Giáo dục thời các vua Nguyễn

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 67 - 75)

Dưới triều Nguyễn, dân số dinh Trấn Biên (năm 1808 đổi thành trấn Biên Hòa) trở nên đông đúc, kinh tế phát triển. Đến năm 1832, tỉnh Biên Hòa có 20841 người, thời Tự Đức có 12190 đinh, và đến khi Pháp chiếm Biên Hòa, dân số lúc này đã là 31381 người [72, tr.11]. Dân cư đông đúc, kinh tế phát triển là một trong những điều kiện góp phần phát triển giáo dục vùng đất Biên Hòa.

Đến thời Nguyễn Ánh Gia Long, do nhu cầu phải quản lý xã hội, chính quyền họ Nguyễn cần tới một đội ngũ trí thức “khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được. Phải nên giáo dục thành tài” [55, tr.78]. Năm 1778, sau khi chiếm được Gia Định lần thứ nhất, Nguyễn Ánh đã bắt tay vào việc tổ chức cai trị Nam Bộ. Năm 1788, trong khi vua Quang Trung đang phải dốc toàn lực chống quân Thanh ở phía Bắc, Nguyễn Ánh đã xua quân chiếm lại vùng Đồng Nai – Gia Định lần cuối cùng. Từ đây, Nam Bộ hoàn toàn thuộc về nhà Nguyễn, một trong những việc làm đầu tiên của Nguyễn Ánh đó là ra lệnh miễn binh dịch và lao dịch cho học trò. Năm 1791, mở khoa thi (kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa truyện nghĩa và thơ, kỳ đệ nhị thi chiếu, chế, biểu) lấy trúng cách được 12 người. Năm 1796 lại mở khoa thi, lấy đỗ được 273 người với ba kì: kì thứ nhất: thi 2 bài kinh nghĩa – truyện nghĩa, 2 bài thơ vịnh sử - vịnh cảnh; kì đệ nhị: thi 3 bài văn sử, 3 bài văn tả cảnh; kì

đệ tam: thi 1 bài thơ và phú, 1 bài vịnh sử, 1 bài vịnh cảnh. Đáng lẽ năm 1799 sẽ có một khoa thi nữa, nhưng vì lí do chiến sự nên phải hoãn lại.

Sau khi lên ngôi vua, Gia Long định đô ở Huế, Quốc Tử Giám cũng được chuyển vào Huế. Các vua triều Nguyễn đều nhận thức được vai trò của Nho học trong việc củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền, do đó đã chú ý đến việc tổ chức giáo dục Nho học. Sau khi Gia Long lên ngôi năm 1802, trong tình hình đất nước chưa được ổn định về nhiều mặt, Gia Long chưa có khả năng tập trung quyền hành ở các địa phương về chính quyền trung ương. Ông buộc phải duy trì Bắc thành và Gia Định thành với các chức tổng trấn để cai trị. Về mặt giáo dục, năm 1802, Gia Long có bàn định đến các phép thi cử, bổ nhiệm các học quan ở các doanh trấn “đặt đốc học ở các trấn Bắc thành, lấy học sử Nguyễn Đình Tứ làm đốc học phủ Phụng Thiên, Lê Huy Sầm làm đốc học Kinh Bắc…” [59, tr.78]. Đặc biệt, năm 1803 triều đình đã định học quy cho lưu trấn Gia Định, và hoàn thành việc xây dựng học đường Gia Định, sau này thành trường tỉnh học Gia Định. Cũng giống như các triều đại phong kiến trước đó, nhà Nguyễn vẫn lấy nho học làm đạo trị nước, an dân và làm phương tiện để giáo hóa con người. Hai năm sau, triều đình cử Trương Chí Lí, Võ Xuân Biều, Hoàng Công Xuân làm Đốc học và Giáp ất phó đốc học lưu trấn Gia Định, xây học đường Gia Định. Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi trong điều kiện tình hình kinh tế - chính trị, xã hội tương đối ổn định, tính chất chuyên chế ngày càng cao, quyền hành ở các địa phương ngày càng bị hạn chế. Năm 1832, ông bãi bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước ra thành các tỉnh. Song song với tổ chức hành chính, tổ chức giáo dục ở địa phương đã được chú ý và phát triển.

Năm 1835, Minh Mạng đã định lại nhà học ở các phủ, huyện địa phương “nguyên mẫu cũ, nhà học của phủ: ba gian hai chái, dài suốt bốn trượng bốn thước bảy tấc, ngang ba trượng một thước, tiền vật liệu 200 quan.

