Một số quan điểm có tính nguyên tắc khi xây dựng giải pháp

Một phần của tài liệu Tạo động lực người lao động tại ngân hàng TMCP quốc dân chi nhánh đà nẵng (Trang 71 - 72)

a. Các giải pháp nhằm tạo động lực người lao động phải phục vụ cho mục tiêu, chiến lược phát triển của chi nhánh trong thời gian tới

Mục tiêu, chiến lược của chi nhánh nhằm mục đích định hướng cho chi nhánh kinh doanh có hiệu quả, phát triển ổn định và đem lại lợi ích cao nhất cho chủ cổ đông, người lao động. Chiến lược phát triển của chi nhánh là căn cứ để xây dựng các giải pháp nhằm tạo động lực người lao động. Ngược lại, các giải pháp này là những minh chứng thuyết phục nhất cho các căn cứ - mục tiêu, chiến lược của chi nhánh là đúng đắn. Đó là cơ sở để biến mục tiêu, chiến lược thành hiện thực. Các giải pháp tạo động lực người lao động được đưa ra nhằm thỏa mãn những nhu cầu hợp lý của người lao động, đem lại cho họ nguồn hứng khởi để làm việc hăng say với năng suất lao động cao.

Có thể nói, nội dung các giải pháp để tạo động lực người lao động phải chấp hành chủ trương, quy định của pháp luật, của ngành ngân hàng, của hệ thống NCB. Bên cạnh đó, các giải pháp tạo động lực phải được cụ thể hóa, tạo điều kiện cho những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm thực thi chiến lược phát triển chi nhánh đạt kết quả cao nhất.

b. Các giải pháp tạo động lực người lao động phải đảm bảo tính khoa học và hiệu quả

Đảm bảo tính khoa học nghĩa là phải xuất phát từ những cơ sở lý luận khoa học về quản trị nguồn nhân lực. Từ kết quả thống kê, phân tích, đánh giá ở phần thực trạng về các giải pháp hiện tại của chi nhánh trong việc tạo động lực người lao động. Các giải pháp được đề nghị phải đảm bảo tính kế thừa giải pháp cũ của chi nhánh đồng thời kế thừa những giải pháp, kinh nghiệm của các đơn vị khác. Phát huy những hiệu quả mà chi nhánh đã đạt được, sáng tạo nhưng không trùng lặp với những giải pháp đã thực hiện. Từ các kết quả điều tra, thống kê, các nhà quản trị xác định được nhu cầu thực tế,

đặc thù của người lao động để xác định các loại giải pháp, mức độ ưu tiên và những đối tượng nào thích hợp với mỗi giải pháp.

Mỗi giải pháp có đặc trưng, tác dụng khác nhau, nhưng các giải pháp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ như đánh giá thành tích công bằng, chính xác là động lực tinh thần tốt. Tuy nhiên, việc chi trả lương, thưởng dựa trên kết quả công tác đánh giá thành tích này cũng phải tương xứng với thành tích đạt được thì giải pháp hoàn thiện hệ thống đánh giá thành tích mới phát huy được vai trò động lực thúc đẩy người lao động của mình. Các giải pháp cần phải được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có người chịu trách nhiệm. Đồng thời việc thực thi phải được tổ chức kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả. Trên cơ sở tổng kết đánh giá, nhà quản trị cần đo lường được hiệu quả kinh tế mà các giải pháp đem lại so với chi phí bỏ ra.

c. Các giải pháp tạo động lực người lao động phải có tính khả thi

Trong quá trình thực hiện công tác tạo động lực người lao động, cần phải có sự phối, kết hợp giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các phòng ban trong chi nhánh nhằm sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mỗi giải pháp phải được áp dụng trong những phạm vi, không gian, thời gian rõ ràng, đảm bảo áp dụng được thống nhất trong toàn chi nhánh, không phân biệt đối tượng để đảm bảo tính công bằng.

Mỗi doanh nghiệp có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau ứng với trình độ quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng tài chính riêng có của mình, các giải pháp tạo động lực cũng phải phù hợp với những điều kiện và hoàn cảnh đó.

Một phần của tài liệu Tạo động lực người lao động tại ngân hàng TMCP quốc dân chi nhánh đà nẵng (Trang 71 - 72)