năng trên.
Một điểm nữa cần nói đến là khái niệm “phê phán” trong “phân tích diễn ngôn phê phán”. Theo trường phái ngôn ngữ học Franhfurt, “phê phán” ở đây có thể hiểu một cách đơn giản là làm rõ tính quan hệ của các sự vật hiện tượng. Sau này, ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, một số nhà nghiên cứu lại quan niệm “phê phán” gần như đồng nghĩa với “thái độ”; nói cách khác “phê phán” tức là bao hàm việc người phân tích phải bộc lộ quan điểm hay lập trường của mình khi tiến hành phân tích diễn ngôn. Như vậy “phân tích diễn ngôn phê phán” nhằm tới một mục đích nghiên cứu một cách phê phán sự bất công xã hội như nó được thể hiện, biểu lộ, được kiến tạo, hợp thức hoá trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Theo tác giả Nguyễn Hoà, nhiệm vụ của nhà phân tích diễn ngôn là phải quan tâm đến việc miêu tả các hình thức ngôn ngữ, cấu trúc và sự tổ chức ở mọi cấp độ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…, và các dạng tổ chức ở cấp độ cao như cấu trúc diễn ngôn. Tất cả những công việc ấy đều nhằm mục đích lột tả xem các đơn vị ngôn ngữ ấy đã được sử dụng như thế nào trong các tập quán tạo và hiểu diễn ngôn, và tập quán văn hoá - xã hội để xác lập, duy trì hay bảo vệ quyền lực và quan hệ xã hội, để ảnh hưởng và dẫn đến thay đổi thực tại xã hội. (Nguyễn Hoà, 2006, 41)
Ra đời khá muộn so với những đường hướng nghiên cứu truyền thống trong ngôn ngữ học, cho đến nay vẫn còn rất nhiều quan điểm tranh luận việc nhìn nhận “phân tích diễn ngôn phê phán” như một hệ lý thuyết hay nó chỉ có tính chất như một phương pháp mới trong ngôn ngữ học. Sở dĩ tồn tại vấn đề phức tạp như vậy là do CDA tự thân nó là một khoa học liên ngành, do đó việc xây dựng một khung lý thuyết hoàn chỉnh là điều không hề đơn giản. Một số tác giả theo trường phái ngôn ngữ học chức năng lại chủ trương quan niệm CDA vừa có tính chất như một lý thuyết, vừa có tính chất như một phương pháp. Nhìn lại quá trình phát triển của CDA thì đến nay trên thế giới đã hình thành và phát triển CDA theo một số xu hướng chính như sau: