6. Kết cấu của luâ ̣n văn
2.2.1. Sự thiết lập Trấn Tây Thành
Dưới thời Minh Mệnh, mối quan hệ giữa Đại Nam - Chân Lạp - Xiêm La có nhiều biến đổi. Những năm đầu, Minh Mệnh tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, cùng chia sẻ quyền lợi ở Chân Lạp với Xiêm La. Hoạt động đi lại, bang giao giữa hai nước được duy trì đều đặn. Tuy nhiên, năm 1833 nhân cơ hội nước ta xảy ra sự biến Lê Văn Khôi, Xiêm La đã đem quân tấn công Chân Lạp và Nam Kỳ. Đến đây, mối quan hệ bang giao hòa hiếu giữa Đại Nam và Xiêm La chấm dứt. Cuộc chiến tranh Việt - Xiêm kết thúc với thắng lợi nghiêng về triều đình nhà Nguyễn. Quân Xiêm không chỉ bị đánh bật ra khỏi nước ta mà còn phải rút chạy hoàn toàn khỏi Chân Lạp. Để bảo hộ Chân Lạp, Minh Mệnh đã bố trí một lực lượng quân sự thường trực
54 đồn trú tại Nam Vang và Bắc Tầm Bôn. Đồng thời, ban hành những chính sách để lo việc “thiện hậu” cho Chân Lạp sau cuộc tấn công của người Xiêm.
Tháng 12 năm 1834, vua Chân Lạp là Ang Chan đột ngột qua đời, không có con trai nối dõi, chỉ có bốn công chúa là Ang Pen, Ang Mei, Ang Peou và Ang Snguon. Theo truyền thống của người Khmer, trong trường hợp hoàng gia không có hoàng tử kế vị, hàng ngũ quan lại sẽ chọn một vị vua mới trong số những người đứng đầu các ca-bu. Nhưng nhiều quan lại Chân Lạp phản đối vì vẫn còn hai vị vương gia là Ang Em và Ang Đuông đang lưu vong tại Xiêm La [8]. Tình hình trên có thể dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực mới ở Chân Lạp. Nắm lấy cơ hội này, Minh Mệnh quyết định đưa công chúa Ang Mei1 lên làm quận chúa Chân Lạp, đồng thời chính thức sáp nhập Chân Lạp vào nước ta với tên gọi Trấn Tây thành. Tại đây, nhà Nguyễn đã cho thiết lập một hệ thống chính quyền hầu hết do các quan lại nước ta cai quản, bao gồm 10 phủ, 23 huyện với diện tích gần gấp đôi Nam Bộ ngày nay. Trấn Tây thành tồn tại đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) thì giải thể, và trở lại với vị trí là vùng đất được nước ta bảo hộ, tên gọi Trấn Tây thành để chỉ Chân Lạp đến đây cũng biến mất. Trong thời gian tồn tại của mình, Trấn Tây thành trở thành trọng tâm của triều đình nhà Nguyễn trong vấn đề bảo vệ biên cương, lãnh thổ khu vực Tây Nam.
Vấn đề thiết lập Trấn Tây thành dưới thời Minh Mệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đây là giai đoạn mà triều đình nhà Nguyễn có được quyền lực chính trị tập trung mạnh, với những vị vua tài giỏi, tầm nhìn rộng. Cương vực lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước tới nay, quân đội đông đảo, tinh nhuệ hơn so với các nước trong khu vực, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Có thể nói, tiềm lực chính trị, quân sự của triều Nguyễn thời kì này đạt đến vị thế hùng cường trong khu vực, có ảnh hưởng tới hầu hết các nước láng giềng. Chính
55 vì vậy, việc thiết lập Trấn Tây thành tại Chân Lạp sẽ tạo ra thanh thế cho triều đình Phú Xuân, ngầm khẳng định sức mạnh của Đại Nam với các nước lân bang.
Bên cạnh đó, phải nhắc đến sự khủng hoảng vương quyền trong nội bộ triều đình Chân Lạp. Giai đoạn này, việc chọn người kế vị ở Chân Lạp luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ bên ngoài, mà cụ thể là từ triều đình Đại Nam và Xiêm La. Một phần là do sự yếu kém trong tiềm lực kinh tế, quân sự của Chân Lạp. Nhưng mặt khác, là do nội bộ hoàng tộc luôn bất hòa dẫn tới việc cầu viện các thế lực bên ngoài để tranh giành quyền lực. Trong bối cảnh đó, thế lực ngoại bang nào mạnh hơn sẽ có được ưu thế quyền lực chính trị tại Chân Lạp. Đây trở thành một điều kiện thuận lợi để nhà Nguyễn có thể thiết lập Trấn Tây thành tại vùng đất này.
