- Đường hướng phân tích diễn ngôn theo lý thuyết hoạt động.
1.4. Vấn đề “quyền thế” trong diễn ngôn phê phán
Trong phân tích diễn ngôn phê phán, một trong những khái niệm tối quan trọng không thể bỏ qua là “quyền thế” (power). Cũng có thể nói, “quyền thế” là vấn đề cốt lõi trong đường hướng phân tích này. Trong thực tế nghiên cứu, hai khái niệm “quyền thế” hay “quyền lực” có thể dùng thay thế cho nhau, hoặc có khi trong vấn đề này sử dụng khái niệm “quyền lực” là chính xác hơn cả hoặc ngược lại. Theo hai tác giả Brown và Levinson, khái niệm “quyền lực” được xác định “là mức độ mà người nói có thể áp đặt kế hoạch và sự tự đánh giá của mình (thể diện) mà không tính đến kế hoạch hay sự tự đánh giá của người khác”.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, chúng ta có thể tham khảo quan điểm của tác giả Đỗ Hữu Châu về quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật giao tiếp. Theo đó, quan hệ này có thể xét trên hai trục: trục tung là trục vị thế xã hội, còn gọi là trục quyền uy (power) và trục hoành là trục thân cận (solidarity). Tác giả cho rằng, mỗi người do các yếu tố về nghề nghiệp, tuổi tác... mà khác nhau về địa vị xã hội. Khi các yếu tố trên xuất hiện đồng thời thì cần xém xét mức độ ưu tiên . Ví như ở VIệt Nam thì yếu tố tuổi tác sẽ lấn át các giá trị khác. Theo trục quyền uy, những người giao tiếp ở mức độ cao - thấp hoặc bình đẳng với nhau và quan hệ vị thế là phi đối xứng, có nghĩa là một khi đã được xác định đúng thì sẽ giữ nguyên trong quá trình giao tiếp, không thể thay đổi thông qua thương lượng giữa các bên. Trong khi đó, trên trục thân cận thì các nhân vật có thể với nhiều lý do chủ quan, khách quan mà có thể tăng cường hay giảm bớt khoảng cách giao tiếp bằng thương lượng. Tức là, trong quá trình diễn ra hội thoại, các vai giao tiếp có thể thương lượng để thay đổi vị thế giao tiếp những không thể thay đổi vị thế xã hội của mình.
Tại Việt Nam, Nguyễn Hoà là một trong những tác giả đầu tiên giới thiệu khái niệm “quyền thế” vào nghiên cứu diễn ngôn. ở nhiều công trình nghiên cứu mới đây của mình, tác giả Nguyễn Hoà sử dụng thống nhất khái niệm “quyền lực”. Theo đó tác giả cho rằng, quyền lực có thể hiểu là năng lực kiểm soát hành vi của người khác hay bắt họ phải phục tùng (cấp trên ra lệnh cho cấp dưới). Bất kỳ cá nhân nào sống trong xã hội đều tham gia vào các mối quan hệ quyền lực khác nhau với hai loại quan hệ cơ bản: chi phối và bị chi phối. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả cũng lưu ý thêm rằng, cần phân biệt quyền lực và quyền uy, vì quyền uy được hiểu là việc lấy ý chí của một cá nhân này buộc người khác phải phục tùng, tiếp thu. Do đó, một người có quyền lực nhưng chưa hẳn đã tạo được quyền uy với một đối
tượng khác. Như vậy có thể thấy, ý nghĩa của “phân tích diễn ngôn phê phán - CDA” thể hiện ở chức năng của ngôn ngữ trong việc điều khiển tư duy của người khác và các chiến lược được dùng để hợp thức hoá trật tự xã hội hay việc kiểm soát. Mặt khác, quan hệ quyền lực trong xã hội được thể hiện không chỉ trong giao tiếp nội ngôn, mà nó còn được thể hiện cả trong những giao tiếp liên ngôn giữa các cá nhân xuất thân từ những nền văn hoá khác nhau.
Trở lại với đối tượng phân tích ở đây là các diễn ngôn hội thoại, trước hết chúng ta cũng cần xét một dạng quan hệ phổ biến, chi phối mạnh đến cấu trúc diễn ngôn cũng như những người tham gia hội thoại, đó chính là quan hệ vị thế, một quan hệ được đặc trưng bởi yếu tố quyền lực. Đây là loại quan hệ tôn ty xã hội, tạo thành các vị thế trên dưới, cao thấp theo tầng bậc trên một trục dọc. Tuy nhiên, trong thực tế xã hội, quan hệ vị thế cũng có tính chất tương đối vì nó được xác lập tuỳ theo những phạm vi xã hội nhất định. Người A trong quan hệ với người thứ hai B là ở vị thế cao, xét trong phạm vi xã hội nhất định, nhưng ra ngoài phạm vi xã hội đó, trong quan hệ với người thứ ba C lại ở vị thế thấp, trong khi đó lúc này người thứ hai B lại ở vị thế cao hơn cả hai người A và C.
Ví dụ: Người A là em - giám đốc, ở công ty có vị thế cao hơn so với người B là anh - trưởng phòng, và người C là cha - nhân viên bảo vệ; tức là thứ bậc xã hội sẽ là: A> B > C. Tuy nhiên, khi ở phạm vi là quan hệ gia đình thì thứ bậc trên lại bị đảo ngược lại là: C > B > A. Ngoài ra, vị thế cao thấp còn có tính tương đối bởi lẽ, nhiều trường hợp nếu xét về tuổi tác thì người A ở vị thế cao hơn người B, trong khi nếu xét về chức vụ xã hội thì người A lại ở vị thế thấp hơn người B.
Nếu như quan hệ thân sơ được đặt trên trục ngang trong toạ độ quan hệ xã hội thì quan hệ vị thế nằm trên trục dọc của toạ độ quan hệ đó. Bởi vậy, quan hệ vị thế, trên thang độ, là quan hệ bất đối xứng, bất bình đẳng: người A nếu đã ở vị thế cao thì đương nhiên người B ở vị thế thấp, và ngược lại. Điều này thường được thể hiện rất rõ trong việc xưng hô trong thực tế hội thoại: bác - cháu, bố - con; sếp - nhân viên… Một điểm nữa cần lưu ý là quan hệ vị thế phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như chức vụ xã hội, tuổi tác, giới tính, quê quán, nghề nghiệp… Tuy nhiên, mức độ coi trọng và sự tác động của các yếu tố này đến việc xác định vị thế của người tham gia giao tiếp còn tuỳ thuộc vào nền văn hoá, phong tục, tập quán mà những người đó thuộc về. Ví như ở xã hội phương Tây thì chức vụ, cương vị xã hội là yếu tố
được coi trọng, thì ở xã hội phương Đông như Việt Nam, yếu tố tuổi tác, quan hệ thân tộc lại có phần nổi trội hơn. Ngoài ra, quan hệ vị thế còn có thể được xác lập trên cơ sở những yếu tố chủ quan nội tại xuất hiện ngay trong quá trình diễn ra hội thoại. Chúng là những đặc trưng cá nhân của người tham gia giao tiếp như khả năng nói lưu loát, làm chủ cuộc thoại, ăn nói khéo léo, cuốn hút, âm lượng to/ nhỏ...
Về mặt lý thuyết, khi bắt đầu cuộc hội thoại, những người giao tiếp mặc dù có vị thế xã hội xác định từ trước và luôn bất biến song lại hoàn toàn bình đẳng với nhau về vị thế giao tiếp. Chỉ sau khi xuất hiện các yếu tố khách quan và chủ quan như đã nói ở trên, vị thế giao tiếp mới dần được thiết lập và duy trì. Mặt khác cũng cần chú ý rằng, không phải một vị thế giao tiếp cao hay thấp sẽ được duy trì trong suốt cuộc thoại, mà rất nhiều trường hợp, khi xuất hiện một yếu tố mới sẽ có khả năng phá bỏ vị thế cũ để thiết lập một vị thế giao tiếp mới, hoặc mạnh hơn cũ, hoặc đảo ngược lại vị thế ban đầu.
Trong quá trình giao tiếp hội thoại, quan hệ vị thế có thể được biểu hiện bằng rất nhiều phương tiện, bao gồm cả phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ. Mỗi nhân vật giao tiếp sẽ vận dụng chiến lược tăng cường hay rút ngắn khoảng cách giao tiếp với đối phương, nói cách khác là muốn khẳng định hay xoá nhoà vị thế xã hội của mình để đạt đích giao tiếp. Khảo sát các cuộc thoại chúng ta sẽ thấy được ai là người chủ động/bị động trong giao tiếp, ai ở vị thế cao hay thấp và họ sử dụng những phương tiện ngôn ngữ cụ thể gì để biểu thị quyền uy của mình với người đối thoại. Các phương tiện ngôn ngữ để thể hiện quan hệ quyền thế trong hội thoại chủ yếu bộc lộ trên phương diện từ vựng, ngữ pháp và cách thức tổ chức thông tin mệnh đề. Còn các phương tiện phi ngôn ngữ để biểu hiện quan hệ này thì rất đa dạng, có thể là ngữ điệu, âm lượng, cử chỉ, hành động, điệu bộ, trọng âm… Với nhiệm vụ là phân tích các diễn ngôn hội thoại trên cơ sở tư liệu thu thập được, ở đây chúng tôi chủ trương tập trung vào việc khảo sát những biểu hiện sinh động của quan hệ quyền thế qua các yếu tố ngôn ngữ thể hiện trong cấu trúc hội thoại.
