Biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua các kiểu câu chủ động/bị động, cách nói trực tiếp/gián tiếp, câu đưa đẩy

Một phần của tài liệu Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 83 - 89)

- Đấy(4): Thường đứng cuối câu để tạo câu cảm thán nhưng có tính thông báo một thông tin bất ngờ: Nghe nói con bé đó là hoa khôi của trường đấy!

3.1.2.Biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua các kiểu câu chủ động/bị động, cách nói trực tiếp/gián tiếp, câu đưa đẩy

động/bị động, cách nói trực tiếp/gián tiếp, câu đưa đẩy...

Trong thực tế giao tiếp, ngoài các phương tiện ngôn ngữ đã khảo sát ở trên, người nói còn có thể sử dụng các kiểu câu, cách nói… để biểu thị quan hệ quyền thế của mình với đối phương. Nhìn chung có bốn trường hợp tương ứng với bốn chiến lược giao tiếp thường gặp sau:

1/ Người ở vị thế cao khi muốn khẳng định vị thế của mình thường sử dụng các kiểu câu vô nhân xưng với lối nói trực tiếp, chủ động.

2/ Người ở vị thế cao khi muốn trung hoà hay hạ thấp vị thế của mình thường sử dụng các kiểu câu bị động, lối nói gián tiếp.

3/ Người ở vị thế thấp nhưng tự tin muốn nâng cao vị thế của mình thường sử dụng các kiểu câu vô nhân xưng với lối nói trực tiếp, chủ động.

4/ Người ở vị thế thấp khi tự ti, muốn giữ nguyên vị thế của mình thường sử dụng các kiểu câu bị động, lối nói gián tiếp.

Thông qua việc khảo sát hội thoại cụ thể, chúng ta sẽ làm sáng tỏ luận điểm này.

Xét hội thoại 3:

… Mậu không dám nhìn vợ. Tuyết bảo:

- Anh giỏi thật. Anh chung sống được cả với người điên. Mậu ngậm ngùi:

- Biết làm sao được. Tình nghĩa vợ chồng mà. (…)

- … Em nói thật, nếu chị ấy khỏe mạnh, em chả dám chen vào hạnh phúc của anh. Đằng này chị ấy bị điên.

- Nhưng anh vẫn thấy nó tàn nhẫn làm sao ấy.

- Chả có gì tàn nhẫn mà rất nhân đạo nữa là khác. Sáng nay em đến đây sớm cũng vì chuyện ấy. Nếu anh quyết định gửi chị ấy vào nhà thương điên, em sẽ về đây với anh, chẳng cần cưới hỏi. Còn nếu anh vẫn từ chối, em sẽ vào trong Nam. Em sẽ đi hát cho các phòng trà. Khối tiền!

(Phan Cao Toại - Thiếu phụ đồng trinh - 163) Đây là đoạn hội thoại diễn ra giữa hai người đồng nghiệp là Mậu (tên người đàn ông) và Tuyết (tên cô gái). Mậu là người đã có vợ nhưng vợ anh bị tâm thần đã nhiều năm nay. Còn Tuyết là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi, chưa có gia đình song lại đem lòng yêu Mậu và chủ động tấn công anh.

Xét về mối quan hệ quyền thế của các bên ta thấy, nhân vật Mậu ở vị thế cao hơn so với Tuyết do các yếu tố về: tuổi tác, giới tính, không gian giao tiếp (nhà của Mậu)... Tuy nhiên trong đoạn thoại này, nhân vật Tuyết ở vị thế thấp song lại là người chủ động dẫn dắt cuộc thoại, khá tự tin và muốn nâng cao vị thế của mình trước Mậu. Điều này thể hiện qua khá nhiều lối nói trực tiếp bày tỏ quan điểm, có tính chế giễu đối phương như: “Anh giỏi thật. Anh chung sống được cả với người điên.” hay “Em nói thật, nếu chị ấy khỏe mạnh, em chả dám chen vào hạnh phúc của anh”... Ta sẽ thấy rõ tính áp chế của các phát ngôn kiểu này nếu thử thay chúng bằng các lối nói gián tiếp đưa đẩy kiểu như: “Em thấy anh giỏi thật...” hay “Thật sự là, nếu chị ấy...”. Ngoài ra, để thu hẹp khoảng cách giao tiếp đồng thời tăng áp lực với đối phương, nhân vật Tuyết còn sử dụng kiểu câu điều kiện có tính khuyến lệnh, buộc đối phương phải lựa chọn: “Nếu anh quyết định gửi chị ấy vào nhà thương điên, em sẽ về đây với anh, chẳng cần cưới hỏi. Còn nếu anh vẫn từ chối, em sẽ vào trong Nam...”. Những hành vi này của nhân vật Tuyết đều nhằm phục vụ cho mục đích giao tiếp cuối cùng của mình là thuyết phục Mậu ly dị vợ để đến với cô.

