- Đấy(4): Thường đứng cuối câu để tạo câu cảm thán nhưng có tính thông báo một thông tin bất ngờ: Nghe nói con bé đó là hoa khôi của trường đấy!
3.1.1. Biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua các kiểu phát ngôn mệnh lệnh, cầu khiến, vô nhân xưng
Từ trước tới nay cũng đã tồn tại khá nhiều quan điểm của giới nghiên cứu về bức tranh phân loại phát ngôn trong tiếng Việt. Có tác giả chủ trương phân loại theo mục đích phát ngôn, có tác giả lại căn cứ trên cấu trúc hình thức hay cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn…Trong luận văn này, chúng tôi chủ trương theo hướng phân loại phát ngôn trong tiếng Việt theo mục đích giao tiếp gồm 5 kiểu loại là phát ngôn trần thuật, phát ngôn cầu khiến, phát ngôn nghi vấn, phát ngôn mệnh lệnh, phát ngôn miêu tả. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu, ở đây chúng tôi chỉ tập trung khảo sát hai kiểu loại phát ngôn thể hiện đặc trưng nhất quan hệ quyền thế trong hội thoại, đó là phát ngôn khuyến lệnh và phát ngôn cầu khiến. Ngoài ra một kiểu loại phát ngôn cũng thường gặp trong hội thoại mà không thể bỏ qua, đó chính là các phát ngôn có kết cấu vô nhân xưng.
Trong hội thoại, người tham gia giao tiếp có quyền lựa chọn và sử dụng kiểu loại phát ngôn phù hợp với mục đích cũng như chiến lược giao tiếp của mình. Sự có mặt, vị trí xuất hiện, tần số sử dụng… của các kiểu loại phát ngôn sẽ góp phần biểu thị áp lực quyền thế giữa những người đối thoại. Thông thường các kiểu phát ngôn được sử dụng ở một trong những trường hợp sau:
1/ Người ở vị thế cao khi muốn khẳng định vị thế của mình thường sử dụng kiểu phát ngôn khuyến lệnh vô nhân xưng.
2/ Người ở vị thế thấp khi tự tin, muốn nâng cao vị thế của mình thường sử dụng kiểu phát ngôn cầu khiến vô nhân xưng (tính khuyến lệnh mạnh hơn).
3/ Người ở vị thế cao khi muốn trung hoà hay hạ thấp vị thế của mình thường sử dụng kiểu phát ngôn khuyến lệnh có tính mềm mỏng, tạo sự thân mật (tính cầu khiến mạnh hơn).
4/ Người ở vị thế thấp khi tự ti, muốn giữ nguyên vị thế của mình thường sử dụng kiểu phát ngôn cầu khiến đầy đủ (có ngôi nhân xưng).
Dưới đây chúng ta sẽ khảo sát ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ luận điểm trên. Xét hội thoại 1:
“Dương vẫy một cô nhân viên bar, hét to vào tai cô ta: - Thẻ đây, lấy chai Chivas nốt cho anh.
- Anh chị dùng thêm gì ạ?
Dương ghé sát tai tôi hỏi như hét vào tai: - Uống nước gì nhé?
Tôi gật, hét với mấy cô nhân viên: - Cho tôi ly nước cam.
Tôi cười cười nhìn quanh như một con đười ươi cái ngơ ngác giữa chốn phồn hoa.”
(Võ Thị Xuân Hà, Tường thành, 139) Đây là cuộc hội thoại có không gian giao tiếp là một quán bar, do đó số lượng nhân vật tham gia cuộc thoại là 3 người: Dương, Kỳ và nhân viên quán bar. Có thể thấy, trong mối quan hệ khách - nhân viên thì Dương và Kỳ ở vị thế cao hơn so với nhân viên quán bar; ngoài ra Dương còn ở vị thế cao hơn Kỳ trong quan hệ giữa hai người do các nhân tố về giới tính, tuổi nghề… Vị thế của các nhân vật được thể hiện khá rõ qua các kiểu phát ngôn xuất hiện trong hội thoại.
