Các yếu tố tự nhiên

Một phần của tài liệu Phân tích đánh giá thực trạng dùng đất trong mối quan hệ với quy hoạch nông thôn mới phục vụ quản lý đất đai huyện đức hòa, tỉnh long an (Trang 36 - 42)

1. Vị trí địa lý: Ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng đất. Huyện Đức Hòa nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Long An, tọa độ địa lý 106º16’11” – 106º31’57” kinh độ Đông và 10º44’30” - 10º01’38” vĩ độ Bắc. Phía Bắc: giáp huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh). Phía Nam: giáp huyện Bến Lức. Phía Đông: giáp huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh). Phía Tây: giáp huyện Đức Huệ. Có tổng diện tích tự nhiên là 427,75km2 (chiếm 9,5% diện tích của tỉnh Long An, đứng hàng thứ 6/14 huyện). Toàn huyện được chia thành 20 đơn vị hành chính cấp xã và thị trấn, thị trấn Hậu Nghĩa là huyện lỵ. Huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – TP. Hồ Chí Minh, nằm gần các khu công nghiệp, các tuyến giao thông thủy bộ thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy rất thuận lợi để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, khai thác hết tiềm năng đất đai và giao lưu quốc tế.

2. Địa chất, địa hình, địa mạo:

Địa chất: Địa chất hình thành trên nền phù sa mới, tầng đất mặt trong khoảng 1 - 8m có đặc tính không thích ứng với việc xây dựng công trình lớn. Khu vực phù sa cổ có đặc điểm địa chất công trình khá tốt, thích hợp cho các công trình xây dựng.

Địa hình: Huyện Đức Hòa là vùng tương đối bằng phẳng, độ cao bình quân 1-2m, cao nhất là khu vực Lộc Giang, thấp nhất là kênh Xáng Lớn, độ cao dốc thoai thoải theo hướng Đông Bắc đến Tây Nam. Nằm trên bậc thềm phù sa, nơi chuyển tiếp từ vùng đồi thấp Đông Nam Bộ xuống đồng bằng Tây Nam Bộ, có xu hướng dốc dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và giữa huyện hai bên Đông Tây.

- Tiểu vùng I: Địa hình cao 4 - 6m, bao gồm xã Lộc Giang, An Ninh Đông, An Ninh Tây, Tân Mỹ, một phần Hiệp Hòa.

- Tiểu vùng II: Địa hình khá cao 3 - 4m, bao gồm xã Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, một phần Hiệp Hòa, Tân Phú.

- Tiểu vùng III: Địa hình trung bình 1,5 – 3,0m, bao gồm thi trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Đức Hòa, xã Hòa Khánh Đông, một phần Hựu Thạnh, Đức Hòa Hạ, Hòa Khánh Tây, Hoà Khánh Nam.

- Tiểu vùng IV: Địa hình thấp dưới 1,5m, bao gồm khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai – An Hạ thuộc các xã Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, một phần Hựu Thạnh, Đức Hòa Hạ, Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Đông…

Do địa hình khá bằng phẳng, cân đối ổn định nên việc xây dựng công trình hạ tầng cơ sở ít gặp khó khăn hơn các huyện khác trong tỉnh.

Địa mạo: có 2 dạng chính

- Thềm phù sa cổ: Khu vực địa hình cao không ngập, chiếm phần lớn địa bàn huyện, chỉ có lớp trầm tích phù sa cổ, vật liệu đất chủ yếu là cát pha thịt.

- Đồng lũ: nằm tại khu vực trũng ven sông Vàm Cỏ Đông và kênh Thầy Cai, An Hạ, địa hình từ bằng phẳng đến trũng thấp và ngập lũ hàng năm, lớp đất mặt đến độ sâu 5 – 50m là phù sa mới với vật liệu đất chủ yếu là sét có vật liệu sinh phèn; lớp dưới là phù sa cổ.

3. Khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng

Yếu tố khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sử dụng đất cho mục đích sản xuất nông nghiệp và điều kiện sinh hoạt của con người. Sự khác nhau về nhiệt độ giữa các vùng ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng và thực vật. Cường độ chiếu sáng, thời gian chiếu sáng cũng tác động đến quá trình quang hợp và sinh trưởng của cây trồng. Lượng mưa nhiều hay ít có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nước tưới và giữ độ ẩm cho đất.

Huyện Đức Hòa chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa, mưa nhiều, với lượng mưa trung bình hàng năm là 1.805mm, nhiệt độ trung bình là 27,70C. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu là sông Vàm Cỏ Đông và nhờ vào nguồn nước xả của hồ Dầu Tiếng. Nguồn chủ yếu để cung cấp nước sinh hoạt cho

nhân dân tại huyện là nước ngầm . Nhìn chung, khí hậu của huyện có những thuận lợi cơ bản so với nhiều địa phương khác , độ chiếu sáng , độ ẩm cao, thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, ít bị ảnh hưởng của thiên tai.

Thủy văn: Hệ thống sông suối, ao hồ có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức sử dụng đất đai, nhất là tại khu vực miền núi. Chúng vừa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới vừa là nơi tiêu nước khi có úng ngập.

Sông Vàm Cỏ Đông là sông lớn nhất chạy dọc theo ranh giới giữa huyện Đức Hoà và Đức Huệ, Bến Lức, bắt nguồn từ Campuchia chảy qua các tỉnh Tây Ninh và Long An. Sông Vàm Cỏ Đông không chỉ là tuyến đường thuỷ của huyện Đức Hoà và tỉnh Long An mà còn là tuyến đường thuỷ vành đai của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thổ nhưỡng: Điều kiện thổ nhưỡng quyết định rất lớn đến việc sử dụng đất phục vụ cho mục đích phát triển nông nghiệp bởi vì mỗi loại cây trồng thích hợp với các loại đất và chất lượng đất nhất định. Độ phì nhiêu của đất là yếu tố tác động mạnh đến sinh trưởng của cây trồng và năng suất, sản lượng.

Thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Đức Hòa chia thành ba nhóm chính:

+ Nhóm đất phèn (Sn): phân bố dọc theo sông Vàm Cỏ Đông và kênh Thái Mỹ, tổng diện tích là 1.179,5ha, chiếm 3,9%.

+ Nhóm đất xám (X): nằm ở vùng trung tâm huyện, dọc theo tỉnh lộ 10, diện tích khoảng 19.930,7ha, chiếm 65,4%.

+ Nhóm đất phù sa bồi (P/s): tổng diện tích là 9.376,8ha, chiếm 30,8%.

4. Các nguồn tài nguyên Tài nguyên nước:

Nước mưa: Nguồn nước của huyện chủ yếu dựa vào nước mưa và nước sông Vàm Cỏ Đông cung cấp. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm khoảng 85% lượng mưa cả năm, tập trung nhiều ở các tháng 8, 9, 10.

Nước mặt: Chủ yếu là nước mưa và nước sông Vàm Cỏ Đông, hệ thống kênh từ hồ Dầu Tiếng chủ yếu cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Lượng nước mưa tuy lớn nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa tập trung, cường độ mưa lớn nên dư thừa nước gây chảy tràn bề mặt vùng đất cao gây rửa trôi, xói mòn đất; ở các vùng thấp kết hợp với lũ và đỉnh triều cao gây ngập úng. Mùa khô lượng mưa thấp, kết hợp nhiệt độ cao làm lượng nước bốc hơi bề mặt cao gây hạn hán và thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt.

Nước ngầm: Nguồn nước ngầm của huyện có cả ở độ sâu nhỏ hơn 100m và độ sâu trên 200m với chất lượng nước tương đối tốt đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt. Trữ lượng nước ngầm chưa được đánh giá chính xác. Nguồn nước tầng nông hiện đang giảm sút nhanh cung lượng do khai thác quá mức.

Tài nguyên khoáng sản:

Theo các tài liệu điều tra hiện có, trong lòng đất huyện Đức Hoà chưa phát hiện thấy các loại tài nguyên khoáng sản lớn. Trên địa bàn huyện đang khai thác than bùn và đất sét làm gạch ngói ở Lộc Giang với diện tích 40ha, có thể mở rộng 100 ha. Đất cho hoạt động kháng sản có 205,42ha.

Tài nguyên rừng:

Huyện Đức Hòa hiện có 286,41ha rừng trong đó chủ yếu là rừng sản xuất. Cây rừng chủ yếu là tràm và cây bạch đàn. Rừng trồng tập trung chủ yếu tại các vùng phía Đông huyện với mục tiêu cải tạo đất trũng, phèn là chính. Do ít được chăm sóc và bảo vệ nên rừng trồng ngày càng nghèo và cạn kiệt, trữ lượng gỗ không đáng kể. Diện tích rừng đang có khuynh hướng thu hẹp dần.

Về thủy sinh vật có 181 loài tảo, 93 loài động vật nổi, 59 loài động vật đáy phân bố chủ yếu ở sông Vàm Cỏ Đông.

Tài nguyên nhân văn:

Nhân dân và chính quyền huyện Đức Hòa có lịch sử truyền thống cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.

Trên địa bàn còn bảo tồn, phục dựng và xây dựng được nhiều di tích văn hóa lịch sử có giá trị lớn như khu di tích Óc Eo, khu di tích ngã tư Đức Hòa, đình thần Mỹ Hạnh, chùa Linh Nguyên, các tượng đài, bia tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ…

Nguồn nhân lực gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp chính quyền quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng về trình độ nghiệp vụ, đạt yêu cầu chuẩn hóa, đảm bảo năng lực công tác, vị trí được phân công.

Người dân Đức Hòa cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, biết khắc phục khó khăn, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.

5. Thực trạng môi trường

Môi trường tác động mạnh và nhiều khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sử dụng đất. Trên địa bàn huyện Đức Hòa có các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô lớn và vừa đang hình thành và phát triển mạnh đã có những tác động lớn đến môi trường.

- Ở những khu vực phát triển công nghiệp và đô thị, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt bắt đầu phát sinh, đặc biệt trên các kênh nhánh của lưu vực Kênh Thầy Cai và kênh An Hạ - vốn là 2 kênh có khả năng tiêu thoát nước rất kém và chịu tác động của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa lẫn các khu công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh. Các mẫu nước thu được trên các kênh này cho thấy các chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt thiêu chuẩn môi trường nước mặt và có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới do hiện trạng các cơ sở công nghiệp vẫn chưa có hoặc có nhưng chưa đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cùng với tình hình phát triển các khu dân cư, các chợ tự phát chung quanh các khu công nghiệp; ven trục lộ giao thông và các khu công nghiệp bị ô nhiễm khá cao về bụi và tiếng ồn.

- Tại các khu vực đang phát triển, nhất là vùng ven thị trấn, các hệ thống thoát nước thải, nước mưa chưa được xây dựng hoặc xây dựng không đồng bộ

khiến nước mưa bị ứ đọng kéo dài khi có mưa lớn gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.

- Môi trường nông thôn cũng đặt ra nhiều vấn đề nan giải: rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng cách; đa số các hộ dân chưa có hố xí hợp vệ sinh; mùi, nước thải, chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhiều trong đất, nhiều hộ dân còn sử dụng nước sông, kênh làm nước sinh hoạt…

6. Đánh giá chung về những thuận lợi, hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đối với sử dụng đất

Thuận lợi:

Vị trí địa lý huyện Đức Hòa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - TP Hồ Chí Minh, có khả năng phát triển công nghiệp mạnh mẽ; trên địa bàn hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, gần đường xuyên Á và sân bay quốc tế Sân Tân Nhất. Vì vậy nên rất thuận lợi để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế.

- Đất đai tương đối màu mỡ, có quỹ đất tương đối rộng, mật độ dân cư còn thưa, bình quân diện tích đất nông nghiệp cao, địa hình cao bằng phẳng, khí hậu tương đối ôn hoà thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

- Người dân Đức Hòa cần cù sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, biết khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, những kinh nghiệm, thành quả đạt được, nguồn lao động dồi dào và đã qua đào tạo có tay nghề là điều kiện thuận lợi cho phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội.

- Tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh và ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản về mọi mặt tạo điều kiện khai thác các tiềm năng và lợi thế của huyện. Môi trường đầu tư thuận lợi tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nươc đầu tư trên địa bàn.

Hạn chế:

Địa bàn huyện nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Nguồn tài nguyên tự nhiên của huyện hạn chế không có nhiều các loại khoáng sản;

nguồn tài nguyên đất đai lại bị nhiễm phèn và bị thiếu nước vào mùa khô là hạn chế lớn đối với sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, một bộ phận lao động phổ thông chưa qua đào tạo, đang làm nông nghiệp là chủ yếu, việc chuyển đổi sang các ngành nghề khác gặp khó khăn. Đào tạo nghề còn hạn chế, thiếu lao động trình độ cao. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa tác động mạnh đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phát tiển kinh tế xã hội còn chưa đồng bộ, tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, nguồn vốn còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Các cơ sở công nghiệp hiện có còn sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chưa cao; vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chưa đảm bảo. Các cơ sở công nghiệp chế biến hàng nông sản của huyện còn ít, hàm lượng công nghệ thấp. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đều nhỏ lẻ, có năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh thấp.

Các ngành thương mại - dịch vụ có quy mô nhỏ và phân tán, tỷ trọng các loại hình dịch vụ cao cấp (tài chính tín dụng, vốn, tư vấn, khoa học công nghệ) và các loại hình thương mại trung chuyển chưa cao.

Một phần của tài liệu Phân tích đánh giá thực trạng dùng đất trong mối quan hệ với quy hoạch nông thôn mới phục vụ quản lý đất đai huyện đức hòa, tỉnh long an (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)