6. Kết cấu của luâ ̣n văn
3.2.1. Chính sách nông nghiệp
Với quan điểm “dĩ nông vi bản”, Minh Mệnh duy trì chính sách khuyến khích cư dân khu vực biên giới Tây Nam khai phá ruộng đất, mở rộng trồng trọt. Đồng thời, gắn chặt hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng làng mạc, ổn định đời sống dân cư với vấn đề bảo vệ biên cương lãnh thổ.
Từ khi lên ngôi, các vùng đất trọng yếu khu vực biên giới Tây Nam như Quang Hóa, Châu Đốc, Hà Tiên… Minh Mệnh đều ban chỉ dụ cho quan lại đóng giữ tích cực mộ dân, lập ấp để “hộ khẩu ngày một tăng, đồng ruộng ngày càng mở mang” [136,123]. Ông nhấn mạnh đến vai trò của các quan lại địa phương là phải “tìm cách chiêu dân đến mà vỗ về, khiến cho người ở ngày càng đông đúc, ruộng đất ngày càng mở mang, sinh hoạt đều được dư dụ” [137,88]. Những dân cư được chiêu mộ đến khai hoang đa số là người dân tộc thiểu số (Chàm, Thổ…), lậu đinh, ngoại tịch, dân nghèo xiêu tán. Về phía triều đình, nhằm thu hút đông đảo cư dân đến sinh sống, khai phá ruộng đất tại đây, Minh Mệnh đã thi hành hàng loạt các chính sách ưu đãi, khuyến nông như hoãn thuế ruộng, cho vay tiền gạo, lúa giống, nông cụ, trâu bò để làm ăn… Đặc biệt, nhiều lần Minh Mệnh đã hạ lệnh gia hạn các khoản vay mượn của nhà nước, miễn trừ thuế thân, tạp dịch để khoan tha sức dân, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm khai khẩn đất đai, ổn định cuộc sống lâu dài. Thực tế, chính sách mộ dân lập ấp của Minh Mệnh đối với khu vực biên giới Tây Nam vừa để mở rộng, khai phá vùng đất mới, vừa tạo điều kiện xây dựng cơ sở xã hội nhằm bảo đảm an ninh biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, địa bàn khu vực biên giới Tây Nam bấy giờ còn nhiều vùng hoang địa, mênh mông, lầy rậm, nên vấn đề khai khẩn đất hoang, phát triển nông nghiệp không thể chỉ dựa vào việc mộ dân lập ấp. Do đó, học tập chính sách của
88 Gia Long, Minh Mệnh không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng các đồn điền do binh lính canh tác dọc theo khu vực biên giới. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), hoàng đế xuống dụ: “đất ở Hà Tiên có nhiều nguồn lợi khác mà tỉnh ấy hiện nay chưa làm gì, vậy xét tình trạng ấy cần phỏng theo ý nghĩa đồn điền ngày xưa, dựa vào biền binh đóng giữ, trừ chỗ nào phải phân phái đi tuần phòng ra, còn thì đều chuẩn cho tùy tiện chọn chỗ có thể cày cấy được, cấp cho trâu cày, đồ làm ruộng, sức cho vừa cấy cày, vừa luyện tập, hoa lợi thóc làm ra được tự ăn tiêu” [113,155]. Thực hiện chính sách của Minh Mệnh, đến năm 1838, tỉnh thần Hà Tiên tâu báo lính đồn điền đã khai khẩn được hơn 200 mẫu ruộng, trừ đi số lúa nộp thuế và để làm giống còn lại thu về 590 hộc [128,75]. Từ thành quả đó, Minh Mệnh thêm nhấn mạnh: “Chia binh lính cho làm đồn điền, thật là việc cốt yếu để phòng giữ nơi biên giới. Vậy nên khuyến khích, đốc suất binh lính tiếp tục khai khẩn, để nguồn lợi đất đai không bỏ sót và có đầy đủ lương thực cho dân” [128,75]. Điều này minh chứng cho hiệu quả của chính sách “ngụ binh ư nông”, hướng tới “thực túc binh cường” mà Minh Mệnh đã khéo léo áp dụng đối với khu vực biên giới Tây Nam.
Cùng với chính sách khai hoang, lập ấp, Minh Mệnh cũng chú trọng đến việc khôi phục lại diện tích đất canh tác bị bỏ hoang. Khu vực biên giới Tây Nam dưới thời Minh Mệnh chịu nhiều biến động, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt - Xiêm (1833-1834) khiến cư dân xiêu giạt, ruộng đất tái hoang hóa. Vì vậy, sau cuộc chiến, Minh Mệnh đã thi hành một số chính sách khuyến khích cư dân quay trở lại định cư, canh tác, phục hóa đất đai. Chẳng hạn như đối với vùng thượng du Quang Hóa, sau chiến tranh, một mặt Minh Mệnh tăng cường việc đóng giữ, đồn trú quân sự, mặt khác chỉ dụ cho các quan lại: “miền thượng du Quang Hóa mới trải qua một cuộc rối ren, nhân dân tan tác, ăn ở chưa được yên, nay chính là lúc cần phải sửa sang, chỉnh đốn lại. Hơn nữa, nếu đất đã là chỗ trồng cấy được, lại nhiều nơi bỏ hoang mà dân Chàm (tức người Chăm) xiêu giạt không nơi nương tựa, thì việc thu xếp cho dân có chỗ ở và đặt ra thể lệ
89 điền sản, cũng là việc cần làm trước” [138, 103-104]. Để sau khi cư dân ổn định sinh hoạt, sản xuất sẽ chia đặt địa giới hành chính, cử người cai quản, định lệ thuế khóa. Khiến cho “đất không có chỗ bỏ sót nguồn lợi, dân có nghề nghiệp thường làm ăn”, đó cũng là “một kế trọng yếu trong việc kinh lý biên cương”.
Bên cạnh đó, hai vị vua đầu triều Nguyễn còn bắt tay vào cải tạo thiên nhiên nhằm tạo ra môi trường canh tác nông nghiệp thuận lợi hơn cho cư dân khu vực này. Từ Gia Long đến Minh Mệnh, hai con kênh quan trọng của khu vực Tây Nam Bộ đã được tiến hành khai đạo. Năm 1817, trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại phụng chỉ Gia Long đốc suất việc đào kênh Đông Xuyên nối liền rạch Thủ Thảo đến Rạch Giá, đi ngang qua núi Sập [93,50]. Sau khi hoàn thành, con kênh này được Gia Long đặt tên là Thoại Hà, núi Sập đổi tên là Thoại Sơn. Kênh Thoại Hà đóng vai trò quan trọng trong việc tháo một phần nước lũ từ sông Hậu Giang ra biển, bồi đắp phù sa cho vùng chân núi Thoại Sơn, thu hút dân cư đến khai khẩn đất đai, tụ họp hai bên bờ kênh. Năm 1819, Gia Long tiếp tục hạ chỉ khởi công đào một con kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Đến năm 1824, dưới thời Minh Mệnh, công trình mới được hoàn thành. Con kênh có chiều rộng 15 tầm, sâu 6 thước, chiều dài từ Châu Đốc đến Giang Thành, Hà Tiên khoảng 98.300m [148,20]. Ghi nhớ công lao, đức độ của vợ chồng quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu, Minh Mệnh quyết định đặt tên con kênh này là Vĩnh Tế - dựa theo tên bà Châu Thị Vĩnh Tế, phu nhân của Thoại Ngọc Hầu. Kênh Vĩnh Tế đã tạo nên sự thay đổi to lớn trên những cánh đồng mênh mông của khu vực Tây Nam, giúp thau chua, rửa phèn, dẫn nước ngọt sông Cửu Long cho mùa màng tươi tốt. Nhờ đó, dân cư tụ hội ngày càng đông đúc, thôn ấp mọc lên ngày càng nhiều, tạo nên làn sóng khai phá đất đai mạnh mẽ ở khu vực Châu Đốc, Hà Tiên, góp phần tạo cơ sở xã hội vững chắc cho quyền lực của triều đình ở vùng biên giới Tây Nam.
90 Chính sách phát triển nông nghiệp vùng biên giới của Minh Mệnh không chỉ nhằm vào mục đích kinh tế, mà nhấn mạnh đến việc gây dựng cơ sở xã hội, tạo lập làng xã, thôn ấp. Vì vậy, chính sách thuế đinh điền, lao dịch áp dụng tại đây cũng rất mềm dẻo, linh hoạt. Hầu hết các hạng thuế đều được triều đình miễn trừ 3 năm trở lên. Nếu quan lại địa phương có tâu báo về tình hình thiên tai, dịch bệnh, đất đai khó khai khẩn… thì triều đình sẽ gia hạn đóng thuế cho dân.
Tuy nhiên, thuế khóa là công cụ đắc lực của nhà nước để kiểm soát hoạt động sản xuất, số lượng dân cư, quản lý xã hội nên Minh Mệnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc kinh lý, kiểm kê số lượng dân đinh, ruộng đất, nhằm định ngạch thuế. Chẳng hạn như đồn Châu Đốc, từ thời Gia Long đã có chính sách mộ dân lập ấp, đến năm 1833 dưới thời Minh Mệnh thống kê được có 41 xã thôn, phường phố cũ, đinh số được hơn 1.100 người, ruộng đất được 9 thửa; và 15 thôn, phố mới lập, đinh số hơn 300 người, ruộng chân núi được 5 thửa. Sau 20 năm thực hiện chính sách “mộ dân lập ấp”, triều đình nhà Nguyễn mới tính toán đến việc định ngạch thuế ở khu vực này. Minh Mệnh cũng thận trọng căn dặn quan lại địa phương: “Những thôn và phố mới lập, sinh sống chưa được thừa thãi, chuẩn cho miễn tô thuế 3 năm. Còn những thôn xã lập trước thì bắt đầu từ sang năm phải nộp thuế thân, nhưng cho hoãn tô ruộng một năm nữa”.
Nhìn chung, triều đình nhà Nguyễn luôn nhấn mạnh tư tưởng coi trọng “nghề gốc”, khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đối với khu vực biên giới Tây Nam, nông nghiệp phát triển đồng nghĩa với đất đai khai phá được mở rộng, đảm bảo nguồn lương thực cho dân, quân lương cho binh lính trú phòng. Đây chính là cốt lõi của kế sách phòng giữ biên cương lâu dài, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế - xã hội của khu vực biên thùy.
91