Sản xuất giấy ở Việt Nam đã có từ lâu đời, nhưng ngành công nghiệp giấy Việt Nam thì chỉ mới ra đời vào đầu thế kỷ 20, trong thời gian đầu các nhà máy giấy có tính chất thủ công, vào những năm trước 1945 cả nước có khoảng 7 nhà máy sản xuất giấy, sản lượng trung bình mỗi năm chỉ vào khoảng 1000 tấn/năm, chất lượng giấy rất thấp, qui trình sản xuất còn rất thủ công. Đến những năm 50-60, công nghiệp giấy bắt đầu đi vào phát triển, trang bị những máy móc thiết bị sản xuất giấy công nghiệp, công suất các nhà máy được nâng lên mức 20.000 tấn/năm, điển hình trong giai đoạn này là sự ra đời của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ(1949), “cái nôi của ngành giấy Việt Nam”, sản phẩm giấy trong thời kỳ này chủ yếu là để phục vụ nhu cầu in ấn và viết. Trong giai đoạn 1960 – 1970 xuất hiện hàng loạt các nhà máy giấy với qui mô nhỏ ở khắp miền Nam và miền Bắc. Trong thời gian này sản phẩm giấy được sản xuất cũng đa dạng hơn bao gồm các loại giấy báo, giấy viết, carton… Sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn/năm. Sản lượng giấy năm 1970 tăng 10 lần so với năm 1960 đạt mức hơn 50.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ sau năm 1975 công nghiệp giấy mới thực sự được đầu tư phát triển với những nhà máy mới có công suất trung bình. Đặc biệt sau tám năm xây dựng, ngày26/1/1982 lễ khánh thành nhà máy giấy Bãi Bằng đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp giấy Việt Nam. Vào thời điểm đó thì công ty giấy Bãi Bằng được coi là một nhà máy sản xuất tương đối hiện đại, với qui trình sản xuất khép kín, ứng dụng kỹ thuật cơ giới hoá và tự động hóa khá đồng bộ với năng
suất thiết kế là 55.000 tấn giấy/năm và 48.000 tấn bột giấy/năm. Với sự ra đời của nhà máy giấy Bãi Bằng thì tổng công suất của ngành giấy đã tăng lên 90.000 tấn/năm, chất lượng giấy cũng được cải thiện rõ rệt so với trước, đặc biệt là hai mặt hàng giấy in và giấy viết. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, ngành giấy Việt Nam cũng vấp phải không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua do cơ chế quan liêu bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sản phẩm sản xuất ra lại không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dụng. Chính sách đổi mới do Đảng và chính phủ ta đề ra năm 1986 đã tạo ra sự thay đổi lớn lao trong mọi mặt đời sống xã hội và kinh tế nước ta. Theo đó, thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN dưới sự quản lý của Nhà nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh sản xuất, chuyển từ mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp nặng sang phát triển công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Sự thay đổi đó đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong nền kinh tể nói chung và ngành công nghiệp giấy nói riêng. Lúc này, ngành giấy Việt Nam đã có hai nhà máy có công suất tương đối lớn hơn 50.000 tấn/năm là Bãi Bằng và Tân Mai. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giấy trong giai đoạn 1990-1999 bình quân đạt 16%/năm, tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chế biến nước ta nói riêng và công nghiệp nói chung, nhiều thành phần kinh tế đã tham gia vào đầu tư, sản xuất giấy đã đáp ứng được một phần nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm giấy, ngành giấy Việt Nam đã xuất khẩu được một số loại giấy sang các thị trường nước ngoài (Đài Loan, Srilanca, Trung Đông,…). Năm 1999 sản lượng toàn ngành đạt 292.000 tấn gấp gần 4 lần năm 1990. Sau 10 năm liền tăng trưởng với tốc độ bình quân 16%/năm(1990 – 1999), nhạy bén nắm bắt thời cơ, ngành giấy Việt Nam đã vươn lên tốc độ tăng trưởng rất cao (cao nhất trong các ngành công nghiệp) với tốc độ tăng trưởng trong 3 năm gần đây ( 2000 –2002 ) là 24%/năm, ngành
giấy cũng đã có một số biện pháp chủ động để hội nhập kinh tế. Dù đã đạt được một số thành tựu, vẫn giữ vững được thị trường, và bước đầu xâm nhập thị trường nước ngoài, nhưng ngành giấy Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém và khuyết điểm. Để làm rõ những điểm yếu đó, tôi xin trình bày, những thuận lợi và khó khăn đối với ngành công nghiệp giấy Việt Nam, tình hình hoạt động của ngành trong những năm gần đây. Qua đó, ta có thể xác định được năng lực cạnh tranh của ngành và đề ra giải pháp để phát triển ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, phát huy, khai thác lợi thế của ngành, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức.
1. Những thuận lợi