Giáo dục – một phương tiện cai trị

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 41 - 45)

Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Năm 1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất nhượng cho Pháp ba tỉnh (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) làm thuộc địa. Năm 1867, Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Bất chấp sự đầu hàng của triều đình Huế, nhân dân khắp nơi vẫn kiên cường chống giặc ngoại xâm làm cho thực dân Pháp thất điên bát đảo. Trong các cuộc chiến, sau thắng lợi bằng cung kiếm, súng đạn, phải cầm lấy bút nghiên, phải thay phép võ trị của thời chiến bằng phép văn trị của thời bình. Thực tế cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chứng minh cho Pháp thấy rằng để đô hộ và cai trị một dân tộc, nhất là với một dân tộc có nền văn minh lâu đời hơn nước Pháp, chỉ có chinh phục đất đai là chưa đủ mà cần phải chinh phục tâm hồn nữa. Trong cuộc chinh phục tâm hồn đó, giáo dục được xem là một công cụ mạnh nhất và hữu hiệu nhất, pháp luật chỉ chinh phục trong một thời gian ngắn, chỉ có giáo dục mới chinh phục con người mãi mãi.

Giáo dục Việt Nam gắn liền với Nho học, nay thực dân Pháp muốn cắt đứt quá khứ đó và thay bằng một nền giáo dục của Pháp. Do đó, ngay sau khi chiếm ba tỉnh miền đông chiếm Nam Kì, người Pháp lập tức loại bỏ nền giáo dục Nho học, năm 1864 là kì thi Hương cuối cùng ở Nam Kì (tổ chức ở

trường thi An Giang trước khi bị Pháp chiếm). Đồng thời, nghị định ngày 6/4/1878 đề ra những quy định bắt buộc người bản xứ đến năm 1882 phải dùng chữ quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ.

Sử dụng giáo dục, truyền bá tư tưởng văn hóa của chính quốc làm công cụ quan trọng phục vụ cho sự thống trị là chủ trương chung của các nước thực dân khi tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Thực dân Pháp không phải là ngoại lệ. Đó là lý do giải thích vì sao, ngày 21/9/1861, ngay sau khi chiếm được đại đồn Chí Hòa, đô đốc Charner đã ký nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc để dạy tiếng Việt cho người Pháp và dạy tiếng Pháp cho người Việt.

Mặt khác, thực dân Pháp muốn thiết lập nhanh chóng mối quan hệ trực tiếp với dân chúng Việt Nam.

Để có thể cai trị và buôn bán, thực dân Pháp cần phải giao thiệp với người Việt Nam càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, bất đồng về ngôn ngữ là một trở ngại không dễ gì vượt qua. Đã có một thời gian, người Pháp sử dụng những người bản xứ làm trung gian, nhưng lòng trung thành của họ đối với nước Pháp vẫn là một câu hỏi lớn. Do đó, nhiều biện pháp đã được đề xuất để khắc phục rào cản ngôn ngữ, hoặc người Pháp phải học tiếng nói và chữ viết của người Việt Nam, tức là chữ Hán và chữ Nôm; hoặc là người Việt Nam học chữ Pháp hay một thứ chữ nào đó mà người Pháp có thể học được một cách dễ dàng. Học chữ Hán và chữ Nôm là một khó khăn không chỉ với người Pháp mà còn đối với hầu hết người châu Âu. Đây thực sự là thứ chữ rất khó học đối với phương Tây. Vậy người Việt Nam phải học tiếng Pháp? Một bộ phận chính giới Pháp chủ trương phổ biến rộng rãi tiếng Pháp cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Song cách giải quyết này rất tốn kém, chi phí đào tạo một giáo viên dạy tiếng Pháp là không nhỏ. Hơn nữa, thời gian đào tạo sẽ kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu “giao dịch” ngày càng cấp thiết với dân bản xứ. Cuối cùng, Pháp đành phải chủ trương “cần phải từ từ, phải đành lòng

dùng những phương tiện vừa có sức thuyết phục, lại vừa là phương tiện ít tốn kém đồng thời chính trị hơn, vững chắc hơn” [30, tr.15].

Vì vậy, một phương pháp vừa ít tốn kém, vừa có tính thuyết phục để khắc phục bất đồng ngôn ngữ đã được người Pháp lựa chọn. Nghĩa là chữ quốc ngữ được dùng làm chuyển ngữ trong một vài lớp đầu tiên rồi sau đó mới chuyển sang học tiếng Pháp. Theo người Pháp, việc dùng chữ quốc ngữ là một giải pháp tạm thời nhưng có lợi cho chính họ bởi “người bản xứ có thể đọc và viết bằng chữ quốc ngữ đối với ta hết sức có lợi, các công chức của chúng ta, các nhà buôn của chúng ta có thể học rất dễ dàng cách kí hiệu đó, và sự liên hệ của chúng ta với người bản xứ sẽ dễ dàng hơn” [30, tr.15]. Biện pháp này không những có tính khả thi cao mà còn khắc phục được những hạn chế về thời gian, ngân sách của chính quyền thực dân. Đặc biệt, việc sử dụng chữ quốc ngữ sẽ nhanh chóng hạn chế, dần đi đến gạt bỏ được chữ Hán cũng như ảnh hưởng của tầng lớp sĩ phu vốn đang gây khó khăn cho thực dân Pháp trong công cuộc bình định và cai trị ở Nam Kì.

