Chính sách thương nghiệp

Một phần của tài liệu Chính sách của nhà nguyễn đối với vùng biên giới tây nam dưới triều minh mệnh ( 1820 1840) (Trang 91 - 94)

6. Kết cấu của luâ ̣n văn

3.2.2. Chính sách thương nghiệp

Những năm đầu lên ngôi, chính sách giao thương của Minh Mệnh đối với khu vực biên giới Tây Nam là sự tiếp tục chính sách từ thời Gia Long. Mặc dù thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng”, song nhà Nguyễn vẫn duy trì hoạt động ngoại thương với Chân Lạp. Trong đó, mối quan hệ buôn bán chủ yếu là giữa Nam Kỳ và Chân Lạp thông qua hai con đường chính là cửa khẩu Châu Đốc và đường biển Hà Tiên.

Do vị trí địa lý đặc thù của mình nên Châu Đốc nằm trên con đường trục nối liền Gia Định với Nam Vang (Chân Lạp). Đối với triều đình nhà Nguyễn, khu vực Châu Đốc tân cương nói chung và đồn Châu Đốc nói riêng giữ vai trò rất quan trọng ở biên giới Tây Nam. Năm 1835, Minh Mệnh cho đắp đường bộ ba nhánh với Châu Đốc làm trung tâm, có một đường bộ chạy thẳng đến Nam Vang. Con đường này cũng chính là đường quan yếu, đưa sứ bộ của Chân Lạp, Xiêm La sang Đại Nam.

Hoạt động buôn bán giữa Chân Lạp và Đại Nam ở cửa khẩu Châu Đốc nói riêng và dọc theo biên giới Tây Nam nói chung phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ hòa hảo Đại Nam - Xiêm La. Giai đoạn 1820-1833, quan hệ giữa nhà Nguyễn và Xiêm La bình thường nên con đường buôn bán Gia Định - Nam Vang diễn ra tốt đẹp. Nhưng từ năm 1833, sau sự biến Lê Văn Khôi, hoạt động buôn bán giữa Gia Định - Nam Vang bị cấm hẳn. Cuối năm 1834, tỉnh thần An Giang là Nguyễn Công Trứ tâu xin, Minh Mệnh tạm bỏ lệnh cấm tư nhân chuyên chở gạo, muối, cho dân Kinh được sang Chân Lạp buôn bán. Đến tháng 4-1835 mới bỏ hẳn lệnh cấm, cho thông thương như cũ.

Đường biển Hà Tiên từ lâu đã được coi là con đường thuận lợi cho giao thương, buôn bán ở khu vực phía Nam. Đặc biệt trong mối quan hệ Đại Nam - Chân Lạp - Xiêm La, đường biển Hà Tiên giữ địa vị chiến lược. Nhận thức được

92 tầm quan trọng đó, năm 1825, Minh Mệnh quyết định đánh thuế cảng các thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán ở Hà Tiên. Trong đó, có quy định rõ ràng về thuế lệ đối với thuyền buôn của nhà Thanh và Xiêm La.

Về lệ thuế, năm thứ 17 (1836), Minh Mệnh quy định: các tỉnh Nam Kỳ, hễ các thuyền buôn đến buôn bán ở thành Nam Vang, thời thuyền hạng nhất mà cái xà ngang đo được từ 7 thước trở lên, mỗi lần tiền thuế 200 quan; hạng nhì 6 thước trở lên mỗi lần tiền thuế 150 quan; hạng ba 5 thước trở lên mỗi lần tính thuế 100 quan [113,462]. Đến năm 1839 quy định thêm lệ thuế thuyền buôn Nam Kỳ đi buôn Chân Lạp.

Bên cạnh thu thuế bằng tiền, triều đình nhà Nguyễn còn thu thuế bằng hiện vật. Năm 1836, Minh Mệnh quy định: các thuyền buôn đến buôn bán từ Nam Kỳ đến Chân Lạp và ngược lại đều chiếu thu gạo, muối bằng 1/10 số lượng hàng hoá (giá mỗi phương gạo 1 quan tiền, 1 phương muối giá 3 tiền) trừ vào tiền thuế. Nếu các thuyền buôn chở hàng hoá đi qua lại địa phận các đồn thủ ở Châu Đốc như Châu Giang, Tân Châu, An Lạc, Trấn Di và nhánh sông Đông Xuyên thuộc Hậu Giang đều do viên đồn khám đo, chiết hạng thu thuế. Hoặc là khi thuyền đi buôn Chân Lạp, thuyền ấy thuộc hạng nào, chở số muối, gạo bao nhiêu, quan địa phương phê giấy nói rõ khi đến nơi xét thực đánh thuế bằng 1/10 hàng hoá, thu thuế bằng muối, gạo như trên. Nếu thiếu muối, gạo thì thu thuế tiền cho đủ ngạch thuế, nếu thừa muối, gạo thì mua hết và trả tiền theo giá quy định trên. Thuyền Nam Kỳ đi buôn Chân Lạp hoặc ngược lại tính theo lệ này thu thuế. Lệ thuế năm 1839 cũng nhắc lại lệ thu thuế bằng muối, gạo thay tiền thực hiện như trước [146]. Việc chấp nhận thu thuế thuyền buôn bằng hiện vật như gạo, muối thay tiền nhằm bổ sung nguồn quân lương là một biện pháp kinh tế - quân sự đạt kết quả và thuận lợi cho việc tích trữ quân lương của triều đình.

Lúa gạo dưới thời Nguyễn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn dự trữ quân lương phòng khi có biến. Đặc biệt, với Nam

93 Bộ là vựa lúa lớn, đất đai trù phú nên giá gạo thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. Chính vì vậy nhà Nguyễn ra lệnh cấm nghiêm ngặt buôn bán lúa gạo ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Minh Mệnh cũng mạnh tay trong việc đối phó với hoạt động buôn lậu ở tuyến biển Hà Tiên. Chẳng hạn như năm 1832, Mạc Hầu Hi được sai đi do thám tình hình nước Xiêm, nhưng lại chở trộm đường và gạo bán cho Hạ Châu1

, phạm vào điều quốc cấm, định tội giảo giam hậu [137,309]. Các tỉnh biên giới như Hà Tiên, An Giang phải thường xuyên tâu báo giá gạo: Hà Tiên tâu báo 1 lần/ 3 tháng; An Giang tâu báo 1 lần/ 2 tháng. Còn những khi giá gạo hoặc cao vọt hoặc hạ xuống thình lình thì phải lập tức tâu lên [137, 406].

Từ thời Gia Long cho đến Minh Mệnh, Chân Lạp luôn là nước phiên thuộc, chấp nhận sự bảo hộ của triều đình nhà Nguyễn. Vì thế, mặc dù thi hành chính sách đóng cửa, không cho tư nhân buôn bán ra nước ngoài, nhưng con đường giao thương Gia Định - Nam Vang vẫn được tạo điều kiện thuận lợi (trừ những thời gian ngắn có chiến tranh). Cấm buôn bán lúa gạo nhưng Minh Mệnh vẫn tạo điều kiện cho Chân Lạp thông thương qua cửa biển nước ta để vận chuyển lương thực. Năm 1832, thành thần Gia Định tâu báo: “Đất Chân Lạp cấy được thóc, làm được muối, không đâu bằng Ba Thắc, sự ăn dùng trong nước ấy phần nhiều đều trông ở đó, mà đường chuyển vận ở biển phải do cửa trấn Định An đồn An Thái thuộc Vĩnh Thanh. Vua Phiên sợ người coi đồn tấn ngăn trở nên đã khẩn khoản xin được thông hành”. Ngay lập tức, Minh Mệnh ưng thuận bởi cho rằng nước Chân Lạp là phiên thuộc, không cần nể nang bờ cõi.

Đối với hoạt động nội thương giữa các tỉnh biên giới Tây Nam, vua tôi nhà Nguyễn vẫn duy trì quan điểm khuyên dân chăm nghề gốc (nông nghiệp) mà át nghề ngọn (thương nghiệp). Thự Bố chính An Giang Trương Phúc Cương đã nhận định về hoạt động buôn bán của nhân dân các tỉnh Nam Kỳ năm 1836: “Nghề thuyền sông làm hại nghề nông cũng như cỏ lùng làm hại lúa” [138, 764].

1

94 Nên đề nghị triều đình tiến hành đánh thuế các thuyền buôn trong các sông của sáu tỉnh Nam Kỳ. Minh Mệnh đồng tình với kiến nghị của Trương Phúc Cương nhưng cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thi hành chính sách này. Đến năm 1837, triều đình nhà Nguyễn mới quyết định đánh thuế đường sông tại các tỉnh Nam Kỳ, đồng thời đặt các sở tuần để kiểm soát số lượng tàu thuyền qua lại, hàng hóa buôn bán và thu thuế. Như vậy, phải đến cuối thời Minh Mệnh trị vì, hoạt động nội thương ở Nam Kỳ nói chung và các tỉnh biên giới Tây Nam nói riêng mới bị triều đình kiểm soát chặt chẽ. Có lẽ, Minh Mệnh nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động buôn bán, trao đổi đường thủy của nhân dân các tỉnh Nam Kỳ, đặc biệt là khi có binh biến xảy ra.

Chính sách thương nghiệp của triều Nguyễn ở khu vực biên giới Tây Nam gắn liền với chính sách quân sự, quốc phòng. Một mặt, nhà Nguyễn tạo điều kiện cho thương nhân buôn bán từ Nam Kỳ đến Nam Vang, vừa thu nguồn lợi về thuế, vừa thể hiện địa vị của một nước bảo hộ. Mặt khác, khi biên giới có biến, chính quyền lập tức đóng cửa để đảm bảo bí mật quân sự, ngăn ngừa địch dò la tin tức. Bên cạnh đó, triều đình cũng không kiểm soát quá chặt chẽ hoạt động nội thương của nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam bằng đường thủy, bởi đặc điểm điều kiện tự nhiên của khu vực và nguồn lợi không thể phủ nhận của hoạt động này. Chính sách thương nghiệp trên còn có tác dụng ổn định đời sống, thu hút dân cư, tạo nên nguồn lợi kinh tế cho các khu vực Tây Nam còn nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Chính sách của nhà nguyễn đối với vùng biên giới tây nam dưới triều minh mệnh ( 1820 1840) (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)