cụ từ thắp một tuần hương cùng ba vái lạy nhằm thể hiện ước mong của dân làng Phù Ủng nơi đây:

- Đệ nhất chúc Thánh cung vạn tuế - Đệ nhị chúc dân khang vật thịnh - Đệ tam chúc phong đăng hòa cốc

Nhân dân xung quanh vào đền, chùa thắp hương, xin một cành lộc nhỏ để cầu mong làm ăn buôn bán quanh năm phát đạt, mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc.

2.4.2.3. Ngày 1 tháng Giêng.

Sáng ngày mồng 1 tháng Giêng, tại đền diễn ra nghi lễ Mở cửa đền và rước Kim Sách của Phạm Ngũ Lão từ trong thôn ra đền chính.

Nghi lễ mở cửa đền được bắt đầu diễn ra với 3 hồi 9 tiếng trống ở đền chính. Sau đó, cụ từ thắp một tuần hương cùng hương hoa, phẩm quả,... với mục đích xin Đức Thánh ban ơn cho một năm mới mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu.

Sau nghi lễ mở cửa đền, các cụ ông từ 60 tuổi trở lên được giao nhiệm vụ mặc quần áo, đội mũ xanh đi rước kim sách từ nhà sắc ở trong thôn ra đền. Cụ Nguyễn Đức Lộc cho biết: Rước Kim Sách là rước những sắc phong và sách thuốc của tướng quân Phạm Ngũ Lão từ trong nhà sắc trong thôn ra đền.

Nhưng hiện nay, lễ rước kim sách của tướng quân Phạm Ngũ Lão từ trong thôn ra đền đã không còn được diễn ra.

2.4.2.4. Ngày 11 tháng Giêng.

Chính hội đền Phù Ủng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25 tháng Giêng, trong đó có hai nghi lễ quan trọng nhất là Lễ rước công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão) và đại lễ.

Lễ rước:

Đây là hoạt động sôi động nhất, là hình ảnh tập trung nhất của hội làng, là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng. Đó cũng là niềm hân hoan, hi vọng, chờ đợi của dân làng Phù Ủng.

“Làng ta mở hội tưng bừng (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Chiêng theo trống ngóng vang lừng dội lên Long ngai thánh ngự ở trên

Tả văn, hữu vũ bốn bên rồng chầu Sinh ra nam tử công hầu

Sinh ra con gái vào chầu thánh quân”.

Xưa kia, lễ rước công chúa Tĩnh Huệ ra đền chính được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Ngày nay, với tinh thần vẫn giữ được lễ hội cổ truyền trên cơ sở đơn giản hóa một số nghi thức nên lễ hội được rút gọn trong 3 ngày (11 - 13 tháng Giêng). Và do đó, lễ rước công chúa Tĩnh Huệ được tổ chức cùng với đại lễ.

Trước ngày lễ rước tượng, các vị chức sắc của làng được cử ra thực hiện một số nghi thức: tắm tượng, thay phục, sắp xếp tàn lọng, kiệu, ngựa, đồ trang sức, lễ vật... giống như một cuộc về thăm nhà của người sống. Các cô gái trong làng tranh nhau đổi hòm giày, hòm áo lấy may. Đường làng hôm ấy được trang hoàng cờ xí đủ màu từ chùa vào đền thờ công chúa Tĩnh Huệ đến đền chính thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão.

Sáng ngày 11 tháng Giêng, mở đầu lễ hội bằng ba hồi chín tiếng trống ở ngoài đền. Dân làng và khách thập phương đã tề tựu tại đền đông đủ trên các

ngã ba ngã tư, nơi đám rước đi qua. Trong đám rước có cờ, quạt, kiệu, bát bửu, lộ bộ.

Dẫn đầu đám rước là những chàng trai khỏe mạnh, nai nịt gọn gàng, trang bị giáo gươm, chấp kích, côn trượng, đóng vai đội vệ sĩ bảo vệ và dẹp đường.

Tiếp đến là đội cờ lễ gồm có cờ tiết và cờ mạo; cờ Ngũ hành hình vuông. Các chân cờ đầu đội nai dấu, áo nâu, nẹp đỏ, thắt lưng bó que.

Sau những người cầm cờ là hai thanh niên vác hai biểu nhỏ, hình chữ nhật, góc uốn tròn, sơn son thiếp vàng, đi hai bên. Một biển đề chữ “hồi tỵ” (tránh đi), biển kia đề “tĩnh túc” (yên lặng, cung kính).

Tiếp đến là đội múa rồng, lân. Con rồng vàng lộng lẫy uy nghi cuộn mình theo nhịp trống. Sau đội múa rồng lân là đội múa sinh tiền và đội trống do ba người đảm nhiệm.

Ngay sau đó là đội “ngọc nữ”, gồm mười cô gái mặc áo tứ thân nhiều màu, thắt lưng hoa lý, khăn nhiễu bóng loáng, yếm đỏ, quần chùng, xếp hàng đôi, đầu đội mâm lễ vật được phủ tấm lụa xanh gồm: hương lụa, xôi chè, gạo nếp, gạo tẻ, trầu cau, gấm vóc, đĩa muối và mấy củ gừng... thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha mẹ đậm đà như “muối mặn, gừng cay”.

Kế sau đó là đội khiêng bài vị, đội khiêng kiệu hoa. Các đội này đều do 4 thành viên đảm nhiệm. Tiếp đến là chiếc kiệu sơn son thiếp vàng có rèm lụa che, trong đặt tượng công chúa Tĩnh Huệ, do 8 thanh nữ trẻ trung đảm nhiệm.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lễ hội làng phù ủng (làng phù ủng, xã phù ủng, huyrnj ân thi, tỉnh hưng yên) (Trang 60 - 84)