Thực trạng lễ hội hiện nay.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lễ hội làng phù ủng (làng phù ủng, xã phù ủng, huyrnj ân thi, tỉnh hưng yên) (Trang 99 - 102)

Lễ hội Phù Ủng về cơ bản vẫn giữ được những giá trị khởi nguyên, có sức mạnh nội sinh gắn kết cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc, liên kết mọi người tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Tuy vậy trải qua thời gian và sự biến đổi của hoàn cảnh tự nhiên, xã hội đã tác động sâu sắc của con người, lễ hội đền Phù Ủng ngày nay cũng có sự biến thiên.

Một thời gian khá dài lễ hội trên địa bàn Hưng Yên nói chung, lễ hội đền Phù Ủng nói riêng bị quên lãng. Có thể do điều kiện chiến tranh cả nước và Hưng Yên phải dốc sức người, sức của cho tiền tuyến nên khó có điều kiện mở hội.

Một khía cạnh khác cần nhắc tới là sự mất mát của các di sản văn hóa vật chất đóng vai trò quyết định trong sinh hoạt lễ hội. Các đình, chùa, miếu mạo, đền đài... là nơi tập trung phần lớn những tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu đều bị phá huỷ. Đền Phù Ủng cũng không nằm ngoài "số phận" đó.

Thiên nhiên khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh và cả chính bàn tay con người, một khi chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của các di sản vô giá trong đời sống tinh thần của nhân dân đã không giữ gìn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Phù Ủng bị tàn phá chỉ còn hai cột đồng trụ hai bên và dấu vết nền móng cũ. Năm 1989, đền mới được khôi phhục lại. Năm 1997, ở xã Phù Ủng xảy ra hiện tượng đánh cắp tượng đá ở lăng Vũ Hồng Lượng. Theo phỏng đoán của nhân dân cũng như những người có trách nhiệm cho biết, kẻ đánh cắp không phải là người bản địa, có khả năng là những kẻ săn lùng đồ cổ, báu vật từ nơi khác đến. Dù là ai thì đó cũng là người không biết tôn trọng và giữ gìn những di sản văn hoá vô giá của dân tộc.

Sau một thời gian dài lễ hội bị quên lãng, nay được phục hồi đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm nghiệm vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi cho hoàn chỉnh và phù hợp.

Về phần lễ: Lễ hội đền Phù Ủng về cơ bản vẫn giữ được nét truyền

thống trên cơ sở đơn giản hoá một số nghi thức như: Rước nước, mộc dục, rước kiệu... Và có thể vì vậy mà khiến người về dự lễ cảm nhận được phần lễ trong lễ hội đền Phù Ủng chỉ gói gọn trong lễ dâng hương tưởng niệm.

Xưa kia, trước ngày lễ hội một tháng, dân làng tổ chức các nghi lễ thiêng liêng: Rước nước, mộc dục, tế gia quan. Ngày nay, nghi thức rước nước đã bị bỏ, nghi lễ mộc dục thì được dân làng tiến hành một cách tượng trưng.

Trước kia, sáng mồng Một tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ mở cửa đền và rước Kim Sách từ nhà sắc trong thôn ra ngoài đền chính thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ngày nay nghi lễ rước Kim Sách không được tiến hành, nhà sắc không được quản lý, để hoang sơ, xuống cấp.

Trong nghi thức rước kiệu công chúa Tỉnh Huệ từ phủ Chúa về trình cha cũng có nhiều biến đổi. Do hệ thống di tích chưa được khôi phục hoàn chỉnh, đặc biệt là những cảnh quan phụ cận nên hành trình cuộc rước chưa được khôi phục như xưa.

Về phần hội: Lễ hội đền Phù Ủng nổi bật với các trò chơi dân gian như:

Vật cù, đấu vật, cờ người..., trong đó tiêu biểu nhất là trò chơi vật cù. Thế nhưng trò chơi này chưa được khôi phục trong lễ hội đền Phù Ủng hiện nay. Năm 2009 vừa qua, nhân dịp tổ chức xong cuộc Hội thảo khoa học về "Tướng

quân Phạm Ngũ Lão và lễ hội đền Phù Ủng" thì trò chơi vật cù được tổ chức

trở lại, nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng. Năm 2010, trò chơi này lại không được tổ chức nữa.

