Những vấn đề chung

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 43 - 46)

7. Đóng góp của đề tài

1.3.1.Những vấn đề chung

Trước hết, ta cần nhắc lại một vài luận điểm cơ bản khi sử dụng thiết bị dạy học:

Khi sử dụng thiết bị dạy học nào đó, phải xác định được nhiệm vụ của nó trên bài học. Nếu thiết bị không có nhiệm vụ rõ ràng trong quá trình dạy học thì không nên sử dụng, vì điều đó sẽ có hại về mặt sư phạm và kinh tế, làm hỏng cấu trúc bài học, phân tán sự chú ý của học sinh, lãng phí thời gian và nguyên vật liệu. Mỗi thiết bị phải có một vị trí nhất định trong bài học. Giáo viên phải xác định được thiết bị sẽ được giới thiệu ở đâu, vào lúc nào, và nắm được phương pháp sử dụng thiết bị khi chuẩn bị giờ lên lớp. Có thể dùng thiết bị khi mở bài nhằm tạo mâu thuẫn nhận thức, kích thích hứng thú của học sinh; khi giảng bài mới hoặc khi vận dụng củng cố... Hiện nay, đa số giáo viên chỉ sử dụng thiết bị khi giảng bài mới. Điều đó đúng vì truyền thụ kiến thức cho học sinh là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của việc dạy học. Nhưng cũng cần tăng cường việc sử dụng thiết bị ở các khâu

khác nhau của quá trình dạy học như mở bài, vận dụng và củng cố, vì quá trình dạy học chỉ đem lại hiệu quả cao khi các bước của nó được hoàn thiện.

Cần đặc biệt chú ý sử dụng thiết bị dạy học khi mở bài nhằm giúp giáo viên tạo ra mâu thuẫn nhận thức và kích thích hứng thú của học sinh đối với vấn đề cần nghiên cứu. Điều đó rất cần thiết vì học sinh chỉ học tập có kết quả khi các em hứng thú. Xét về khía cạnh triết học, có thể nói những mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu nhận thức và trình độ hiểu biết có hạn của học sinh là động lực chủ yếu của quá trình học tập.

Thời gian sử dụng thiết bị phải được xác định hợp lí, phù hợp với tính chất và lượng kiến thức mà thiết bị giới thiệu và khả năng nhận thức của học sinh. Nếu vấn đề không quan trọng mà dành thời gian sử dụng thiết bị quá dài sẽ làm mất cân đối cấu trúc của bài học và làm học sinh hiểu lệch trọng tâm của vấn đề nghiên cứu. Mỗi thiết bị có những đặc điểm và khả năng riêng. Trong quá trình dạy học, giáo viên phải sử dụng phối hợp các thiết bị với nhau mới có thể đạt được hiệu quả sư phạm cao. Khi hình thành các khái niệm, hiện tượng bằng phương pháp quy nạp, các thiết bị thường được sử dụng theo trình tự tính trừu tượng tăng dần: vật thật, mô hình, sơ đồ, kí hiệu...

Thí dụ: khi học bài động cơ nhiệt, việc phối hợp các thiết bị dạy học có thể được tiến hành như sau: Trước hết cho học sinh xem một động cơ nhiệt thật để các em thấy vị trí, kích thước, cấu tạo... của nó trong thực tế, nhưng động cơ thật có rất nhiều chi tiết thừa, dễ làm phân tán sự chú ý của học sinh, lại khó tháo lắp, vận hành để học sinh quan sát sự chuyển vận của nó. Vì vậy, cần dùng một mô hình thường trang bị cho các trường để giảng dạy. Nhưng với mô hình chỉ có thể giới thiệu cấu tạo và chuyển vận là những hiện tượng bề ngoài, còn mối quan hệ nội tại giữa áp suất p và thể tích V khi nén và giãn trong xi-lanh là bản chất của vấn đề, là nguyên nhân sinh ra công và chuyển động thì học sinh chỉ có thể hiểu được khi dùng đồ thị. Cuối cùng có thể cho học sinh xem lại toàn bộ quá trình trong dạng động bằng cách dùng một phim giáo khoa. Như vậy, qua thí dụ trên, ta đã sử dụng phối hợp năm thiết bị: vật thật, mô hình, công thức, đồ thị và phim.

Ngược lại, khi muốn giới thiệu một hiện tượng, một quá trình theo phương pháp suy diễn thì việc sử dụng thiết bị sẽ đi từ trừu tượng tới cụ thể. Thí dụ: khi giới thiệu nguyên tắc đòn bẩy ta phải trải qua những bước sau:

- Công thức: 1 2 2 1 l F = l F ; - Hình vẽ: (hình 1.2) Hình 1.2. Hình vẽ nguyên tắc đòn bẩy - Thí nghiệm: (hình 1.3) Hình 1.3. Thí nghệm nguyên tắc đòn bẩy - Ảnh của vật thật như đòn bẩy, cần trục...

Trong những năm gần đây, một số nhà tâm lý học chủ trương cần rèn luyện phương pháp suy diễn cho học sinh bằng cách thực hiện trong dạy học chiến lược “đi từ trừu tượng tới cụ thể” và xem đó là một trong những phương hướng quan trọng nhất nhằm rèn luyện năng lực sáng tạo cho học sinh. Tuy vậy, cho đến nay, quan điểm này chưa được thể hiện nhiều trong thực tế. Nội dung, phương pháp giảng dạy ở các trường và thiết bị dạy học loại này cũng còn ít.

Cần nhấn mạnh rằng, khi sử dụng phối hợp các thiết bị phải chú ý đến lôgic chung của chúng. Mỗi thiết bị phải là một bộ phận hợp thành của một vấn đề thống nhất về mặt cấu trúc cũng như về các phương pháp, nó phải phù hợp với nội dung

kiến thức ta muốn truyền thụ. Nói cách khác, hệ thống thiết bị phải đẳng cấu với hệ thống kiến thức. Có như vậy, thiết bị mới góp phần truyền thụ kiến thức một cách chính xác và có hiệu quả.

Một trong những vấn đề đáng lưu ý là khi sử dụng thiết bị, nhất là các thiết bị thí nghiệm, phải xác định lượng kiến thức sẽ truyền thụ cho học sinh một cách hợp lý. Lượng thông tin của các thí nghiệm cần phải vừa phải, không nên quá nhiều và quá phức tạp làm học sinh mệt mỏi. Nhưng cũng không nên quá ít, không thỏa mãn nhu cầu nhận thức và tư duy, làm các em thấy vấn đề nghiên cứu nông cạn, hời hợt, do đó không có thái độ nghiêm chỉnh đối với vấn đề nghiên cứu. Khi có nhiều thí nghiệm đơn giản, thì nên ghép chúng lại với nhau và giới thiệu với học sinh như mỗi thí nghiệm thống nhất để đảm bảo lượng thông tin cần thiết.

Một phần của tài liệu xây dựng và sử dụng một số thí nghiệm hỗ trợ quá trình dạy học các chương “chất khí” và “cơ sở của nhiệt động lực học”, vật lý 10 ban cơ bản (Trang 43 - 46)