1954 -1975
2.2.3. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực giáo dục – đào
học – kỹ thuật, văn hóa, y tế
Đến năm 1954, khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã có hơn 160 sinh viên học ở các trường đại học Liên Xô [25, tr.89]. Từ sau ngày miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Các ngành, các địa phương đều có nhu cầu lớn về cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế. Để đáp ứng yêu cầu đó, Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển nhanh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp nhằm đào tạo cán bộ với các ngành nghề cần thiết cho đất nước, đồng thời đẩy mạnh việc gửi cán bộ và học sinh sang đào tạo, bồi dưỡng ở Liên Xô và các nước XHCNanh em khác. Trong cả hai công tác này, sự giúp đỡ của Liên Xô đều rất quan trọng, to lớn và có hiệu quả cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô đối với sự phát triển kinh tế và văn hóa của nước ta.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hai nhà nước đã thực hiện đúng tinh thần của những hiệp định đã ký kết, đó là Hiệp định ký ngày 27/8/1955, tại
Matxcơva về vấn đề học tập, ăn ở, trình độ học vấn của những công dân Việt Nam tại các trường trung cấp và đại học ở Liên Xô, trong đó quy định rõ phía Liên Xô lo và cung cấp hoàn toàn. Thực hiện những nội dung của hiệp định, Liên Xô đã cử nhiều chuyên gia sang giúp chúng ta xây dựng chương trình và nội dung giảng dạy của các trường đại học và cao đẳng. Đó là những giáo sư tiến sĩ, phó tiến sĩ toán học, vật lý học, sinh vật học, hóa học, ngữ văn, khảo cổ học… đến làm việc ở Trường đại học tổng hợp Hà Nội, Trường đại học sư phạm Hà Nội, Trường đại học bách khoa Hà Nội, những chuyên gia nông nghiệp, lâm nghiệp làm việc ở Học viện nông lâm (nay là trường đại học nông nghiệp I), các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ cao cấp làm việc tại Trường đại học y – dược Hà Nội, các giáo sư nghệ sĩ nổi tiếng làm việc ở Trường cao đẳng mỹ thuật, Trường âm nhạc Việt Nam, Trường đào tạo diễn viên múa… Các chuyên gia Liên Xô đã đem hết tài năng và nhiệt tình giúp đỡ các trường trong việc xác định mục tiêu đào tạo, kế hoạch học tập, chương trình các môn học và trực tiếp tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy… Hình ảnh ấy mãi mãi là những kỷ niệm sâu sắc đối với các cán bộ và sinh viên Việt Nam, là hình ảnh đẹp đẽ của tình hữu nghị Việt – Xô.
Từ năm 1961, sau khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh, hoàn thành cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, công thương nghiệp, nền kinh tế nước ta đi vào phát triển dài hạn với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Gắn chặt với sự phát triển kinh tế của đất nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế của nước ta trong những năm này đã phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đã xây dựng được những trường đại học trọng điểm đầu ngành với quy mô tương đối lớn, có các ngành nghề đào tạo cần thiết cho đất nước trong giai đoạn phát triển mới này. Cuộc vận động xây dựng nhà trường XHCN, gắn nhà trường với xã hội, học kết hợp với hành, giáo dục, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất được tiến hành
sâu rộng và có hiệu quả trong toàn ngành. Năm học 1955 – 1956, ở miền Bắc nước ta chỉ mới có 4 trường đại học với 48 cán bộ giảng dạy, 1.200 sinh viên và 8 trường trung học chuyên nghiệp với 100 giáo viên và 2.800 học sinh thì đến năm 1964 – 1965 đã có 16 trường đại học, cao đẳng với 2.750 cán bộ giảng dạy, 29.000 sinh viên và 112 trường trung học chuyên nghiệp với 3.000 giáo viên, 42.600 học sinh [25, tr.90]. Trong số cán bộ giảng dạy và giáo viên ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, những người được đào tạo và bồi dưỡng ở Liên Xô về đã có nhiều đóng góp tích cực và quan trọng trong công tác xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, trong việc lập thêm các chuyên gia đào tạo, biên soạn chương trình môn học và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của nhà trường.
Quan hệ hữu nghị Xô – Việt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được thắt chặt thêm với việc năm 1956, Liên Xô đã cử một số sinh viên sang học tập ở Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Từ đó, đã có hàng trăm sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh Liên Xô sang học tập và nghiên cứu ở Việt Nam. Thông qua công tác đào tạo, ngành đại học và trung học chuyên nghiệp của chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm tốt để đào tạo cán bộ cho các nước bạn, nhất là đối với Lào và Campuchia anh em và dạy tiếng Việt cho lưu học sinh của 30 nước trên thế giới học tập ở Việt Nam.
Đi đôi với việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi chuyên gia và lưu học sinh, Liên Xô đã giúp chúng ta xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của một số trường như sách giáo khoa, tạp chí, đồ dùng dạy học, thiết bị nghiên cứu khoa học, và tiêu biểu là việc Liên Xô trang bị cho Trường đại học nông nghiệp I, xây dựng cơ sở và trang bị đồng bộ cho Trường đại học bách khoa Hà Nội.
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chúng ta luôn nhận được sự hợp tác và giúp đỡ quý báu có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Sự
hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô đã phát triển từ thấp đến cao, ngày càng phong phú và toàn diện, mang lại những hiệu quả thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Ngày 7/3/1959, Liên Xô đã ký với nước VNDCCH Hiệp định về sự hợp tác khoa học và kỹ thuật.Đây là một sự kiện quan trọng đặt nền tảng cho việc phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản. Theo sự ủy nhiệm của Chính phủ hai nước, Uỷ ban hỗn hợp hợp tác khoa học kỹ thuật Việt – Xô, sau đổi thành Tiểu ban thường trực hợp tác khoa học và kỹ thuật trong Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Liên Xô đã được thành lập. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác anh em giữa hai nước.