Hưng Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá với một gia tài văn hoá dân gian phong phú, độc đáo như hát trống quân, ca trù, chèo... Trong đó, hát trống quân là một sinh hoạt văn hóa dân gian được Phạm Ngũ Lão dùng để vui chơi giải trí trong quân đội thì nay không được khôi phục lại trong lễ hội đền Phù Ủng. Cũng có năm, Ban tổ chức lễ hội mời đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn chèo Hưng Yên, đoàn múa rối nước... làm cho không khí ngày hội thêm sôi động, hấp dẫn, nhưng đó là những năm làng có kinh phí. Thiết nghĩ, việc thuê các đoàn nghệ thuật về trình diễn là cần thiết song cũng cần chú ý tới tính sáng tạo văn hoá của cộng đồng. Có thể sự "sân khấu hoá", "chuyên nghiệp hoá" lễ hội như vậy sẽ làm giảm đi khả năng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá dân gian của cộng đồng.

Các trò chơi dân gian dần bị lãng quên, trong khi đó do sự tác động của cơ chế thị trường thì các trò "vui chơi có thưởng", tệ nạn mê tín dị đoan ngày càng xuất hiện nhiều trong lễ hội làm mất đi tính linh thiêng, văn hoá của lễ

hội. Người dân Việt Nam nói chung và người dân làng Phù Ủng nói riêng, vốn mộc mạc, thật thà, chất phác và tin người, lợi dụng điểm yếu đó một số phần tử xấu đã thêu dệt nên những trò ma quỷ, kiếp nạn này kia... để lừa phỉnh nhân dân cả tin. Cho nên lễ hội cũng là một mùa kiếm ăn của những kẻ buôn Thần, bán Thánh, đã biết bao nhiêu cảnh gia đình tan nát vì tin vào những lời bói toán. Mặt khác những trò chơi mang tính được thua cao như ném vòng, quay ô trúng thưởng, cua cá, úp chén... là nguồn gốc cho trò chơi cá cược, từ đó tệ nạn cờ bạc ra đời làm cho không khí của lễ hội mất vẻ tôn nghiêm.

Lễ hội từ mục đích là đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người đã chuyển sang mục đích làm giàu của một số phần tử xấu. Thông qua lễ hội, con người được nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi sau một năm lao lực vất vả. Đến với lễ hội, con người như được sống lại trong không khí lịch sử của di tích. Đến với lễ hội con người như cởi bỏ mọi vướng mắc ở cõi trần, tâm hồn như được siêu thoát thanh thản. Nhưng lòng tín tâm của mỗi người và những trò chơi giải trí trong lễ hội đã bị lạm dụng quá mức dẫn đến những tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan...

Xưa, khách hành hương đến di tích thường nặng về phần lễ hơn là hội, hội sinh ra nhờ ở phần lễ, tức là từ tín ngưỡng và tâm linh. Hiện nay, phần hội bao gồm các trò chơi dân gian, các hình thức giao lưu, ẩm thực, mua sắm..., đặc biệt là nhu cầu du lịch. Tuy nhiên, để tạo nên một cảnh quan đẹp, nội dung hấp dẫn, sinh hoạt tiện nghi, giao lưu lịch thiệp, hướng dẫn chu đáo thì chưa được quan tâm là bao.

Những vấn đề nảy sinh nêu trên cũng là chuyện phổ biến trong nhiều lễ hội. Song chúng tôi không có ý đưa ra những mặt trái để phê phán mà chúng ta trên cơ sở đó để đặt ra vấn đề tổ chức, quản lý nó như thế nào để khai thác được những giá trị văn hoá của lễ hội.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lễ hội làng phù ủng (làng phù ủng, xã phù ủng, huyrnj ân thi, tỉnh hưng yên) (Trang 99 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w