Rèn kỹ năng làm văn NLXH cho học sinh THPT qua hoạt động

Một phần của tài liệu Rèn luyện kỹ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh trung học phổ thông (Trang 111 - 116)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.5. Rèn kỹ năng làm văn NLXH cho học sinh THPT qua hoạt động

ngoài giờ lên lớp

2.2.5.1. Đặc điểm, vai trò của hoạt động ngoài giờ lên lớp trong hoạt động dạy học ở trường THPT

Một trong những mục đích quan trọng của hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay là hình thành, trang bị cho học sinh những kỹ năng sống thiết yếu. Kỹ năng sống có thể hiểu là những hiểu biết, năng lực tự ứng phó, xử lý, giải quyết… của người học trước những tình huống, những vấn đề xảy ra trong đời sống như: khả năng giao tiếp trước đám đông, khả năng phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, khả năng đối diện, ứng phó với hiểm họa thiên tai… Trang bị kỹ năng sống cho học sinh ở trường phổ thông hiện nay, chủ yếu được tích hợp trong quá trình dạy học các môn học, các phân môn học đồng thời được tổ chức trong các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, trong hoạt động ngoại khóa…

Trước hết, hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL) trong trường THPT là một hình thức sinh hoạt giáo dục. Trong phân phối chương trình dạy học ở trường THPT, có các tiết học dành cho hoạt động này - đây một hình thức của hoạt động ngoại khóa, tổng số tiết dành cho các khối lớp ở trường THPT là 18 tiết, hoạt động này được thực hiện trong suốt năm học (được tổ chức một lần/tháng). Đây là hình thức sinh hoạt tập thể, kết hợp sinh hoạt vui chơi với giáo dục (được tổ chức theo đơn vị lớp học hoặc tổ chức toàn trường, liên trường).

Thứ đến, HĐNGLL có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động dạy học trong nhà trường, nó nhằm củng cố, mở rộng, khắc sâu kiến thức và kỹ năng các môn học, các phân môn học; mở rộng và nâng cao hiểu biết cho học sinh về các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phong phú hơn vốn tri thức kinh nghiệm hoạt động tập thể của học sinh; HĐNGLL cũng nhằm giúp học sinh có những hiểu biết và thái độ đúng đắn về các giá trị văn hóa, xã hội của dân tộc và nhân loại; đây cũng đồng thời là hoạt động nhằm trang bị, nâng cao kỹ năng sống cho người học. Có thể thấy, hoạt động ngoài giờ lên lớp là hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh.

2.2.5.2. Đề xuất rèn luyện kỹ năng làm văn NLXH cho học sinh thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp

Xuất phát từ đặc trưng của HĐNGLL ở trường THPT là kết hợp sinh hoạt vui chơi với hoạt động giáo dục, cho nên việc tổ chức ngoại khóa về văn NLXH đòi hỏi khá cao sự đầu tư, sáng tạo, công phu của giáo viên Ngữ văn.

Buổi ngoại khóa văn NLXH nên tổ chức trong phạm vi toàn trường với sự tham gia của học sinh khối 10, 11, 12. Thời điểm tổ chức có thể gắn với một ngày kỷ niệm trong năm học như ngày 20 tháng 10, ngày 26 tháng 3… hoặc tiến hành vào một tuần học bất kỳ trong tháng. Thời gian buổi ngoại khóa diễn ra trong thời lượng 135 phút (khoảng 3 tiết học theo quy định). Việc thiết kế nội dung và điều hành tổ chức nên có sự kết hợp giữa giáo viên tổ Ngữ văn với giáo viên bộ môn Giáo dục chính trị và Đoàn trường. Để phát huy hiệu quả cho buổi ngoại khóa, cần có sự ứng dụng, hỗ trợ của công nghệ thông tin như phần mềm thiết kế bài học, thiết kế trò chơi Powerpoint hoặc violet…, đồng thời, cần đa dạng các hình thức hoạt động. Buổi ngoại khóa văn NLXH có thể thiết kế thành một gameshow với nhiều hình thức hoạt động. Ở đây, chúng tôi đề xuất các hoạt động cụ thể trong một buổi HĐNGLL về văn NLXH:

Hoạt động 1. Trình diễn tiểu phẩm

Hoạt động này nên tiến hành trước tiên. Nội dung tiểu phẩm là những vấn đề có trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều vấn đề có thể đưa lên sân khấu tuy nhiên, giáo viên nên hướng tới các vấn đề liên quan đến học đường, giao thông, môi trường… để tăng hiệu quả giáo dục cho học sinh. Tiểu phẩm sân khấu sẽ do chính các em thiết kế, trình diễn (giáo viên nên định hướng, tư vấn), trong thời lượng buổi ngoại khóa, nên tiến hành trình diễn từ một đến hai tiểu phẩm (mỗi tiểu phẩm khoảng từ 10 đến 15 phút). Việc diễn tiểu phẩm có nhiều tác dụng: tạo sự hào hứng cho buổi ngoại khóa; tạo cơ hội để các em

học sinh bộc lộ và phát huy năng khiếu nghệ thuật; tác động trực tiếp tới người xem bằng hình thức sân khấu.

