ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA NHÓM BỆNH NHÂN NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhịp tim sau điều trị cơn nhịp nhanh trên thất bằng năng lượng sóng có tần số radio (Trang 81 - 83)

Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 45 bệnh nhân được chẩn đoán cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất trong thời gian từ tháng 12 năm 2014 đến tháng 09 năm 2015. Tất cả các bệnh nhân này được làm TDĐSL và điều trị bằng sóng RF tại phòng Tim mạch can thiệp Viện tim mạch Việt Nam. Từ các số liệu chung thu được ở những BN này được thể hiện qua các bảng, biểu đồ, chúng tôi có những nhận xét sau:

4.1.1. Giới

Trong nhóm loại cơn AVNRT thì tỷ lệ bệnh nhân nữ của chúng tôi (chiếm 56%) cao hơn tỷ lệ bệnh nam (chiếm 44%). Trong nghiên cứu của tác giả Tôn Thất Minh thì trong nhóm AVNRT tỷ lệ bệnh nhân nữ/nam = 1,68/1[51], tác giả Trần Song Giang là nữ/nam = 2,48/1[1], tác giả Kihel là nữ/nam = 1,53/1[52]. Chính điều này mà trên thực tế lâm sàng đôi khi có thể coi giới tính nữ như là 1 tiêu chuẩn phụ kết hợp với hình ảnh cơn nhịp nhanh điển hình trên ĐTĐ bề mặt để chẩn đoán AVNRT[1].

Trong nhóm loại cơn AVRT thì kết quả của chúng tôi cho thấy tỷ lệ nam cao hơn nữ (nam/nữ = 1,5/1). Kết quả này cũng giống với kết quả của tác giả Phan Đình Phong với tỷ lệ nam/nữ = 1,1/1[49], tác giả Phạm Quốc Khánh và cộng sự tỷ lệ nam/nữ = 1,32/1[14]. Cho đến hiện nay thì nguyên nhân của sự khác biệt về giới như trên vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Do đó nếu tính chung NNKPTT (AVNRT và AVRT) thì về giới tính, tỷ lệ nam/nữ = 1,05/1 của chúng tôi xấp xỉ bằng 1/1. Kết quả này tương tự với kết quả của tác giả John A. Kastor [21], tỷ lệ mắc NNKPTT ở nam và nữ là

tương đương nhau. Tỷ lệ này có khác so với một số nghiên cứu trong nước như tỷ lệ của tác giả Phan Đình Phong (cỡ mẫu là 72 bệnh nhân) là nam/nữ = 0,64/1 [49] hay của tác giả Khổng Đình Kỷ (cỡ mẫu là 73 bệnh nhân) là nam/nữ = 0,35/1 [50]. Có thể do số lượng bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của 2 tác giả trên nên có sự khác biệt này. Đồng thời việc khác nhau giữa các nghiên cứu là do tỷ lệ % AVNRT và AVRT trong nhóm nghiên cứu là khác nhau.

4.1.2. Tuổi

Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 45,53 ± 17,03 tuổi. Cao nhất là 82 tuổi và thấp nhất là 8 tuổi.

Tuổi trung bình của nhóm AVNRT là 51,32  16,09 (năm) cao hơn so

với nhóm AVRT là 38,30  15,66 (năm). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,009 < 0,05.

Đặc điểm kết quả về tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi cũng giống như các tác giả khác [21],[53],[54],[55],[56],[57],[58],[59]. AVNRT hay gặp ở tuổi trung niên trong khi AVRT thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi hơn. Theo tác giả Bottoni [4] và Chen S.A [60] đã giải thích sự khác biệt này như sau: Vòng vào lại nhĩ - thất đã có thể được xác lập đầy đủ về giải phẫu cũng như chức năng ngay từ khi quả tim được hình thành trong bào thai. Trong khi đối với vòng vào lại tại vùng nút nhĩ - thất, các yếu tố cấu thành (đường chậm, đường nhanh và mô nhĩ xung quanh) phải sau một thời gian nhất định thay đổi đặc tính điện sinh lý học mới phù hợp với việc duy trì vòng vào lại. Tuổi càng cao làm khoảng AH càng dài ra, đặc tính điện sinh lý học của đường dẫn truyền kép nút nhĩ thất biến đổi theo xu hướng dễ xuất hiện cơn tim nhanh hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhịp tim sau điều trị cơn nhịp nhanh trên thất bằng năng lượng sóng có tần số radio (Trang 81 - 83)