Mục đích thứ ba thôi thúc người Pháp phát triển giáo dục ở Việt Nam, đó là nhanh chóng đào tạo những người thừa hành ngoan ngoãn, những tay sai trung thành giúp việc cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Vì muốn thống trị một dân tộc, kẻ đi thống trị không thể không dựa vào một bộ phận trong những người bị trị. Sử dụng người bản xứ là một biện pháp khắc phục những bất đồng về ngôn ngữ và không gây ra sự hỗn loạn nào trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa, việc sử dụng những người bản xứ trong bộ máy cai trị của mình còn có lợi cho người Pháp trong việc tiết kiệm ngân sách vì phải trả lương ít hơn. Đó cũng là lý do vì sao thực dân Pháp ra sức lôi kéo tầng lớp sĩ phu – những người có học thức và có uy tín trong xã hội lúc bấy giờ. Nhưng ý định trên đã thất bại, vì vấp phải sự bất hợp tác của các sĩ phu, với họ thực dân Pháp chỉ có thể là kẻ thù, không thể hợp tác. Trước tình hình đó, thực dân

Pháp buộc phải nhanh chóng đặt ra một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo một đội quân thừa hành mới, đồng thời nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng thù địch của các sĩ phu. Do đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy trường học đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là trường thông ngôn năm 1861, ngoài ra còn có trường Hậu bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan) ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911. Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền giáo dục mới của Pháp.

Không những thế, khi xây dựng nền giáo dục mới, thực dân Pháp mong muốn truyền bá những tư tưởng tiến bộ Pháp, lòng biết ơn và lòng trung thành với chính quốc Pháp. Đồng thời thực hiện mục đích mị dân, làm cho dân ta tin tưởng vào lòng thành, tin vào sự văn minh, tiến bộ của nước Pháp.

Như vậy, thực dân Pháp chú ý, quan tâm, phát triển giáo dục nhằm năm mục đích cơ bản: một là chinh phục tinh thần, chiếm được trái tim, khối óc của người bản xứ sau khi đã hoàn tất công cuộc chinh phục đất đai; hai là đào tạo một lớp thừa hành ngoan ngoãn, trung thành phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp; ba là người Pháp có thể trực tiếp giao thiệp với dân chúng Việt Nam mà không cần thông qua những người trung gian; bốn là truyền bá tư tưởng văn hóa Pháp và cuối cùng là nhằm mục đích mị dân. Thực dân Pháp muốn sử dụng giáo dục như một công cụ phục vụ cho chính sách cai trị nhằm duy trì vĩnh viễn ách thống trị của chính quyền thực dân lên đất nước ta. Điều này đã chi phối đến nội dung được giảng dạy trong nhà trường “chỉ cần dạy tiếng Phap cho người an Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán một chút thôi, biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích” [31, tr.400]. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo chung của bọn thực dân khi muốn thi hành chính sách giáo dục ở các nước thuộc địa.

Trước hết, nội dung giảng dạy trong nhà trường là một nội dung phản dân tộc, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân. Tiếng Việt trở thành ngoại ngữ

với chính người dân Việt Nam. Tiếng nói duy nhất rong nhà trường là tiếng Pháp, cả lúc giảng bài và lúc thầy trò giao tiếp. Lịch sử Việt Nam từ năm thứ ba cao đẳng tiểu học đã không còn ở thời khóa biểu. Thậm chí, lịch sử nước nhà được dạy với một tinh thần xuyên tạc, bóp méo, lịch sử chỉ là lịch sử của cá nhân, của triều đại, vai trò của quần chúng nhân dân không hề được nhắc đến, những cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền thống trị được xem là những cuộc bạo loạn, là những quân giặc cướp.

Hơn nữa, những kiến thức của văn minh châu Âu, những phát minh khoa học, những tư tưởng tiến bộ của thời đại lại bị bưng bít, chủ nghĩa Marx không bao giờ được nhắc đến. Ngay cả những tư tưởng tiến bộ của nước mẹ Pháp cũng không đến được với dân chúng Việt Nam một cách đầy đủ, các nhà triết học duy vật Pháp không được nhắc đến hoặc chỉ được nhắc đến một cách qua loa. Cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 – một cuộc Đại cách mạng của lịch sử thế giới có lúc bị xem là hiện tượng sai trái. Thực dân Pháp tìm mọi cách bưng bít, không cho người Việt Nam được tiếp xúc với những phát minh khoa học, những tư tưởng tiến bộ ở nước ngoài.

Như vậy, xuất phát từ nhu cầu phục vụ bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, từ lợi ích của chính quốc, thực dân Pháp đã quan tâm đến giáo dục. Tuy nhiên, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam với tham vọng biến Việt Nam thành một thị trường phục vụ cho công cuộc khai thác, hoàn toàn không phải là để khai hóa. Do đó, chủ trương phát triển giáo dục của thực dân Pháp nhằm mục đích duy trì vĩnh viễn ách thống trị lên đất nước ta. Thực tế cũng đã chứng minh, chính quyền thực dân luôn đi đúng mục tiêu đã đề ra.

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945 (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)