7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng làm văn NLXH cho học sinh
THPT
2.2.1. Rèn kỹ năng làm văn NLXH qua việc mở rộng hiểu biết của học sinh về các vấn đề chính trị - xã hội
2.2.1.1. Vai trò của kiến thức xã hội trong bài làm văn NLXH
Lâu nay, trong dạy học phân môn Làm văn ở trường THPT, nhiều học sinh thường chỉ “chú trọng” tới văn NLVH, mà chưa nhận thức được vai trò, tác dụng quan trọng của văn NLXH. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng học sinh THPT ngại học và ngại làm văn NLXH là sự hiểu biết của các em về kiến thức xã hội khá hạn hẹp, hơn nữa, văn NLXH chủ yếu hướng tới bàn luận những vấn đề, những hiện tượng có trong đời sống xã hội, liên quan đến xã hội, mà bản thân xã hội là một hợp thể phong phú, đa dạng các vấn đề về pháp luật, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lịch sử, địa lý… Trong thực tế, để làm tốt bài văn NLXH, học sinh không những phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng làm văn, mà còn cần phải có sự hiểu biết xã hội để nhận diện, lý giải, đánh giá, bàn luận được các vấn đề, các hiện tượng của đời sống.
Kiến thức xã hội rất quan trọng đối với người làm văn NLXH. Kiến thức xã hội giúp người viết có những hiểu biết, trải nghiệm về nhiều khía cạnh, lĩnh vực của cuộc sống như kinh tế, chính trị, văn hóa… từ đó, giúp cho việc cắt nghĩa, lý giải, bàn luận, bày tỏ ý kiến, quan điểm… của người viết trước đối tượng xã hội bàn luận một cách thấu đáo, khách quan, sâu sắc. Đồng thời, hiểu biết kiến thức xã hội sẽ trang bị cho người viết phương pháp tư duy khoa học, đúng đắn khi xem xét, đánh giá vấn đề nghị luận. Hiểu biết kiến thức xã hội cũng giúp người viết biết chủ động phán đoán, nhận diện được bản chất vấn đề xã hội bàn luận; biết tự mình hình thành, triển khai bài viết;
biết chọn lựa những dẫn chứng chân thực, sâu sắc, đắt giá… để lý giải vấn đề nghị luận, tạo sức hấp dẫn và thuyết phục cho bài văn NLXH…
Vì thế, trong dạy học Làm văn NLXH, người dạy phải biết trang bị, định hướng cho người học cách tích lũy, học hỏi, mở rộng những kiến thức về đời sống xã hội.
2.2.1.2. Các hình thức mở rộng hiểu biết kiến thức xã hội cho học sinh THPT
Trong thực tế dạy học làm văn NLXH, giáo viên có nhiều hình thức và cách thức để mở rộng sự hiểu biết kiến thức xã hội cho học sinh. Giáo viên có thể định hướng các em cách khai thác, nắm bắt thông tin chính trị, xã hội qua hệ thống Internet. Ngày nay, nguồn khai thác, cung cấp thông tin trên mạng Internet khá đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên người học phải có kỹ năng đọc, khai thác, thu nhận những thông tin cần thiết phục vụ cho bài làm văn NLXH. Chính vì thế, giáo viên cần giới thiệu cho các em một số địa chỉ trang wep có uy tín trên mạng để các em truy cập tìm kiếm các thông tin xã hội, ví dụ trang Văn hóa và giáo dục, trang Tạp chí
Văn học và Tuổi trẻ, trang Việtnamnet... Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần hướng dẫn cho các em cách ghi chép các thông tin, sự kiện, nhân vật, hoạt động… tiêu biểu, nổi bật trong đời sống chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Các thông tin cần được ghi chép cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ như tên tác giả, thời gian diễn ra sự kiện, nội dung cụ thể của sự kiện, tên địa phương hoặc tên quốc gia... Đối với các sự kiện hoặc hoạt động xã hội, người học cần biết tóm lược thông tin trong quá trình ghi chép, thậm chí, người học có thể ghi lại suy nghĩ hoặc cảm xúc, ý kiến, quan điểm của mình ngay bên cạnh các thông tin đó.
