1954 -1975
2.2.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực chính trị ngoạ
Thời kỳ đầu sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, quan điểm của ĐCSVN là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh đòi Mỹ - Ngụy thực hiện những điều khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ để từng bước hiệp
thương thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình. Quan điểm này của ĐCSVNphù hợp với chủ trương của Liên Xô lúc bấy giờ. Cho nên, chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của đoàn đại biểu Chính phủ nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu từ ngày 12 – 18/7/1955 đã thu được những kết quả tốt đẹp. Liên Xô đã giúp Việt Nam 400 triệu rúp không hoàn lại, đồng thời Hiệp định Thương mại Việt – Xô được ký kết [26, tr.134].Với việc ký kết hàng loạt các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Liên Xô đầu tiên của Đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH đã đánh dấu điểm khởi đầu cho hợp tác toàn diện giữa hai nước.Cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Liên Xô.
Sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này còn được thể hiện ở chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô đầu tiên vào tháng 4/1956 do Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ông Micôian dẫn đầu và Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô Vôrôsilôp dẫn đầu vào tháng 5/1957. Đây là sự cổ vũ lớn đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước và đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Trước tình hình, Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tháng 3/ 1956, Diệm tổ chức bầu “Quốc hội riêng” và cho công bố “Hiến pháp Việt Nam cộng hòa” nhằm biến miền Nam thành quốc gia riêng, trái với tinh thần Hiệp định Giơnevơ. Liên Xô cũng đã thúc đẩy việc thi hành các điều khoản Hiệp định Giơnevơ về tập kết, chuyển quân, giải phóng miền Bắc, viện trợ cho miền Bắc Việt Nam khôi phục kinh tế. Song vì lo ngại tình hình căng thẳng đang ngày càng tăng ở miền Nam Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến chính sách hòa hoãn của mình, Liên Xô đã phản ứng một cách dè dặt trước những hành động phá hoại Hiệp định của Mỹ - Diệm. Để xoa dịu tình hình, thậm chí
Liên Xô đã đưa ra đề nghị kết nạp cả miền Namvà miền Bắc Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc như hai quốc gia riêng biệt vào năm 1957.
Ngày 2/8/1964, Mỹ dựng lên cái gọi là sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.Ngày 5/8/1964, Mỹ tiến hành ném bom, bắn phá lãnh thổ miền Bắc với quy mô rộng.Tuy nhiên, Liên Xô đã có những phản ứng rất thận trọng. Ngày 5/8/1964, hãng Thông tấn Liên Xô (TACC) ra tuyên bố có đoạn: “Các giới có thẩm quyền ở Liên Xô kiên quyết lên án những hành động xâm lược của Mỹ ở vịnh Bắc Bộ làm cho tình hình vốn đã căng thẳng ở Đông Nam Á trở nên cực kỳ nguy hiểm. Những hành động như vậy, những hành động thiếu thận trọng tiếp theo hay là những sự khiêu khích ở khu vực này có thể gây ra những sự kiện có khả năng biến những việc đáng tiếc đã xảy ra thành cuộc xung đột quân sự lớn với mọi hậu quả nguy hiểm của nó. Rõ ràng là Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả như vậy” [27,tr.90]. Ngày 18/9/1964, hãng Thông tấn Liên Xô ra tuyên bố tiếp và nhấn mạnh: “Các giới có thẩm quyền ở Liên Xô kiên quyết lên án những hành động khiêu khích này và một lần nữa cảnh cáo rằng, sự can thiệp của Mỹ vào công việc của nhân dân Việt Nam có thể đưa đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm, Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả đó” [27, tr.92- 93]. Ngày 27/11/1964, Tuyên bố của hãng Thông tấn xã Liên Xô cũng chỉ lên án hành động của Mỹ và cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra: “Liên Xô kiên quyết lên án những hành động xâm lược tiến hành bằng máy bay của Mỹ trên lãnh thổ nước VNDCCH, và đòi chấm dứt mọi hoạt động khiêu khích tương tự chống lại nước này…
Những kẻ đang nuôi dưỡng mưu đồ phiêu lưu ở bán đảo Đông Dương cần phải biết rằng, Liên Xô sẽ không thể làm ngơ trước vận mệnh của một nước xã hội chủ nghĩa anh em, và Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ nước anh em đó mọi sự cần thiết” [27, tr.95]. Như vậy, trong những tuyên bố đó đã không nói
rõ Liên Xô giúp Việt Nam tự vệ.Hơn nữa, đứng về mặt nhà nước, Liên Xô đã không đưa ra tuyên bố, mà chỉ có hãng Thông tấn ra tuyên bố.
Cũng do mối quan hệ chính trị không được bằng phẳng, năm 1964, tất cả học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học các ngành khoa học xã hội ở Liên Xô phải về nước.
Về phần mình, Việt Nam luôn luôn quý trọng những gì Đảng cộng sản và nhân dân Liên Xô dành cho trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời không ngừng phấn đấu để bảo vệ Đảng cộng sản Liên Xô, bảo vệ Liên Xô, bảo vệ tình hữu nghị giữa hai nước để tranh thủ mức tối đa sự hợp tác có hiệu quả giữa hai bên. Mặt khác, Việt Nam cương quyết đấu tranh về quan điểm của ban lãnh đạo Khơrutsốp, chống lại chủ nghĩa xét lại hiện đại, cố gắng hàn gắn mâu thuẫn giữa các nước XHCN và trong phong trào cộng sản và chủ nghĩa quốc tế, tuyệt đối không bị lôi kéo vào quỹ đạo Xô – Mỹ, Xô – Trung.
