Nghĩa của việc xây dựng và sử dụng thí nghiệm đơn giản trong

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 30 - 32)

7. Đóng góp của đề tài

1.2.4.2.nghĩa của việc xây dựng và sử dụng thí nghiệm đơn giản trong

trong dạy học Vật lý

Vấn đề giáo viên và học sinh tham gia xây dựng (thiết kế, chế tạo, cải tiến) và vận dụng thí nghiệm đơn giản trong dạy học Vật lý có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giáo dục về mặt nhận thức, sư phạm và kinh tế.

a) Về mặt nhận thức:

Do học sinh tự tay chế tạo và sử dụng dụng cụ thí nghiệm đơn giản nên các em có thể hiểu các vấn đề khoa học sâu sắc, chính xác và bền vững hơn. Nó cũng góp phần bồi dưỡng kĩ năng thực hành và giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo, kích thích hứng thú, chủ động tìm tòi giải quyết vấn đề, góp phần nâng cao chất lượng kiến thức trong học tập.

Việc học sinh tự làm dụng cụ thí nghiệm đơn giản là cần thiết trong các hoạt động cụ thể của quá trình dạy học. Thật vậy, sự huy động học sinh cùng tham gia chế tạo và sử dụng thí nghiệm không những tạo cho học sinh có thói quen nghiên cứu kiến thức trước khi đến lớp mà còn tạo điều kiện cho các em có sự chuẩn bị trước câu hỏi, thắc mắc để trao đổi kĩ hơn về các thí nghiệm được tiến hành trên lớp cũng như ngoài giờ học. Mặt khác, học sinh tự tìm kiếm những vật liệu, có trong đời sống hàng ngày để tự chế tạo dụng cụ thí nghiệm đơn giản càng làm cho các em thấy được mối quan hệ gắn bó giữa Vật lý và đời sống. Việc học sinh tự làm dụng cụ thí nghiệm đơn giản sẽ tạo điều kiện cho các em tự lực làm việc nhiều hơn, nâng cao tinh thần hợp tác, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

Vấn đề sử dụng thí nghiệm đơn giản còn rất cần thiết trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông, bởi vì các thí nghiệm có sẵn trong phòng thí nghiệm, trong nhiều trường hợp, cái “hiện đại” của thiết bị có thể che lấp mất cái bản chất Vật lý của hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm mà học sinh cần nhận thức. Chính sự gần gũi, đơn giản của thí nghiệm kích thích học sinh tìm tòi kiến thức.

b) Về mặt sư phạm:

Ở các nước phát triển, vấn đề tự làm đồ dùng dạy học chỉ đặt ra cho học sinh như là một khâu của quá trình dạy học. Đối với giáo viên, vấn đề này chỉ khuyến khích, tự nguyện; còn chủ yếu là giáo viên khai thác, tận dụng những đồ dùng dạy học đã được trang bị khá phong phú ở trường. Ở nước ta cũng như các nước đang phát triển khác, vấn đề này đặt ra cho giáo viên như là một biện pháp, nhằm làm phong phú thêm đồ dùng dạy học cho nhà trường, đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên. Thật vậy, cũng như các ngành lao động khác, nếu người thợ thể hiện trình độ tay nghề của mình qua công cụ lao động thì trình độ nghiệp vụ của người giáo viên phải được thể hiện qua việc sử dụng thiết bị dạy học, sao cho kết quả dạy học đạt hiệu quả cao tương tự như năng suất lao động của người thợ. Nhưng thiết bị dạy học của người giáo viên có tính đặc thù riêng của nó và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên sẽ được bồi dưỡng qua quá trình sử dụng thiết bị dạy học. Đặc biệt trong dạy học Vật lý, các dụng cụ thí nghiệm đơn giản tự làm thõa mãn tính thời sự, phục vụ kịp thời những vấn đề mà xã hội đặt ra, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và trình độ nhận thức của học sinh trong những điều kiện cụ thể. Vì vậy, nó đem lại hiệu quả sư phạm cao hơn. Đó là những đặc điểm các dụng cụ do các nhà máy, cơ sở sản xuất không thể nào đáp ứng được.

c) Về mặt kinh tế:

Khi nói đến ý nghĩa kinh tế của thiết bị dạy học tự làm nói chung, thí nghiệm đơn giản tự làm trong dạy học Vật lý nói riêng, chúng ta hãy xem xét vấn đề tự làm dụng cụ thí nghiệm đơn giản thủ công (gọi là sản xuất thủ công) của giáo viên và học sinh so với sản xuất công nghiệp có tiết kiệm hơn hay không? Đứng về mặt năng suất lao động thuần túy mà xét, năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm của sản xuất thủ công kém hơn nhiều so với sản xuất công nghiệp. Nhưng tiết kiệm ở đây là: dụng cụ tự làm đem lại hiệu quả sư phạm cao hơn; huy động được năng lực và trí sáng tạo của hàng triệu giáo viên và học sinh; tận dụng được nguồn vật tư rất phong phú và đa dạng mà nền sản xuất xã hội nhiều khi không được chú ý đến. Mặt khác, hiện nay, nước ta chưa thể cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho hệ

thống các trường trên toàn quốc, những dụng cụ thí nghiệm tự làm của giáo viên và học sinh từ những vật liệu dễ kiếm, sẵn có, rẻ tiền sẽ là nguồn bổ sung trang thiết bị rất tốt cho phòng thí nghiệm của nhà trường.

Trong những năm qua, mặc dù nhà nước đã cố gắng đầu tư vào sản xuất thiết bị dạy học, nhưng đến nay, trừ một số trường trọng điểm của trung ương và địa phương, các trường khác vẫn chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị dạy học, và đặc biệt thiếu thốn ở các trường ở vùng miền khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh từng bước trang bị cho các trường những trang thiết bị dạy học cần thiết, cần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt để giáo viên và học sinh tự làm đồ dùng dạy học nhằm khắc phục những khó khăn thiếu thốn hiện tại.

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 30 - 32)