Giọng điệu “tâm tình”

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 58 - 61)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Giọng điệu “tâm tình”

Giọng điệu kể chuyện từ tốn, nặng tính tâm sự, tâm tình chiếm vị trí chủ đạo trong dòng tự truyện giai đoạn 1930-1945. Do tính chất hồi cố, chỉ nhìn nhận, “ôn lại” sự việc từ độ lùi của một khoảng thời gian thường là đã khá xa, cho nên tự truyện thường thiên về giọng trần thuật điềm tĩnh, chậm rãi, ít đi vào các xung đột kịch tính, nhưng rất giàu tiềm năng gây rung động cảm xúc.

Trong Những ngày thơ ấu (và cả Chân trời cũ, Sống nhờ...), khuynh hướng nghệ thuật hướng nội, lấy tình cảm, cảm xúc cá nhân để làm chất liệu chủ yếu cho tác phẩm, được thể hiện đậm nét trong lời văn nghệ thuật. Ngôn ngữ và giọng điệu như thế là tiếng nói của tâm hồn trẻ thơ đầy khắc khoải, nhạy cảm cực độ trước đau thương và hạnh phúc ở đời. Những giọng điệu vừa bình dị lại vừa phong phú, vừa chân thật, từ tốn lại vừa đau đáu, day dứt, cảm thương.

Đặt dòng tự truyện thời 1930-1945 bên cạnh một số dòng văn xuôi cùng thời, có thể thấy những khác biệt rất rõ về giọng điệu nghệ thuật. Truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao, do nhu cầu phân tích mổ xẻ đến tận cùng những bi kịch tâm lý, bi kịch nhân sinh, câu văn thường đơn giản hóa các thành phần thậm chí bị xé nát về mặt cấu trúc, tạo nên một âm điệu nhấm nhẳng, dằn vặt, chì chiết:

59

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu vào là hắn chửi. Đầu tiên, hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào! Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả những lại chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: Chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!”…(ChíPhèo)

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, do nhu cầu thể hiện những tình huống kịch gay cấn, sắc nhọn với những mâu thuẫn thắt chặt, thường có xu hướng sử dụng những đoạn văn ngắn, câu văn ngắn, nhất là những câu đơn đặc biệt và câu đơn tỉnh lược, kết hợp với những chuỗi lặp cú pháp liên tục:

“Cô quay đằng trước. Cô quay đằng sau. Cô đi đi. Cô lại lại. Cô uốn éo. Cô thướt tha. Rồi cô đứng yên. Cô ngắm. Cô bàn. Cô bình phẩm... Cô khoái lắm!” (Cô Kếu, gái tân thời)

Ở hai nhà văn này, những câu ngắn và cú đoạn ngắn như thế tạo cho lời văn một tính kịch rất sắc nét.

Câu văn Thạch Lam, Thanh Tịnh, Đỗ Tốn... gọn gàng, cô đọng, giản dị chủ yếu gợi nhiều hơn tả; thể hiện tinh tế những ấn tượng cảm giác của nhân vật:

“Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này [...] Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải” (Dưới bóng hoàng lan)

“Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ. Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết” (Tôi đi học)

Còn câu văn của Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư... trái lại, chồng chất rất nhiều tầng lớp thành phần, như muốn bung tràn ra khỏi khuôn khổ ngữ pháp của nó để có thể biểu đạt một cách chính xác nhất, tha thiết và nồng nàn nhất những cảm xúc đang dào dạt mạnh mẽ dâng lên trong lòng người viết. Câu văn thường được mở rộng tối đa theo tất cả các thành phần câu; không chỉ mở rộng chủ ngữ, vị ngữ mà còn huy động cả những thành phần còn lại như hô ngữ, đề ngữ, liên ngữ, phụ chú ngữ, cảm thán ngữ... để trong một câu có thể chuyển tải một lượng thông tin lớn nhất - đặc biệt là thông tin về mặt tình cảm, xúc cảm.