Xuất phát từ mục đích trên, trong giai đoạn 1954 – 1964, có 10 đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang thăm và làm việc với Liên Xô và hàng loạt những hoạt động quốc tế khác. Đặt biệt là những hoạt động sau:
Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô.Trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi, hai bên thảo luận một loạt vấn đề nhằm củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực. Một số vấn đề quan trọng được hai chính phủ nhấn mạnh trong các cuộc hội đàm là việc thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức hiệp thương giữa hai miền Nam – Bắc theo đúng quy định. Những nội dung được đưa ra thảo luận giữa hai chính phủ trong các cuộc hội đàm mang lại ý nghĩa thiết thực cho cả hai bên vì lợi ích hòa bình trên thế giới. Đánh giá ý nghĩa của chuyến đi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự tin tưởng vững chắc rằng: “Từ nay quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô sẽ mở rộng hơn nữa, tình hữu nghị không gì lay chuyển giữa nhân dân hai nước sẽ ngày càng bền chặt”[6, tr.16].
Nhân dịp Đại hội lần thứ XX của Đảng cộng sản Liên Xô tháng 2/1956, đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh dẫn đầu đã sang thăm Liên Xô dự đại hội. Tại đại hội, đoàn đại biểu Việt Nam đã tỏ lòng biết ơn sự ủng hộ và giúp đỡ chân thành của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam trong việc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Năm 1957, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng Mười, đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang thăm Liên Xô từ ngày 31/10 đến 7/12/1957 càng cổ vũ sự gắn bó mối quan hệ Liên Xô – Việt Nam. Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời phát biểu chúc mừng và ca ngợi chặng đường 40 năm mà nhân dân Liên Xô đã trải qua dưới sự lãnh đạo của ĐCSLX. Người cũng nhấn mạnh rằng: “Nhìn lại con đường 40 năm mà nhân dân Liên Xô đã đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, theo con đường của Lênin vĩ đại, chúng tôi rất lấy làm sung sướng cho người bạn của mình. Những thành công của Liên Xô đã làm cho chúng tôi càng tin tưởng con đường mình đã chọn là rất đúng đắn, chủ nghĩa Mác Lênin là ngọn đèn soi sáng cho dân tộc chúng tôi tiến tới tương lai tươi đẹp. Dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác Lênin, đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước XHCN, nhân dân Việt Nam tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của mình, quyết tâm đi tới một tương lai hạnh phúc, đi tới chủ nghĩa xã hội”[27,tr.37 - 38).Trong thời gian ở Matxcơva, đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Chuyến đi dài ngày này của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang Matxcơva còn có ý nghĩa to lớn là góp phần tăng cường đoàn kết giữa các nước XHCN với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Với mục đích thúc đẩy sự hợp tác trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, tháng 6/1961, đoàn đại biểu Chính phủ nước VNDCCH hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã sang thăm hữu nghị Liên Xô và một số nước XHCN khác. Trong quá trình hội đàm “Chính phủ nước VNDCCH nhiệt liệt hoan nghênh và triệt để ủng hộ những cố gắng không mệt mỏi và những sáng kiến liên tiếp của Liên Xô nhằm duy trì hòa bình, thực hiện chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau” [27, tr.72- 73]. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ lòng biết ơn sâu sắc của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô, ĐCSLX và Chính phủ Liên Xô. Cuộc hội đàm giữa hai bên là một sự đóng góp mới và to lớn vào sự nghiệp củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô, vào sự nghiệp giữ gìn và củng cố hòa bình trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ Xô – Trung ngày càng xấu đi, nghị quyết lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III(12/1963) về những nhiệm vụ quốc tế và cách mạng trong nước đã không phù hợp với lợi ích hòa hoãn của Liên Xô và Liên Xô đã có những phản ứng không tích cực. Để Liên Xô nhận thức một cách đầy đủ hơn quan điểm của Việt Nam, để quan hệ giữa hai nước không bị sứt mẻ, cuối tháng 1/1964, đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu đã sang thăm Matxcơva. Trong quá trình những cuộc gặp gỡ đó đã có cuộc trao đổi ý kiến giữa hai Đảng về những vấn đề mà hai bên chưa nhất trí. Hai bên cũng đã nhấn mạnh rằng, trên cơ sở của các tuyên bố Matxcơva năm 1957 và 1960, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí giữa hai nước, hai Đảng tiếp tục thống nhất hành động và thúc đẩy sự đoàn kết các nước XHCN, phong trào cộng sản, ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Có thể nói, quan hệ Việt – Xô trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao từ năm 1954 đến năm 1964 đã không được bằng phẳng. Nguyên nhân là do đường lối cách mạng Việt Nam đã không đáp ứng được những đòi hỏi mà chính sách hòa hoãn của Liên Xô dưới thời của Bí thư thứ nhất Khơrutsốp yêu cầu. Vì vậy nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác.