Quan niệm về giọng điệu:

Một phần của tài liệu sự chuyển biến của một số tác giả thơ mới trong thơ ca cách mạng (Trang 83 - 84)

6. Cấu trúc của luận án:

3.1.1.Quan niệm về giọng điệu:

Các thuật ngữ Voice và Tone vốn được các nhà nghiên cứu văn học hay nói đến khi bàn về giọng điệu. Theo Bách khoa từ điển Mỹ, thì Voice “là âm thanh do sinh vật phát ra”, còn Tone “là âm thanh được xét trong sự can thiệp của trường độ, cường độ, âm sắc và âm lượng của nó” [39; 33]. Nét chung giữa hai thuật ngữ này là mang đặc tính âm thanh. Chỗ khác nhau của chúng là, so với Voice thì Tone hàm chứa màu sắc, thái độ, cảm xúc, quan niệm của người nói. Còn Bakhtin chủ yếu dùng khái niệm Golos với nghĩa là giọng - phát ngôn âm thanh mang tính cảm xúc, thái độ, lập trường của chủ thể[39; 33]. Trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm biên soạn thì chữ “giọng” có 4 nét nghĩa, trong đó, nét nghĩa thứ nhất được xác định: giọng là bản sắc âm của tiếng nói, phản ánh tình cảm [177; 351]. Quan niệm này gần gũi với quan niệm của Bakhtin ở trên, tức là cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thị thái độ, tình cảm nhất định. Các tác giả: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cũng có quan niệm gần gũi với các quan niệm trên [148; 91]. Đối với tiếng Việt, giọng điệu là một từ ghép từ 2 chữ: giọng điệu. Nếu giọng chủ yếu biểu thị mặt âm thanh “khí lực” của người nói, thì điệu lại biểu thị ..đường nét, màu sắc, “khí văn” của giọng [39; 34.]. Cả hai mặt này là thống nhất trong việc bộc lộ chủ thể. Từ những quan niệm trên đây, có thể cho phép xác định rằng: giọng điệu là sự thể hiện thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật.

Trong tác phẩm văn học, giọng điệu là một bình diện rất có ý nghĩa. Chính giọng điệu

là một yếu tố cơ bản của phong cách nghệ thuật - một yêu cầu bất kỳ người cầm bút nào cũng phải phấn đấu để đạt được. Giọng điệu là hiện tượng nghệ thuật của từng cá nhân, do cá nhân tạo ra cho riêng mình như quan niệm của Ivan Turgeniev: “nhà văn là phải tạo ra tiếng nói của mình”. Giọng điệu trong văn học vốn đã được bàn đến từ lâu, nhưng đến nay, nó vẫn cứ còn là một đối tượng khoa học cần tiếp tục nghiên cứu. Theo M.B. Khraptrenkô, đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường và giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối

82

kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu

vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh [80; 167 -168]. Ý kiến này của M.B. Khraptrenkô đã bao quát được các mặt, các quan hệ khác nhau của giọng điệu. G.N. Pospelov thì cho rằng “các tác phẩm trữ tình thể hiện trước hết là ý thức nhà thơ, bao giờ cũng có một tính chủ quan trong giọng điệu” [158; 127]. Còn M. Bakhtin trong nhiều công trình nghiên cứu về tiểu thuyết đã coi trọng vấn đề giọng điệu.

Theo M. Bakhtin, giọng điệu bao giờ cũng thể hiện thái độ lập trường của chủ thể phát ngôn [39; 16]. Còn các nhà nghiên cứu văn học khác cũng có những ý kiến về ý nghĩa, tính chất, vai trò của giọng điệu trong tác phẩm văn học. Trong thực tế, đọc những tác phẩm hay, ta dễ cảm nhận giọng điệu của tác giả, nhưng phân tích cho ra giọng điệu ấy được bắt đầu hoặc được góp lại từ những yếu tố cụ thể nào của nội dung và hình thức là chuyện không phải dễ. Quả thực giọng điệu là vấn đề phức tạp. Để tạo điều kiện cho việc tìm hiểu sự chuyển biến về giọng điệu của các nhà thơ mới trong thơ ca cách mạng, chúng tôi xin xác định lại những nét cơ bản về giọng điệu như sau:

Giọng điệu là sự biểu hiện lập trường, tư tưởng, cảm xúc của chủ thể. Giọng điệu gắn liền với hiện tượng ngôn ngữ, được biểu hiện qua lời văn nghệ thuật, nhưng về bản chất, đó là một hiện tượng có ý nghĩa tổng hợp từ nhiều yếu tố và có tính chất “siêu ngôn ngữ”. Đối với quá trình sáng tác của một tác giả cũng không phải chỉ có một giọng điệu thuần nhất, mà có thể có nhiều giọng với những sắc điệu khác nhau. Bản thân giọng điệu là một hệ thống và nó cũng thể hiện tính nhất quán với hệ thống lớn hơn mà nó thuộc về là một cấu trúc nghệ thuật cụ thể (một tác phẩm cụ thể). Có nhiều căn cứ khác nhau để tìm hiểu giọng điệu. Ở đây, luận án chủ yếu dựa vào tình cảm, tư tưởng, thái độ của các chủ thể phát ngôn để tìm hiểu sự chuyển biến về giọng điệu qua các nhà thơ mới trong thơ ca cách mạng.

Một phần của tài liệu sự chuyển biến của một số tác giả thơ mới trong thơ ca cách mạng (Trang 83 - 84)