Biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua các cặp xưng hô tương hỗ và phi tương hỗ

Một phần của tài liệu Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 46 - 52)

- Đường hướng phân tích diễn ngôn theo lý thuyết hoạt động.

2.1.2. Biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua các cặp xưng hô tương hỗ và phi tương hỗ

tương hỗ và phi tương hỗ

2.1.2.1. Thế nào là xưng hô tương hỗ và phi tương hỗ?

Khi giao tiếp, việc duy trì sự hài hoà, cân bằng giữa hai phương diện xưng - hô là rất cần thiết, trong đó có hai mối quan hệ thường gặp của một cặp xưng hô là:

- Xưng hô tương hỗ/ tương ứng chính xác.

- Xưng hô phi tương hỗ/ tương ứng không chính xác.

Có thể hiểu một cách đơn giản, xưng hô tương hỗ là lựa chọn các từ xưng hô có tính quy chuẩn đã được cộng đồng thừa nhận và bảo đảm về mặt “đạo đức xã hội”. Nó có tác dụng xác định và khẳng định vị thế của các vai giao tiếp. Ví dụ các cặp xưng hô tương hỗ như: “bố - con”, “ông - cháu”… Ngược lại với đó là xưng hô phi tương hỗ, có tác dụng quan trọng nhất là nhằm thực hiện một chiến lược giao tiếp nào đó của một bên hay thậm chí là cả hai bên tham gia cuộc thoại. Lúc này người sử dụng cố tình vi phạm hàng rào quy chuẩn về cặp tương ứng “xưng - hô” cốt để tăng thêm hay xóa nhòa ranh giới giữa các vai giao tiếp. Ví như, một người tự xưng là “cháu” và gọi đối phương là “ông” thì đó là cặp xưng hô tương hỗ. Ngược lại, cũng đối tượng ấy nhưng lúc này cặp xưng hô chuyển thành “con - ông” thì đó là biểu hiện của lối xưng hô phi tương hỗ.

Việc lựa chọn cặp xưng hô nào, tương hỗ hay phi tương hỗ trong cuộc thoại thường nhằm thực hiện một chiến lược giao tiếp nào đó của các nhân vật giao tiếp. Đây cũng chính là một điểm đặc biệt của lớp từ thân tộc trong tiếng Việt khi đóng vai trò là từ xưng hô. Theo tác giả Phạm Ngọc Hàm, hiện tượng xưng hô phi tương hỗ “con - ông” như trên còn được gọi là hiện tượng xưng hô nâng bậc. Ví dụ, con khi xưng với bố mẹ về nguyên tắc phải xưng là “con” và

phần hô sẽ là “bố” hoặc “mẹ”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người con lại sử dụng cặp xưng hô “con - ông” hay “con - bà”. Thông thường đó là khi người con đã có gia đình, có con và lúc này cách xưng hô đó là xưng thay cho con mình. Trong trường hợp này người con đã chủ động nâng bậc hô lên một bậc để vừa xưng cho mình, vừa xưng cho con mình mà vẫn giữ đúng tôn ty, trật từ trong gia đình đồng thời tăng tính thân mật, gần gũi giữa cả ba thế hệ: ông bà - con - cháu.

2.1.2.2. Quan hệ quyền thế biểu hiện qua các cặp xưng hô tương hỗ và phi tương hỗ

Trong mỗi cặp xưng hô tương hỗ hay phi tương hỗ có thể là từ xưng hô chính danh hay không chính danh, vì xét tính tương hỗ ở đây là sự tương ứng giữa hai phần xưng và hô của cùng một cặp. Bởi vậy, có thể nói các cặp xưng hô tương hỗ/phi tương hỗ bao gồm cả nhóm từ chính danh/không chính danh trong đó. Như đặc điểm của từng loại cặp từ xưng hô đã nói ở trên, chúng ta sẽ khảo sát các ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ vai trò của mỗi loại trong việc biểu thị quan hệ quyền thế hội thoại. Người ở vị thế cao hay vị thế thấp sẽ có các chiến lược giao tiếp khác nhau, kéo theo đó là việc lựa chọn cặp xưng hô khác nhau nhằm bộc lộ quan hệ vị thế của mình với đối phương.

Trường hợp thứ nhất, người ở vị thế cao khi muốn khẳng định vị thế cao của mình và xác lập khoảng cách giao tiếp thường chủ động sử dụng các cặp xưng hô tương hỗ. Khi đó, nếu người đối thoại muốn phá bỏ hàng rào quy chuẩn để rút ngắn khoảng cách giao tiếp đồng thời tự tin muốn nâng cao vị thế của mình thì sẽ lựa chọn lối xưng hô phi tương hỗ. Như vậy, một bên muốn xác định khoảng cách còn một bên muốn rút ngắn khoảng cách, lúc này đoạn thoại khó đạt hiệu quả giao tiếp. Còn khi cả hai bên cùng thỏa hiệp được, bên này hạ thấp

vị thế còn bên kia nâng cao vị thế hoặc ngược lại, lúc này đoạn thoại sẽ nhanh chóng đạt tới đích giao tiếp. Xét ví dụ sau để thấy rõ hơn luận điểm này.