60

“Những tia sáng của hai con mắt ấy, những nụ cười của cặp môi ấy đến mãi ngày nay tôi mới thấm thía nhận ra đã bao hàm cả một lòng thương yêu thầm lặng và đằm thắm của một người cha biết mình không thể sống thêm ít năm nữa với hai đứa con nhỏ dại chắc chắn thể nào cũng hư hỏng bởi sự thiếu chăm nom dạy dỗ hòa hợp và người vợ đã chết dần trong sự miễn cưỡng của tình yêu thương.” (Những ngày thơ ấu) [57, tr. 59]

“Tôi thấy tất cả người tôi rung động một nỗi buồn như lúc đánh mất thứ đồ chơi quý khi tôi nghe cái tiếng khóc đó và lại nhìn thấy bộ mặt nhăn nhó, đau khổ đã thành vô hình - vì bà tôi méo sệch hẳn mồm đi mà khóc.” (Sống nhờ) [56, tr. 34]

Ngoài ra, sự trùng điệp chồng chất của các thành phần câu, nhất là những thành phần miêu tả tính chất, hiện tượng của đối tượng (bổ ngữ, định ngữ, trạng ngữ...) cũng góp phần thể hiện những cảm xúc dào dạt, mạnh mẽ, như muốn tràn ra khỏi trang văn. Ngay trong nội bộ từng thành phần câu, các cụm danh từ, động từ lớn cũng được huy động theo hướng kết hợp với tính từ nhằm tạo ấn tượng và gợi tả cảm giác, cảm xúc ở biên độ cao nhất.

“Những buổi chiều vàng lạnh, lạnh lẽo của mùa đông, những buổi chiều mà bụi mưa như có một thứ tiếng van lơn thầm thì trong hơi gió vù vù, mà lửa lò than rực rỡ vờn lên chân tường những ánh hồng lấp lánh hay rủ rê tâm trí người ta vào những cõi buồn thảm làm tê tái mẹ tôi hơn hết; tuy mẹ tôi có tôi ngồi trong lòng cười nô với mấy con búp bê... tuy trước mặt mẹ tôi những thức ăn tỏa mùi thơm ngon lành trong hơi cơm tám soan bùi ngọt... tuy mẹ tôi thỉnh thoảng lại mỉm những nụ cười êm ấm, và luôn luôn thưa gửi dịu dàng cùng thầy tôi.” (Những ngày thơ ấu) [57, tr. 6]

Hướng về một quê hương xa vời chưa bao giờ được gặp, câu văn Hồ Dzếnh trải rộng mênh mang như muốn vượt trùng dương sang đến với quê hương: “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài của những linh hồn phiêu bạt” (Chú Nhì) [30, tr. 88]

Hướng về quá khứ đầy mất mát buồn thương, câu văn vươn dài thăm thẳm như muốn bắc một cây cầu hoài niệm để trở về một miền ký ức xa xôi: “Có đặt tai lên dĩ vãng, chúng tôi cũng chỉ nghe thấy sự hờn trách mơ hồ vọng lại trong những ngày luân lạc, sự hờn trách ở bên kia nấm mồ, nơi nương giữ lấy nắm xương tàn của một người không bao giờ trở lại” (Con ngựa trắng của ba tôi) [30, tr. 64]

61

Tự truyện Nguyên Hồng, Hồ Dzếnh, Mạnh Phú Tư, Lưu Trọng Lư là chuỗi dài của những kỷ niệm mà bản thân họ từng nếm trải, đặt trong khoảng cách xa xôi của thời gian, nên đọc văn họ, ta vừa phải đi theo chiều dài của ngữ nghĩa, vừa phải lắng xuống chiều sâu của nỗi nhớ nhung hoài niệm. Do nhu cầu diễn tả thành thực và tha thiết nhất những cung bậc tình cảm riêng của cá thể nghệ sĩ, câu văn thường miên man, trải dài, xuôi theo dòng cảm xúc, tạo nên một âm hưởng trầm lắng, rưng rưng như những lời tâm tình đầy xúc động. Lời văn tuy đóng khung trong thể loại tự sự nhưng lúc nào cũng có chiều hướng xô tràn sang địa giới trữ tình. Giọng văn thuộc gam trầm và buồn, lắng sâu trong tâm thế hồi cố miên man, run rẩy, rưng rưng trong những xúc động, thương cảm, đau đớn chân thành, xót xa, nghe như những tiếng thở dài đau xót. Điều này đôi lúc làm cho câu văn của họ có phần quá trau chuốt, giảm đi vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, nhưng bù lại, tạo cho lời văn tính chất thi ca đậm đà, một sức hấp dẫn đặc biệt của nhạc điệu, cảm xúc.

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)