1954 -1975
2.2.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực kinh tế thương
Theo các hiệp định ký kết trong chuyến thăm hữu nghị chính thức của đoàn đại biểu Chính phủ nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu thì chính phủ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 400 triệu rúp không hoàn lại để nâng cao mức sống của nhân dân và khôi phục kinh tế, trong đó bao gồm cả khôi phục và xây dựng 25 xí nghiệp công nghiệp và xí nghiệp phúc lợi xã hội [26, tr.134].
Sau hòa bình lập lại, đời sống nhân dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn.Ngày 7/9/1955, hai chiếc tàu Liên Xô trọng tải 6.500 tấn và 3.000 tấn chở phốt phát đã cập bến Sáu Kho (Hải Phòng) [26, tr.136].Đây là số hàng của Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp Việt Nam nhằm khôi phục kinh tế sau khi hòa bình lập lại.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch 3 năm (1957 -1960), miền Bắc Việt Nam và Liên Xô đã ký một số hiệp định kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc cải tạo XHCN ở miền Bắc Việt Nam. Theo hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Liên Xô tháng 3/1959, chính phủ Liên Xô cho Việt Nam vay một khoản tín dụng dài hạn với điều khoản ưu đãi trị giá 100 triệu rúp để Việt Nam hoàn thành kế hoạch 3 năm. Đến tháng 6/ 1960 tại Matxcơva, Bộ trưởng bộ Nông trường quốc doanh Trần Hữu Dực và Phó Chủ tịch ủy ban liên lạc kinh tế với nước ngoài Ivarôkhipôp ký Hiệp định về mở rộng sản xuất cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm. Trong đó, Liên Xô cho Việt
Nam vay dài hạn 350 triệu rúp với điều kiện ưu đãi để chi phí về thiết bị máy móc nông nghiệp, vật tư, công tác khảo sát thiết kế và các chi phí khác, giúp Việt Nam xây dựng một số nông trường và xí nghiệp công nghiệp chế biến hoa quả [26, tr.176 -177].
Đầu những năm 60, khi Việt Nam tiến hành thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), Liên Xô tiếp tục cho Việt Nam vay dài hạn số tiền 430 triệu rúp với mức lãi xuất ưu đãi hàng năm là 2% và viện trợ 20 triệu rúp không phải hoàn lại và đảm bảo dùng số tiền đó để gửi sang Việt Nam một số chuyên gia và cán bộ y tế cần thiết, đồng thời cung cấp thuốc men, thuốc sát trùng, thiết bị và phương tiện vận tải [27,tr.57 -58].
Thực hiện các hiệp định đã ký, kể từ năm 1955, cùng với các khoản viện trợ, Liên Xô còn lần lượt đưa đội ngũ chuyên gia giỏi của mình sang giúp Việt Nam khôi phục, cải tạo xây dựng hàng loạt xí nghiệp và các cơ sở kinh tế khác. Trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… đều có mặt các chuyên gia Liên Xô với vai trò cố vấn kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thi công và đào tạo cán bộ, công nhân cho Việt Nam. Trong đó, sự hợp tác giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô tập trung vào lĩnh vực công nghiệp ở các ngành như luyện kim – cơ khí, năng lượng, hóa chất…Vì đây là những ngành cần thiết để tạo ra tiềm lực kinh tế cho Việt Nam và cơ sở vật chất kỹ thuật cho xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đầu tiên phải nói tới sự hợp tác có hiệu quả của các chuyên gia Liên Xô đối với ngành cơ khí luyện kim – một ngành then chốt trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, nhưng do chiến tranh tàn phá nên chưa có điều kiện phát triển. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, một loạt các công trình, ngành cơ khí, chế tạo sửa chữa được khôi phục và xây dựng mới lại.Trong đó, tiêu biểu là khu công nghiệp mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), Nhà máy chế tạo công cụ số 1.
Ngành năng lượng là ngành công nghiệp nhận được sự hợp tác, giúp đỡ có hiệu quả nhất từ các chuyên gia Liên Xô. Họ đã giúp Việt Nam khôi phục, tổ chức khai thác những nguồn tài nguyên điện năng, than, dầu khí giàu tiềm năng phục vụ hữu ích cho sự phát triển kinh tế sau chiến tranh. Sau khi miền Bắc được giải phóng, để đáp ứng nhu cầu điện lực trong sản xuất và tiêu dùng, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy điện mới ở các khu vực Nà Ngần (Cao Bằng), Uông Bí (Quảng Ninh), Bàn Thạch (Thanh Hóa), Thác Bà…Trong đó, hai nhà máy điện Uông Bí và Thác Bà có công suất lớn nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ, đã trở thành trung tâm của lưới điện. Nhờ sự giúp đỡ và hợp tác hữu nghị của Liên Xô, thời gian này, miền Bắc nước ta đã có một hệ thống điện tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho nhu cầu cấp thiết trong sản xuất và phát triển kinh tế.
