Cách tạo mâu thuẫn

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 47 - 48)

7. Đóng góp của đề tài

1.3.2.2.Cách tạo mâu thuẫn

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra mâu thuẫn, sử dụng thiết bị thế nào để tạo ra mâu thuẫn? Đó là những qui trình, những thủ thuật cụ thể mà giáo viên phải vận dụng trong thực tiễn giảng dạy. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì những tư tưởng, quan điểm có tầm quan trọng chiến lược đặt ra trong lí luận dạy học sẽ không có điều kiện thể hiện trong thực tiễn nhà trường.

Để xác định được phương pháp sử dụng thiết bị dạy học nhằm xây dựng tình huống có vấn đề, ta phải bắt đầu từ việc phân tích nội dung kiến thức được qui định trong các tài liệu học tập. Kiến thức trình bày trong các tài liệu này bao giờ cũng chứa đựng những mâu thuẫn giữa những vấn đề mà học sinh đã biết và những vấn đề mới mà học sinh sẽ học.

Hơn nữa, nói cho cùng thì kiến thức nào cũng chứa đựng mâu thuẫn, các khái niệm định lí, định luật đều là sự thống nhất giữa khách quan và chủ quan. Một mặt chúng phản ánh những tính chất, những qui luật tương tác và vận động của thế giới khách quan (đó là tính khách quan), mặt khác nó phản ánh mức độ nhận thức có giới hạn của con người đối với thế giới (đó là tính chủ quan). Vì vậy, khái niệm định lí, định luật nào cũng có giới hạn đúng của nó. Nếu ta đặt những khái niệm, định lí, định luật này ngoài những giới hạn đó thì sẽ xảy ra mâu thuẫn, nghịch lí. Thí dụ: nguyên tắc bình thông nhau chỉ đúng khi thí nghiệm tiến hành trên mặt đất, nếu làm thí nghiệm ở không gian phi trọng lực thì nguyên tắc bình thông nhau sẽ không đúng nữa.

Sau khi nhìn nhận được mâu thuẫn, các thiết bị dạy học, với tư cách là phương tiện thông tin, phải được sử dụng sao cho hai vế của mâu thuẫn xích lại gần nhau. Quá trình này cần được mô tả dưới dạng động để làm nổi bật cơ chế của nó. Tốc độ biểu diễn của quá trình cần đủ chậm để học sinh nhận biết được mâu thuẫn qua thao tác so sánh thông tin, rồi kết hợp hai vế của mâu thuẫn trong một câu hỏi thống nhất.

Nhìn chung, tình huống có vấn đề không phải có thể được tạo ra dễ dàng qua một vài thao tác biểu diễn thí nghiệm, giới thiệu tranh hoặc mô hình. Đó thường là

kết quả của một quá trình phát triển ít nhiều mang tính phức tạp, chế biến câu hỏi và phải có thời gian mà không thể xảy ra một cách nhanh chóng.

Việc tạo mâu thuẫn nhận thức không phải là một quá trình đơn giản. Điều đáng chú ý là trong quá trình này, việc sử dụng thiết bị phải gắn liền với lời giải thích của giáo viên. Điều đó có thể giải thích như sau: Việc quan sát một hoặc nhiều hiện tượng cụ thể luôn gắn liền với kinh nghiệm sống, những cái được giả thiết là cố định và là một mặt của mâu thuẫn. Để làm lộ rõ mâu thuẫn, phải tạo ra mặt kia của hiện tượng bằng cách cho quan sát một hoặc nhiều hiện tượng cụ thể khác. Nhiều khi, sau khi quan sát hai hiện tượng hoặc hai loại hiện tượng, ta vẫn chưa đề xuất ngay được mâu thuẫn, mà phải phân tích hiện tượng ở mức độ khái quát, nghĩa là phải giải thích lí thuyết mới thấy được mâu thuẫn, rồi kết hợp chúng lại trong một câu hỏi, trong một vấn đề thống nhất.

Nhiều trường hợp không phải có thể dễ dàng quan sát các hiện tượng thực tiễn. Có lúc hai hiện tượng xảy ra rất xa nhau về thời gian và không gian, nhưng là hai mặt của một vấn đề nhận thức. Thí dụ: trong việc nghiên cứu các vấn đề xã hội, có lúc nêu lên một vấn đề, ta phải khái quát hóa cả một thời kì lịch sử. Trong trường hợp đó, nhiều khi phải dùng thêm các tài liệu để xây dựng tình huống có vấn đề.Các phương tiện này do những đặc điểm riêng của chúng có khả năng trình bày những sự kiện rất xa nhau về không gian và thời gian thành một vấn đề thống nhất nhằm tạo ra những tình huống có vấn đề hấp dẫn trong quá trình dạy học.

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 47 - 48)