Hội thoại 3:

“... Rồi á Nụ đưa cho Đăng:

- Ta cho thầy giáo đấy. Hút đi cho ấm, cho đỡ nhớ nhà. - Tôi không hút đâu.

- Cứ hút đi mà.

- Tôi không hút. Tôi đã hứa với ông cán bộ huyện rồi. Tôi đã ký với ông cán bộ huyện rồi. Ký vào một tờ giấy cam đoan hẳn hoi.

- Sợ lắm hả. Tại mày chưa hút thử đó thôi. Cả bản đều hút. Thuốc phiện là bạn của người H’mông chúng ta mà.”

(Nguyễn Đình Chính - Mùa hè vội vã - 188) Trong đoạn thoại này, nhân vật Đăng có vị thế xã hội cao hơn á Nụ - một cô gái dân tộc vì các yếu tố về giới tính (nam giới), nghề nghiệp (là thầy giáo miền xuôi lên dạy học, còn á Nụ là học sinh), tuổi tác (nhiều tuổi hơn)… Theo dõi quá trình hội thoại, ta thấy nhân vật Đăng luôn chủ động sử dụng cặp xưng hô tương hỗ chính danh “tôi - cô”. Điều này chứng tỏ nhân vật một mặt muốn khẳng định vị thế của mình, mặt khác để xác lập khoảng cách giao tiếp nhất định với người mới quen, đồng thời cũng là học trò của mình. Trong khi đó, nhân vật á Nụ dù ở vị thế thấp hơn nhưng lại sử dụng các kiểu xưng hô chính danh nhưng phi tương hỗ: “ta - thầy giáo”, vô nhân xưng, thậm chí là “mày - chúng ta”. Cũng phải xét đến ở đây nhân tố văn hóa giao tiếp địa phương đã ảnh hưởng lớn đến lối xưng hô của nhân vật. Tuy nhiên, không chỉ vậy mà bản thân nhân vật cô gái cũng muốn đề cao vị thế của mình, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao tiếp với

thầy giáo miền xuôi, do đó cô mới lựa chọn nhiều kiểu xưng hô phi tương hỗ như vậy. Có thể thấy, một bên là nhân vật Đăng muốn khẳng định và giữ nguyên vị thế của mình, một bên là nhân vật cô gái cũng muốn nâng cao vị thế của mình, rút ngắn khoảng cách giao tiếp, do đó đoạn thoại không đạt hiệu quả giao tiếp cao. ở đây nhân tố giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, không gian giao tiếp... mặc dù có tác động đến việc lựa chọn cách xưng hô của các nhân vật song mạnh hơn và có hiệu quả hơn cả lại là nhân tố văn hoá giao tiếp của dân tộc địa phương.

Chúng ta tiếp tục xét đến trường hợp thứ hai, khi người ở vị thế cao nhưng lại sử dụng lối xưng hô phi tương hỗ nhằm hạ thấp vị thế của mình, đề cao đối phương. Lúc này sẽ nảy sinh hai khả năng: Nếu đối phương chấp nhận chiến lược này và cũng muốn tự đề cao mình, khi đó cũng sẽ sử dụng cặp xưng hô phi tương hỗ. Ngược lại, nếu người ở vị thế thấp lại tự ti, muốn giữ nguyên vị thế của mình thì sẽ lựa chọn cặp xưng hô tương hỗ nhằm xác lập khoảng cách giao tiếp. Xét cuộc hội thoại sau để làm sáng tỏ luận điểm này.

Hội thoại 4:

“- Kính lão đắc thọ, con mời cụ đi trước!

- Chú có muốn ta chấp chú một xe, một pháo không? Chàng trai:

- Con đang định hỏi cụ chuyện đó. Con cũng muốn chấp cụ một xe, một pháo nhưng sợ cụ giận.

- Thôi, ta cứ bình đẳng. Song, chú còn trẻ, ta nhường chú đi trước! - Con cảm ơn cụ!”.

Cuộc thoại này diễn ra giữa một bên là chàng trai trẻ và một bên là cụ Phúc có tiếng giỏi cờ. Xét về các nhân tố thuộc vai giao tiếp, rõ ràng cụ Phúc ở vị thế xã hội cao hơn so với chàng trai do: về tuổi tác, về hoàn cảnh giao tiếp: không gian giao tiếp là nhà của cụ, và chàng trai đến đây chơi cờ với mục đích tiếp cận cô con gái xinh đẹp của cụ; ngoài ra kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm trong làng cờ tướng của cụ già đều hơn chàng trai. Mặc dù vậy, ngay từ đầu cuộc thoại cụ Phúc đã chủ động muốn hạ thấp vị thế của mình nhằm rút ngắn khoảng cách với chàng trai, để chàng trai mạnh dạn chơi cờ. Điều này thể hiện ở việc cụ Phúc sử dụng cặp xưng hô “ta - chú”, đây vừa là cặp từ xưng hô không chính danh, vừa phi tương hỗ. Nếu ta thay cặp xưng hô này bằng các cặp xưng hô khác như “tôi - anh”; “tôi - chú”; “ta - cháu”… thì hiệu quả giao tiếp sẽ giảm đi đáng kể.