Trước hết, vì Dương và Kỳ đều muốn khẳng định vị thế của mình trước nhân viên nhà hàng nên chủ động sử dụng các phát ngôn vô nhân xưng có tính khuyến lệnh mạnh: “Thẻ đây, lấy chai Chivas nốt cho anh” (lời thoại của Dương) và “Cho tôi ly nước cam” (lời thoại của Kỳ). Hãy so sánh, nếu hai nhân vật khách hàng này sử dụng một kiểu loại phát ngôn khác, ví dụ như kiểu loại cầu khiến, thì áp lực quyền thế giữa hai bên sẽ giảm đi rất nhiều, nhân viên chưa chắc đã phục vụ nhanh chóng và đúng yêu cầu. Để kiểm chứng, ta có thể thêm
ngôi đối thoại và tiểu từ “nhé” vào cuối hai phát ngôn trên thì chúng sẽ trở thành kiểu loại phát ngôn cầu khiến: “Thẻ đây, em lấy chai Chivas nốt cho anh nhé!” và “Anh/chị cho tôi ly nước cam nhé!”. Như vậy, bằng việc sử dụng kết cấu khuyến lệnh, người nói đã xác lập vị thế giao tiếp của mình cũng như tạo một áp lực quyền thế cần thiết với đối phương. Mặt khác, xét đến sự tác động của các nhân tố giao tiếp đến việc lựa chọn ngôn ngữ cuộc thoại thì rõ ràng trong trường hợp này nhân tố nghề nghiệp, ngữ cảnh giao tiếp đóng vai trò quyết định.
Tiếp đó, trong mối quan hệ giữa Dương và Kỳ thì Dương rõ ràng ở vị thế xã hội cao hơn nhưng lại chủ động hạ thấp vị thế của mình nhằm rút ngắn khoảng cách giao tiếp với Kỳ bằng việc sử dụng phát ngôn cầu khiến: “Uống nước gì nhé?”. Về hình thức đây là một phát ngôn nghi vấn vô nhân xưng song lại có hàm ý mời mọc, cầu khiến. Mục đích của phát ngôn là muốn Kỳ gọi đồ uống, bởi vậy nếu sử dụng kết cấu khuyến lệnh đương nhiên sẽ không thoả đáng; thích hợp nhất chỉ là kết cấu cầu khiến, bày tỏ nguyện vọng của người nói. Và theo dõi diễn biến hội thoại chúng ta thấy rằng kiểu phát ngôn này đã phát huy tác dụng, ngay sau đó Kỳ đã gọi đồ uống.
Như vậy, trong hội thoại này, người ở vị thế cao khi muốn khẳng định vị thế của mình trước đối phương đã lựa chọn kiểu phát ngôn mệnh lệnh; còn khi muốn trung hoà, rút ngắn khoảng cách giao tiếp lại chủ động lựa chọn kiểu phát ngôn cầu khiến vô nhân xưng. Đồng thời chúng ta cũng nhận thấy nhân tố giới tính ở đây đóng vai trò ảnh hưởng mạnh đến việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của các bên tham gia bên cạnh các nhân tố khác như bối cảnh giao tiếp, tuổi tác, địa vị xã hội…
Xét tiếp hội thoại 2:
- Thằng Tèo sang cô Hoa mua chịu cho ba ký gạo.
Thằng Tèo cầm chiếc rổ nhựa trước cửa bếp không chịu đi(…). Hồng vội vớ chiếc túi nhỏ trong giỏ hành lý, nói với thằng Tèo:
- Con dắt cô đi nhá!
Tư Phong trừng mắt:
- Cô để nó đi. Sang bảo tao mua chịu năm ký nữa. Tao có quỵt đi đâu mà sợ. (…)
- Thôi, để em đi với cháu…!
Tư Phong nhìn Hồng như dò xét rồi cuối cùng hắn để cô đi.”
(Phan Cao Toại - Thiếu phụ đồng trinh - 80) Đây là đoạn hội thoại diễn ra giữa ba nhân vật (tam thoại) là Tư Phong, con trai lớn của Tư Phong và Hồng. Xét về vị thế xã hội thì Tư Phong là người có vị thế cao hơn cả, sau đó đến nhân vật Hồng và cuối cùng là thằng Tèo - con trai Tư Phong. Sở dĩ như vậy là do Tư Phong có ưu thế về giới tính (nam), tuổi tác (nhiều tuổi nhất), khung cảnh diễn ra cuộc thoại là nhà Tư Phong, Tư Phong là người đang giúp đỡ Hồng (nên ở vị thế cao hơn Hồng); là bố trong quan hệ huyết thống với con trai là thằng Tèo (nên vị thế xã hội đương nhiên cao hơn Tèo). Mối quan hệ quyền thế khá phức tạp giữa ba nhân vật được thể hiện cụ thể qua các kiểu phát ngôn của hội thoại.
Trước hết là nhân vật Tư Phong, tuỳ đối tượng hướng đến mà các lời thoại có tính khuyến lệnh mạnh, yếu khác nhau. ở phát ngôn thứ nhất, đối tượng tiếp nhận là con trai nên Tư Phong rõ ràng muốn khẳng định vị thế tuyệt đối của mình nên đã sử dụng phát ngôn có tính khuyến lệnh cao: “Thằng Tèo sang cô Hoa mua chịu cho ba ký gạo.”. Loại phát ngôn này khá phổ biến trong phạm vi giao tiếp gia đình giữa bố mẹ và con cái; theo đó người nói không nhất thiết phải sử dụng
các tiểu từ thể hiện mệnh lệnh như: hãy, đừng, chớ, phải… nhưng người nghe vẫn hiểu và thực hiện yêu cầu. Phát ngôn thứ hai của Tư Phong lại là một phát ngôn khuyến lệnh nhằm vào Hồng: “Cô để nó đi”, ở đây Tư Phong nói cũng đã lược bớt tiểu từ có tính khuyến lệnh là “hãy”. Nếu ở dạng đầy đủ, phát ngôn có thể là: “Cô hãy để nó đi”. Tuy nhiên so với phát ngôn đầu thì đến đây tính mệnh lệnh, bắt buộc thực hiện đã có phần giảm đi, phát ngôn này do đó vừa có tính mệnh lệnh, vừa có tính cầu khiến. Điều này cũng khá hợp lý xét về ngữ cảnh giao tiếp vì dù sao Hồng cũng là khách, nên Tư Phong vẫn phải giữ thái độ lịch sự, không thể áp đặt mệnh lệnh như với thằng Tèo được. Còn đến phát ngôn thứ ba, đối tượng hướng đến lại là thằng Tèo nên cấu trúc phát ngôn cũng thay đổi hẳn: “Sang bảo tao mua chịu năm ký nữa”. Trong phát ngôn này, nhân vật đã lược bỏ cả đối tượng tiếp nhận lẫn từ có tính khuyến lệnh, do đó áp lực buộc thực hiện của phát ngôn cũng mạnh hơn rất nhiều, điều này ta có thể thấy nếu so sánh với phát ngôn thứ nhất, khi có mặt cả đối tượng tiếp nhận trong phát ngôn. Rõ ràng ở đây nhân vật Tư Phong đã nhận thức và xác định rất rõ mối quan hệ quyền thế giữa ba người, do đó với mỗi đối tượng lại sử dụng các kiểu loại phát ngôn khác nhau.
Bên cạnh nhân vật Tư Phong, chúng ta còn thấy xuất hiện kiểu loại phát ngôn cầu khiến trong các lời thoại của nhân vật Hồng. ở phát ngôn thứ nhất, mặc dù trong quan hệ với thằng Tèo, Hồng ở vị thế cao hơn song cô lại muốn hạ thấp vị thế của mình thông qua một phát ngôn cầu khiến, hơn nữa phát ngôn này còn có tính cầu khiến mạnh bởi cách xưng hô thân mật “cô - con” và tiểu từ “nhá” ở cuối: “Con dắt cô đi nhá!”. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong bối cảnh giao tiếp này, Hồng là khách so với bố con Tèo, hơn nữa cô đang muốn nhờ Tèo dẫn đi mua gạo, giúp Tư Phong thoát khỏi tình huống khó xử. Và hiệu quả giao tiếp của
phát ngôn đã được minh chứng qua thái độ của thằng Tèo: nhất quyết không đi nếu không có tiền, tức là ngầm đồng ý để cô Hồng đi cùng mình.
Tiếp đó, đối tượng hướng đến trong phát ngôn thứ hai của Hồng lại là Tư Phong. Lúc này mục đích giao tiếp của Hồng thay đổi, dù ở vị thế thấp song cô lại muốn nâng cao vị thế của mình trước Tư Phong, thể hiện ở việc sử dụng một phát ngôn cầu khiến vô nhân xưng (có tính khuyến lệnh mạnh): “Thôi, để em đi với cháu”. Trong phát ngôn này mặc dù không có sự xuất hiện của các tiểu từ như hãy, nhé… nhưng nó vẫn biểu thị đề nghị của Hồng với Tư Phong, do cách xưng hô “em” và cách nói mềm mỏng nhưng cũng khá dứt khoát: “Thôi”. ở đây, ngoài việc lược bỏ từ có tính cầu khiến, nhân vật Hồng còn chủ động lược bỏ cả đối tượng tiếp nhận đề nghị, mà thay vào đó là lối nói vô nhân xưng. Nếu ở dạng đầy đủ, phát ngôn trên có thể được diễn đạt như sau: “Thôi, anh hãy để em đi với cháu!” hoặc “Thôi, anh để em đi với cháu nhé!”, nhưng lúc này rõ ràng tính cầu khiến của phát ngôn đã giảm đi nhiều. Hiệu quả giao tiếp của kiểu loại phát ngôn mà nhân vật Hồng sử dụng đã được minh chứng qua thái độ của Tư Phong cuối đoạn thoại, đó là đồng ý để cô và thằng Tèo cùng đi mua gạo.
Như vậy, chỉ qua việc khảo sát hai đoạn hội thoại trên với các mối quan hệ quyền thế phức tạp giữa các nhân vật đã chứng tỏ việc sử dụng các kiểu phát ngôn góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược giao tiếp. Tuỳ vào vị thế của mình và đối tượng tiếp nhận phát ngôn mà người nói sẽ lựa chọn kiểu phát ngôn khuyến lệnh hay cầu khiến, câu đầy đủ hay kết cấu vô nhân xưng… Kết quả tư liệu chúng tôi khảo sát được có thể khẳng định luận điểm này:
Vị thế Chiến lược giao
tiếp Chiến lược sử dụng ngôn ngữ điển hình
Tỷ lệ (%)
Hạ thấp vị thế Phát ngôn có kết cấu khuyến lệnh nhưng tính cầu khiến mạnh
45,83
Thấp Tự nâng cao vị thế Phát ngôn có kết cấu cầu khiến vô NX 35,83 Giữ nguyên vị thế Phát ngôn có kết cấu cầu khiến dạng đầy đủ 58,33
Nhìn vào bảng trên có thể thấy, việc sử dụng các kiểu phát ngôn cũng góp phần vào việc biểu thị mối quan hệ vị thế trong hội thoại. ở bảng này chúng tôi chỉ nêu lên số liệu về chiến lược ngôn ngữ điển hình nhất mà người nói sử dụng nhằm vào mục đích giao tiếp của mình. Trong số các phương tiện thuộc mục này, có thể thấy kiểu phát ngôn có kết cấu khuyến lệnh vô nhân xưng được sử dụng nhiều hơn cả khi người nói ở vị thế cao muốn khẳng định vị thế của mình.
Ngoài ra, ngôn ngữ hội thoại còn chịu tác động lớn của các nhân tố khách quan như đặc điểm các vai giao tiếp (tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội…), bối cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp, số nhân vật tham gia cuộc thoại… Trong số đó, nhân tố tuổi tác chiếm ưu thế hơn cả, tiếp đến là nhân tố giới tính, bối cảnh giao tiếp… Điều này khá phù hợp với đặc điểm văn hoá ứng xử truyền thống của xã hội Việt Nam “kính lão đắc thọ”, tôn trọng phụ nữ, “nhập gia tuỳ tục”…