Trong ngành than, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Liên Xô đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam khôi phục và đưa các cơ sở khai thác và chế biến than ở vùng Hòn Gai – Cẩm Phả trở lại hoạt động, góp phần quan trọng vào việc khôi phục kinh tế những năm 1955- 1960. Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 -1965), các chuyên gia Liên Xô cũng giúp ta trong việc khảo sát, thiết kế nhằm khôi phục và mở rộng các mỏ than như Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu… với năng suất 3,7 triệu tấn/ năm.
Một ngành khác cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, đó là ngành công nghiệp dầu khí. Ngay trong những năm đầu sau khi miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Liên Xô đã gửi những chuyên gia địa chất dầu khí ưu tú với tinh thần quốc tế cao cả và đầy nhiệt tình cách mạng, với tri thức nghề nghiệp sâu rộng sang giúp đỡ nhân dân ta nghiên cứu, tìm kiếm dầu khí. Trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm của mình, các chuyên gia địa chất dầu khí Liên Xô đầu tiên đã khẳng định ở Việt Nam có dầu khí và đề nghị với Chính phủ nước ta sớm triển khai công tác nghiên cứu tìm kiếm nguồn tài
nguyên quý giá này. Để giúp Việt nam thực hiện công việc mới mẻ đó, năm 1959, Bộ địa chất Liên Xô đã cử đồng chí Kitôvannhi - nhà địa chất dầu khí Xô Viết thông minh, tài ba sang nước ta nghiên cứu và xác định vùng triển vọng dầu khí. Sau gần hai năm (1959 – 1960) lao động khẩn trương, khắc phục biết bao khó khăn thiếu thốn trong tình hình miền Bắc vừa mới giải phóng, lội suối trèo đèo, tiến hành lộ trình hàng chục nghìn kilômet,tiến hành khảo sát địa chất trên khắp miền rừng núi, hải đảo của miền Bắc nước ta, đồng chí Kitôvannhi đã hoàn thành xuất sắc bản báo cáo về việc phân vùng triển vọng dầu khí và nêu ra phương pháp tìm kiếm dầu khí ở nước ta. Thực hiện phương hướng trên, từ những năm 60, Chính phủ Liên Xô đã cử các đoàn chuyên gia đồng bộ giàu kinh nghiệm sang Việt Nam để tiến hành thăm dò địa vật lý trên vùng trũng Hà Nội. Năm 1961, đoàn địa chất 36 ra đời, là mốc lớn trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam. Cũng từ đây, các chuyên gia Liên Xô đã sát cánh cùng với một số kỹ thuật viên Việt Nam tìm kiếm, thăm dò vùng trũng sông Hồng, thực hiện giếng khoan đầu tiên ở Khoái Châu (Hưng Yên). Những bước đi đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác trong ngành dầu khí giữa hai nước ở giai đoạn tiếp theo.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải Việt Nam đều nhận được sự hợp tác hữu nghị và giúp đỡ của Liên Xô.
Trong nông nghệp, Liên Xô giúp Việt Nam một số trang thiết bị máy móc, cử chuyên gia sang giúp Việt Nam. Năm 1956, Liên Xô đã giúp chúng ta trang bị 10 phòng phân tích nông hóa và cử chuyên gia sang giúp chúng ta xây dựng bản đồ thổ nhưỡng miền Bắc. Trên cơ sở các tài liệu ban đầu, đặc biệt là nhờ có sự bồi dưỡng của các chuyên gia Liên Xô, đội ngũ cán bộ khoa học nông nghiệp nước ta nắm được nội dung và phương pháp phân tích, đánh giá tiềm năng và xây dựng bản đồ thổ nhưỡng để sau này mở rộng ra các địa
bàn trong cả nước. Những tài liệu quý giá đó đã giúp cho Đảng, Nhà nước ta đánh giá được tài nguyên đất Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương chính sách trong việc xác định các phương án phát triển nông lâm nghiệp của nước ta. Trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế năm 1957 -1960, cùng với quá trình tập thể hóa nông nghiệp, chúng ta chủ trương xây dựng các cơ sở quốc doanh nông nghiệp. Để thực hiện chủ trương đó, đầu năm 1961, Liên Xô nhận giúp Việt Nam xây dựng ngành nông trường quốc doanh, trước mắt là xây 42 nông trường quốc doanh. Từ tháng 7/1955 đến năm 1964, ước tính Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng và tu sửa lại gần 150 xí nghiệp khác nhau [13,tr.10].
