Điều kiện thực hiện để DHTDA đạt hiệu quả

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học theo dự án trong dạy học hóa học lớp 11 trường trung học phổ thông (Trang 38 - 40)

Có rất nhiều kiểu dự án được tiến hành trong lớp học. Một dự án được coi là hiệu quả khi nó đạt được sự cân bằng giữa khả năng thực hiện của học sinh với ý đồ thiết kế của giáo viên, chỉ rõ những công việc học sinh cần làm. Vì vậy, giáo viên cần chú ý những điều kiện dưới đây để có được bài học theo dự án hiệu quả.

1.3.8.1. Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học

Bài học theo dự án được thiết kế cẩn thận, lôi cuốn học sinh vào những nhiệm vụ mở và có tính thực tiễn cao. Các nhiệm vụ của dự án kích thích khả năng ra quyết định, niềm cảm hứng, say mê của học sinh trong quá trình thực hiện và tạo ra sản phẩm cuối cùng. Học sinh lĩnh hội kiến thức bài học thông qua việc tìm hiểu và tự quyết định mức độ hoàn thành các nhiệm vụ của dự án. Giáo viên giữ vai trò người hỗ trợ hay hướng dẫn. Học sinh hợp tác làm việc với nhau trong các nhóm, phát huy tối đa năng lực cá nhân khi đảm nhận những vai trò khác nhau.

1.3.8.2. Dự án tập trung vào những mục tiêu học tập quan trọng gắn với các chuẩn.

Những dự án tốt được phát triển dựa trên những nội dung cốt lõi của chương trình đáp ứng các chuẩn quốc gia và địa phương. Dự án có các mục tiêu rõ ràng gắn với các chuẩn và tập trung vào những hiểu biết của HS sau quá trình học. Từ việc định hướng vào mục tiêu, GV sẽ chọn lựa hình thức dạy học phù hợp, lập kế hoạch đánh giá và tổ chức các hoạt động dạy và học. Kết quả của dự án được thể hiện kết tinh trong sản phẩm của HS và quá trình thực hiện nhiệm vụ, ví dụ phần thuyết trình đầy thuyết phục hay ấn phẩm thông tin thể hiện sự lĩnh hội các chuẩn nội dung và mục tiêu dạy học.

1.3.8.3. Dự án được định hướng theo Bộ câu hỏi khung chương trình

Câu hỏi khung chương trình sẽ giúp các dự án tập trung vào những hoạt động dạy học trọng tâm. Học sinh được giới thiệu về dự án thông qua các câu hỏi gợi mở những ý tưởng lớn, xuyên suốt và có tính liên môn. Học sinh sẽ buộc phải tư duy sâu hơn về các vấn đề nội dung của môn học theo các chuẩn và mục tiêu. Có ba

dạng câu hỏi khung chương trình: Câu hỏi khái quát, Câu hỏi bài học và Câu hỏi nội dung. Câu hỏi khái quát là các câu hỏi rộng, có tính mở, đề cập đến các ý tưởng lớn và các khái niệm xuyên suốt. Câu hỏi loại này thường mang tính liên môn, giúp học sinh hiểu được mối quan hệ giữa các môn học. Các câu hỏi bài học được gắn trực tiếp với dự án, hỗ trợ việc tìm kiếm lời giải cho Câu hỏi khái quát. Các câu hỏi bài học thể hiện mức độ hiểu những khái niệm cốt lõi về dự án của học sinh. Các câu hỏi nội dung thường mang tính thực tiễn cao, bám sát các chuẩn và mục tiêu đã đề ra.

1.38.4. Dự án đòi hỏi các hình thức đánh giá đa dạng và thường xuyên

Ngay từ khi triển khai dự án, các kết quả dự kiến cần phải được làm rõ và phải luôn được rà soát nhiều lần để kiểm chứng mức độ lĩnh hội bằng các phương pháp đánh giá khác nhau. HS sẽ được xem mẫu và hướng dẫn trước để thực hiện công việc có chất lượng nhất, và phải biết rõ điều gì đang chờ đợi ngay từ khi bắt đầu dự án. Cần phải tạo cơ hội để rà sóat, phản hồi hay điều chỉnh trong suốt quá trình thực hiện dự án.

1.3.8.5. Dự án có liên hệ với thực tế

Dự án phải gắn với đời sống thực tế của học sinh, có thể mời các chuyên gia ngoài cùng tham gia để tạo ra những tình huống dạy học. Học sinh có thể thể hiện việc học của mình trước những đối tượng thực tế, liên hệ với các nguồn lực cộng đồng, tham khảo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, hoặc trao đổi thông qua công nghệ hiện đại.

1.3.8.6. Học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình thông qua sản phẩm hoặc quá trình thực hiện được

Thông thường các dự án được kết thúc với việc học sinh thể hiện thành quả học tập của mình thông qua các bài thuyết trình, các văn bản tài liệu, các mô hình dàn dựng, các đề án hoặc thậm chí là các sự kiện mô phỏng như một hội thảo giả. Những sản phẩm cuối cùng này giúp học sinh thể hiện khả năng diễn đạt và làm chủ quá trình học tập.

1.3.8.7. Công nghệ hiện đại hỗ trợ và thúc dẩy việc học của HS

Học sinh được tiếp cận với nhiều công nghệ khác nhau giúp hỗ trợ phát triển kỹ năng tư duy, cho ý kiến đánh giá về nội dung và hỗ trợ tạo ra sản phẩm cuối. Với sự trợ giúp của công nghệ, học sinh tự chủ hơn với kết quả cuối cùng, có cơ hội “cá nhân hoá sản phẩm”. Học sinh có thể vươn ra khỏi 4 bức tường lớp học bằng cách cộng tác với các lớp học từ xa qua email và các trang web tự tạo, hoặc trình bày việc học của mình qua các chương trình đa phương tiện.

1.3.8.8. Kỹ năng tư duy là không thể thiếu trong làm việc theo dự án

Làm việc theo dự án sẽ hỗ trợ phát triển cả kỹ năng tư duy siêu nhận thức lẫn tư duy nhận thức như hợp tác, tự giám sát, phân tích dữ liệu, và đánh giá thông tin. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các câu hỏi khung chương trình sẽ kích thích học sinh tư duy và liên hệ với các khái niệm mang ý nghĩa thực tiễn cao.

Để thành công giáo viên phải phác họa các dự án cụ thể trong đầu. Nếu không bám sát vào mục tiêu dạy học, mục đích của dự án sẽ mơ hồ và kết quả học tập mong đợi từ phía học sinh có thể bị hiểu sai lệch. Khi thiết kế dự án, điều quan trọng là phải chắc chắn rằng việc lập kế hoạch hành động sẽ giúp cho học sinh nhận diện được mục tiêu học tập dự kiến. Bằng việc điểm lại mục đích, mục tiêu và chuẩn của chương trình, giáo viên sẽ lựa chọn các bài học ưu tiên trong chương trình.

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học theo dự án trong dạy học hóa học lớp 11 trường trung học phổ thông (Trang 38 - 40)