Sự nổi trội của dòng cảm xúc và suy tưởng

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 44 - 48)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Sự nổi trội của dòng cảm xúc và suy tưởng

Kết cấu của tự truyện Việt Nam thường tương đối đơn giản, ít xung đột kịch tính, mà được triển khai theo dòng cảm xúc của chủ thể tự sự trong mối tác động và cộng hưởng với cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật khác. Toàn bộ những xung đột kịch tính kiến tạo nên cốt truyện theo kiểu truyền thống sẽ được chuyển vào triển khai trong một không gian của hồi tưởng, cốt truyện như thế sẽ gần như bị triệt tiêu, nói cách khác, hành trình cuộc sống của nhân vật chính gần như đã được hoàn thành ngay từ đầu truyện. Dĩ nhiên sự hoàn thành này chưa phải là điểm đích của tác phẩm, bản thân câu chuyện sẽ là một hành trình tinh thần đi tìm lại quá khứ, ý thức lại về bản thân thông qua sự tái hiện lại những trải nghiệm cá nhân của mình. Sự giản lược kết cấu bên ngoài của tác phẩm được thực hiện đồng thời với sự mở rộng thế giới bên trong của con người.

Kiểu “tự sự phi cốt truyện” này là hệ quả tất yếu của điểm nhìn hồi cố. Chính từ điểm nhìn này, trung tâm điểm của kết cấu truyện đã chuyển đổi từ chiều rộng cuộc sống với hệ thống những sự kiện và biến cố phong phú sang chiều sâu tâm lý với một loạt những cảm xúc, tâm trạng, cảm giác..., đã đẩy cốt truyện xuống hàng thứ yếu để thiên về khắc họa những ấn tượng, tình cảm còn lại qua thời gian của người trần thuật. Khi nhân vật rời khỏi bình diện hành động để chuyển sang bình diện hồi tưởng, khi cốt truyện di chuyển từ chuỗi

45

biến cố cấu trúc nên lai lịch một đời người sang lịch sử hình thành nhân cách của cá nhân nhìn từ thời hiện tại, thì những xung đột kịch tính, những mâu thuẫn gay gắt, những tình huống sắc nhọn sẽ mờ đi qua lớp màn ngăn cách của thời gian để chỉ còn lại những ấn tượng, cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trước những hành động, biến cố, tình huống ấy. Chính ý thức đó biến thời gian đã qua thành một thời gian “của riêng mình”, một thời gian đã chuyển từ bên ngoài vào bên trong con người, một thời gian sống lại từ những ký ức đời thường của cái “tôi” đã tự nhận ra mình là một thực thể có giới hạn sống riêng. Dù trong dòng tự sự có mặt hay không có mặt “thời hiện tại” thì ý thức của nhà văn về cái “thời hiện tại” ấy vẫn không hề vắng mặt, cái “ngày nay” đối diện và đối thoại với cái “ngày xưa” như là một thời quá khứ đã tách ra khỏi mình chứ không phải chỉ đơn thuần là một khoảng thời gian đã qua.

Sự chuyển dịch của kết cấu và cốt truyện sang bình diện dòng ý thức, dòng hoài niệm có thể được thực hiện bằng nhiều thủ pháp. Thường gặp nhất là thủ pháp xé vụn chuỗi biến cố xây dựng nên cốt truyện thành những đơn vị nhỏ và kết hợp lại trong một cấu trúc phi lý tính - cấu trúc trực giác của ý thức hồi tưởng.

