Chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 45 - 60)

Với mục đích giáo dục phục vụ lợi ích của chính quốc, thực dân Pháp thực thi những chính sách mới về văn hóa giáo dục nhằm thay đổi toàn diện nền giáo dục truyền thống của Việt Nam. Bắt đầu từ những bước đi dò dẫm

đến những bản quy chế đầu tiên, và cuối cùng là các cuộc cải cách giáo dục kiện toàn hệ thống giáo dục.

Những bước đi dò dẫm ở vùng đất Nam Kỳ (1867 – 1886)

Không đợi đến khi xâm lược xong toàn bộ Nam Kì, ngày 21/9/1861, đô đốc Charner đã kí nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc do cố đạo Croc làm hiệu trưởng, để dạy tiếng Pháp cho người Việt và tiếng Việt cho người Pháp. Học viên của trường này là những ngụy quân hoặc những tên Việt gian làm tay sai cho Pháp. Và đây chính là nơi đào tạo ra những thầy giáo cho các trường học ở Nam kỳ sau này. Ngoài thông dịch viên, thực dân Pháp cũng cần những trí thức phục vụ trong các ngành kinh tế, chính trị. Ý định sử dụng tầng lớp sĩ phu trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã bị thất bại vì vấp phải sự bất hợp tác của tuyệt đại đa số các sỹ phu.

Trước thái độ bất hợp tác của tầng lớp sĩ phu, thống đốc Nam Kì Bonard có ý định khôi phục lại chế độ khoa cử ngày trước ở các tỉnh đã chiếm được, việc thi cử học hành không bắt buộc phải có chữ Pháp hay chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, dự định “lấy lòng” tầng lớp sĩ phu của Bonard đã không thể thực hiện được vì sự phản ứng cả hai phía: nhân dân ta và thực dân Pháp. Về phía Pháp, đa số đều cho rằng kế hoạch này sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát việc dạy – học của các thầy đồ. Còn các sĩ phu Nam Kỳ cũng thấy rõ âm mưu của Pháp là muốn lợi dụng họ nên tiếp tục bất hợp tác.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp chủ trương phổ biến sâu rộng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ngày 16/7/1864 Pháp ra nghị định thành lập các trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ quốc ngữ và dạy toán. Người Pháp cho xuất bản cấp tốc ba cuốn sách giáo khoa: một về các mẫu chữ quốc ngữ, hai cuốn về số học và hình học sơ giản. Đồng thời, Pháp sử dụng các biện pháp dụ dỗ như phát phần thưởng để lôi kéo trẻ em đến trường. Song đối với dân chúng lúc bấy giờ, những ai đến trường Pháp đều là những kẻ phản quốc. Do

đó, so với công sức bỏ ra, thực dân Pháp thu được kết quả không đáng kể, đến năm 1866 Pháp mở được 47 trường với tổng số học sinh là 1238 người.

Năm 1868, sau khi đã đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ, thực dân Pháp đẩy mạnh hơn công việc giáo dục.

Ngày 10/7/1871, Pháp ra nghị định thành lập một trường sư phạm thuộc địa để đào tạo giáo viên và nhân viên công sở. Học chữ Pháp là chính, chũ Nho và chữ quốc ngữ là phụ. Những sinh viên tốt nghiệp trường này sẽ trở thành giáo viên các trường tiểu học ở các tỉnh.

Tiếp đó, năm 1873 Pháp mở trường Hậu bổ tại Sài Gòn do Luro làm hiệu trưởng nhằm đào tạo những tên thanh tra dân sự người Pháp. Cũng trong năm 1873, thực dân Pháp đã thay các trường học chữ Nho bằng các trường mới gọi là trường quốc ngữ với mục đích mau chóng đồng hóa nhân dân Nam Kỳ.

Ngày 17/11/1874, chuẩn đô đốc Krantz ký nghị định tổ chức lại ngành học chính với 4 khoản và 23 điều. Đây là bản quy chế giáo dục đầu tiên về giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam, được áp dụng từ năm 1874 đến năm 1879. Bản quy chế quy định “không một tư thục nào được mở nếu không có phép của chính quyền” [35, tr.607] (điều 3) nhằm kiểm soát các trường Hán học, khuyến khích các thầy đồ dạy chữ quốc ngữ (nếu dạy sẽ được thưởng 200 franc/năm). Bản quy chế đã chia nền giáo dục của Pháp ở Nam Kì làm 2 cấp: tiểu học và trung học với chương trình học như sau:

Cấp tiểu học (3 năm): tập đọc và tập viết chữ quốc ngữ, chữ Nho, học tiếng Pháp, toán pháp sơ đẳng, khái niệm đo đạc sơ đẳng, khái niệm tổng quát về lịch sử và địa lý.

