Nhận thức về hội nhập của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là trong các doanh nghiệp Nhà nước còn chưa cao. Thương trường là chiến trường, sẽ
có sự đào thải tự nhiên trong quá trình cạnh tranh này, trở ngại lớn nhất vẫn là hòn đá vô hình trong tư duy của nhiều quan chức, nhà vạch chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp giấy (nhất là DNNN), họ vẫn trông chờ vào các biện pháp bảo hộ của Nhà nước như cấp thêm vốn, khoanh nợ hoặc xóa nợ, dành độc quyền nhập và cung cấp một số mặt hàng..., Các DNNN có tiến hành đầu tư để đối phó với thách thức hội nhập, nhưng thời gian tiến hành đầu tư lại thường quá lâu, nguồn vốn đầu tư lại ỷ lại trông chờ vào nhà nước. Hòn đá ấy chính là sự trì trệ, bảo thủ nếu không muốn nói là khối kiến thức không theo kịp đòi hỏi của sự vận động thị trường nữa. Mức tiêu thụ giấy trên thị trường khu vực ASEAN gấp 3 lần thế giới và gấp rưỡi châu Á. Thị phần cung cấp chủ yếu là các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Ngành giấy Việt Nam, hiện nay chẳng những chưa "xơ múi" được thị trường khu vực béo bở, mà còn không đủ sức bao "sân nhà". Các vị lãnh đạo của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNN cũng thấy lên tiếng. Nhưng thực ra "tiếng kêu" không khác trước mặc dù cường độ lớn hơn trước. Nào là thời gian tới sẽ cố gắng cải thiện hệ thống dây chuyền sản xuất. Nào là sẽ tìm mọi phương thức tiếp cận khách hàng và, đặc biệt, cân đối sản xuất các chủng loại giấy để phù hợp nhu cầu tiêu dùng. Thế nhưng khi mà quá trình hội nhập AFTA đã đi được nửa chặng đường, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bảo hộ, giúp đỡ của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong đầu không ít vị lãnh đạo các doanh nghiệp kể cả những doanh nghiệp lớn, chưa chủ động và sẵn sàng đối phó với hội nhập thì quả thật là đáng lo.