Sự chuyển biến giọng điệu trong thơ các tác giả:

Một phần của tài liệu sự chuyển biến của một số tác giả thơ mới trong thơ ca cách mạng (Trang 84 - 95)

6. Cấu trúc của luận án:

3.1.2. Sự chuyển biến giọng điệu trong thơ các tác giả:

Một trong những yếu tố làm cho Xuân Diệu trở nên mới nhất trong số các nhà thơ mới là giọng điệu rất mới lạ của ông. Vốn là nhà thơ của lòng khát khao giao cảm với đời, nên ông “muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất”, ông “muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi”. Đây là cảm hứng nồng đậm, là tình cảm mãnh liệt, là khao khát vô biên của ông, nhưng đồng thời, giọng điệu cũng đồng hiện ở đây. Hoàng Ngọc Hiến nói: “Khi người ta cảm hứng, dường như giọng và ngữ điệu nảy sinh trước và từ ngữ dường như được gọi

83

đến thể hiện ngữ điệu và giọng điệu thành lời, thành câu. Lời và văn hình thành như vậy thường rất hoạt” [68; 164]. Ý kiến này rất phù hợp với “tạng” thơ Xuân Diệu. Bài Vội Vàng rất tiêu biểu cho những nét cơ bản nhất của hồn thơ Xuân Diệu và từ đó, cũng thấy được giọng điệu thơ ông. Về từ vựng, có những động từ làm rõ mồn một nhiều động tác chiếm lĩnh sự sống trẻ trung thật vồ vập: ôm, riết, thâu, cắn, có các tính từ nói rõ trạng thái của cảm giác thỏa thích được sống hết mình như: chếnh choáng, đã đầy, no nê. Rõ ràng những loại từ này góp phần làm rõ giọng điệu nồng say của Xuân Diệu. Khi giới thiệu tập Thơ Thơ

của ông, Thế Lữ cũng xác định “xuân và tình” là sự sống đầy đủ nhất [23; 8]. Trong bài Vội vàng này, chữ “xuân” có đến 8 chữ và mỗi lần nó xuất hiện đều đồng thời có mặt cái trẻ trung, tinh khôi cũng như sức hấp dẫn lạ thường của nó. Cái ham muốn đối với sức xuân tươi, với tuổi trẻ tình yêu, ta còn gặp ở đoạn cuối của bài thơ. Chỉ nói những điệp từ: Ta muốn riết, Ta muốn say, Ta muốn thâu... cũng mường tượng thấy một hồn thơ muốn ôm trùm sự sống, một giọng điệu đam mê, quấn quýt với cuộc đời. Giọng điệu này cũng tìm thấy ở nhiều bài thơ khác. Chẳng hạn: khi thì hối hả thấm trong thanh âm cấu thơ: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” (Giục giã), khi thì van xin không ngại thừa lời: “Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi - Dầu chỉ là trong một phút mà thôi! (cặp câu này lặp đến 5 lần - Mời yêu), khi thì bộc lộ một ý thức “quyền lực” dứt khoát đối với người yêu và ý thức này như