Cấp trung học (3 năm): học kỹ tiếng Pháp, làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Nho, lịch sử, địa lý, toán học, vật lý và hóa học sơ đẳng, hội họa,… Cuối năm thứ ba, học sinh phải dự thi tất cả các môn đã học trước một

hội đồng giám khảo, ai đậu sẽ được cấp bằng brevet de capacité (bằng khả năng).

Nghị định 1874 tỏ ra không hiệu quả. Chương trình học hoàn toàn theo chương trình và giáo khoa bên Pháp thực sự không phù hợp, nhất là đối với một dân tộc đã có nền văn hiến lâu đời như Việt Nam. Do đó, tình trạng bắt học sinh như bắt lính vẫn diễn ra, nhiều làng phải “thuê” người nghèo đi học cho đủ quân số. Vì vậy, thực dân Pháp nhận thấy cần phải tiếp tục cải tổ giáo dục.

Ngày 17/3/1879, một nghị định cải tổ giáo dục mới được ban hành. Đó là bản quy chế do Lafont ký, có giá trị đến năm 1917. Bản quy chế 1879 chia nền giáo dục làm 3 cấp I, II, III; bãi bỏ tất cả những trường đã tổ chức theo quyết định ngày 17/11/1874. Theo quy định mới này, mỗi huyện đều có một

trường cấp 1, như thếcó tất cả 20 trường cấp 1 (Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho,

Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hòa, Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên, Cái Bè), bảy trường cấp 2 ((Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre), trường trung học Chasseloup Laubat (thành lập năm 1871) sẽ dạy cấp 3 nhưng tạm thời trường dạy theo chương trình cấp 2, còn trường Bá Đa Lộc sẽ dạy 3 cấp. Chữ Hán vẫn được duy trì, các trường làng vẫn hoạt động nhưng có sự kiểm soát của nhà chức trách. Chương trình học của 3 cấp được qui định cụ thể như sau:

Cấp 1 (trường tổng): học 3 năm gồm chữ Pháp, 4 phép tính, cách đo lường, chữ Hán và chữ quốc ngữ học vừa phải, đủ để biết đọc biết viết.

Cấp 2 (trường quận) học 3 năm, gồm: tiếng Pháp, số học, hình học, địa lý (nhấn mạnh đến nước Pháp và thuộc địa của Pháp), tập vẽ, chữ nho hoặc chữ quốc ngữ, lịch sử - địa lý nước Nam. Chữ nho và chữ quốc ngữ chỉ học 2

giờ/tuần. Còn lại dành cho tiếng Pháp. Cuối cấp 2 có một kì thi lấy bằng sơ học và được học lên cấp 3.

Cấp 3 trên cơ sở những môn học của cấp 2 nhưng được mở rộng và nâng cao hơn. Chữ nho và chữ quốc ngữ học 1 giờ/tuần, còn lại dành cho lớp Pháp ngữ.

Với chương trình này, ta thấy rằng địa vị chữ nho vẫn được duy trì trong các cấp học. Nhưng cũng như bản quy chế 1874, bản quy chế của Lafont cũng không có tính khả thi vì thiếu những cơ sở thực tế: như tình trạng thiếu giáo viên, sách giáo khoa, và cách tổ chức cũng không hoàn toàn chặt chẽ như các trường ở cấp cơ sở, là tổng và xã, sẽ học chữ Hán hay chữ Pháp và quốc ngữ.

Lemyre de Viler thay Lafont, không đồng ý với biện pháp của Lafont, ông ta đưa ra chủ trương mới: áp dụng một nền giáo dục với nội dung như ở Pháp, nhưng dạy bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán gần như xóa bỏ hoàn toàn. Song kết quả không như mong đợi, trình độ học sinh vẫn ở mức tầm thường.

Song song với những phương án về giáo dục, nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ còn ra những nghị định nhằm nhanh chóng đưa chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ, chữ viết chủ đạo trong đời sống.

Nghị định ngày 6/4/1878 đề ra những quy định bắt buộc người bản xứ đến năm 1882 phải dùng chữ quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ, bất cứ người nào nếu không biết chữ quốc ngữ sẽ không được tuyển dụng hoặc thăng chức.