Sau khi kết thúc tiểu phẩm, giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến tiểu phẩm để học sinh tham gia trả lời. Các câu hỏi có thể xoay quanh vấn đề xã hội mà tiểu phẩm nhắc tới, câu hỏi có thể yêu cầu người xem đưa ra cách xử lý của bản thân khi gặp tình huống như thế trong cuộc sống, bài học rút ra cho bản thân sau khi xem xong tiểu phẩm… Ngoài việc để các em tranh luận, giáo viên sẽ phân tích, việc phân tích tình huống xã hội sẽ có tác dụng giúp các em học sinh học tập được cách nhận diện, phân tích và đánh giá vấn đề xã hội một cách đa chiều, thấu đáo.

Hoạt động 2. Phát hiện tình huống

Đây là hoạt động khá thú vị trong buổi ngoại khóa, đồng thời có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Để tiến hành, chúng ta chiếu một số videoclip quay các tình huống có thật trong đời sống, các videoclip này bị ngắt quãng khi đến điểm bất ngờ của tình huống. Nhiệm vụ của người xem phải phát hiện ra vấn đề xã hội được nói tới trong videoclip, đồng thời phán đoán điều gì sẽ xảy ra, sẽ kết thúc tình huống. Hình thức hoạt động này sẽ giúp các em thể hiện khả năng phân tích, tổng hợp, phán đoán vấn đề. Để làm được điều đó, học sinh ngoài sự nhạy bén, linh hoạt của tư duy, phải có vốn hiểu biết xã hội cùng kiến thức liên quan đến sân khấu, điện ảnh. Học sinh sau khi phát hiện, sẽ tiến hành lý giải tình huống, đồng thời chúng ta sẽ chiếu phần kết thúc videoclip. Kết thúc hoạt động, chúng ta nên khái quát những thông điệp có trong các videoclip đã trình chiếu.

Hoạt động 3. Giải đáp kiến thức

Đây là hoạt động trọng tâm trong buổi ngoại khóa, tuy nhiên giáo viên không nên biến buổi ngoại khóa thành buổi kiểm tra kiến thức học sinh về văn NLXH. Việc giải đáp kiến thức sẽ được tiến hành qua hình thức rút thăm

trả lời câu hỏi. Các câu hỏi có liên quan đến nội dung kiến thức và kỹ năng làm văn NLXH, nhưng được chọn lọc và khái quát. Giải đáp kiến thức sẽ giúp các em thể hiện khả năng hiểu biết về văn NLXH, đồng thời rèn cho các em kỹ năng trình bày vấn đề, lý giải vấn đề trước đám đông, để thuyết phục người nghe. Các câu hỏi nên ngắn, mỗi câu hỏi giải quyết một vấn đề trong văn NLXH ví dụ như: em hãy cho biết đối tượng bàn luận của văn NLXH trong nhà trường? khi nào trong bài làm văn NLXH phải tiến hành bước giải thích? dẫn chứng trong văn NLXH có quan trọng không, vì sao? làm cách nào để xác định được vấn đề nghị luận trong đề văn NLXH?... Sau mỗi câu hỏi, chúng ta để học sinh trả lời, thậm chí có những câu hỏi có nhiều cách trả lời của các em, giáo viên chỉ là người đưa ra định hướng câu trả lời sau cùng. Hình thức hoạt động này sẽ giúp cho học sinh mở rộng, ghi nhớ, khắc sâu những kiến thức, kỹ năng liên quan đến văn NLXH.

Hoạt động 4. Tranh luận vấn đề

Hoạt động này, chúng ta nên đưa sau cùng. Để tiến hành hoạt động, chúng ta đưa ra một vài tình huống xã hội để các em theo dõi. Tình huống có thể là một hình ảnh, một câu nói, một hành động, một sự kiện… có thật và đã xảy ra trong đời sống xã hội ví dụ: hình ảnh người dân tranh cướp “hôi bia” khi chiếc xe chở bia bị lật ở thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai; hình ảnh có thể là cảnh bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi vứt xác bệnh nhân xuống sông sau khi đã làm chết người…

Sau khi đưa ra các tình huống, chúng ta để các em đánh giá, bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Có thể trong quá trình tranh luận, các em sẽ đưa ra các ý kiến trái chiều hoặc không đồng tình trước vấn đề xã hội. Qua hình thức hoạt động này, chúng ta sẽ đánh thức được thái độ quan tâm của các em đến các vấn đề xã hội, đồng thời, đánh thức ở các em những thay đổi trong nhận thức của bản thân cùng năng lực bày tỏ quan điểm, khả năng lập luận để tranh luận

và thuyết phục người khác, thông qua hoạt động này giáo viên cũng hướng tới việc giáo dục nhân cách, hướng tới sự tiến bộ, tích cực trong tư tưởng của các em.

Trên đây chỉ là những gợi mở cho HĐNGLL về nội dung văn NLXH (ngoại khóa văn NLXH) mà chúng tôi đã thực hiện trong quá trình dạy học văn NLXH ở trường THPT. Vẫn còn nhiều điều đáng bàn về tính hiệu quả, tuy nhiên, theo chúng tôi, việc tổ chức HĐNGLL có tác dụng rèn luyện rất tốt kỹ năng làm văn NLXH cho các em, đồng thời kéo các em trở lại với văn NLXH - một lĩnh vực mà thực sự nhiều em còn hạn chế và không hứng thú. Chương 3 THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

Một phần của tài liệu Rèn luyện kỹ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh trung học phổ thông (Trang 111 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w