Nay đổi làm dài ba trượng tám thước chín tấc, ngang hai trượng bốn thước ba tấc, tiền vật liệu 170 quan. Nhà học của huyện: ba gian hai chái, dài suốt ba trượng chín thước hai tấc, ngang hai trượng sáu thước bốn tấc, tiền vật liệu 150 quan, nay đổi làm dài ba trượng ba thước bốn tấc, ngang hai trượng sáu tấc, tiền vật liệu 130 quan” [57, tr.135]. Gia Long đặt cơ sở cho giáo dục, Minh Mạng củng cố cơ sở đó chặt chẽ hơn đến tận địa phương, Thiệu Trị và Tự Đức tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ đạt đến đỉnh cao của một nền giáo dục phong kiến “việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình, cho nên các tỉnh đều đặt chức đốc học, khiến cho dạy dỗ học trò để làm cái kế hay về việc tác thành nhân tài” [58, tr.280].

Nhà trường ở nước ta thời phong kiến về khái quát có thể chia làm hai loại: trường công do nhà nước quản lí, tổ chức và trường tư do nhân dân lập nên. Thời các vua Nguyễn, ngoài các trường quốc lập ở kinh đô Thăng Long, các trường học ở phủ huyện cũng đã được các vua Nguyễn chú trọng, nhất là dưới thời Minh Mạng và Tự Đức. Năm 1803, Gia Long xuống chỉ chuẩn cho các trấn ở Bắc Thành và các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Quy Nhơn, đặt chức đốc học, trợ giáo để luyện tập học trò. Năm 1822, Minh Mạng cho các doanh, trấn, đạo: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Khánh, Hà Tiên, Thanh Bình đều đặt thêm đốc học, bớt viên trợ giáo. Sau cải cách hành chính của Minh Mạng 1831 – 1832, các trường học tỉnh cũng đã được thiết lập cùng học quan phụ trách mang chức danh đốc học. Đến thời Tự Đức, việc học ở tỉnh đã được quy định cụ thể, chi tiết về trường ốc cư trú, lương gạo học bổng, chương trình khảo sát và lệ thưởng phạt. Việc học ở phủ được bắt đầu từ thời Gia Long, và được quan tâm đặc biệt từ thời Minh Mạng. Năm 1822, Minh Mạng xuống chỉ “chuẩn cho mỗi phủ đặt một viên giáo thụ, mỗi huyện đặt một viên huấn đạo” [29, tr.58] để dẫn dắt học sinh. Hệ thống trường học được thành lập đến tận phủ

huyện, có các quan chức giáo dục trông coi việc học, trường tỉnh có đốc học, trường phủ có giáo thụ, trường huyện có huấn đạo với nhiệm vụ quản lý, trông coi việc học. Do đó, việc tuyển lựa học quan rất quan trọng, là cả một quá trình cân nhắc đối với các vua triều Nguyễn, trong đó đức độ của mỗi học quan được đặt lên hàng đầu “giáo chức đặt ra là để đào tạo nhân tài dùng làm việc cho nước. Kẻ xin ứng tuyển phải là người mô phạm mới được” [60, tr.152], “đặt ra giáo chức để đào tạo nhân tài, dành cho nước nhà tuyển dụng, rất quan hệ đến việc chọn lựa những bậc mô phạm” [61, tr.222]. Tiêu chuẩn thứ hai để lựa chọn các học quan, đó là vấn đề tuổi tác “lệnh ra ở Kinh đô từ tứ phẩm trở lên, ở ngoài thì các quan địa phương đều phải xét những người học rộng, có tư thức, tuổi từ 40 trở lên có thể làm giáo chức được, cho phép được đề cử lên” [60, tr.150].

Thi cử với mục đích đào tạo lớp người làm chính sự, lựa chọn nhân tài cho đất nước, giúp triều đình giữ gìn và xây dựng đất nước; đào tạo “kẻ sĩ”, người quân tử, sống và hành động theo đạo lý của thánh hiền. Các kỳ thi đã được tổ chức nhằm mục tiêu đó, thi Hương là khoa thi được tổ chức ở các địa phương, thi Hội và thi Đình chỉ tổ chức tại kinh đô.

Lối thi cử nhà Nguyễn cũng tương tự như nhà Lê, có thi hương, thi hội, thi đình; có tiến sỹ, cử nhân, tú tài nhưng không lấy trạng nguyên. Năm 1807, Gia Long hạ chiếu quy định thi Hương và thi Hội. Năm 1807, kỳ thi hương đầu tiên của nhà Nguyễn được tổ chức tại 6 trường thi: Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương, chưa có trường thi ở miền Nam.

Năm 1813, kỳ thi hương thứ hai được mở tại 6 trường, trong đó lần đầu tiên có trường thi Gia Định. Trường thi Gia Định đã trở thành một trong những trường thi lớn tuyển chọn được nhiều nhân tài đất Nam Kỳ cho triều đình Huế, các học trò Biên Hòa có dịp dự thi trong kì thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn. Và tới năm 1825, Minh Mạng mới ban hành việc thi cử định

kỳ, 3 năm 1 lần, năm trước thi hương, năm sau thi hội. Khoa thi hội đầu tiên được mở vào năm 1822 tại kinh đô Huế. Và trong năm 1825, Minh Mạng đã định ra lệ khảo khóa học trò “từ trước tới nay học thần các địa phương hàng năm khảo khóa học trò, hoặc hai kỳ, hoặc bốn kỳ không đều. Bộ lễ xin định một năm hai khóa, lấy ngày 15 tháng tư và tháng 10 làm kỳ khóa, hạng ưu thì miễn binh đao một năm, hạng thứ thì nửa năm. Vua theo lời bàn” [56, tr.125]. Giáo dục tỉnh Biên Hòa cũng được chú trọng, năm 1839, Minh Mạng đã cử các quan Huấn đạo coi việc học ở các huyện Phước Chánh, Bình An, Long Thành. Những chính sách khuyến khích giáo dục của các vua triều Nguyễn đã tạo điều kiện cho nền giáo dục Biên Hòa có cơ hội phát triển như Trịnh Hoài Đức đã nhận xét “lúc đầu Trung hưng (triều Nguyễn) đặt chức đốc học, ban bố học quy, mở khoa thi, lối học cử nghiệp phát khởi, từ đấy lý học cùng văn chương đều từ thịnh hành tốt đẹp, mà văn phong mới trỗi dậy” [72, tr.11].

Trường học

Dưới triều Nguyễn tỉnh Biên Hòa có 10 phủ, huyện; 12190 suất đinh, và có ba trường học.

Theo Địa chí Đồng Nai, trường học tỉnh Biên Hòa có từ thời Gia Long, cùng thời với trường tỉnh Gia Định (là trường của cả lưu trấn). Trường đặt tại thôn Tân Lại, huyện Phước Long (nay thuộc địa phận phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Đến thời Minh Mạng, trường tỉnh chuyển về thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long (nay thuộc địa phận các phường Quang Vinh, Hòa Bình, thành phố Biên Hòa). Trường học tỉnh gồm một giảng đường ba gian hai chái và một nhà vuông một gian hai chái.

Tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ có hai phủ (phủ Phước Long, phủ Phước Tuy), ở mỗi phủ đều có một trường học phủ. Biên Hòa là tỉnh thứ ba của lục tỉnh (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) thời nhà Nguyễn có hai trường học

phủ. Trường học phủ gồm ba gian hai chái. Theo Địa chí Đồng Nai, trường học ở phủ Phước Long (gồm bốn huyện: Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An) được xây dựng từ trước năm 1837 “về phía đông lỵ sở của phủ” [22, tr.436] (thôn Bình Lợi, huyện Phước Chánh). Hai là trường học phủ Phước Tuy (địa bàn phủ Phước Tuy nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), được xây dựng từ năm 1837 “ở phía đông bắc lỵ sở của phủ”.

Về trường học huyện, chưa có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về thời gian xây dựng. Căn cứ vào sự sự kiện năm 1839, vua Minh Mạng đặt thêm chức Huấn đạo cho các huyện Phước Chánh, Bình An và Long Thành, để từ đó suy ra một là trước năm 1839 đã có trường học huyện, hoặc từ năm 1839, nhà Nguyễn đã đưa vào quản lý quy củ đối với trường học huyện. Về quy cách, trường học huyện được xây dựng như trường học phủ nhưng quy mô và kích thước nhỏ hơn với khoản tiền là 250 quan.

Hệ thống trường công lập tại các địa phương, trong đó có Biên Hòa ngày càng được củng cố và hoàn thiện, công tác quản lý đã được chú trọng, từ năm 1823, Minh Mạng đặt chức Đốc học coi việc học của tỉnh và phụ trách trường tỉnh, Giáo thụ phụ trách trường phủ, Huấn đạo phụ trách trường huyện. Đối với trường học ở cấp cơ sở (tổng, xã, thôn, ấp) hoàn toàn do dân đảm nhiệm, các trường ở cấp cơ sở do các thầy đồ, nho sỹ mở. Thời vua Gia Long, ông đã từng đặt chức Tổng giáo để dạy sơ học, nhưng đến thời Minh Mạng, chức này bị bãi bỏ.

