* Nguyên nhân khách quan
Một là, điều kiện địa hình và thời tiết phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của DLST bền vững. Ba Vì là huyện có địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối nên việc di chuyển giữa các khu du lịch còn nhiều khó khăn, cùng với đó là những tác động bất lợi của thời tiết, đặc biệt là sự phân hóa phúc tạp về mặt không gian và thời gian nên tính mùa vụ du lịch rất cao. Những tác động bất lợi này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển DLST bền vững Ba Vì.
Hai là, vị trí tài nguyên không tập trung. Là huyện tương đối giàu tài nguyên du lịch, cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, đây là điều kiện thuận lợi cho Ba Vì có thể phát triển ngành DLST. Tuy nhiên, một khó khăn đối với sự phát triển ấy là tài nguyên du lịch không tập trung mà phân bố rải rác khắp nơi trong địa bàn huyện, điều này gây cản trở lớn trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch và đồng thời gây khó khăn trong việc đi lại của du khách.
Ba là, có nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, du lịch Ba Vì cũng đang phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt. Sự vươn lên của các điểm DLST mới, với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng như: bể bơi đủ tiêu chuẩn, sân golf, nơi vui chơi giải trí, thám hiểm, sản phẩm du lịch độc đáo, hàng lưu niệm đẹp, phương tiện đi lại nhanh chóng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản văn hoá, ở các địa phương lân cận như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), (khu DLST thác Thăng Thiên) Hòa Bình, (Đảo Ngọc) Phú Thọ sẽ vừa là trở ngại, thách thức nhưng cũng vừa là động lực để DLST Ba Vì đổi mới không ngừng, nhằm khẳng định vị thế của mình.
Bốn là, cơ sở vật chất - hạ tầng xã hội còn thấp kém. Cơ sở vật chất - hạ tầng xã hội là hệ thống đường xá, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thông tin viễn thông, mạng lưới của thương nghiệp của khu dân cư, mạng lưới điện nước v.v... Cơ sở vật chất - hạ tầng xã hội có vai trò đòn bẩy thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với ngành du lịch cơ sở vật chất - hạ tầng xã hội là yếu tố cơ sở nhằm khai thác tiềm năng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Cơ sở hạ tầng Ba Vì hiện nay đã phát triển nhưng chưa đồng bộ giữa các khu vực thành thị và nông thôn, miền đồng bằng và trung du, miền núi. Do nguồn vốn còn hạn hẹp nên việc đầu tư để xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo một số tuyến đường chưa được cải tạo thường xuyên, hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt còn giản đơn, thiếu tập trung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Chính diều này ảnh hưởng đến chất lượng chuyến du lịch của du khách, du khách phải mất nhiều thời gian hơn cho việc đi lại, điều đó nghĩa là thời gian nghỉ ngơi và tham quan của du khách sẽ giảm theo. Vì thế, đây chính là một trong những trở lực đối với sự phát triển của ngành du lịch nói chung và ngành DLST Ba Vì nói riêng.
Một là: Công tác quy hoạch, quản lý phát triển du lịch sinh thái của huyện nói chung trong đó có quy hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật DLST còn nhiều bất cập, chưa dự báo hết các tác động tiêu cực đến phát triển DLST bền vững.
Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí của DLST trong phát triển KT - XH ở địa phương ở các cấp, các ngành chưa đầy đủ, dẫn đến các cơ chế, chính sách đề ra còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thể tạo ra cú hích đủ mạnh thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển.
Từ nhận thức đơn giản, chưa thống nhất dẫn đến công tác quy hoạch tổng thể, cũng như quy hoạch cụ thể của từng huyện, xã về phát triển DLST được làm đơn điệu nên hiệu quả đạt được không cao. Chính quyền nhiều xã, huyện chưa coi trọng thực hiện chiến lược phát triển bền vững, chủ yếu chạy theo mục tiêu ngắn hạn, trước mắt; việc hoạch định các nội dung, chính sách về môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch chưa cao, còn nhiều bất cập trong quản lý, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành về phát triển DLST chưa thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch chưa kịp thời, còn nể nang, né tránh; việc đầu tư kinh phí cho xúc tiến quảng bá, quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế; Chưa tạo ra môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư; một số doanh nghiệp chưa tâm huyết đến công tác phát triên các sản phẩm của đơn vị; chưa có chế độ, chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn du lịch về làm việc cho các doanh nghiệp du lịch.
Hai là: Cơ sở vật chất kinh doanh du lịch chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa thực sự đạt tiêu chuẩn; Hệ thống cơ sở lưu trú còn
yếu kém, quy mô còn nhỏ, chất lượng khách sạn nhà nghỉ còn thấp chưa có khách sạn 3 sao trở lên nên phần nào bị hạn chế về chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách; các phương tiện vận chuyển chất lượng chưa cao, các khu vui chơi giải trí còn rất nghèo nàn, hệ thống nhà hàng chưa đạt theo quy chuẩn, việc quản lý chất lượng phục vụ, giá cả cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề cần được quan tâm xem xét. Đây là một nguyên nhân gây cản trở đối với sự phát triển DLST của Huyện.
Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao, thiếu bền vững, thiếu những sản phẩm chủ lực mang bản sắc của Ba Vì (chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn) và chưa được đầu tư đúng mức.
Ba là: Số, chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển DLST còn nhiều hạn chế
Đây là nguyên nhân trực tiếp kéo giảm khả năng khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực khác cho phát triển DLST. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nói chung và DLST nói riêng ở Ba Vì không chỉ thiếu mà còn yếu nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển DLST bền vững. Biểu hiện rõ nét nhất là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quảng bá, kỹ năng giao tiếp tiếng nước ngoài hạn chế, đặc biệt là chưa có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động về du lịch chủ yếu sử dụng hợp đồng lao động ngắn hạn và hoạt động theo thời vụ nên chưa quan tâm, chú trọng công tác đào tạo kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Điển hình nhất là tại các khu du lịch sinh thái Ao Vua- Khoang Xanh; Thiên Sơn- Suối Ngà, nơi đón nhiều du khách đến tham quan, trong đó có nhiều du khách từ nước ngoài, song đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo bài bản, ngoại ngữ yếu nên chất lượng hướng dẫn, phục vụ có phần hạn chế...
Bốn là: Nhận thức về bảo vệ, khai thác tài nguyên môi trường du lịch, quản lý phát triển DLST bền vững của những người làm công tác du lịch cũng như cộng đồng dân cư chưa được đầy đủ và đúng mức. Bên cạnh việc khai thác tài nguyên phục vụ DLST là nhiều hoạt động của các ngành kinh tế
khác như nuôi trồng thủy sản, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng... dẫn đến tình trạng tài nguyên môi trường bị đe doạ xuống cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, đến các vùng cảnh quan có giá trị cho phát triển DLST; hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật chưa thực sự tạo được môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực thúc đẩy DLST phát triển bền vững