Ba Vì phát triển bền vững
Đây là nội dung, biện pháp có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho DLST phát triển trong tổng thể quy hoạch phát triển ngành du lịch theo đúng định hướng phát triển bền vững của Chính phủ và Thành Phố Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch còn là một trong những công cụ quan trọng để các cấp chính quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với quá trình phát triển DLST.
Công tác quy hoạch phát triển KT-XH nói chung và quy hoạch phát triển DLST bền vững nói riêng ở huyện Ba Vì hiện nay vẫn đang là vấn đề thời sự bức thiết. Bởi vì, không thể phát triển DLST bền vững nếu không có định hướng, mục tiêu, mô hình, khuôn mẫu. Theo đó, công tác quy hoạch phải làm tốt và đi trước một bước. Phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Thông qua quy hoạch sẽ xác định được các tiềm năng, các nguồn lực và khai thác các tiềm năng, nguồn lực đó có hiệu quả. Tạo ra môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các chủ thể có điều kiện tiếp cận các nguồn lực cũng như những ưu đãi của Nhà nước và địa phương. Tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân địa phương trong quá trình phát triển DLST. Để thực hiện giải pháp này cần thực hiện các biện pháp sau:
Một là,nâng cao hiệu quản lý nhà nước về DLST, đặc biệt là quản lý về quy hoạch và thực hiện quy hoạch các dự án được duyệt, cần quan tâm về tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính, thiết chế pháp lý. Cần cải
thiện chất lượng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giảm thiểu những chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp, thực hiện mô hình hành chính công hiện đại.
Cần thống nhất trong quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua sự phối hợp liên kết chặt chẽ trong nội bộ ngành du lịch cũng như với các ban ngành khác về các hoạt động như: lữ hành, lưu trú, xây dựng các tour du lịch, quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút khách nội địa và khách quốc tế, khai thác tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung ban hành thống nhất quy chế quản lý các khu du lịch đã được quy hoạch để giúp cho việc triển khai được đồng bộ, phát huy năng lực quản lý điều hành, khai thác hiệu quả khu du lịch. Phối hợp với các nhà cung cấp tài chính để xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn kịp thời, thủ tục hồ sơ giải ngân vốn để đảm bảo đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du khách. Ban hành các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhâ, doanh nghiệp vào hoạt động phát triển DLST, trong đó ưu tiên đối với những dự án đầu tư du lịch có tính khả thi nhằm giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường.
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phát triển du lịch trên địa bàn Huyện, đặc biệt chú ý đến vấn đề tiết kiệm nguồn tài nguyên, giữ gìn cảnh quan môi trường tại các điểm kinh doanh du lịch. Huyện cần có cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động du lịch để phân đúng người, đúng việc, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong công việc dẫn đến hiệu quả không cao. Nên có chế độ khen thưởng rõ ràng đối với từng cá nhân, tổ chức có thành tích trong hoạt động du lịch, có những biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi gây tổn thất như: phá hoại di tích lịch sử văn hoá, ăn trộm những cổ vật tại đình, chùa… Kiện toàn về tổ chức và cơ chế quản lý tại các khu du lịch. Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, chất lượng phục vụ của các đơn vị du lịch, tạo nhiều sản phẩm mới hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Các đơn vị hoạt động du lịch tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng về
sản phẩm du lịch. Tăng cường liên doanh, liên kết tạo thành tuor du lịch nhằm thu hút ngày càng đông khách du lịch.
Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.
Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động DLST thông qua việc xây dựng nội quy, quy chế cụ thể, hợp lý giữa khai thác các tài nguyên du lịch và quá trình kinh doanh gắn với việc bảo vệ tài nguyên môi trường. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, ý thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch bằng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể thiết thực, dễ hiểu, thể hiện các nội dung về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch, coi việc gìn giữ tài nguyên để phát triển du lịch là tài sản sinh lời của mọi người dân trong khu vực không chỉ trước mắt mà còn cho giai đoạn lâu dài.
Xác định rõ vai trò và trách nhiệm cho các cấp các ngành cũng như quần chúng nhân dân trong nhận thức xã hội về du lịch và phát triển DLST. Thực hiện quản lý Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực theo pháp luật và quy chế nhằm tạo môi trường tự nhiên và nhân văn thuận lợi cho du lịch phát triển. Có hình thức thưởng, phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường. Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, an toàn, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Liên kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư địa phương trong bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch và cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển là hết sức cần thiết. Có cơ chế chia sẻ lợi ích các sản phẩm du lịch với người dân địa phương - nơi có tài nguyên du lịch đang được khai thác (Ví dụ: giảm giá vé từ 10 - 30% cho người dân địa phương khi họ đến mua các sản phẩm du lịch, như mô hình của Đà Nẵng, Nha Trang… đang áp dụng). Mục đích cuối cùng là gắn kết chặt chẽ giữa khai thác, bảo tồn với bồi dưỡng nguồn tài nguyên du lịch cho sự phát triển du lịch lâu dài tại tất cả các điểm, cụm, khu du lịch. Ủy ban nhân dân
thành phố cần ban hành các chính sách liên kết với cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức như ưu đãi, khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm đặc biệt ở vùng núi, vùng nông thôn ngoại thành. Tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các các nguồn tín dụng như ưu đãi về lãi suất cho mục đích phát triển các dịch vụ du lịch; hỗ trợ đào tạo năng lực tổ chức và kinh doanh du lịch; tạo việc làm, chia sẻ quyền lợi... Bằng cách nào thì cũng phải đảm bảo du lịch đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho cộng đồng dân cư. Giáo dục toàn dân gìn giữ cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch, góp phần xây dựng một Ba Vì xanh, sạch, đẹp tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Đầu tư vật chất tương xứng để bảo vệ, nâng cấp tài nguyên và môi trường du lịch, bảo đảm phát triển bền vững. Cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống tài nguyên và môi trường du lịch đang bị đe dọa xuống cấp. Đặc biệt môi trường du lịch Ba Vì tương đối nhạy cảm, vì vậy cần hướng đầu tư vào bảo vệ, nâng cấp tài nguyên và môi trường du lịch đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Ba Vì cần phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan trong việc lồng ghép các chương trình dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, môi trường du lịch đặc biệt là các dự án phát triển làng nghề, phục hồi trùng tu các di tích lịch sử cấp quốc gia… Chủ động áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Hướng đầu tư cần tập trung vào: tôn tạo tài nguyên du lịch, đa dạng hóa và tạo sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư điều tra, đánh giá và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch; đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.
Ba là, cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm thu hút nguồn lực các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường du lịch, đưa Ba vì trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay ngành du lịch của Ba Vì đang trên đà phát triển, có thể nói là tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch là tương đối nhanh. Tuy nhiên so với khu vực vẫn còn hạn chế, vốn đầu tư còn ít, lượng khách quốc tế còn khiêm tốn so
với tiềm năng. Ngoài việc chưa tạo ra được nét đột phá trong việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh, bên cạnh đó một nguyên nhân quan trọng đó là cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng nên chưa thu hút một cách tối đa nguồn lực các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển DLST của Huyện. Để làm tốt vấn đề này Ba Vì cần phải vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, các văn bản nhà nước trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của địa phương để tạo ra hành lang pháp lý một cách thông thoáng, đồng thời phải có các chính sách ưu đãi tốt như: cải cách và cắt giảm thủ tục hành chính, vấn đề về chính sách thuế, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm đến Ba Vì và yên tâm hoạt động.
Bên cạnh việc cải cách hành chính nhằm thu hút nhà đầu tư thì vấn đề làm thế nào để mở rộng và phát triển được thị trường du lịch là vấn đề khó đặt ra cho chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì. Để làm tốt vấn đề này Ba Vì cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, việc quy hoạch tổng thể du lịch Ba Vì trước hết phải quan tâm đến vùng lõi của Ba Vì, xây dựng cơ sở vật chất phải đồng bộ mang tính hiện đại, đồng thời phải liên kết được các điểm, khu du lịch tạo thành quần thể du lịch Ba Vì vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố và phải đảm bảo kết nối được các khu du lịch xung quanh huyện.
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra những con người làm việc trong ngành du lịch có trình độ cao, có đạo đức tốt, có văn hóa du lịch nhằm phục vụ một cách tốt nhất khi khách du lịch đến Ba Vì.
Thứ ba, Công tác quảng bá du lịch phải thường xuyên và sâu rộng, thậm chí phải thuê các đơn vị chuyên nghiệp để quảng bá hình ảnh của Ba Vì cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ tư, phải có chính sách và cơ chế mở để xây dựng và liên kết với các tour du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách đến Ba Vì lưu trú dài ngày (ví dụ như khách có thể hành hương ở chùa Tây Phương- Thạch Thất, chùa Mía - Đường
Lâm sau đó tới Ba Vì nghỉ dưỡng tại các khu DLST hoặc tham gia các lễ hội mùa xuân của đồng bào dân tộc Mường, Dao trên núi Ba Vì, hoặc trước khi đến các tỉnh Tây bắc của Tổ quốc sẽ dừng chân nghỉ ngơi ở Ba Vì...)