- Đường hướng phân tích diễn ngôn theo lý thuyết hoạt động.
2.2.1. Vài nét về đặc điểm các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt
Xuất phát từ đặc điểm loại hình ngôn ngữ của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính, để biểu thị các trạng thái cảm xúc phong phú của con người trong giao tiếp hàng ngày, tiếng Việt cần huy động một lượng lớn các tiểu từ tình thái, khuyến lệnh… Trong hệ thống từ loại tiếng Việt, chúng có khi được xếp vào kiểu loại hư từ, có khi lại được tách riêng thành một tiểu hệ thống độc lập so với thực từ và hư từ, điều đó tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi nhà nghiên cứu. Từ trước tới nay, việc nghiên cứu kiểu loại từ tình thái vẫn chưa đạt được sự thống nhất hoàn chỉnh, còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về cách định nghĩa, phân chia tiểu loại từ này. Ngay cả tên gọi chúng cũng không thống nhất, có tác giả gọi đó là ngữ khí từ, trợ từ; cũng có tác giả lại gọi đó là các tiểu từ, phụ từ... ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Hiệp. Theo tác giả, các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt bao gồm bốn tiểu nhóm nhằm biểu thị các sắc thái ý nghĩa cơ bản sau:
- Một là biểu hiện sự quan tâm của người nói đến sự vật, sự việc được nêu trong câu hay đối với người nghe: à, ư, nhỉ, nhé,…
- Hai là thu hút, khêu gợi sự chú ý của người đối thoại: ấy, này, kia, đấy, nghe…
- Ba là biểu thị sự kính trọng đối với người đối thoại: ạ, dạ, vâng,…
- Bốn là biểu thị sự tin tưởng của người nói: đã, mà…
Xét về cấu tạo, phần lớn các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt là những từ đơn âm tiết hoặc song tiết, mặt khác chúng không thể xuất hiện độc lập mà luôn đòi hỏi một môi trường phát ngôn xác định. Bên cạnh đó, mặc dù không đảm nhiệm chức vụ ngữ pháp trong câu như các kiểu loại từ khác song nhóm từ này
vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc biểu hiện các sắc thái tình cảm của câu cũng như việc biểu thị thái độ, quan điểm của người nói đến sự vật, sự việc được nêu trong câu. Do vậy, khả năng biểu cảm của chúng rất phong phú, nhiều trường hợp cùng một tiểu từ song ở những ngữ cảnh, môi trường phát ngôn khác nhau, tiểu từ đó lại mang các sắc thái biểu cảm khác nhau. Ví dụ: Cùng một tiểu từ ”đấy” song ở mỗi ngữ cảnh, tiểu từ này lại mang những sắc thái biểu cảm khác nhau.
- Đấy(1): Thường đứng cuối câu có tác dụng tạo câu nghi vấn: Ai vừa vào nhà mình đấy?