Như vậy, ví dụ trên đã chứng tỏ khi người ở vị thế thấp nhưng muốn tự đề cao mình thì thường sử dụng lối nói trực tiếp, chủ động, các kiểu câu điều kiện có tính khuyến lệnh mạnh… Chúng ta sẽ tiếp tục khảo sát vai trò của các kiểu câu khi phục vụ những mục đích giao tiếp khác.

Xét hội thoại 4:

“Hảo cổ không đứng dậy mà chỉ chìa tay mời khi Hưng bước vào: - Nước, thuốc, chú em cứ tự nhiên. Mời.

Hưng vơ lấy bao ba số dẹt, rút một điếu rồi nói luôn:

- (…) Cậu về nói lại nhé. Bốn vé không hơn không kém.

Hưng lắc đầu:

- Có là thằng điên thì mới chịu giá đó. Em đứng giữa nói công bằng. Được rồi đấy. Già néo đứt dây. Anh gật đi cho thằng em ôm về. Nói nhiều quá mọi việc nó nhão ra. Mất tình anh em.”

(Nguyễn Đình Chính - Mùa hè vội vã - 28) Đây là cuộc hội thoại giữa hai tên buôn lậu đồ cổ là Hảo cổ và Hưng với mục đích là thoả thuận về giá cả một món đồ. So sánh hai nhân vật trong mối quan hệ quyền thế thì Hảo cổ có nhiều ưu thế hơn so với Hưng: nhiều tuổi hơn, kinh nghiệm trong nghề nhiều hơn, là người chủ món đồ cần thương lượng giá, bối cảnh giao tiếp lại là nhà của Hảo cổ… Do vậy, nhân vật ngay từ đầu đến cuối cuộc thoại đều có chủ ý khẳng định vị thế của mình, xác định khoảng cách giao tiếp nhất định với đối phương, buộc Hưng chấp nhận giá mình đưa ra. Điều này được thể hiện ở các kiểu câu chủ động, vô nhân xưng: “Nước, thuốc, chú em cứ tự nhiên. Mời.” hay các lối nói chủ động, trực tiếp như: “Cậu về nói lại nhé. Bốn vé không hơn không kém.”... Nếu thay phát ngôn trên bằng lối nói gián tiếp như:“Cậu về nói lại với anh cậu là bốn vé không hơn không kém” thì rõ ràng tính áp chế đã giảm đi đáng kể.

Về phía nhân vật Hưng, mặc dù ở vị thế thấp song do đích giao tiếp là thuyết phục được Hảo cổ mức giá món đồ nên cũng chủ động nâng cao vị thế của mình thông qua các phát ngôn có kết cấu vô nhân xưng với lối nói trực tiếp:

“Em đứng giữa nói công bằng. Được rồi đấy. Già néo đứt dây(...) Nói nhiều quá mọi việc nó nhão ra. Mất tình anh em.”. Để thấy rõ điều này, chúng ta lại làm một phép thử, chuyển các phát ngôn trên theo lối nói gián tiếp thì tính cương quyết, áp chế của lời thoại sẽ giảm nhiều: “Em đứng giữa nói công bằng. Em

thấy giá thế là được rồi đấy, già néo đứt dây(...) Anh em mình nói nhiều quá mọi việc nó nhão ra, mất tình anh em.”. Ngoài ra ta còn bắt gặp trong lời thoại của nhân vật này lối nói gián tiếp ước lệ: “Có là thằng điên thì mới chịu giá đó.” nhằm tăng tính thuyết phục với đối phương.

