Những tác phẩm tự truyện đầu tiên thời 1930-1945: Từ kiểu tính cách “nguyên

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 33 - 36)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Những tác phẩm tự truyện đầu tiên thời 1930-1945: Từ kiểu tính cách “nguyên

nguyên phiến” sản phẩm của tự nhiên đến kiểu tính cách “tiến triển” sản phẩm

của hoàn cảnh.

Với tư cách là một thể loại tập trung vào “lịch sử hình thành nhân cách” của cá nhân, tự truyện không xây dựng những nhân cách cố định, bất biến, “có sẵn” từ trước, bởi chính bằng quá trình sống của mình, những hành động, những suy nghĩ, những âu lo dằn vặt, những hạnh phúc và đau khổ, tốt đẹp và xấu xa, những gì làm được và không làm được... mà con người mới định nghĩa được mình. Từ trong bản chất, cái tôi (cũng như chính những tự truyện ghi nhận và sáng tạo ra nó) luôn luôn kết thúc mở và không hoàn thành: nó luôn luôn ở trong một quá trình chuyển biến, hay có thể nói chính nó là một quá trình chuyển biến. Đặc điểm này của nhân cách chỉ có thể được nhìn nhận khi nền văn học đã thoát khỏi cái bóng của Nho giáo phong kiến để tiến lên con đường hiện đại hóa.

Một trong những đặc điểm thi pháp quan trọng của văn học trung đại là, cùng với thế giới quan Nho giáo, nhân cách con người cũng được xác định như là một sản phẩm của tự nhiên, một thứ “tính trời”. Có thể nói tính cách con người trong ý thức hệ trung đại là một kiểu tính cách “nguyên phiến” và bất biến, không chịu sự quy định của điều kiện hoàn cảnh, nó không hình thành do đời sống xã hội mà cũng không vận động biến đổi trong đời sống xã hội. Hoàn cảnh éo le oan trái không nhào nặn nên tính cách mà chỉ khắc đậm, khẳng định tính cách ấy lên mà thôi.

Đặc điểm này cũng bị quy định bởi quan niệm về vị trí con người trong xã hội trung đại, một xã hội lấy tông tộc (chứ không phải cá nhân) làm đơn vị cơ bản. Không chú ý đến mối quan hệ giữa từng con người với nhau trong xã hội hay bản thân con người như một nhân cách độc lập và tự chủ, Nho giáo chỉ chú ý đến vị trí, chức năng của con người trong những mối quan hệ cơ bản có tính đạo lý. Cho nên các tác gia trung đại có xu hướng xây dựng những nhân vật đại diện cho những phạm trù đạo đức khác nhau trong ý thức của mình: Nàng Hạnh Nguyên trong Nhị độ mai đại diện cho đức hạnh, tiết nghĩa nên tất yếu nàng phải tự vẫn khi đi cống Hồ để giữ tròn lời thề nguyền với Mai Sinh; Lục Vân Tiên trong truyện thơ cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu đại diện cho trung hiếu, cho lòng trượng nghĩa nên tất yếu chàng phải “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, phải xuất quân dẹp giặc bảo vệ bờ cõi... Đấy là những hành động xuất phát từ những phẩm chất đạo đức phổ quát mà người đó đại diện chứ không phải từ những sóng gió trong thế giới nội tâm của một

34

con người cụ thể, cho nên kết cấu câu chuyện thiên về sự tiếp nối của những biến cố và hành động hơn là sự phát triển tâm lý. Riêng trường hợp nàng Kiều của Nguyễn Du, trải qua 15 năm lưu lạc, những vốn sống của cuộc đời đau khổ cũng có tác dụng nhất định trong việc đẩy mạnh sự phát triển của tính cách và tâm lý nàng (và đấy là tính chất “tiểu thuyết” của nhân vật Truyện Kiều, là điểm cách tân rõ nét của bút pháp Nguyễn Du so với truyện Nôm trung đại), nhưng dù sao đi nữa, nhìn chung kết cấu câu chuyện vẫn là kết cấu của những sự kiện bên ngoài tác động vào một tính cách có sẵn theo cơ chế vận mệnh hơn là cơ chế hoàn cảnh. Sự phát triển của tính cách chưa trở thành đối tượng khám phá chính yếu và độc lập.

Vậy nên ta thấy, những chàng trai cô gái trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là những mẫu người đơn giản kiểu “chàng vốn khảng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không chịu được...”, “nàng đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp...” và bi kịch bắt đầu từ đó. Nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy không phải là cô gái không có cá tính - trái lại, rất can trường, rất mạnh mẽ, chủ động và quyết đoán trong cuộc sống và tình yêu - thế nhưng cá tính ấy là một thứ “vốn sẵn tính trời”, nó không hình thành qua bi kịch mà chính là căn nguyên của bi kịch (Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/ Đa đoan là phận hồng nhan đã đành). Diễn biến của câu chuyện không phải là diễn biến của quá trình phát triển, trưởng thành về nhân cách mà là diễn biến của quá trình thử thách, khẳng định về đức hạnh, tài năng.

Điều này đã thay đổi ở những tự truyện “đích thực” trong văn học Việt Nam hiện đại: Con người không còn đại diện cho một nhân cách tiên nghiệm với những phẩm chất có sẵn. Con người đi tìm nhân cách ấy trong mình qua những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm trong cuộc đời. Hành trình này không có điểm kết thúc.

Tự truyện 1930-1945 cùng với một số tác phẩm văn học hiện thực phê phán là những thể nghiệm đầu tiên trong việc lý giải tính cách con người bằng hoàn cảnh. Ở đây tính cách không còn được quan niệm như một sản phẩm có tính siêu nhiên, siêu lịch sử mà như một sản phẩm của hoàn cảnh, hình thành và phát triển trong sự quy định của hoàn cảnh và môi trường sống. Cho dù có hay không có những bước ngoặt trong đời sống tinh thần khiến nhân cách biến đổi về căn bản, thì nhân cách con người cũng luôn luôn ở trong một quá trình biến đổi tự thân - sự phát triển này không tuân theo logic chủ quan của tác giả mà theo logic nội tại của tính cách.

35

Tính cách của chú bé Dần trong Sống nhờ của Mạnh Phú Tư là một trường hợp cụ thể: một khối đan xen, giao thoa giữa tình yêu thương, lòng khoan thứ với sự hỗn hào, ngang ngạnh, ương bướng. Tất cả đều có nguồn mạch của nó. Tình yêu thương ngấm sâu vào trái tim từ những ngày sống trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Và tính ngang bướng, xấc xược, vô lễ nảy sinh như một phản ứng tất yếu trước cách cư xử tàn ác, bất nhân của người dì và hai người chú. Dần lớn lên như đi chênh vênh trên hai bờ tính cách: khi sắp ngã về phía bên này lại được kéo về phía bên kia; giữa những trận đòn tàn bạo lại là những khoảnh khắc dịu dàng của tình mẫu tử để Dần níu giữ như một điểm tựa của nhân cách. Chính tính cách lưỡng diện ấy là cơ sở của những cách cư xử, những phản ứng đôi khi đầy mâu thuẫn của bé Dần trong cuộc sống.

Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, quá trình phát triển tính cách của nhân vật chính không được trình bày trực tiếp do cấu trúc khá đặc biệt của tập truyện này: đó là một chuỗi những câu chuyện nhỏ về cuộc đời những người thân quen trong gia đình và làng xóm của chú bé Hồ Dzếnh (với tư cách là một nhân vật tham gia câu chuyện mà cũng là một chứng nhân). Nếu tách riêng ra thì có thể xem như những truyện ngắn hoàn chỉnh (trong đó nhân vật “tôi” chỉ là nhân vật phụ), nhưng khi xâu chuỗi lại thì tính tự truyện lại nổi lên rất rõ, mà biểu hiện đầu tiên chính là sự phát triển tính cách rất liền mạch và rất logic của nhân vật “tôi” - tác giả từ những năm ấu thơ cho đến khi trưởng thành (với tư cách là nhân vật chính, trọng tâm của toàn bộ tổ chức nghệ thuật của tập truyện). Trong đó, những câu chuyện đời của người thân đóng vai trò như những tác động của hoàn cảnh vào sự hình thành của tính cách đó.

Như thế, những tác phẩm tự truyện thời kỳ này đã góp phần đánh dấu cho sự phát triển lên một tầm cao mới của quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam, thể hiện một cái nhìn biện chứng hơn, chân thực hơn, nhân bản hơn về bản chất con người. Heraclitus đã nói một cách hình ảnh: “Con người không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Điều này là hiển nhiên đối với dòng sông, mà cũng hiển nhiên với chính bản thân con người ấy nữa. Từ trong bản chất, con người là một quá trình chứ không phải một trạng thái tồn tại cố định.

36

Một phần của tài liệu tự truyện trong văn học việt nam hiện đại (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)