thấm vào nhịp điệu tăng tiến của câu thơ: “Em phải nói/ phải nói/ và phải nói (Phải nói), khi thì tiếc hạnh phúc trôi qua bằng câu hỏi tu từ: “Sao ngắn ngủi là những giờ họp mặt? - Sao vội vàng là những phút trao yêu?” (Kỷ niệm), khi thì đợi chờ để được yêu không biết chán: “Tôi bên em, chờ đợi mãi không về” (Tình thứ nhất). Điều lạ là tất cả tình cảm nồng nàn, quấn quýt này xuất hiện cả trong khi Xuân Diệu buồn, thất vọng [180; 116], chứ không phải chỉ ở những lúc ông đam mê, hứng thú. Đối với ông, chỉ “làm cây đa quấn quýt cả mình xuân - Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần” là điều ông say mê nhất. Bàn về giọng điệu thơ Xuân Diệu trước 1945, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng “nồng si - tươi trẻ” là giọng điệu chính [39; 252]. Từ những phân tích trên đây và từ quan niệm giọng điệu không tách rời với khuynh hướng tư tưởng - tình cảm, ta có thể xác định thêm rằng giọng điệu thơ chủ yếu của Xuân Diệu trước 1945 là giọng điệu nồng nàn, đàm mê và háo hức. Đến sau Cách mạng tháng Tám, cảm hứng sáng tạo của Xuân Diệu được thay đổi, nên giọng điệu thơ ông cũng có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung, “khí văn” nồng đậm, thiết tha của hồn thơ nhiệt tình, sôi nổi ấy hầu như vẫn giữ được những nét căn bản. Liền sau cách mạng, bằng ý thức ủng hộ xã hội mới và bằng tình cảm công dân, Xuân Diệu đã viết hàng loạt bài

84

thơ mang giọng điệu ca ngợi, tôn vinh cuộc sốngmới và con người cách mạng. Trong sáng tạo thơ ca, nhà thơ nào cũng coi trọng cảm xúc, tình cảm, vì nói như Bạch Cư Dị, nó là cái gốc của thơ. Nhưng tình cảm, cảm xúc trong thơ Xuân Diệu ít có tính chất nhẹ nhàng như trong thơ Tế Hanh, Huy Cận, mà thường là loại tình cảm nồng đậm, mạnh mẽ. Chính tính chất này đem lại cho giọng điệu ông một âm lượng lớn, rõ, dứt khoát. Ông viết Thơ dâng Bác Hồ, ông “Tặng Cách mạng tháng Tám và Cách mạng tháng Mười” khi viết bài thơ Lệ, ông “Kính tặng: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” qua bài Tôi giàu đôi mắt. Ông ca ngợi những chiến sĩ cách mạng bằng một “khí văn” vững vàng, một giọng điệu quyết tâm

(Ngọn Quốc kỳ), ông ca ngợi, tôn vinh nền chính trị bằng một giọng dứt khoát: “Tôi thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính”. Lần đầu tiên trong thơ mình, ông đã tạo ra giọng điệu mỉa mai để nói hành động xấu xa của kẻ thù khi chúng rắp tâm phá hoại cách mạng: “Chen nhau đông đúc tựa Bà Đanh! - Hăng hái như người đang ngái ngủ” (Một cuộc biểu tình) hoặc

“Tổng đình công hỡi! Tổng đình công! - Họ chẳng đình cho họp lại đông!” (Tổng... bất đình công). Tự thân cái nghịch lý của hình ảnh và ý tưởng trong các câu thơ cũng cho thấy tính mỉa mai mạnh mẽ của giọng điệu thơ. Cũng vẫn lá cách mệnh lệnh, cầu khiến, nhưng nếu trước kia, loại từ này dùng nói chuyện hai người kiểu “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực” làm giọng điệu như bị “khuôn khổ hóa” thì ngày nay, ông cũng dùng những từ mệnh lệnh ấy, nhưng hướng đến nội dung mới, nên giọng điệu trở nên dõng dạc và thoáng rộng hơn. Chẳng hạn: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” (có 6 lần dùng từ “hãy” -Đôi mắt xanh non) hoặc “Hãy cảm ơn Đảng cộng sản lòng ta ơi! - Hãy cảm ơn những người dựng con người - Hãy cảm ơn Hồ Chí Minh đồng chí” (Lệ). Sự lặp lại một từ hoặc một số từ ngữ như trên còn là biểu hiện của giọng điệu tôn vinh, khẳng định đối với vấn đề đang nói. Cũng như thế, vì yêu quí và muốn khẳng định công lao giáo dục của thầy giáo Phụng ở bản Mèo, nên Xuân Diệu đã nhắc lại lời chào trân trọng đến 5 lần trong bài thơ. Nếu không say sưa khẳng định sự giàu có của 17 hòn đảo xanh ở vịnh Cô Tô, làm sao ông viết được 13 khổ thơ với gần 80 câu một cách liền mạch và dạt dào tình cảm?. Ông nhắc đến 15 lần Ngói mới trong bài thơ cùng tên cũng chính là giọng điệu phấn khởi, say sưa với cuộc đời mới. Giọng điệu này của ông cũng không phải chỉ biểu hiện đối với cuộc sống chung của cách mạng, nhân dân, mà cả với cái riêng nữa. Chỉ cần đọc lại bài thơ Biển ông viết vào tháng 4/1962 cũng có thể thấy giọng điệu nồng nàn, say sưa và đầy khẳng định của ông. Thông thường, khi nồng nàn, say sưa, ca ngợi, khẳng định thì trong chủ quan phải có cái cả tin, sự vững vàng của bản lĩnh. Điều này càng đúng với Xuân Diệu. Chẳng hạn, sau 60 câu thơ trong bài thơ Sự

85

sống chẳng bao giờ chán nản, ông kết thúc bài thơ bằng giọng thật khẳng định: “Chúng tao chính là sự sống”, ở phần cảm hứng đối với tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, ta có dịp thấy sự sống luôn là vấn đề đặt ra trong thơ Xuân Diệu. Để bảo vệ sự sống mà suốt đời ông đam mê, khi cần, bằng cả tâm thế chủ động, ông có giọng điệu vừa khẳng định, vừa thách thức: “Trái non như thách thức - Trăm thứ giặc thứ sâu - Thách kẻ thù sự sống - Phá đời không dễ đâu”

(Quả sấu non trên cao).

Những chuyển biến về giọng điệu của Xuân Diệu trên đây, cho thấy ông vừa giữ được sự nồng nàn, đam mê, háo hức, vừa phát triển thêm những nét mới như ca ngợi, tôn vinh, khẳng định, châm biếm, thách thức. Thoạt nhìn như có sự khác nhau, nhưng kỳ thực, đây là sự đa dạng của một giọng điệu thống nhất. Những nét mới trong giọng điệu từ sau 1945 như vừa nói đã góp phần cho thấy giọng điệu thơ ông luôn luôn là một bản sắc phù hợp với tình cảm nồng đậm của ông. Tuy nhiên, Xuân Diệu chưa thực sự chú ý thể hiện giọng điệu trong sự phối hợp với các yếu tố khác trong một tác phẩm thơ. Do vậy, dù ông có thêm những nét mới trong sự chuyển biến về giọng điệu, nhưng ấn tượng về giọng điệu trong thơ ông sau 1945 chưa thật sự sậu sắc.

Đọc Lửa thiêng, ta luôn thấy hồn thơ buồn sầu của Huy Cận luôn đi về với trời xưa, cảnh xưa, luôn gắn với sông dài, trời rộng, với nụ mầm, hương thơm của cỏ hoa trời đất. Bên cạnh cái tình cảm man mác, cái sầu từ vạn thuở ấy, hồn thơ thơ ông cũng còn phần tình cảm tươi vui, yêu đời hiện lên qua nhiều bài thơ hay. Cũng có thể hồn thơ ông là “nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài” [29; 43], là “rạo rực” nhưng “thầm kín”, “là dòng nhựa đang chuyển” [29; 39]. Chính đặc điểm này của hồn thơ ông đã tạo ta một giọng điệu thơ khá riêng biệt, độc đáo, đó là giọng điệu vừa ngậm ngùi, thương cảm, vừa hân hoan, yêu đời.

Đọc Lửa thiêng, ai cũng đều nhận ra một giọng thơ ngậm ngùi, man mác, se thắt, nhiều thương cảm. Có khi giọng điệu ấy hiện ra do “Buồn đêm mưa”, do “Giấc ngủ chiều”, do “Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa”, do “Sắc trời trôi nhạt dưới khe”, do “cây dài bóng xế ngẩn ngơ”, do kiếp người bơ vơ trên chính quê hương mình (Tràng giang), do đã “tan rồi vạn gót hương” trên một con đường từng chung chân bước và có khi chỉ do đơn giản bằng một sắc nắng: “Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung! - Có ai đàn lẻ để tơ chùng?” (Nhớ hờ).

Giọng điệu thương cảm, ngậm ngùi này dù bàng bạc trong Lửa thiêng, nhưng không hề bi lụy. Nó vốn sinh ra từ một tình cảm chính đáng không phải chỉ của nhà thơ mà của cả một thế hệ, nên nó là giọng điệu được khẳng định. Đồng thời với giọng ngậm ngùi, thương cảm

86

trên là giọng hân hoan, yêu đời, luôn tinh tường lắng nghe sự sống. Các bài thơ: Đi giữa đường thơm, Xuân, Tình tự, Thu, Trông lên, Áo trắng, Xuân ý, Chiều xuân... có thể cho thấy giọng điệu này. Chính phần giọng điệu này là phần sáng, phần nổi trong giọng điệu chung của Huy Cận và nó còn tiếp tục theo ông đến tận ngày nay, nhất là cái hướng vọng, lắng nghe tinh tế đối với sự sống của tạo vật, nhân sinh. Từ sau 1945, hai mặt trong giọng điệu nói trên, về cơ bản Ông vẫn giữ được và phát triển thêm các nét mới, làm cho giọng điệu ông phong phú hơn, nhưng vẫn thống nhất.

Là nhà thơ của sự ấm áp tình người, tình đời và tình yêu sự sống, nên ông đã sớm bước vào hoạt động cách mạng như tâm ý đi tìm một sức mạnh mới để phát triển và bảo vệ tình yêu cuộc sống mạnh mẽ hơn. Khi cách mạng thành công, ông liền say sưa với công tác xã hội. Đến khi “chín lại” với thực tế cuộc sống ở Quảng Ninh, thơ ông được đổi mới và giọng điệu cũng chuyển biến, đổi mới theo. Nói tổng quát, nếu trước kia giọng điệu thơ ông vừa ngậm ngùi, thương cảm vừa hân hoan yêu đời thì ngày nay, giọng điệu ông có thêm cái

say sưa, ca ngợi và suy tưởng, triết lý. Ngày xưa, giọng thơ ông ngậm ngùi, thương cảm cho nỗi bơ vơ của kiếp người thì bây giờ giọng điệu thơ toát lên tình cảm ngợi ca, trân trọng những con người cách mạng như anh Tài Lạc, anh Hoàng Văn Thụ, Năm người con gái anh hùng, anh Phòng, Cô khẩu đội trưởng pháo, anh Thái Văn A... Giọng điệu này cũng thường đi liền với giọng điệu khẳng định, nhất là khi ông nói đến những điều lớn lao về đất nước và con người Việt Nam bằng bút pháp chấm phá khái quát. Chẳng hạn, đây là giọng điệu khẳng định cốt cách chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta trong những năm đánh Mỹ: “Thung lũng trường sơn, thung lũng trăng – Hố bom như nốt chân hà ăn - Khổng lồ ấy dấu chân ai bước - Chắc hẳn Thạch Sanh đánh đại bàng” (1973). Giọng điệu khẳng định này cũng tìm thấy trong các bài thơ như: Đi trên mảnh đất này, Lời chào các dân tộc, Ngày sáng dần lên... Trong Lửa thiêng, mỗi khi hình ảnh mưa, sông nước, thuyền bến, biển khơi xuất hiện hầu như đều được diễn đạt bằng một giọng điệu buồn buồn. Huy Cận từng viết “Buồn mưa không định, chỉ ngùi ngùi - Lòng êm như chiếc thuyền trên bến - Nghe rét thu về hạ bớt mui” (Mưa). Ngày nay, khi thế giới cảm xúc ấy xuất hiện, giọng điệu thơ ông trở nên vui tươi, đầm ấm. Các bài thơ như Mưa mười năm sau, Mưa xuân trên biển, Những bạn chài hạ thuyền xuống nước, Bến Trung Hà... đều cho thấy giọng thơ vui, ấm ấy. Nhưng có lẽ, hấp dẫn hơn cả vẫn là giọng điệu say sưa ngợi ca khi ông nói về sự sinh sôi của tạo vật và sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên. Quả thực cái tâm hồn đất đai của Huy Cận là thế

87

giới thật kỳ diệu, luôn luôn bén rễ với muôn loài. Nếu tạo vật, muôn loài cũng khác nhau về sự sống, sự vận động thì giọng điệu thơ ông cũng cất công tự tìm từng sắc điệu riêng để nói một tiếng nói phù hợp với tạo vật. Đây là những vần thơ mang chất giọng suy tưởng, triết lý: “Em ơi ong một ngày không làm xong đõ mật -Trái một ngày chưa làm xong nhân hạt - Sông một ngày chưa xong bãi phù sa -Thai một ngày chưa đầy thịt đầy da... - Trái chín cây đâu phải chín nóng lòng” (Chân lý), “Nằm bên biển chẳng bao giờ - Nghĩ chuyện tàn phai nhện hết tơ” (Bên biển), “Rồi một ngày kia giã cõi này - Xin cho gieo hết hạt trong tay - Chứ tay còn nắm chưa vơi hạt - Mà phải ra về cực lắm thay!” (Hạt lại gieo). Đây là giọng điềm tĩnh lắng nghe: “Cả đất trời giữa lòng trưa rạo rực - Đang trùm ôm, đang thai nghén điều chi” (Giờ trưa), “Như nghìn ngọn lửa đang nhen nhúm - Cho một mùa xuân nhựa ấm dần” (Hương đất) và đây là giọng tha thẩn mà nâng niu toát lên từ nhịp điệu câu thơ: “Sông chảy chuyện trò với cá”... Những sắc điệu khác nhau của giọng điệu say sưa đối với sự sống huyền vi, diệu kỳ của tạo vật trên đây chiếm một số lượng nhiều nhất trong thơ Huy Cận từ sau Cách mạng tháng Tám, dù nó không hẳn là giọng điệu hấp dẫn nhất. Phần hấp dẫn nhất có lẽ là giọng điệu ngợi ca sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là trường hợp tiêu biểu nhất cho giọng điệu này. Tất nhiên, giọng điệu ca ngợi ở đây, ít nhiều đã xuất hiện trong các bài thơ cùng vùng thẩm mỹ tự nhiên này, nhưng chưa có bài thơ nào đạt được độ kết tinh cao về giọng ca ngợi như thế. Quả thực, với một “không khí biển khơi ,lung linh, dạt dào, sống động và kỳ ảo” [159; 434] và hình ảnh những con người chắc khỏe, tự tin, phấn chấn đang làm chủ thiên nhiên đã đem lại cho bài thơ một giọng điệu thật tương hợp, đẹp đẽ: giọng điệu ca ngợi thắm thiết.

Đọc lại những nội dung nói trên, ta thấy Huy Cận có một số chuyển biến trong giọng điệu đáng ghi nhận. Từ giọng điệu ngậm ngùi, cảm thương và hân hoan yêu đời, ông đã có thêm giọng điệu say sưa ngợi ca và suy tưởng triết lý. Tuy nhiên, dường như giọng điệu này toát lên chủ yếu ở chất tình cảm thuộc nội dung và một phần ở từ vựng, còn sự góp phần của các yếu tố khác như nhịp điệu, vần, cú pháp thơ,... chưa được rõ. Dù vậy sự phát triển, mở

Một phần của tài liệu sự chuyển biến của một số tác giả thơ mới trong thơ ca cách mạng (Trang 84 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)