* Tiểu kết
Có thể nói, vấn đề quyền thế là một trong những vấn đề quan trọng khi tiến hành nghiên cứu, phân tích diễn ngôn, đặc biệt là diễn ngôn hội thoại. Trong thực tế giao tiếp, mỗi người tự thân đều đã mang trong mình một thái độ, quan điểm có tính chất chủ quan cá nhân,
với những đặc điểm vai giao tiếp có tính đặc trưng riêng biệt. Chính điều này là cơ sở tạo nên tính bất bình đẳng trong giao tiếp xã hội. Nói cách khác, tất cả những gì mà những người tham gia giao tiếp thực hiện (bao gồm cả những hành động ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) trong quá trình hội thoại đều có thể coi là những biểu hiện của quan hệ quyền thế xã hội. Để tạo lập và duy trì mối quan hệ quyền thế này, các vai giao tiếp có thể tuỳ ý vận dụng rất nhiều phương tiện biểu hiện (bao gồm cả những phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ). Tuy nhiên, do mục đích và phạm vi nghiên cứu đã đặt ra ngay từ đầu, ở đây chúng tôi chỉ quan tâm và tập trung làm sáng tỏ những biểu hiện của quan hệ quyền thế trong hội thoại thông qua các phương tiện ngôn ngữ.
Đề cập đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu diễn ngôn cũng có nhiều đường hướng phân tích, tiếp cận khác nhau. Có tác giả chỉ quan tâm đến phương diện từ vựng, hay phạm vi hẹp hơn là biểu hiện của quan hệ quyền thế thông qua hệ thống từ xưng hô; có tác giả lại xuất phát từ bình diện cấu trúc thông tin, hay các phương thức đề hoá, thuyết hoá... trong diễn ngôn. Mỗi cách tiếp cận trên mặc dù có những ưu điểm và hạn chế nhất định trong thực tế nghiên cứu song đều đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở một số công trình nghiên cứu về vấn đề này, đồng thời căn cứ vào phương pháp, mục đích nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chủ trương làm sáng tỏ mối quan hệ quyền thế trong diễn ngôn hội thoại trên ba phương diện cơ bản: phương diện từ vựng, phương diện ngữ pháp và phương diện cách thức tổ chức hội thoại (phương diện ngữ dụng).
Riêng về đặc điểm khối tư liệu, chúng tôi chủ trương thu thập các cuộc thoại trong một số tác phẩm truyện ngắn hiện đại, điều này sẽ giúp cho kết quả nghiên cứu có tính khái quát cao hơn về đặc điểm diễn ngôn hội thoại của cùng một giai đoạn (hiện đại). Ngoài ra, đây là các đoạn hội thoại được lấy ra từ tác phẩm của các tác giả khác nhau, khác nhau về giới tính, về tuổi tác,về văn phong... Điều này sẽ khiến tư liệu có được tính khách quan và phong phú, mỗi cuộc thoại là một hoàn cảnh điển hình biểu thị quan hệ quyền thế tồn tại giữa các nhân vật. Bên cạnh đó, chúng tôi không thu thập đại trà tất cả các cuộc thoại có trong một tác phẩm mà chỉ lựa chọn những cuộc thoại điển hình nhất, với đặc điểm vai giao tiếp thuộc nhiều tầng lớp, giới tính, nghề nghiệp... khác nhau. Chính mối quan hệ xã hội phức tạp giữa các nhân vật cũng
như đặc điểm tính cách nội tại của mỗi người sẽ khiến cho quan hệ quyền thế tồn tại trong cuộc thoại thể hiện sinh động và tinh tế hơn.
ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn khá ít những công trình nghiên cứu quan tâm đến đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán còn non trẻ này, đặc biệt là những công trình có tính chất tiền đề lý luận. Trong chương thứ nhất, trên cơ sở những tài liệu có được cũng như sự thu nhận kiến thức của bản thân, chúng tôi đã trình bày những cơ sở lý thuyết có tính chất cơ bản nhất về một số vấn đề liên quan đến đối tượng và mục đích nghiên cứu của luận văn. Tuy nhiên, sự trình bày trên chỉ có thể xem như một sự tổng kết những kết quả mà các nhà nghiên cứu đi trước đã đạt được, trên cơ sở đó có một vài luận bàn có tính cá nhân về các quan điểm này.
Chương 2
Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong
diễn ngôn hội thoại trên một số phương diện từ vựng
Với đường hướng nghiên cứu đã được xác định từ chương thứ nhất, trong chương thứ hai này, chúng tôi tiến hành khảo sát và phân tích mối quan hệ quyền thế giữa các nhân vật giao tiếp được thể hiện trên phương diện từ vựng thông qua tư liệu là các đoạn hội thoại thu thập và khảo sát được. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm hiểu biểu hiện của quan hệ quyền thế trong hội thoại. Do vậy, ở đây chúng tôi tập trung vào hai tiểu hệ thống trong hệ thống từ vựng để