Quy chế cho vay nông nghiệp của Ngân hàng

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của hoạt động tín dụng nông nghiệp tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Bình Phước đối với việc phát triển cây điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Trang 52 - 53)

- Đối tượng vay: khách hàng là cá nhân, hộ gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp hoặc cho thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp.

- Điều kiện vay: Khách hàng được ngân hàng xem xét cho vay phải có đầy đủ các điều kiện sau:

+ Cá nhân hoặc người đại diện của hộ gia đình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người đại diện của hộ gia đình có thể là chủ hộ hoặc một thành viên khác trong hộ gia đình được chủ hộ uỷ quyền.

+ Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.

+ Có phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án, dự án đầu tư khả thi có hiệu quả phù hợp với pháp luật.

+ Có khả năng hoàn trả nợ vay trong thời hạn cam kết với Ngân hàng.

+ Có vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án, dự án đầu tư.

+ Có tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định của ngân hàng.

- Mục đích sử dụng vốn vay: Ngân hàng xem xét cho khách hàng vay để sản xuất kinh doanh trong các ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản; Thương mại dịch vụ phục vụ cho các ngành nêu trên.

- Thời hạn cho vay: Ngân hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng để thoả thuận thời hạn cho vay phù hợp nhưng không quá 60 tháng.

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay tối thiểu do Tổng Giám đốc ban hành trong từng thời kỳ sau khi được sự chấp thuận của Hội đồng Quản trị ngân hàng .

- Mức cho vay, loại tiền cho vay: Ngân hàng căn cứ vào nhu cầu vốn vay, vốn tự có, tài sản đảm bảo tiền vay của khách hàng và khả năng nguồn vốn của ngân hàng để quyết định mức cho vay nhưng không quá 500triệu đồng/ 1 khách hàng. Ngân hàng cho vay không vượt quá 85% tổng chi phí của phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án đầu tư. Ngân hàng cho khách hàng vay bằng tiền đồng Việt Nam.

- Phương thức cho vay: Ngân hàng thoả thuận với khách hàng phương thức cho vay sau: Cho vay từng lần; cho vay theo hạn mức tín dụng; Cho vay theo dự án đầu tư; Cho vay trả góp (lãi tính theo dư nợ giảm dần hoặc gốc cộng lãi chia đều).

- Kiểm tra giám sát trước và sau khi cho vay: Khi nhận được giấy đề nghị vay vốn của khách hàng, người có trách nhiệm phân công tiến hành kiểm tra xác minh và thẩm định. Kiểm tra đối chiếu lại toàn bộ hồ sơ trước khi tiến hành giải ngân. Sau khi giải ngân, phải tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn, tình hình sản xuất kinh doanh. Kiểm tra lần đầu: Trong phạm vi tối đa là 1 tháng kể từ ngày phát tiền vay; kiểm tra định kỳ: tuỳ theo mùa vụ, chu kỳ sản xuất kinh doanh, tình hình hoàn trả nợ và mức độ rủi ro, các đơn vị trực thuộc xác định kỳ kiểm tra cho phù hợp.

Đối với các hộ trồng điều, ngân hàng thường ít cho vay đối với các hộ trồng mới điều vì đây là giai đoạn mang tính rủi ro cao, mà ngân hàng mới đi vào hoạt động đựơc 2 năm. Nên đối tượng vay chủ yếu của ngân hàng là các nông hộ có vườn điều đã cho thu hoạch, tức là điều từ 4 năm trở lên.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của hoạt động tín dụng nông nghiệp tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Bình Phước đối với việc phát triển cây điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Trang 52 - 53)