Nghị định ngày 28/10/1879 đề ra những chính sách nhằm khuyến khích những công chức học chữ quốc ngữ, trong đó quy định sẽ thưởng từ 50 đến 100 đồng cho những làng nào viết được các công văn bằng chữ quốc ngữ.

Trong 20 năm đầu, thực dân Pháp đã có những cố gắng nhất định trong việc ban hành các chính sách phát triển giáo dục, truyền bá tiếng Pháp, xóa bỏ

chữ Hán, đào tạo một đội ngũ thông dịch viên và nho sĩ phục vụ cho đội quân xâm lược. Xa hơn nữa, thực dân Pháp đã tính đến việc thay đổi toàn diện nền giáo dục truyền thống của Việt Nam. Tương tự như công cuộc chinh phục đất đai, thực dân Pháp những mong sẽ “đánh nhanh thắng nhanh” trong việc chinh phục tâm hồn, chiếm được trái tim, khối óc của dân bản xứ. Song sự sai lầm trong chủ trương và biện pháp tổ chức giáo dục của thực dân Pháp, cộng với tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta đã làm cho con đường

“chinh phục tinh thần” của người Pháp bị chậm lại rất nhiều. Bước đầu, thực dân Pháp đã thất bại trong công cuộc truyền bá nền văn minh châu Âu.

Những cải cách giáo dục đầu tiên (1886 – 1916) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau khi đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương (1885 – 1896), Pháp bắt đầu thực thi những chính sách cải tổ, củng cố giáo dục thực dân, đồng thời tác động, thay đổi đối với Nho học của triều Nguyễn. Tuy nhiên, trong buổi giao thời lúc bấy giờ, chính quyền Pháp vẫn phải chấp nhận sự tồn tại nền giáo dục phong kiến trước khi xóa bỏ hoàn toàn.

Từ năm 1886, Paul Bert – Thống sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã thực hiện một số cải tổ với mục đích giới thiệu và phát triển giáo dục tại miền Bắc và miền Trung. Tháng 7/1886, Paul Bert ký nghị định thành lập Bắc Kỳ Hàn lâm viện, đặt trụ sở tại Hà Nội với mục đích lôi kéo các sĩ phu, các nhân sĩ để truyền bá tư tưởng, học thuật Pháp ở miền Bắc. Tháng 11/1886, Paul Bert ký nghị định thành lập một trường hoàng gia dgiành riêng cho việc giảng dạy tiếng Pháp cho con em tôn thất và con em quan lại tại Huế. Kết quả sau một năm làm việc, Paul Bert đã tổ chức một trường Thông ngôn, 9 trường tiểu học con trai, 4 trường tiểu học con gái ở Trung và Bắc Kì, 1 trường dạy vẽ và 117 trường dạy Quốc ngữ, 2 trường dạy nghề. Năm 1889, bắt đầu tuyển học sinh sang Pháp học.

Từ năm 1897 – 1902, P. Doumer – một người rất am hiểu về giáo dục, sang làm toàn quyền Đông Dương và đẩy mạnh các chương trình phát triển giáo dục. Năm 1898, P.Doumer cho thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ - cơ quan bác học, một viện nghiên cứu cao cấp, gồm những nhà trí thức lớn, và được coi như một phân viện của Hàn lâm viện khoa học Pháp. Tháng 6/1898, Doumer kí nghị định về thể thức thi chữ quốc ngữ và chữ Pháp trong các kì thi Hương nhưng chưa bắt buộc.

Ngày 14/11/1905, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh cho Toàn quyền Đông Dương được lập Nha Tổng giám đốc học chính Đông Dương có trách nhiệm tổ chức và điều hành chương trình giáo dục trên toàn Đông Dương. Ngày 8/3/1906, H. Gourdon - Tổng giám đốc đầu tiên của Học chính Đông Dương đã ra nghị định thành lập Hội đồng cải thiện giáo dục bản xứ. Hội đồng có nhiệm vụ: nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến việc sáng tạo hay tổ chức lại nền giáo dục bản xứ tại địa phương, nghiên cứu cách thức dễ dàng cho việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên cho nền giáo dục bản xứ,… Ở 5 xứ Đông Dương đều có hội đồng hoàn thiện giáo dục, các hội đồng này sẽ làm việc trực tiếp với Ủy ban thường trực của Hội đồng hoàn thiện nền giáo dục nền bản xứ Đông Dương.

Ngày 26/8/1906, danh sách các thành viên của Hội đồng địa phương để cải thiện nền giáo dục bản xứ tại Nam Kỳ đã được bổ nhiệm.