Đầu những năm 60, Liên Xô còn giúp Việt Nam khởi công xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học Nghĩa Đô Hà Nội, song do chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, công trình bị gián đoạn. Mặc dù vậy, cuối cùng, công trình cũng hoàn thành trở thành trung tâm lớn – cái nôi của các ngành khoa học tự nhiên.
Trong lĩnh vực văn hóa, sự hợp tác Liên Xô – Việt Nam diễn ra rất phong phú đa dạng ở nhiều khía cạnh: ngôn ngữ - văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc… Tháng 2/1957, Hiệp định hợp tác văn hóa được ký kết giữa Liên Xô và Việt Nam, mở ra triển vọng tốt đẹp cho quan hệ văn hóa giữa hai nước.
Trên khía cạnh ngôn ngữ, văn học – nghệ thuật, sự hợp tác giữa hai nước đã có hiệu quả lớn.Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của tiếng Nga và nền văn hóa Nga Xô Viết.Từ năm 1956, tiếng Nga được đưa vào giảng dạy và trở thành ngoại ngữ phổ biến trong các trường đại học và trung học.Tiêu biểu là Trường đại học sư phạm Hà Nội, ngay từ khi thành lập năm 1958, đã có khoa tiếng Nga.Đến năm 1958, bộ môn văn học Nga Xô Viết được chính thức đưa vào giảng dạy ở Việt Nam.Cũng từ đây,
việc dịch thuật và giới thiệu văn học Xô Viết được đẩy mạnh. Nhiều tác phẩm của các nhà văn Xô Viết như Gorki, Simonov, Sôlôkhôv… được dịch sang tiếng Việt.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tiếng Việt của Liên Xô cũng được đẩy mạnh. Ngành Việt Nam học Xô Viết tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: Lịch sử, Triết học, Tôn giáo, Kinh tế học, Địa lý, Văn học… và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Có thể kể tới thành tựu về lịch sử như tác phẩm “Chính sách của Pháp ở Việt Nam và Trung Quốc” của Đemen, về địa lý có “Việt Nam” là cuốn sách địa lý Việt Nam đầu tiên ở Liên Xô. Đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn học Liên Xô quan tâm, tiêu biểu là GS.TS N. Niculin với công trình đầu tiên về “Nguyễn Du” (1961). Từ năm 1946 đến năm 1965, Liên Xô đã dịch và xuất bản hơn 50 tác phẩm của Việt Nam ra tiếng Nga.
Bên cạnh việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhau, giữa hai bên cũng đã dịch, xuất bản và phát hành rộng rãi các văn kiện của hai Đảng, hai Nhà nước nhằm giới thiệu những kinh nghiệm của nhau trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, giới thiệu chính sách hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc nhằm phối hợp đấu tranh để bảo vệ hòa bình thế giới và hòa dịu quốc tế.
Trên lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và hội họa, sự hợp tác giữa hai nước cũng diễn ra rất đa dạng. Sự giúp đỡ của Liên Xô cho ngành điện ảnh Việt Nam bao gồm nhiều mặt như: đào tạo cán bộ, cung cấp tư liệu, thiết bịcủa điện ảnh… Có thể nói mỗi bước đi lên của ngành điện ảnh Việt Nam đều gắn liền với sự giúp đỡ của ngành điện ảnh Liên Xô.Năm 1958, một nữ nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng – chị Dinaida Kiriencô đã đến Việt Nam. Về phía Việt Nam, việc trình chiếu các bộ phim Liên Xô đã thu hút được nhiều khán giả. Từ năm 1958 đến năm 1964, trong các rạp chiếu bóng của Việt Nam đã chiếu hơn 300 bộ phim của Liên Xô.
Trong lĩnh vực y tế, Liên Xô cũng đã giúp đỡ đào tạo một số cán bộ Việt Nam sang học ở các trường Đại học Y Matxcơva. Năm 1956, một số giáo sư cũng sang Việt Nam giúp trường Đại học Y dược Hà Nội trong việc đào tạo cán bộ và trao đổi kinh nghiệm. Liên Xô còn giúp nhiều thuốc men, thiết bị sang Việt Nam chống các bệnh như bệnh sốt rét, dịch hạch… Năm 1955, chính phủ Liên Xô đã cử chuyên gia sang phối hợp với ngành Y tế Việt Nam đến các vùng Hòa Bình, Tuyên Quang… để tìm hiểu điều tra về bệnh sốt rét. Trên cơ sở đó, năm 1958, Đảng và chính phủ Liên Xô đã quyết định viện trợ dài hạn cho Việt Nam thực hiện chương trình thanh toán bệnh sốt rét bao gồm: thuốc chống sốt rét, các phương tiện hóa chất diệt muỗi… Bằng sự cố gắng của các thầy thuốc Việt Nam và sự tận tình giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, bệnh sốt rét dần được đẩy lùi ở miền Bắc Việt Nam.
Như vậy, trong giai đoạn 1954 – 1964 Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ Liên Xô. Sự giúp đỡ của Liên Xô góp phần vào khôi phục kinh tế và xây dựng chủ ngĩa xã hội ở miền Bắc. Tuy nhiên quan hệ Việt – Xô giai đoạn 1954 – 1964 bị chi phối bởi hai cực đối đầu Xô – Mỹ, trong đó lợi ích của Liên Xô mang dấu ấn đậm nét.