Vấn đề “mở rộng cương vực” được nhiều học giả nhắc đến như một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự ra đời của Trấn Tây thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất trong giới sử học về quan điểm này.
Theo lập luận của Alexander Woodside1 thì triều Nguyễn có tham vọng lớn nhất là duy trì chế độ triều cống theo mô hình Trung Quốc, đến mức ban tước vương cho cả hai vị vua Lửa và vua Nước ở Tây Nguyên [174,211]. Đây là vấn đề xuất phát sâu xa từ hệ tư tưởng Nho giáo - nền tảng đạo đức, tư tưởng chính trị của triều đình nhà Nguyễn. Chính Nho giáo đã dẫn đến cái gọi là “Văn minh trung tâm”, tự coi mình là dân tộc văn minh, những nước nhỏ yếu hơn đều là man di, mọi rợ, việc nước nhỏ thần phục nước lớn là ý trời… Vì vậy, việc duy trì một hệ thống thuộc quốc thần phục, thường xuyên triều cống, nhận bảo hộ là để thể hiện vị thế, tầm ảnh hưởng của triều đại. Ta có thể tìm thấy trong mục Bang giao của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có phần Nhu viễn ghi chép đầy đủ, cụ thể các quy định về hoạt động triều cống của các nước phiên thuộc [113]. Các sách sử khác của triều Nguyễn đều kể đến
1 Tác giả cuốn “Viet Nam and the Chinese Model” (Việt Nam và mô hình Trung Hoa), Harvard University
56 các thuộc man, thuộc phiên, thuộc quốc như là những bằng chứng thể hiện sức mạnh của quốc gia. Trước năm 1835, Chân Lạp cũng đóng vai trò là một nước phiên thuộc, chịu sự bảo hộ của triều đình nhà Nguyễn. Vậy tại sao đến năm 1835, Minh Mệnh không tiếp tục duy trì chế độ thuộc quốc đối với Chân Lạp mà lại sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ Đại Nam?
Trả lời câu hỏi trên, học giả Choi Byung Wook lập luận rằng: Thực tế vua Minh Mệnh không quá đề cao vấn đề duy trì hệ thống triều cống mang phong cách Trung Quốc, mà vấn đề nhà vua quan tâm nhiều hơn là mở rộng cương vực lãnh thổ. Ông cho rằng điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Minh Mệnh sáp nhập Chân Lạp vào nước ta, đổi tên là Trấn Tây thành và đến năm 1838 đổi tên nước ta thành Đại Nam. Đại Nam ở đây theo giáo sư Choi bao gồm “An Nam của người Việt, Việt Thường của Champa và vùng đất vốn của người Chân Lạp” [174,210].
Những nhận định trên khá thuyết phục, nhưng đặt việc thiết lập Trấn Tây thành vào bối cảnh lịch sử cụ thể, chúng ta mới có thể nắm bắt được nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự kiện trên. Rõ ràng, từ cuối những năm 20 của thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa Đại Nam và Xiêm La ngày càng xấu đi. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 1833, khi triều đình Xiêm La quyết định cho quân đồng thời tấn công Chân Lạp và Nam Kỳ nước ta. Qua sự kiện trên có thể thấy, Chân Lạp không còn là vùng đệm an toàn đối với Nam Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân Xiêm đã tiến qua Chân Lạp, đánh thẳng vào An Giang, Hà Tiên, uy hiếp trực tiếp đến Gia Định. Điều này cho thấy sự an toàn của khu vực biên giới Tây Nam nước ta bị đe dọa nghiêm trọng nếu tiếp tục duy trì một chính quyền bấp bênh tại Chân Lạp. Vì vậy, quyết định thiết lập Trấn Tây thành của Minh Mệnh mang ý nghĩa sâu xa về an ninh lãnh thổ, tạo nên một hệ thống phòng ngự từ xa có hiệu quả đối với Nam Kỳ nói riêng và Đại Nam nói chung để đề phòng dã tâm của nước đối địch.
57
2.2.2. Chính sách của Minh Mệnh đối với Trấn Tây thành giai đoạn 1835-1841
Được coi như một tỉnh mới thành lập nên Minh Mệnh tập trung hoàn thiện việc xây dựng Trấn Tây thành trên mọi phương diện từ hệ thống quan lại, kinh tế, văn hóa đến tổ chức xã hội.
Về mặt chính trị, Minh Mệnh thực hiện chế độ trực trị, thiết lập hệ thống quan lại người Việt quản lý về mọi mặt ở Trấn Tây thành. Các quan lại của Chân Lạp (gọi là quan Phiên) được cử cai trị xen kẽ, đồng thời duy trì triều đình Chân Lạp giống như một biểu tượng tinh thần.
Bộ Minh Mệnh chính yếu có ghi chép khá chi tiết về hệ thống quan lại được sắp đặt tại Trấn Tây thành: “Đặt quan lại ở thành Trấn Tây: Trấn Tây tướng quân 1 người; Tham tán đại thần 1 người, quan võ; Đô đốc 1 người, quan văn; Hiệp tán cơ vụ đều 1 người; Lãnh binh và Phó lãnh binh đều 2 người; Đạo binh bị và Đạo lương trừ, đều 1 người; Viên ngoại lang 2 người; Chủ sự 3 người; Tư vụ 4 người; Bát cửu phẩm thư lại đều 8 người; Vị nhập lưu thư lại 60 người; Giáo thụ, Huấn đạo 10 người” [127,194]. Trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của từng người: “Trao cho: thự Đông các điện đại học sĩ Trương Minh Giảng làm Trấn Tây thành Tướng quân, cho đeo ấn Trấn Tây tướng quân, vẫn lĩnh chức Tổng đốc An - Hà; Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương sung làm Trấn Tây thành Tham tán, vẫn lĩnh chức Tuần phủ An Giang. Phàm toàn hạt thành Trấn Tây đều đặt dưới quyền cai quản của hai người này, không phải mang ấn và hàm Bảo hộ nước Chân Lạp. Đổi bổ thự Thống chế Hậu dinh Thần sách là Bùi Công Huyên là thự Trấn Tây thành Đề đốc, chuyên coi quản quan quân trú phòng trong thành hạt, kiêm coi quan quân Chân Lạp, hiệp theo tướng quân bàn tính làm việc quân sự. Những quan viên, quân, dân, tiền, gạo và chính sự thuộc thành Trấn Tây đều do Tướng quân hiệp đồng Tham tán bàn bạc tiến hành, cùng đứng người và quan hàm vào tờ tâu báo; Đề đốc không được dự. Duy có việc quan hệ đến quân sự
58 ngoài biên, chuẩn cho Đề đốc và Tham tán được ngang vai nhau, cùng hội bàn; trong tập tâu thì Tướng quân ký người trước, thứ đến Tham tán, thứ nữa đến Đề đốc. Bổ thự Lang trung bộ Binh là Tôn Thất Tường làm Binh bị đạo thành Trấn Tây. Thăng Viên ngoại lang bộ Lại là Doãn Văn Xuân lên thự Lương trừ đạo thành Trấn Tây” [138,790]. Nhìn chung hệ thống quan lại người Việt ở Trấn Tây thành khá đông đảo, lên đến gần 100 người. Trong đó, các võ quan nắm giữ vai trò quan trọng. Đây là điểm tương đồng với hệ thống quan lại các tỉnh khác trong cả nước trong cùng thời kì. Tuy nhiên, so với các tỉnh khác bộ máy quan lại đứng đầu gồm có: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát và Lãnh binh; thì ở Trấn Tây thành, bộ máy quan lại trọng yếu bao gồm: Tướng quân, Tham tán, Đề đốc, Lãnh binh, Binh bị đạo và Lương trừ đạo. Điều này cho thấy vấn đề quân sự, quốc phòng và trấn áp được đặt lên hàng đầu ở Trấn Tây thành.
Bên cạnh đó, Minh Mệnh cũng thực hiện chế độ lưu quan người Việt đến cai quản các phủ huyện tại Trấn Tây thành cùng với các quan lại người Phiên. Cơ cấu quan lại ở Trấn Tây thành từ khi thành lập đến khi giải thể là cố định, song số lượng quan lại được điều bổ đến có sự thay đổi khác nhau tùy theo tình hình thực tế. Điểm đặc biệt là vị trí Tướng quân ở Trấn Tây thành luôn do Trương Minh Giảng nắm giữ.
