Cơ chế và phân loại tim nhanh vào lại nhĩ-thất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhịp tim sau điều trị cơn nhịp nhanh trên thất bằng năng lượng sóng có tần số radio (Trang 25 - 27)

Cơ sở giải phẫu, sinh lý

Vòng van hai lá và ba lá đóng vai trò cách ly tâm nhĩ với tâm thất về mặt điện học. Bình thường xung từ nhĩ xuống thất chỉ có thể qua một đường duy nhất là nút nhĩ thất, bó His, các nhánh bó His và hệ Purkinje. Một số người

có những đường dẫn truyền phụ (accessory pathway), là những dải cơ băng

ngang rãnh nhĩ thất nối liền tâm nhĩ với tâm thất. Đa số các đường dẫn truyền phụ có thể dẫn xung từ nhĩ xuống thất lẫn từ thất lên nhĩ. Khoảng 2 - 3% đường phụ chỉ dẫn từ nhĩ xuống thất, 20 - 31% đường phụ chỉ dẫn từ thất lên nhĩ, gọi là đường phụ ẩn (concealed accessory pathway). Khoảng 7 - 15% những trường hợp có đường truyền phụ có trên 2 đường dẫn truyền phụ.

Trong khi nhịp xoang, xung động từ tâm nhĩ đi xuống tâm thất qua cả nút nhĩ thất và đường dẫn truyền phụ. Theo sinh lý bình thường, tại nút nhĩ thất vận tốc dẫn truyền xung động chậm lại, xung động đi qua đường dẫn truyền phụ nhanh hơn và vì thế tới tâm thất sớm hơn gây kích thích thất sớm (WPW điển hình). Trong trường hợp đường phụ chỉ truyền xung động từ thất lên nhĩ (đường phụ ẩn) sẽ không có hiện tượng tiền kích thích trên ĐTĐ lúc nhịp xoang.

Sự tồn tại và khác biệt về đặc tính điện sinh lý học của hai đường đẫn truyền: đường dẫn truyền bình thường (qua hệ thống nút nhĩ thất, bó His, các

nhánh bó His và mạng Purkinje) và đường dẫn truyền phụ là điều kiện xuất hiện vòng vào lại gây cơn AVRT.

Về mặt điện sinh lý học, có 2 loại cơn AVRT:

AVRT xuôi chiều (orthodromic)

Chiếm 90 - 95% các trường hợp AVRT. Cơ chế khởi phát cơn tim nhanh cũng tương tự như trong cơn AVRT. Xung động của một NTT nhĩ đến sớm bị chẹn lại ở đường phụ nhưng được dẫn xuống thất qua nút nhĩ thất rồi sau đó đi ngược lên nhĩ qua đường phụ tạo thành vòng vào lại. Hoặc xung động của một NTT thất bị chẹn lại ở các nhánh bó His nhưng được dẫn lên nhĩ qua đường phụ rồi sau đó quay lại thất qua nút nhĩ thất để khép kín vòng vào lại gây cơn tim nhanh. Như vậy, trong cơn tim nhanh, xung động đi xuôi chiều từ nhĩ xuống thất qua đường dẫn truyền bình thường và đi ngược lại từ thất lên nhĩ qua đường phụ.

AVRT ngược chiều (antidromic)

Hiếm gặp, chiếm khoảng 5 - 10% các trường hợp AVRT. Xung động đi từ nhĩ xuống thất qua đường phụ và đi ngược chiều từ thất lên nhĩ qua đường dẫn truyền bình thường.

Một số trường hợp tim nhanh do vòng vào lại có tham gia của hai đường dẫn truyền phụ.

Cơn AVRT xuôi chiều có thể gặp trong hội chứng WPW điển hình và hội chứng WPW với đường dẫn truyền phụ ẩn. Cơn AVRT ngược chiều chỉ gặp trong hội chứng WPW điển hình.

Các nghiên cứu cho thấy, một số trường hợp AVNRT đồng thời có bằng chứng về đường dẫn truyền phụ, một số trường hợp AVRT đồng thời có bằng chứng về đường dẫn truyền kép qua nút nhĩ thất. Trong thực tế, một số bệnh nhân xuất hiện cả hai loại cơn tim nhanh này trên lâm sàng.

Hình 1.5: Cơ chế ĐSLH của AVRT Trình tự khử cực nhĩ và thất trong AVRT

Trong cơn AVRT, vòng vào lại có sự tham gia của cả nhĩ và thất. Thời

gian khử cực nhĩ và thất là khác nhau. Ở kiểu xuôi chiều (orthodromic), xung

động theo đường dẫn truyền bình thường xuống thất gây khử cực thất trước rồi mới qua đường phụ ngược lên nhĩ gây khử cực nhĩ. Do vậy, trên điện đồ ghi vùng bó His, điện đồ thất luôn đi trước điện đồ nhĩ một đoạn. Khoảng VA (thất - nhĩ) ở đây là thời gian thực. Ở kiểu ngược chiều (antidromic), xung động theo đường phụ xuống khử cực thất rồi mới đi ngược theo đường dẫn truyền bình thường lên gây khử cực nhĩ, thời gian khử cực thất và nhĩ cũng khác nhau [21],[22],[23].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhịp tim sau điều trị cơn nhịp nhanh trên thất bằng năng lượng sóng có tần số radio (Trang 25 - 27)