5. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Không gian của những ấn tượng lưu dấu qua thời gian
Được chuyển tải bằng giọng hồi cố, những sự kiện đã trở thành hồi ức sẽ được lược bỏ những chi tiết “rườm”, chỉ còn lưu lại trong trí nhớ người thuật truyện những đường nét thiết thân nhất, ấn tượng nhất, những dấu ấn của cuộc đời đã qua, những kỷ niệm của số phận cá nhân, những chi tiết giàu tiềm năng lay động cảm xúc.
Không gian tự truyện của Nguyên Hồng, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Kim Lân, Tô Hoài... thời trước 1945, bao giờ cũng chỉ hiện hình qua những ấn tượng lung linh mơ hồ, không rõ nét và không định hình. Bởi lẽ không gian ấy được khúc xạ qua lăng kính của những hồi ức đau buồn vỡ đổ, nó được chiếu sáng không phải bằng ánh sáng thực mà bằng những tia hồi quang mờ nhạt của kỷ niệm, hắt về từ quá khứ xa xôi. Nó nhòe lẫn ở những đường nét, mơ hồ ở những màu sắc. Lọc qua bức mành lung linh mơ mộng của hoài niệm và hồi ức, không gian cảnh vật hiện lên có lúc trong sáng tươi mới như gương soi, có lúc mờ nhòe hiu hắt như sương khói, có lúc rực rỡ như viền bằng ánh sáng. Đó là không gian của những ấn tượng còn lại qua thời gian.
“Tôi tưởng như còn diễn ra trước mặt tôi một cảnh tượng hằng ngày: giữa những hôm mưa lạnh ẩm ướt, bỗng rớt vào một ngày nắng ráo, mẹ tôi thường mở rương ra, lấy cái bộ áo vàng, chính cái bộ áo cổ y ấy để đưa ra phơi ở trên một hàng giậu. Trong trí tôi lúc bấy giờ, cái màu cổ y tím sẫm gợi cho tôi một sự tương tự: cái màu sắc đằm thắm, đen sẫm của cả một đời người đàn bà không kiêu hãnh, không ham muốn.” (Chiếc cáng xanh) [53, tr. 70- 71]
“Gió càng mạnh! Khí lạnh đêm khuya càng thấm thìa! Những mảnh lá chạy xao xác trên mặt đường như chạy cả vào trong lòng tôi! Âm thanh ấy mơ hồ gần như tiếng chim rù rì ở đâu đâu... Ánh điện đã phơn phớt xám, mà soi sáng cho cảnh vật vắng lặng chìm đắm lúc bấy giờ như là hơi sương bàng bạc thấm thía, hơi sương xưa của một vành trăng... Trong lòng tôi, tiếng lá lào xào, như không bao giờ tắt...” (Những ngày thơ ấu) [57, tr. 63]
Trong Cát bụi chân ai hiện lên chập chờn rất nhiều bóng dáng nhân vật: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Đình Hưng, Vù Mí Kẻ, Aki, bác Chữ
56
cháo gà, bác cà phê bít tất, Eptuchenko, Marian... Hình ảnh này hiện lên thì hình ảnh khác nhòe đi, tan biến. Nhưng có một nhân vật cứ ám ảnh không rời ngòi bút Tô Hoài, ám ảnh không rời tất cả những nhân vật khác của ông từ đầu đến cuối thiên tự truyện: bóng tối. Bao nhiêu lần xuất hiện là bấy nhiêu sắc độ, bóng hình. Bóng tối hiu hắt, hun hút ở ngã sáu Hàng Kèn: “Những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa, nhồi thêm thuốc vào tẩu, ngồi tránh vào bên gốc xà cừ gồ ghề - Nguyễn không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây” [90, tr. 14]. Bóng tối huyền hoặc, hư thực trên đường đến quán bánh cuốn Hồng Lâm: “Chúng tôi đến, một tối ở dưới Ấp về. Lại mưa, mưa tầm tã ướt lướt thướt bóng đèn đường nhòe nhoẹt trời mưa, hay là ta cứ nghĩ ra là mưa thế” [90, tr. 132]. Bóng tối ma quái, nhập nhòe mộng mị trong cái đêm rờn rợn u tỳ quốc: “Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm lên. Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai…” [90, tr. 240] Bóng tối nhấn chìm con người vào dòng hồi tưởng sâu thẳm miên man: “Thì ra, ở cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị mấy chút, chính Nguyễn Tuân mới đương hồi tưởng." [90, tr. 16]
Bóng tối bao trùm toàn bộ không gian và thời gian truyện, chờn vờn theo chân từng con người, từng cuộc đời, bọc tất cả trong một không gian u ám, ngột ngạt, hãi hùng. Thỉnh thoảng cũng có lúc nhìn thấy những khoảng sáng, nhưng những khoảng sáng ấy ngắn ngủi và leo lét. “Ở ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ.” [90, tr. 15] “Vẫn như mọi khi, những đêm vào mùa lạnh, mặt đường mênh mông ra trong ánh đèn thoi thóp quãng một.” [90, tr. 325]
Bóng tối của một thời. Bóng tối của một đời. Cuối đời nhìn lại, chỉ thấy còn là những khoảng tối, những bóng người chìm khuất trong khoảng tối của đời mình.