Đối với các quan Phiên, nhà Nguyễn sử dụng chính sách vỗ về, yên ủi, ban cho nhiều bổng lộc, chức tước với mục đích xoa dịu, lôi kéo họ làm việc cho triều đình. Hệ thống quan Phiên được coi trọng hơn cả hoàng tộc Chân Lạp. Bởi đây là tầng lớp nắm quyền lực trong tay, có uy tín trong nhân dân, nhưng cũng là tầng lớp có thể dễ dàng mua chuộc, lợi dụng. Minh Mệnh đã đưa ra ba quyền lợi về: chí hướng phò tá, của cải vật chất và danh vọng để làm chính sách đối với các quan Phiên. Trong đó, Minh Mệnh khẳng định coi quan Phiên cũng như quan người Việt, mọi nghi lễ đối đãi đều giống như
59 nhau. Sách Đại Nam thực lục có ghi chép về sự kiện Minh Mệnh trách mắng bộ Lễ do phân biệt nghi thức giữa các quan lại người Việt với một quan người Phiên vừa được triều đình phong chức người là Trà Long [73,499]. Nhờ những chính sách trên, Minh Mệnh đã xây dựng được một đội ngũ quan Phiên phò tá đắc lực từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương, một số quan Phiên được giao trọng trách giữ ấn triện của vua Chân Lạp, thực chất là những quan đầu triều nắm quyền hành của triều đình Chân Lạp. Ở địa phương, các thổ quan kết hợp với quan quân người Việt cùng hiệp đồng cai trị và được phong tước vị của nhà Nguyễn bên cạnh tước vị được triều đình Chân Lạp ban cho. Dần dần, những tước vị mà triều đình Chân Lạp ban cho những vị Thổ quan này còn bị coi là không có giá trị và nhà Nguyễn không cho họ sử dụng tước vị đó khi liên lạc với nhau.
Hoàng tộc Chân Lạp là tầng lớp đòi hỏi Minh Mệnh phải có sự ứng xử khéo léo nhất. Một mặt nhà Nguyễn theo đuổi chính sách nước lớn, buộc hoàng tộc Chân Lạp phải chấp nhận sự sáp nhập vào nước ta. Mặt khác, cũng vỗ về, yên ủi họ bằng chức tước, bổng lộc và lời lẽ khôn khéo. Nhà Nguyễn cũng chưa thể lật đổ hoàn toàn hoàng tộc Chân Lạp bởi lo ngại sự phản kháng đến từ tầng lớp quan Phiên và dân Phiên, cũng như sẽ tạo ra cái cớ để Xiêm La can thiệp.
Trước hết, Minh Mệnh đã quyết định phong con gái thứ của vua Chân Lạp là Ang Mei lên làm Quận chúa Chân Lạp, gọi là Ngọc Vân quận chúa; phong cho những người con còn lại là Ngọc Biện, Ngọc Thu, Ngọc Nguyên làm huyện quân, cấp bổng lộc và cử người hộ vệ. Trên thực tế, tước vị của Ngọc Vân chỉ mang tính chất hình thức, nhằm hợp thức hóa việc cai trị của nhà Nguyễn đối với Chân Lạp. Những bổng lộc mà nhà Nguyễn cấp cho họ được rút ra từ tiền thuế của Trấn Tây thành và đội ngũ hộ vệ cũng chính là những người cử theo để giám sát. Trong lúc đó, triều đình Xiêm La lại ngầm hậu thuẫn cho hai hoàng đệ của vua Chân Lạp là Nặc Ong Giun và Nặc Ong Yêm giành lại vương vị. Vì vậy,
60 việc phong tước cho Ngọc Vân cũng như cho các quan Phiên càng trở nên cần thiết. Theo Đại Nam thực lục ghi chép: “Nay đã phong Ngọc Vân con gái thứ vua Phiên, làm quận chúa, kẻ tôn người ti đã có danh phận nhất định, ấn tín tục Man do vua Phiên thường dùng, cho phép Ngọc Vân được giữ để sử dụng; các quan Phiên lớn nhỏ đều chiếu theo chức vụ, làm việc như cũ. Theo như lời tâu, viên quan Phiên, Nhâm Vu, cũng là người mẫn cán đắc lực, chuẩn cho được cùng với người quyền giữ việc nước là bọn Trà Long, La Kiên hội đồng cùng bàn bạc rồi bẩm rõ mà làm. Duy cái “Chân Lạp quốc ấn” phong cho khi trước hãy tạm giao Ngọc Vân niêm phong lại, khi có việc tạ ân hay việc gì đáng tâu thì cho phép (các ngươi) chuyển bẩm ký thay cũng không sao. Rồi ngỏ ý với quan Phiên nên chọn người già cả thành thực, bí mật trông nom bảo vệ cho Ngọc Vân, để trong chỗ chị em Ngọc Vân khỏi ngầm sinh hiềm thù đố kỵ nhau” [138, 546]. Đến năm 1840, với mong muốn chấm dứt hoàn toàn người gọi “Chân Lạp” Minh Mệnh đã ra chỉ dụ đổi phong cho Quận chúa Chân Lạp là Ngọc Vân làm Mỹ Lâm quận chúa; Ngọc Biện làm Lư An huyện quân; Ngọc Thu làm Thâu Trung huyện quân; Ngọc Nguyên làm Tập Ninh huyện quân [138,724]. Từng bước nhà Nguyễn đã thao túng hoàng tộc Chân Lạp trong tay, vẫn cho họ chức tước, bổng lộc song quyền lực thực tế lại nằm trong hệ thống quan lại người Việt được đưa sang cai trị.