Trong ngành giao thông vận tải, sự giúp đỡ của Liên Xô bắt đầu từ việc chiếc tàu mang tên Áckhanghenxcơ sang giúp Việt Nam vận chuyển bộ đội và cán bộ từ miền Nam tập kết ra miền Bắc vào cuối năm 1954. Có thể nói, đây là chiếc tàu biển đầu tiên mở đường hàng hải, thiết lập cầu hữu nghị giữa các cảng biển Liên Xô và Việt Nam, bắt đầu thời kỳ giúp đỡ và hợp tác trên thực tế trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước. Từ năm 1955, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã gửi giúp chúng ta một số tàu kỹ thuật như: tàu lai dắt, tàu hút, tàu cuốc để nhanh chóng khai thông cảng Hải Phòng, cửa ngõ của miền Bắc nước ta bị ứ tắc sau nhiều năm chiến tranh. Đồng thời, Liên Xô cũng chuẩn bị kế hoạch giúp chúng ta khôi phục và mở rộng cảng Hải Phòng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Từ năm 1956, thông qua hệ thống đường sắt liên vận quốc tế, ngành đường sắt Liên Xô trong nhiều năm liên tục đã đảm bảo vận chuyển cho nước ta khối lượng hàng hóa quan trọng từ Liên Xô và các nước XHCN anh em khác, phục vụ cho nhu cầu đời sống, chiến đấu và xây dựng của nhân dân ta. Hàng vạn con em Việt Nam đi học ở Liên Xô và các nước khác trong suốt
thời gian này cũng đều được ngành đường sắt Liên Xô bảo đảm vận chuyển kịp thời và an toàn.
Sự hợp tác kinh tế Việt – Xô giai đoạn này đã rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong những năm 1954 -1965, các xí nghiệp do Liên Xô giúp đỡ xây dựng đã cung cấp gần 46% điện năng của nước VNDCCH, 64% than đá, 100% diện tích trồng cao su, 98% diện tích trồng cà phê, 70% diện tích trồng chè [13,tr.11].
Trong hợp tác kinh tế, giai đoạn 1955 -1964, mối quan hệ thương mại Việt Nam – Liên Xô được tạo cơ sở bởi Hiệp ước đầu tiên đó là Hiệp định về viện trợ kinh tế - kỹ thuật ngày 18/7/1955, tiếp đến là hiệp định thương mại và hàng hóa Xô – Việt ký ngày 12/3/1958. Trên cơ sở những hiệp định này, Liên Xô đã mở rộng nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có điều kiện xuất khẩu bằng cách giao nguyên liệu và nhận lại sản phẩm từ các nguyên liệu gia công đó như các mặt hàng dệt và may mặc, hàng thảm len…Với sự giúp đỡ của Liên Xô, trong những năm 50, việc trao đổi hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. So với năm 1956, kim ngạch xuất và nhập khẩu năm 1960 tăng 13 lần, trong đó xuất khẩu tăng 17 lần. Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), với việc hoàn thành xây dựng một số nông trường quốc doanh do Liên Xô giúp trang bị và xây dựng một số cơ sở công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu nhiều mặt hàng mới sang thị trường Liên Xô. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định và trong những năm 1961 -1964, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng 2,8 lần so với năm năm 1956 – 1960 , trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 2,4 lần và đã bảo đảm được gần 70% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Liên Xô [25,tr.54].
Quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Liên Xô không phải đơn thuần là quan hệ buôn bán thông thường mà chủ yếu là quan hệ hợp tác,
giúp đỡ lẫn nhau, dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế XHCN. Trên tinh thần đó, Liên Xô không những giúp đỡ Việt Nam những vấn đề liên quan đến hoạt động ngoại thương mà còn dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi như Liên Xô đã giữ nguyên trong một thời gian dài giá hàng xuất nhập khẩu hình thành từ năm 1957, trong khi đó giá cả trên thị trường thế giới cũng như giá trao đổi giữa các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế đã tăng lên nhiều lần. Sự giúp đỡ của Liên Xô trong lĩnh vực kinh tế đã tạo điều kiện giúp Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh và có tiềm lực kinh tế để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đồng thời, Liên Xô cũng đã thiết lập được một thị trường buôn bán với các nước XHCN ở Đông Nam Á, nâng dần vị trí ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực.