Vai trò của thí nghiệm Vật lý trong dạy học truyền thống

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 25 - 26)

7. Đóng góp của đề tài

1.2.3.1.Vai trò của thí nghiệm Vật lý trong dạy học truyền thống

Dạy học truyền thống tập trung chủ yếu vào việc truyền thụ cho học sinh những kiến thức, kinh nghiệm mà loài người đã tích lũy được để học sinh bắt chước làm theo. Trong dạy học truyền thống, thí nghiệm đóng vai trò như sau:

- Thí nghiệm là phương tiện trực quan giúp cho học sinh hiểu những kiến thức Vật lý trừu tượng một cách dễ dàng: Giáo viên làm thí nghiệm để cho học sinh nhận biết được những biểu hiện cụ thể (có thể chưa đầy đủ) của các kiến thức trong thực tế. Nhưng như thế là tách kiến thức ra hai phần riêng biệt: lý thuyết và thực tế. Học sinh có thể hoặc học kiến thức trước, một thời gian sau mới biết biểu hiện thực tế của nó, hoặc nhiều khi chỉ dừng ở mức hiểu biết lý thuyết, hoặc chỉ biết đến những cái cụ thể mà không biết khái niệm khái quát, trừu tượng. Kết quả là kiến thức của học sinh không vững chắc, không hoàn chỉnh.

- Thí nghiệm Vật lý là nguồn trực tiếp của tri thức: Từ trước đến nay, chúng ta thường thấy các nhà Vật lý học luôn luôn làm thí nghiệm để tìm hiểu những tính chất, những qui luật của thế giới vật chất. Vì vậy, chúng ta có thể có những nhầm tưởng rằng làm thí nghiệm là tìm thấy những tính chất, những qui luật có sẵn trong đó, làm thí nghiệm là để cho chúng bộc lộ ra ngoài cho ta quan sát được. Thực ra, nếu chỉ dựa vào quan sát các thí nghiệm thì ta không thể nào biết được các tính chất qui luật của tự nhiên, thậm chí còn có thể có những hiểu biết sai.

Như vậy, quan niệm cho rằng thí nghiệm là nguồn trực tiếp của tri thức đã dẫn đến một hậu quả tai hại là làm cho giáo viên và học sinh tưởng rằng cứ làm thí nghiệm là thấy tất cả, không cần phải suy nghĩ gì nữa. Đó là chưa kể đến việc phải làm thí nghiệm như thế nào, dùng những dụng cụ nào, thực hiện những động tác nào… thì giáo viên và học sinh cũng chỉ biết nhắc lại thí nghiệm do các nhà khoa học nghĩ ra và bắt chước làm lại. Nếu yêu cầu học sinh tự nghĩ ra một thí nghiệm để nghiên cứu một tính chất hay một quy luật chưa biết thì đó thực sự là một thử thách khó khăn đối với họ. Do đó, thí nghiệm có vai trò giúp rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh.

Trong dạy học truyền thống, kiến thức Vật lý được phân biệt rõ thành hai bộ phận khác hẳn nhau: kiến thức lý thuyết và dạy kĩ năng thực hành (gồm kĩ năng sử dụng các dụng cụ, thiết bị thí nghiệm, các dụng cụ đo lường, các máy móc phổ biến, kĩ năng bố trí lắp ráp thí nghiệm, tính toán kết quả đo lường, xác định sai số, vẽ đồ thị…). Dạy học Vật lý cũng được tách riêng việc dạy kiến thức lý thuyết và dạy kĩ năng thực hành. Trong khi học kiến thức lý thuyết, học sinh có thể không cần biết làm thí nghiệm, thực hiện các phép đo vì giáo viên đã làm hết. Ngược lại, học sinh có thể rất khéo léo trong việc sử dụng các dụng cụ máy móc để làm thí nghiệm nhưng không hiểu biết cơ sở lý thuyết của thí nghiệm đó. Đặc biệt, trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, trong dạy học, người ta dễ dàng bỏ qua phần thực hành, kết quả là học sinh chỉ biết “lý thuyết suông”. Việc tách rời lý thuyết và thực hành như thế khiến học sinh có những kiến thức lý thuyết cũng không vững chắc, không áp dụng được vào hoạt động thực tiễn.

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 25 - 26)