6. Cấu trúc của luận án:
2.1. Quan niệm về cảm hứng:
Đã từ lâu, các triết gia cổ Hy Lạp đã dùng đến từ “cảm hứng”. Tiếng Hy Lạp cổ: Pathos - một tình cảm sâu sắc, nồng nàn. Cảm hứng nhằm chỉ trạng thái hưng phấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất cuộc sống mà họ miêu tả. Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt đầu từ lý tưởng xã hội của người cầm bút nhằm phát triển và cải tạo thực tại [158; 168]. Là một trạng thái tâm lý căng thẳng, nhưng say mê khác thường, nên cảm hứng từng được lý giải không giống nhau. Trước kia Platông từng cho rằng sáng tác là những phút giây mà thần linh đột nhập vào tâm hồn nhà nghệ sĩ, từ đó anh ta phải sống trong một trạng thái luôn luôn bị ám ảnh. Đối vơi Crôsê thì cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ là hoàn toàn mang tính trực giác. Còn Phrớt, có lúc ông lại nối chính bản năng tính dục mới là chỗ bắt nguồn của cảm hứng. Không những các triết gia bàn về cảm hứng, mà các nhà văn cũng tham gia nói về cảm hứng với những ý kiến lạ lẫm. Chẳng hạn, Hô me đã gán cảm hứng sáng tác của mình cho thần Dớt và thần Apôlông, Puskin tự nhân mình sáng tác ngay trong những giấc chiêm bao. . .
Tất cả những quan niệm về cảm hứng có vẻ như “thần ám”, trực giác, bản năng, vô thức và cả quan niệm “cảm hứng tự tạo” như ý kiến của Baudelaire nói đến những người dùng “chất độc” để suy nghĩ hoặc việc Marmontel từng ngồi trước sáu ngàn chai ruợu mà không có cảm hứng [65; 463]... đều chưa tiếp cận đúng bản chất cảm hứng. Hêghen nói : “Trong trường hợp muốn có hứng thú nghệ thuật thực sự thì hứng thú này từ trước đã nhằm một đối tượng nhất định và nội đung của nó đã được qui định chúng từ trước” [65; 463]. Như vậy, cảm hứng khó có thể là trực giác, bản năng, mà phải có chuẩn bị nhất định từ trước. Tuy việc chuẩn bị từ trước không có khuôn mẫu và khác nhau ở mỗi nghệ sĩ, nhưng thực tế sáng tác cho thấy rằng, nếu không có quá trình tích hợp về vốn sống một cách có ý thức, không có sự ngẫm nghiệm về cuộc đời thì khó có thể có cảm xúc, cảm hứng. Ở đây cũng cần xác định thêm: thực chất của cảm xúc là ở chỗ nó được cảm thấy, tức là được ý thức biết tới nó [221; 229]. Là một tình cảm cao hơn cảm xúc, cảm hứng càng được ý thức biết đến. Cho nên, chỉ khi nào có trạng thái dồi dào, nồng say về ý thức - tư tưởng, cảm xúc và các mặt này đạt đến sự hài hòa, kết tinh thì cảm hứng sáng lạo mới bùng cháy. Lúc đó, nói như Nguyễn Quýnh là “Hứng chạm vào người ta, cho nên chữ nổi dậy, không thể nín
44
được mà sinh ra ở trong lòng, ngâm vịnh ở ngoài miệng, viết nên ở bút nghiên, giấy mực” [141; 103]. Và, cảm hứng này sẽ thu hút nhà thơ, làm nhà thơ “hoàn toàn nhập thân vào đối tượng và không biết nghĩ ngơi hễ còn chưa cấp cho hình thức một tính trọn vẹn và đẹp đẽ” [65; 465]. Những điều vừa nói, cho thấy rằng, viết văn, làm thơ là chuyện tâm huyết, “chỉ bộc lộ những gì đã thực sự tràn đầy trong lòng” [143; 315]. Một tâm hồn bằng lặng, vô cảm, thiếu những trạng thái đam mê khác thường sẽ không có cảm hứng sáng tạo.
Cảm hứng sáng tạo cũng có thể có trong các ngành sản xuất khác nhau, nhưng nó phù hợp và thuận lợi nhất đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Các nhà nghiên cứu hay nói: Thơ là loại hình bão hòa cảm xúc, cũng chính là nói đến cái mãnh liệt, cái nồng say tràn đầy của tình cảm người làm thơ. Tuy nhiên, khi đã có cảm hứng vẫn chưa phải đủ điều kiện để tạo ra thơ ca, mà đi liền với nó là quá trình thể hiện trách nhiệm đối với sự ra đời tác phẩm thơ. Nguyễn Văn Hạnh nói: “Cảm hứng và công phu là hai điều kiện không thể thiếu được trong sáng tạo nghệ thuật” [60; 118]. Công phu, đó chính là yêu cầu không thể thiếu đối với sự sáng tạo.
Theo G.N. Pospelov, do những khác biệt cốt yếu của bản thân cuộc sống được nhận thức, cảm hứng của các tác phẩm văn học cũng bộc lộ một số biến thể [158; 168]. Điều này cũng tìm thấy trong cảm hứng sáng tác của nhà thơ mới khi chuyển biến trong nền thơ ca cách mạng. Giới nghiên cứu cũng nói đến các cấp độ của cảm hứng như cảm hứng nhất thời, cảm hứng lâu bền, cảm hứng chính, cảm hứng chủ đạo. Tìm hiểu cảm hứng của các
nhà thơ mới cũng thấy cảm hứng chủ đạo có tính chất bao trùm, chi phối các cảm hứng khác.