Những phân tích trong ví dụ trên đã chứng tỏ, khi người nói ở vị thế cao nhưng vẫn muốn khẳng định vị thế của mình cũng như khoảng cách giao tiếp với đối phương thì thường sử dụng các lối nói trực tiếp, các kiểu câu chủ động vô nhân xưng. Trong khi đó, vẫn là lối nói trực tiếp vô nhân xưng nhưng cũng có thể được sử dụng trong trường hợp người nói ở vị thế thấp song muốn tự đề cao vị thế của mình. Tiếp theo, chúng ta sẽ khảo sát một trường hợp nữa là khi người nói ở vị thế thấp và tự ti muốn giữ nguyên vị thế của mình sẽ sử dụng những lối nói và kiểu câu gì.

Xét hội thoại 5:

“- Trang! Trang! Có phải em đấy không? (…)

- Đang giờ hành chính, anh cứ làm việc đi. Phiền anh giúp em cái đám giấy tờ, bận quá mà cứ phải ngồi chờ... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Họ bắt tay nhau:

- Được rồi, chuyện nhỏ... chiều mai gặp nhau, nhớ nhé, anh sẽ đem giấy tờ đến cho em. Số di động của anh đây, gọi luôn để anh lưu số của em nào!”

(Đỗ Thị Hồng Vân, Ghen, 115) Đây là cuộc thoại giữa hai người bạn cũ tình cờ gặp nhau. Xét về vị thế thì nhân vật Trang ở vị thế thấp hơn do các đặc điểm về giới tính, tuổi tác, ngữ cảnh (Huy làm việc ở uỷ ban trong khi Trang đang muốn nhờ Huy làm giúp giấy tờ). Với mục đích nhờ vả Huy nên nhân vật Trang chủ động giỡ nguyên vị thế thấp

vốn có của mình, đồng thời đề cao đối phương. Điều này thể hiện qua việc sử dụng kiểu câu bị động vô nhân xưng với lối nói gián tiếp ước lệ: “Phiền anh giúp em cái đám giấy tờ, bận quá mà cứ phải ngồi chờ...”. Nếu ở dạng đầy đủ, câu trên có thể nói là: “Em xin lỗi vì làm phiền anh, nhờ anh giúp em cái đám giấy tờ...”, tuy nhiên lúc này tính cầu khiến, tính lịch sự của câu cũng giảm nhiều. Và chiến lược giao tiếp của Trang đã thành công, thể hiện bằng việc Huy vui vẻ đồng ý giúp đỡ.

Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thu được kết quả sau:

Vị thế Chiến lược giao

tiếp Chiến lược sử dụng ngôn ngữ điển hình

Tỷ lệ (%)

Cao Giữ nguyên vị thế Kiểu câu chủ động vô NX, lối nói trực tiếp 27,6 Hạ thấp vị thế Kiểu câu chủ động, lối nói gián tiếp 14,16

Thấp

Tự nâng cao vị thế Kiểu câu chủ động, câu điều kiện có tính

khuyến lệnh, lối nói trực tiếp 15,09

Giữ nguyên vị thế Kiểu câu bị động, lối nói gián tiếp ước lệ,

nói vòng… 43,15

Kết quả trên đã chứng tỏ việc sử dụng các kiểu câu chủ động/bị động, các lối nói trực tiếp/gián tiếp tuy không phải là phương tiện hiệu quả nhất song vẫn được vận dụng trong một số trường hợp nhất định để thực hiện các chiến lược giao tiếp cụ thể, đồng thời biểu thị quan hệ quyền thế tồn tại trong cuộc thoại. Trong đó, kiểu câu bị động, lối nói gián tiếp ước lệ, nói vòng… được sử dụng nhiều hơn cả khi người nói ở vị thế thấp và muốn giữ nguyên vị thế của mình. Các chiến lược giao tiếp còn lại có xu hướng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ khác như cách xưng hô, sử dụng các tiểu từ tình thái…

Một phần của tài liệu Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 83 - 89)