Bên cạnh sự phát triển của Nho giáo theo con đường chính thống, trước và song song với đó là sự phát triển của giáo dục trong dân gian. Trước khi chính quyền chính thức mở trường học cho dân, đã có các trường tư được mọc lên do những nho sĩ hoặc những người chạy loạn từ vùng Thuận – Quảng đứng ra dạy dỗ. Và khi nhà Nguyễn đã dần ổn định tình hình, các trường tư không những vẫn tồn tại mà còn được cả người dân và chính quyền phong

kiến hết sức ủng hộ.

Nội dung học tập

Kế thừa những triều đại trước đó, nhà Nguyễn lấy học thuyết Khổng Mạnh làm nội dung giảng dạy, rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tri thức. Thường thì 6, 7 tuổi bắt đầu được đi học gọi là sơ học, học các sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh, Tứ tự kinh, ngũ ngôn, tập làm văn, khi đầu làm câu đối hai chữ, bốn chữ, biết phân biệt vần trắc, vần bằng. Ngoài ra, còn phải học các sách của Trung Quốc như Thiên tự văn, Hiếu kinh, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn. Với nội dung học tập ở bậc sơ học từ 7 tuổi trở xuống, học sinh đã có đủ chữ nghĩa và tri thức để tiếp thu kiến thức từ tứ thư, ngũ kinh ở những năm sau này. Và điều quan trọng nhất là học sinh biết lễ nghĩa “tiên học lễ hậu học văn”. Từ 10 tuổi trở đi bắt đầu học Tứ thư Ngũ kinh. Tứ thư gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử; Ngũ kinh gồm 5 kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Ngoài các loại sách kinh điển kể trên, người học còn phải tham gia học thêm sách của Bách gia chư tử. Năm 1803, vua Gia Long quy định cụ thể nội dung cần học, đó là sau sơ học đến 8 tuổi trở lên vào bậc tiểu học phải học Hiếu kinh, Trung kinh, 12 tuổi trở lên trước hết học sách Luận ngữ, Mạnh tử, thứ đến học sách Trung dung, 15 tuổi trở lên, trước hết đọc Kinh thi, Kinh thư, thứ đến là Kinh dịch, Kinh Xuân thu và sách Chư tử cùng sách Sử. Người học phải tiếp thu một khối lượng sách vở đồ sộ nên họ phải mất hàng chục năm đèn sách mới đủ sức đi thi.

Nhà trường có nhiệm vụ chuyển tải toàn bộ nội dung đó cho người học từ lúc bắt đầu đến khi lều chõng thi cử. Tại các trường lớp không có sự phân chia thành các môn học như ngày nay, phương pháp giảng dạy của thầy tùy trình độ học sinh mà dạy. Tuy nhiên, dưới các triều đại phong kiến, việc đào tạo, bồi dưỡng người thầy không được chú ý đến, không thấy sách vở nào nói

đến triều đình mở các trường sư phạm để đào tạo những người sẽ làm thầy sau này. Ở nước ta, có rất nhiều thầy giáo nổi tiếng về tài năng, đức độ nhưng không thấy ai đúc rút thành kinh nghiệm giảng dạy để truyền lại cho các thế hệ sau.

Chế độ khoa cử

Năm 1918 là năm diễn ra khoa thi Hương cuối cùng ở Trung Kỳ, đây cũng là năm có kỳ thi cuối cùng theo khoa cử phong kiến. Tuy nhiên, ở Nam Kỳ, chế độ khoa cử phong kiến đã chấm dứt vào năm 1864.

Năm 1813 là năm đầu tiên các sỹ tử Biên Hòa nói riêng và các sĩ tử Nam kì được tham dự kì thi Hương dưới triều Nguyễn.

Theo Quốc triều hương khoa lục, các sĩ tử của Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên thi chung tại trường thi Gia Định. Trường thi hương Gia Định (xưa nằm gần Chợ Đũi) – Võ Văn Tần và Cách mạng tháng Tám quận 3, từ năm 1840 trường nằm tại khuôn viên Trung tâm sinh hoạt thanh niên (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) dành cho sĩ tử sáu tỉnh Nam kì.

Từ năm 1813 đến 1864, sĩ tử Nam Bộ nói chung và sĩ tử Biên Hòa nói riêng đã có 19 kỳ thi, có 21 sĩ tử Biên Hòa đậu cử nhân (không có số liệu người đỗ tú tài). Nếu so sánh với các tỉnh Nam Kỳ, Biên Hòa đứng thứ tư về số sĩ tử đỗ đạt (xếp sau Gia Định (129), Vĩnh Long (44), Định Tường (38)). Theo Quốc triều Hương khoa lục, danh sách những người đỗ đạt gồm: Huỳnh Văn Tú (1819), Tống Đức Hưng (1821), Phạm Tuấn (1821), Đào Trí Kính, đổi là Đào Trí Phú (1825), Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Toại (1841),

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 67 - 75)