Việc đọc, ghi chép các thông tin xã hội trên mạng rất cần sự khoa học, lôgic, vì thế khi ghi chép thông tin, người học nên phân loại các
thông tin theo từng mục hoặc theo từng nội dung, ví dụ sắp riêng các thông tin, sự kiện, số liệu… về giao thông, giáo dục, nhân vật nổi tiếng, sự kiện tiêu biểu, các câu nói nổi tiếng, các danh ngôn…. Trong quá trình khai thác thông tin trên mạng, người học cũng cần tra cứu, đối chiếu thông tin một cách chính xác, trung thực, khách quan. Do đó, trước các thông tin đa dạng, nhiều nguồn như trên mạng Internet người học cần hết sức thận trọng. Việc khai thác, ghi chép các thông tin có tác dụng rất lớn đối với học sinh trong quá trình làm văn NLXH, nó giúp các em có thể mở rộng, bổ sung những kiến thức và hiểu biết về đời sống xã hội, văn hóa… đồng thời các em có thể sử dụng những kiến thức đó làm dẫn chứng cho lập luận bài viết. Có thể thấy, đây là cách làm rất hiệu quả để giáo viên mở rộng vốn hiểu biết của các em về đời sống, chính trị, xã hội. Đồng thời, nó cũng hình thành cho các em thói quen và kỹ năng đọc để tự học.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả việc khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet và để “an toàn” hơn với học sinh, tránh cho các em đọc, khai thác các thông tin “nhạy cảm”, “tiêu cực”, giáo viên nên lập trang wep riêng (có thể là face book cá nhân hoặc blog cá nhân). Đây sẽ là nơi giáo viên lựa chọn các thông tin xã hội cần thiết, cập nhật để đưa lên, đồng thời đây cũng là diễn đàn giáo viên đưa ra các hiện tượng xã hội để trao đổi với chính các học sinh của lớp hoặc trong trường mình dạy. Từ quá trình trao đổi, bình luận, giáo viên có thể gần gũi với các em hơn, thậm chí giáo viên có thể nắm bắt để hiểu, chia sẻ, đồng cảm với quan điểm hay tâm tư, cảm xúc, suy nghĩ của chính các em. Giáo viên có thể uốn nắn, điều chỉnh những suy nghĩ và thái độ, hành vi chưa tích cực hoặc còn phiến diện cho các em. Từ các vấn đề, các sự kiện, các hiện tượng xã hội đưa ra, giáo viên có thể dẫn dắt các em vào mục đích rèn
luyện kỹ năng trong làm văn NLXH (có thể rèn cho các em khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt trước vấn đề nghị luận; có thể rèn cho các em kỹ năng lập luận để bày tỏ quan điểm cá nhân; có thể hình thành cho các em cách khai thác, dẫn dắt, đưa dẫn chứng vào bài làm văn NLXH…). Giáo viên cần lưu ý: khi đưa các sự kiện, các vấn đề chính trị xã hội để trao đổi, bàn luận với các em cần đa dạng thông tin, tuy nhiên nên thận trọng trước các vấn đề “nhạy cảm” hoặc “tiêu cực” thiếu tác dụng giáo dục; các thông tin xã hội nên có sự định hướng vào mục đích học tập; đồng thời sau khi các em bàn luận hoặc đưa ra suy nghĩ của bản thân trước vấn đề bàn luận, giáo viên nên tôn trọng ý kiến hoặc quan điểm riêng của các em, cần tránh áp đặt suy nghĩ hoặc quan điểm chủ quan của mình với các em; giáo viên cũng nên khuyến khích, động viên các em nhìn nhận đánh giá vấn đề, hiện tượng xã hội theo nhiều góc độ, nhiều chiều khác nhau, để vấn đề được soi rọi, được khai thác đa dạng, phong phú hơn. Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là cách mở rộng hiểu biết cho học sinh về đời sống xã hội nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Để mở rộng hiểu biết chính trị - xã hội cho học sinh, giáo viên cũng có thể khuyến khích các em theo dõi tin tức hàng ngày trên truyền hình qua các bản tin sáng, trưa của Đài truyền hình Việt Nam hoặc các trang thông tin truyền hình các địa phương trong nước, đặc biệt học sinh nên theo dõi để nắm bắt cập nhật các thông tin sự kiện của địa phương mình sống. Khi xem truyền hình, giáo viên cũng hướng dẫn cho các em cách ghi nhớ hoặc ghi chép các thông tin. Đối với học sinh lớp mình dạy, giáo viên có thể thu thập hoặc kiểm tra thông tin các em khai thác hàng tuần, bằng cách hướng dẫn và thu lại các phiếu tóm lược của học sinh về các thông tin hay sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội như văn hóa, xã hội, thể thao, giáo dục, giao thông, y tế... Trên cơ sở các phiếu tài liệu thu
được, giáo viên có thể hướng dẫn các em đánh dấu các vấn đề, các sự kiện, các thông tin xã hội tiêu biểu quan trọng giúp ích cho bài làm văn NLXH.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể mở rộng sự hiểu biết về đời sống chính trị - xã hội cho học sinh bằng cách định hướng các em đọc sách, báo. Đọc cũng là một kênh thu nhận kiến thức xã hội về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau khá hữu hiệu. Việc đọc không chỉ giúp các em cập nhật, thu nhận thông tin, kiến thức… mà còn giúp các em học hỏi, nâng cao kĩ năng viết văn, kỹ năng lập luận; đọc sách còn giúp các em tự bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách cho bản thân. Giáo viên nên định hướng, giới thiệu cho các em tìm đọc các cuốn sách có ý nghĩa giáo dục về quan hệ ứng xử trong cuộc sống, các bài học về đạo đức, lẽ sống, các tấm
gương về học vấn và thành công trong sự nghiệp… như: Quà tặng cuộc
sống, Những vòng tay âu yếm, Dám thành công, Những hạt giống tâm
hồn… Các em có thể đọc các tạp chí như Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, báo
Giáo dục và Thời đại, báo Văn nghệ… Khi đọc sách, báo, giáo viên cũng cần hướng cho các em cách ghi chép, phân loại tài liệu, kiến thức thu nhận được.
Ngoài các hình thức trên, chúng ta cũng có thể mở rộng hiểu biết về đời sống xã hội, hiểu biết về các lĩnh vực khoa học… cho học sinh thông qua các bản tin trên báo bảng của nhà trường. Trong hoạt động giáo dục ở trường phổ thông, báo bảng được sử dụng như là một bảng thông tin hoạt động của nhà trường. Để phát huy hiệu quả của báo bảng trong việc mở rộng hiểu biết, mở rộng kiến thức cho học sinh, giáo viên nên thường xuyên cập các thông tin nổi bật trong đời sống xã hội cho bản tin của báo bảng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Các thông tin cần đa dạng về nhiều lĩnh vực như khoa học, môi trường, y tế, giáo dục, thể thao… để thu hút sự quan tâm của các em, vì thế
thông tin đưa lên báo bảng cần ngắn gọn, cô đọng nhưng phải cụ thể có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, để tăng sức thuyết phục, hấp dẫn cho báo bảng, giáo viên cần đưa các hình ảnh bên cạnh các sự kiện, tin tức. Ngoài các bản tin, giáo viên cũng có thể đăng tải các bài viết, bài bình luận về các vấn đề xã hội của các nhà báo, các cây bút có chuyên môn, có uy tín để học sinh đọc tham khảo. Giáo viên cũng có thể giới thiệu trên báo bảng những đề văn NLXH hay cùng những định hướng triển khai bài văn…
2.2.2. Rèn kỹ năng làm văn NLXH qua việc ra đề văn
2.2.2.1. Tầm quan trọng của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá trong hoạt động dạy học ở trường THPT.
Quá trình dạy học trong nhà trường được xem là một chu trình khép kín với nhiều khâu, nhiều hoạt động, mà điểm xuất phát là mục tiêu dạy học và điểm kết thúc là kiểm tra, đánh giá:
Mục tiêu → nội dung → phương pháp → phương tiện → hình thức tổ chức dạy học → đánh giá → mục tiêu...
Trong dạy học, kiểm tra đánh giá nằm ở khâu cuối, nhưng lại là điểm bắt đầu cho quá trình dạy học tiếp theo, đồng thời đây là khâu quan trọng có tính quyết định. Kiểm tra, đánh giá là: “Quá trình thu thập và xử lý kịp thời, có hệ thống những thông tin về thực trạng, nguyên nhân của chất lượng và hiệu quả giáo dục căn cứ trên mục tiêu giáo dục, nhằm làm cơ sở cho những chủ trương, biện pháp, hành động (quyết định) tiếp theo về giáo dục” [22; 8]. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học cũng là khâu khá phức tạp, bởi vừa phải mang tính khách quan, phân loại, vừa có tính định hướng tích cực cho hoạt động học tập của học sinh, đồng thời có những tác động tới việc điều chỉnh hoạt động dạy học trong nhà trường… Do đó, trong dạy học, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện một cách căn bản, đồng bộ, toàn diện cùng với các hoạt động khác.
Trong đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới việc ra đề kiểm tra, đề thi được xem là quan trọng nhất. Bản thân đề kiểm tra, đề thi phải thực hiện nhiều chức năng như : đánh giá được năng lực học tập của người học (chủ yếu thông qua điểm số các bài kiểm tra), đồng thời thực hiện chức năng thông tin phản hồi, chức năng điều chỉnh thay đổi cho hoạt động dạy học. Đối với học sinh, kết quả kiểm tra, đánh giá (thông qua đề kiểm tra, đề thi ở các bài kiểm tra) là cơ sở và thước đo để nhận diện sự tiến bộ trong học tập của các em, đồng thời, giúp các em tự điều chỉnh quá trình học tập. Đối với giáo viên, kết quả đánh giá học sinh (chủ yếu thông qua các bài kiểm tra) giúp họ nhìn nhận lại hiệu quả, chất lượng của quá trình dạy học, từ đó làm cơ sở cho việc điều chỉnh, thay đổi hoạt động dạy học cho phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn.
Trong hoạt động dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông, phân môn Làm văn giữ vai trò quan trọng đối với việc đánh giá năng lực của học sinh. Bài làm văn được xem là quá trình tích hợp kiến thức và kỹ năng Ngữ văn của người học (kiến thức và kỹ năng Đọc hiểu, kiến thức và kỹ năng Tiếng Việt). Hiện nay, kênh đánh giá chủ yếu với người học là qua các bài kiểm tra Làm văn (thường xuyên và định kỳ). Vì thế, đổi mới ra đề văn có vai trò quan trọng và quyết định tới quá trình dạy học văn ở trường phổ thông. Đề văn không chỉ kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng làm văn của người học; phân hóa và phát triển khả năng tư duy của học sinh, đồng thời đề văn phải kích thích, nuôi dưỡng, phát huy sự hào hứng và niềm say mê học văn ở chính các em. Đề văn cũng đồng thời gắn với việc hình thành và rèn luyện những kỹ năng làm văn thiết yếu cho người học.
2.2.2.2. Những đề xuất rèn luyện kỹ năng làm văn NLXH cho học sinh THPT thông qua việc ra đề văn
Trên tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn và phân môn Làm văn (trong đó có nội dung văn NLXH) ở trường THPT, việc ra đề kiểm tra, đề thi phải gắn với ma trận đề, tuy nhiên, việc sử dụng ma trận đề khi ra đề văn NLXH cần lưu ý những yêu cầu thiết yếu sau:
Thứ nhất: Trước khi ra đề kiểm tra, đề thi văn NLXH, người ra đề cần xác định cụ thể mục đích, yêu cầu kiểm tra. Trong quá trình dạy học Ngữ văn ở trường THPT, kế hoạch kiểm tra thường xuyên và định kỳ (thể hiện thông qua các bài kiểm tra trên lớp và ở nhà) được tiến hành theo phân phối chương trình và sách giáo khoa. Do đó, việc xác định mục đích, yêu cầu kiểm tra trước khi ra đề rất cần thiết và quan trọng đối với giáo viên. Việc ra đề phải luôn gắn với đối tượng học sinh trong từng khối lớp và trong các giai đoạn học tập khác nhau, thậm chí phải gắn với đặc điểm nhận thức của học sinh từng vùng, miền, khu vực học tập. Gắn việc ra đề với mục đích, yêu cầu kiểm tra sẽ giúp người dạy kiểm tra và đánh giá một cách khách quan, tương đối chính xác sự thay đổi trong nhận thức học tập của học sinh, từ đó sẽ giúp người dạy điều chỉnh, bổ sung, thay đổi phương pháp dạy học phù hợp để đạt hiệu quả giáo dục, đồng thời cũng giúp người học tự điều chỉnh quá trình học