Trong khi đó, chàng trai trẻ tuy ở vị thế thấp song lại khá tự tin, muốn nâng vị thế của mình bằng cách sử dụng cặp xưng hô không chính danh và cũng phi tương hỗ: “con - cụ”. Về mặt lý thuyết, nếu xét về thế hệ cụ - cháu thì chàng trai phải xưng hô là “cháu - cụ”. Song dù biết vậy, nhân vật vẫn xưng “con - cụ” nhằm rút ngắn khoảng cách thế hệ giữa hai người, đồng thời tăng tính thân mật, gia đình giữa hai người vốn không có quan hệ thân thuộc. Hiện tượng này, như phần trên đã nói, còn gọi là hiện tượng xưng hô nâng bậc, mà cụ thể ở đây là nâng hai bậc (bậc 1: con - ông/bà; bậc 2: con - cụ). Và lối xưng hô này rõ ràng đã phát huy tác dụng, thể hiện ở việc cụ Phúc cũng sử dụng lối xưng hô khá thân mật “ta - chú”, tạo tính bình đẳng tương đối giữa hai người. Như vậy, trong đoạn hội thoại này, cụ Phúc ở vị thế cao thì muốn hạ thấp vị thế của mình, còn chàng trai trẻ ở vị thế thấp lại muốn nâng vị thế của mình, tạo nên sự tương ứng, phù hợp, cả hai đều thoả mãn và đạt được mục đích giao tiếp của mình, do vậy

hội thoại đạt hiệu quả cao (khác với hội thoại 3, cả hai bên đều muốn khẳng định vị thế của mình, tạo nên mâu thuẫn).

Theo kết quả tư liệu khảo sát được, chúng tôi nhận thấy:

Vị thế Chiến lược giao

tiếp Chiến lược sử dụng ngôn ngữ điển hình

Tỷ lệ (%)

Cao Giữ nguyên vị thế Cặp từ xưng hô có quan hệ tương hỗ 12,50% Hạ thấp vị thế Cặp từ xưng hô có quan hệ phi tương hỗ 29,16% Thấp Tự nâng cao vị thế Cặp từ xưng hô có quan hệ phi tương hỗ 37,50% Giữ nguyên vị thế Cặp từ xưng hô có quan hệ tương hỗ 20,83 %

Kết quả tư liệu đã chứng tỏ việc lựa chọn cặp từ xưng hô có quan hệ tương hỗ hay phi tương hỗ là một chiến lược quan trọng nhằm biểu thị quan hệ quyền thế của các nhân vật giao tiếp. Cụ thể là, các cặp xưng hô phi tương hỗ (trong đó cặp phi tương hỗ không chính danh nhiều hơn phi tương hỗ chính danh) có tần số xuất hiện nhiều hơn các cặp xưng hô tương hỗ. Kể cả trường hợp người nói ở vị thế cao hay thấp, muốn tăng hay giảm khoảng cách giao tiếp, đều có xu hướng sử dụng cặp từ xưng hô này. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhóm cặp từ xưng hô này thường có sắc thái biểu cảm cao hơn, do đó dễ dàng thực hiện các chiến lược giao tiếp hơn. Mặt khác, xu hướng sử dụng các cặp từ xưng hô không chính danh phi tương hỗ ngày càng trở nên phổ biến, lấn át các kiểu xưng hô có tính quy chuẩn, mô phạm truyền thống.

Cũng cần nói thêm là, xét về vai trò biểu thị mối quan hệ quyền thế trong hội thoại thì kiểu xưng hô chính danh/không chính danh chỉ là một trong những phương tiện góp phần biểu thị quyền thế, trong khi đó việc sử dụng cac cặp xưng

hô tương hỗ/phi tương hỗ là một chiến lược quan trọng, có vai trò chi phối mạnh đến vị thế các nhân vật tham gia.

Đến đây chúng ta đã khảo sát vai trò của các kiểu xưng hô giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong hội thoại khi biểu thị vị thế giữa các vai giao tiếp. Tuy nhiên còn một trường hợp nữa cũng cần xét đến khi nghiên cứu về xưng hô, đó chính là khảo sát các chiến lược xưng hô của người nói và người nghe với ngôi thứ ba được nhắc đến trong cuộc thoại. Nói cách khác, chúng ta sẽ làm sáng tỏ vai trò của ngôi thứ ba trong việc biểu thị quan hệ quyền thế tồn tại trong mỗi hội thoại.

Một phần của tài liệu Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)