6. Cấu trúc của luận văn
2.2.5. Về triển khai sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP
Ngày nay, yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa là chất lượng mặt hàng và khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác định được tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm, trong những năm qua tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản tỉnh nhà, đã hình thành vùng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP – Thực hành nông nghiệp tốt là các nguyên tắc được thiết lập đảm bảo môi trường sản xuất sạch, an toàn, sản phẩm không chứa tác nhân gây bệnh và hóa chất từ ngoài vườn đến khi sử dụng.
Trong quá trình triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là lĩnh vực cây ăn quả, bên cạnh những thuận lợi về chủ trương, chính sách Nhà nước thì hoạt động sản xuất này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: trình độ kĩ thuật về sản xuất theo tiêu chuẩn GAP của người dân chưa cao, sự am hiểu về tầm quan trọng của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, công tác kiểm soát, kiểm tra chất lượng sản phẩm chưa được chặt chẽ, giá bán sản phẩm an toàn còn bấp bênh, đôi lúc bằng giá với sản xuất theo kiểu truyền thống nên chưa tạo động lực cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cho một số loại cây: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Lập, trong đó, đã có 55,3 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được cấp chứng nhận GlobalGAP (năm 2008 và năm 2010); 30 ha khóm được chứng nhận GlobalGAP (năm 2010), mở đường cho trái cây tỉnh Tiền Giang thâm nhập vào thị trường thế giới [18].
Tuy nhiên, với mô hình GAP, sau khi học hỏi, nông dân cần có diện tích đất lớn để tổ chức thực hiện, nên nhiều nông dân cần liên kết lại thành một nhóm, những nhóm nông dân sẵn có là các HTX sản xuất nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông và gần đây một số tổ hợp tác sản xuất đang được hình thành... Nếu được hướng dẫn tổ chức thực hiện sản xuất theo GAP, loại hình tổ hợp tác sản xuất này sẽ nhóm tiên phong trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm trái cây có chất lượng cao và độ an toàn được bảo đảm, mang đến cơ hội cho trái cây tỉnh Tiền Giang xâm nhập vào thị trường các nước láng giềng châu Á hay xa hơn là cá nước châu Âu hay châu Mĩ.