Có thể kể đến tập Chân trời cũ như một điển hình. Với kết cấu như một tập truyện ngắn, kết chuỗi theo sự phát triển tính cách của nhân vật “tôi” - tác giả từ những năm ấu thơ cho đến khi trưởng thành, nhưng so với yêu cầu của thể loại truyện ngắn thì tập Chân trời thường mang dung lượng sống khá lớn. Nó ôm trùm cả một đoạn đời, thậm chí cả một kiếp người, nó có thể bao hàm cả những biến cố, thăng trầm, xô dạt của số phận đẩy nhân vật đến một kết cục bi thảm (Chị Yên, Em Dìu, Người anh xấu số, Vừa một kiếp người, Anh đỏ Phụ...). Nhưng điều đáng chú ý là những sự kiện không được mô tả như một quá trình phát sinh, vận động, phát triển và giải quyết mâu thuẫn, cũng không được đổ lên mặt giấy như những vỉa sống nóng bỏng... để kiến tạo nên cốt truyện, mà cốt truyện ở đây được tạo thành từ một chuỗi những trạng thái tâm lý nối tiếp nhau của chủ thể tự sự trước những sự kiện đó. Mỗi truyện được xây dựng từ một loạt những sự kiện lẻ tẻ, thậm chí vụn vặt, thiếu mạch lạc, chẳng hạn truyện Lòng mẹ: đứa con ngây thơ hỏi mẹ về câu chuyện tình duyên của cha mẹ từ năm mươi năm trước; sự chiều chuộng nâng niu của mẹ và sự nghiêm nghị đến khắc khổ của cha đã nhào nặn nên một tính cách đầy mâu thuẫn, phức tạp trong chú bé; người mẹ vô ý gọi con ra lấy bánh vào giữa tiết học của con; đứa con lo lắng, sợ hãi vì số tiền học phí quá lớn so với khả năng của gia đình; người mẹ đến nộp tiền học cho con bằng những đồng tiền “mượn tạm” của người thím, và cuối cùng cả hai mẹ con đều bị khinh bỉ, sỉ

46

nhục đến điều... Rõ ràng đứng ở phương diện kết cấu mà xét thì những chi tiết đó chưa đủ tư cách để tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Sợi chỉ xanh xâu chuỗi những sự kiện đó lại với nhau tạo nên một sức liên kết đặc biệt, một sức lôi cuốn lạ lùng đối với người đọc, đó chính là dòng tình cảm, cảm xúc của người viết lồng trong dòng sự kiện, hay nói khác đi, dòng sự kiện đã khúc xạ qua tấm gương mờ đục của thời gian để phản chiếu lại trên dòng cảm xúc:

- “Ngày nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chiều, có lẽ vì người thấy ở tôi một cuộc đời đau khổ ủ gói lấy cái số phận thiếu êm vui” [30, tr. 10]

- “Câu nói ghẻ lạnh làm tôi tủi nhục, nhiều lần òa lên khóc. Mẹ tôi sợ tôi bị đòn, vẫy giấu tôi ra một nơi, ôm lấy tôi mà vuốt ve. Cứ thế, mỗi lần sự khắc khổ của người cha làm tôi đau đớn, thì một bàn tay âu yếm lại xoa dịu lòng tôi ngay” [30, tr. 11]

- “Câu chuyện trên đây theo dõi tôi như một ám ảnh cực nhục. Mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, hay xét mình phạm tội, tôi thường đem nó ra để tự hình phạt” [30, tr. 21]

Dòng tự sự Cát bụi chân ai tản mạn xô dạt theo những đột hiện, những vùng không gian và thời gian cách xa nhau được đồng hiện trong những hồi tưởng quanh ly cà phê bỏ lạnh ở ngã sáu Hàng Kèn. Kết cấu chủ yếu xây dựng trên trục dọc của mối giao tình giữa Nguyễn Tuân với Tô Hoài. Bóng dáng lung linh hư ảo của Nguyễn Tuân ẩn hiện suốt chiều dài của một thời kỳ nhiều biến động; những hồi tưởng của Nguyễn Tuân hay những hồi tưởng về Nguyễn Tuân tạo nên những trục ngang xô dòng tự sự về phía những cuộc đời, những con người khác nhau của những năm tháng đã qua: Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Trần Đức Thảo, Vũ Hoàng Chương, ông lão cà phê ngã sáu Hàng Kèn, Aki Nguyễn An Nghệ, anh chiến sĩ Két, người đàn bà trong quán cà phê Ca... Dường như chẳng chút dụng công mà những sự kiện ngoài đời cứ chuyển hóa rất nhẹ nhàng thành những chi tiết nghệ thuật. Từ những chuyện: “hệ trọng” như những đêm chỉnh huấn, như Phùng Cung bị biệt giam 11 năm trời cho đến những chuyện “vụn vặt” như Nguyên Hồng để râu, Xuân Diệu ăn nhiều... đều sống lại trong trí nhớ Tô Hoài, trong veo như chưa bao giờ khúc xạ qua quá trình “cày bừa” sáng tạo nghệ thuật. Nhưng rồi tất cả lại lần lượt lung linh trôi dạt về phía tình bạn vong niên Nguyễn Tuân - Tô Hoài. Chính trong kết cấu tưởng như lỏng lẻo ấy hiện lên chập chờn những bóng người huyền hoặc như những bóng ma trong không khí u tối, ngột ngạt của một thời.

47

So với trường tự vấn, tự phê phán riết ròng, dữ dội trong nhiều tự truyện hiện đại phương Tây, thì tự truyện Việt Nam có phần nhẹ nhàng hơn. Đấy là sự đi tìm lại cái thời gian đã lùi xa, chứ hầu như chưa phải sự khắc phục khoảng cách thời gian ấy để mổ xẻ cái tôi một cách khách quan và minh bạch nhất. Khó tìm thấy trong tự truyện Việt Nam cái nhìn tự phê phán khắc nghiệt hay đầy hoang mang lo âu của con người phương Tây hiện đại (chẳng hạn Con người, năm tháng, cuộc đời của Ilya Erenburg, Người tình của Marguerite Duras, Chữnghĩa của Jean Paul Sartre...) Tự truyện Việt Nam thiên về sự hoài niệm.

Dĩ nhiên hồi nhớ quá khứ và ghi nhận quá khứ là hai quá trình không trùng khít với nhau. Bản thân việc ghi nhận quá khứ đòi hỏi nhà văn phải chuyển hóa được sự thật của cuộc đời thành sự thật của nghệ thuật; theo cách nào đấy, tìm ở cuộc đời mình những giá trị nhân sinh khái quát, vĩnh cửu hóa một đoạn đời sống đã qua.

Qua những câu chuyện đời mình, trong Tự truyện, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Tô Hoài dẫn người đọc đi vào dòng hồi ức - một dòng hồi ức mỗi lần hiện ra là mỗi lần mới mẻ đến trong suốt, không trùng lắp, không phai mờ. Với giọng hồi tưởng nhẩn nha ôn tồn, lắm khi như là trêu cợt, Tô Hoài cho từng con người, từng sự kiện sống lại tự nhiên như thể chính những con người ấy, những sự kiện ấy vẫn còn đang có thật trên cõi đời này. Một tuổi thơ ngơ ngác hoang dại như đám cỏ bên đường: “Những ngày thơ ấu của nó [cu Bưởi] leo hoang trong đám cỏ bên lề đường đi. Cỏ dại, cỏ không có tên, rườm rà ken khít nhau bò ngẩn ngơ trong khoảng đất rác rưởi.” [92, tr. 8]. Một đoạn đời viết văn qua bao thăng trầm của lịch sử “bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc” [90, tr. 67]. Tô Hoài cứ ung dung từ tốn mà kể về những con người mình đã biết, những chuyện đời mình đã trải qua bao kịch biến của thời cuộc và văn chương. Có những vui vầy, có những bi thảm, có những chuyện làm người ta sững sờ mà cũng nhiều chuyện có vẻ rất “vẩn vơ”, nhưng chẳng bao giờ thấy người-kể-chuyện-mình ấy cao giọng xưng tên hay xuống giọng khiêm nhường, cứ một giọng nhẩn nha thong dong nói về những gì đã qua, đấy là sự thật nhưng là một sự thật của riêng ông. Sự sống đích thực chẳng bao giờ là không đan xen những vui buồn, những bi kịch và hài kịch, những gì nghiêm trang với những gì lẩn quẩn tầm thường. Đọc Tô Hoài, cứ hình dung nếu thiếu đi những chuyện nhỏ nhặt vu vơ mà kiếp người xưa nay vẫn thế thì có lẽ những chuyện thăng giáng “lớn lao” của lịch sử cũng khó mà đứng lại được ở tâm tưởng mỗi con người khi hình dung về quá khứ.

48

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 44 - 48)