Đến năm 1906, Toàn quyền P. Beau đã ban hành nghị định cải thiện nền giáo dục bản xứ với nội dung tóm tắt như sau:

- Cải cách trong hệ thống trường Pháp – Việt gồm 2 bậc: tiểu học và trung học. Bậc tiểu học (4 năm) qua các lớp: tư, ba, nhì, nhất, chương trình dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ quốc ngữ học rất ít. Bậc trung học chia làm hai cấp: trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Chương trình học phải sửa đổi, thêm vào những điều cần thiết của khoa học phương

Tây và những tri thức thực hành thông dụng nhất. Các trường này dạy bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ, chữ Hán chỉ là môn phụ giảng dạy 1 giờ/tuần.

- Cải cách hệ thống trường dạy chữ Hán nhằm làm thay đổi cơ cấu nền giáo dục cổ truyền để dần dần thay thế bằng giáo dục Pháp – Việt. Hệ thống giáo dục Nho học chia làm 3 cấp:

Ấu học dạy ở các trường làng vừa dạy chữ Hán vừa dạy quốc ngữ và chữ Pháp. Cuối khóa học phải thi tuyển, nếu tốt nghiệp sẽ được gọi là tuyển sinh.

Tiểu học dạy ở các trường phủ, huyện do giáo thụ hay huấn đạo phụ trách. Chương trình học gồm chữ Hán (Tứ thư, lịch sử Trung Quốc), quốc ngữ (sử địa Việt Nam) và sơ lược tiếng Pháp. Cuối khóa sẽ có thi khảo khóa, người học phải có bằng tuyển sinh và dưới 27 tuổi, ai đậu được gọi là khóa sinh.

Trung học được dạy ở tỉnh lị do đốc học phụ trách, đốc học dạy Hán văn, ngũ kinh,…một giáo viên khác dạy thêm chương trình Pháp – Việt. Cuối khóa có thi hạch, người học phải có bằng khóa sinh và dưới 30 tuổi, ai đậu sẽ được gọi là thí sinh để có thể đi dự thi Hương.

- Cải cách thi Hương: thi Hương được tổ chức 3 năm một kỳ tại các thành phố có trường thi cũ cùng nghi thức như xưa, gồm 4 môn: văn sách bằng chứ Hán, sủ địa…bằng quốc ngữ, phiên dịch từ Hán sang Pháp và từ Pháp sang quốc ngữ, luận bằng ba thứ tiếng Hán – Việt – Pháp. Ai đậu cao, sau khi qua cả bốn môn, được gọi là cử nhân, ai đậu thấp gọi là tú tài. Bắc Kì thi Hương lần cuối cùng vào năm 1915, với Trung Kì là năm 1918.

Thi hội và thi đình sẽ được cải tổ cho thích ứng với đề nghị của Hội đồng cải thiện giáo dục bản xứ.

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ nền giáo dục nho học sang nền giáo dục mới theo chính sách của Pháp, tháng 9/1907, Pháp cho lập Bộ Học ở triều

đình nhà Nguyễn để chuyên lo việc học hành, thi cử thay cho Bộ Lễ. Từ 1909, việc sửa đổi thi Hương được mở rộng và tăng cường thêm theo hướng nâng cao chất lượng người đỗ về tiếng Pháp và quốc ngữ để có thể bổ nhiệm vào các chức quan trong chính phủ Nam triều.

Tháng 4/1913, Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ quyết định bãi bỏ học chữ Hán trong các trường Pháp – Việt cấp 1 và cấp bổ túc.

Tháng 6/1914, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh cho thiết lập ở Đông Dương một loại bằng tương đương với bằng tú tài phần I và II của Pháp dành riêng cho con em quan cai trị và kiều dân Pháp.

Như vậy đến những năm cuối của chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã áp dụng cho Việt Nam hai nền giáo dục: nền giáo dục cũ có cải cách và nền giáo dục mới gọi là giáo dục Pháp – Việt. Trong buổi giao thời, thực dân Pháp biết rằng không thể xóa bỏ ngay nền giáo dục phong kiến, nhưng cũng không thể cho tồn tại, bởi vì nền giáo dục nho học không thể phục vụ mục tiêu giáo dục của Pháp mà chỉ có thể lợi dụng mà thôi. Chúng đã dùng giáo dục phong kiến làm chỗ dựa để tạo điều kiện cho giáo dục thực dân

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 45 - 60)