Tác giả Tiêu Đỉnh

Một phần của tài liệu cảm hứng bi tráng trong tiểu thuyết tru tiên (Trang 44 - 46)

5. Cấu trúc luận văn

1.4.1.Tác giả Tiêu Đỉnh

Tiêu Đỉnh tên thật là Trương Tiễn, sinh năm 1976, người Thương Sơn, Phúc Kiến, Trung Quốc. Anh tốt nghiệp Đại học Công đoàn Trung Hoa (có tài liệu nói là Đại học Hành chính Phúc Kiến) năm 1998. Ra trường, anh làm cho một công ty thương mại được ba tháng, không thích ứng được hoàn cảnh nên bỏ việc về nhà, sau đó cũng tìm vài ba việc khác, nhưng đều thất bại, cuối cùng về nhà trông tiệm vải cho bố. Ở Trung Quốc có nhiều trang web giới thiệu truyện kiếm hiệp. Hàng ngày đóng cửa tiệm xong, Tiêu Đỉnh lại lên mạng, dần gắn bó với dòng truyện võ hiệp huyền ảo (huyền hiệp) và bắt đầu sáng tác. Tiêu Đỉnh viết từng phần và gửi

sáng tác của mình lên mạng để nhận ý kiến độc giả. Tác phẩm đầu tiên là Hắc Ám

chi lộ không gây được tiếng vang. Khi xuất bản bộ truyện này, lương tháng của

Tiêu Đỉnh chỉ có 200 tệ (cao cũng chỉ có 300 tệ). Đến khi viết Tru Tiên và đưa lên mạng lần đầu vào năm 2003 thì tên tuổi Tiêu Đỉnh mới được xếp vào thứ hạng cao trên văn đàn các truyện kỳ ảo. Sau đó không lâu, dưới sự đánh giá tích cực từ các nhà nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp đương đại và sự yêu mến của độc giả, Tru Tiên

được in thành sách xuất bản ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam. Trên văn đàn thể loại tiểu thuyết võ hiệp, Tiêu Đỉnh được xếp vào nhóm

Thần châu tân ngũ hiệp” cùng với bốn nhà văn trẻ khác là Phượng Ca, Bộ Phi

Yên, Thương Nguyệt và Tiểu Đoạn. Trong đó, Tiêu Đỉnh được độc giả gọi là "Kỳ ảo vương" còn Phượng Ca là "Trưởng môn võ hiệp đại lục". Họ được xem là những nhà văn kế thừa sự nghiệp của các tiểu thuyết gia Kim Dung, Cổ Long, Ôn Thụy An, Lương Vũ Sinh và Huỳnh Dịch. Tuy tạm thời bị những “bóng cây đại thụ” ấy che khuất nhưng những “cây non mới mọc” trong nhóm “Thần châu tân ngũ hiệp” không sợ mình bị “che rập” đi mà vẫn tiếp tục vươn lên đón ánh nắng mặt trời và ngày càng cao hơn. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Bộ Phi Yên – một trong năm nhà văn trong nhóm “Thần châu tân ngũ hiệp” – đã tuyên bố rằng : “Thời đại mà chúng ta đang sống đã khác với thời của Kim Dung. Ưu thế riêng của chúng ta là có đủ mọi nhân tố hiện đại như fantasy, manga, game online, điện ảnh… Tôi cảm thấy sáng tác văn học có rất nhiều đỉnh núi. Tôi chưa từng cho rằng mình có thể đứng trên đỉnh của Kim Dung, nhưng tôi cảm thấy thế hệ chúng tôi sẽ tạo ra được

những đỉnh cao đối trọng với đỉnh núi ấy” [109].

Khác với nhiều bộ sách võ hiệp khác của Trung Quốc chỉ chú trọng vào tình tiết, Tiêu Đỉnh rất chú trọng vào văn phong. Văn Tiêu Đỉnh bay bướm, thấm đẫm chất kỳ diệu, kết hợp với thủ pháp điện ảnh chứ không ngắn ngọn, giản lược như một số nhà văn khác. Nhà văn không chỉ chú trọng vào miêu tả ngoại hình nhân vật, trang phục, tả cảnh thiên nhiên, cảnh chiến đấu mà đặc biệt hơn cả là miêu tả tâm lí nhân vật. Vì vậy, đối với độc giả Tru Tiên, sau khi đọc xong tác phẩm, họ không những bị nội dung câu chuyện ám ảnh mà còn lưu lại ấn tượng sâu đậm về văn phong của tác giả.

Tuy nhiên, là một nhà văn còn khá trẻ nên trong sáng tác của Tiêu Đỉnh không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu xót. Một trong những hạn chế ấy là phần kết cục của Tru Tiên(quyển 7 – Đại kết cục) làm nhiều người hụt hẫng và thất vọng. Một lí do đơn giản mà nhiều độc giả đưa ra là kết thúc của Tru Tiên chưa thỏa đáng, vẫn còn nhiều tình tiết chưa được giải quyết, nhiều nhân vật biến mất một cách bí ẩn… Và nhiều người ví von là Tiêu Đỉnh đã… “lỡ” mua cho mình một cái mũ quá rộng vành, đến khi đội vào thì lại không vừa với cái đầu nữa. Vì vậy, vào tháng 10 năm 2007, Tiêu Đỉnh đã trả lời trong một bài phỏng vấn về vấn đề này như sau: Đối với tôi, Tru Tiênkhông chỉ là một tiểu thuyết, mà là một cá thể có đời sống riêng. Luôn luôn và luôn luôn, hai từ Tru Tiên hiện lên trong trí tôi như sự khẳng định về một thực thể tồn tại trên đời, vì vậy, bằng sự tôn trọng đối với Tru Tiên, cũng như sự tôn trọng đối với độc giả, tôi phải bảo vệ quyền tự sinh tự sản của nó, các bạn không thể thay đổi được kết cục, tôi cũng vậy thôi, mặc dù tôi là người tạo ra Tru Tiên. Tác giả và độc giả không thể can thiệp được vào diễn biến của truyện, bởi nhân vật đã đủ chín và đủ chiêm nghiệm để độc lập tách ra và tự vạch lấy lối đi mong muốn. Đồng thời, tư tưởng ấy cũng chứng minh cho khả năng sống, khả năng hoá thân thành thực thể, quyết định ở mức cao nhất độ thành công của một tác phẩm. Tiêu Đỉnh là một người cầm bút hiểu thấu đáo những gì mình viết, những tư tưởng về thiện – ác, chính – tà, nhân – quả được nhà văn lí giải rất giản dị và triệt để. Nhiều người đã gặp nhận xét, Tiêu Đỉnh nói chuyện rất thong thả, anh viết cũng vậy. Trong khi nhiều tác giả trẻ luôn lấy tốc độ viết ra để tự hào, thì Tiêu Đỉnh xác định mỗi ngày chỉ viết vài ngàn chữ, thời gian còn lại anh dùng để đọc sách, bồi bổ dinh dưỡng cho tâm hồn mình.

Một phần của tài liệu cảm hứng bi tráng trong tiểu thuyết tru tiên (Trang 44 - 46)